Monday, August 18, 2008

Thiện Nhân và những câu chuyện được viết tiếp

Thứ Bảy, 2/8/2008, 1:33 (GMT+7)
Thiện Nhân và những câu chuyện được viết tiếp
  • 341 lượt xem
  • Đánh giá:0

(TT&VH Cuối tuần)

- Câu chuyện về cháu bé bị mẹ đẻ vứt bỏ trong vườn ngay sau khi chào đời đã ám ảnh biết bao người. Khi cháu được đưa vào viện cấp cứu, các bác sĩ bảo cháu khó lòng qua khỏi vì toàn thân đã tím tái bị kiến bu đầy, mất một chân và bộ phận sinh dục vào năm 2006 đã khiến nhiều người rưng rưng nước mắt. Cảm động hơn, có thông tin về một cặp vợ chồng trí thức trẻ Hà Nội đã đón cháu về nuôi. Và nhiều câu chuyện cảm động khác về Thiện Nhân - tên cậu bé, đã được viết tiếp.

Câu chuyện về một chiếc dép

Tháng 7, đúng dịp Nhân tròn 2 tuổi, tôi không ngờ được gặp Nhân tại nhà bà ngoại nuôi. Bà ngoại nuôi của Nhân là nhà thơ Bùi Kim Anh. Trong chuyến đi chơi Tam Đảo cùng đoàn nhà văn HN, khi đang ngồi chơi trên nền của một ngôi biệt thự Pháp xưa bị bỏ hoang, bà kể cho tôi chuyện về Thiện Nhân. Tôi ngạc nhiên hỏi "Hóa ra, cô là mẹ ruột của chị Mai Anh à?" Bà nói, "ừ, Thiện Nhân là cháu ngoại cô". Nghe mà ấm cả lòng.

Bà kể: "Lần đầu tiên tắm cho Nhân, cô không cầm được nước mắt. Bây giờ, bộ phận sinh dục của Nhân chỉ còn một lỗ nhỏ, cứ phải đóng bỉm vì nước tiểu thường xuyên rỉ ra.". Những ngày đầu về với bố mẹ nuôi, Nhân không ăn được gì ngoài chuối và cơm nguội – nguồn dinh dưỡng duy nhất khi Nhân còn ở với ông bà ngoại tại Quảng Nam. Cũng vì vậy, những ngày đầu đi khám bệnh, chỉ cần một quả chuối là có thể dỗ Nhân nín khóc. Mỗi lần theo bà ngoại và mẹ Mai Anh đi viện, Nhân khóc rất nhiều. Cậu lo đã rời nhà đi là không còn trở về được nữa. Rồi đến khi bước vào phòng khám, bác sĩ phải cởi quần ra để xem xét, điều trị vết thương, cậu giữ chặt quần và khóc toáng lên. Nhân không bao giờ để cho người khác nhìn thấy khiếm khuyết trên cơ thể mình, ngoài bà và bố mẹ.

Sau chuyến đi, hai cô cháu vừa chia tay nhau ở Hàng Buồm, về đến nhà, đã thấy bà gọi điện rủ sang chơi. "Thằng Nhân đang ở nhà cô đấy, mẹ nó vừa mang sang gửi". Tôi vội vã đến nhà bà.

Lần đầu tiên gặp Nhân, cũng là lúc cậu bé đang réo rắt inh ỏi cùng hai anh họ, một anh 6 tuổi, anh kia 4 tuổi. Hai anh đang chơi đánh trận giả. Nhân không chạy nhảy được nên làm người cổ vũ. Trên khuôn mặt bầu bĩnh, thông minh của Nhân là nụ cười tươi sáng, nhưng đôi mắt đen sao vẫn buồn thăm thẳm. Đang chơi vui, thi thoảng vẫn không quên quay ra hỏi bà: "Dép em đâu?" Bà nói: "Dép em không có ở đây, dùng tạm dép của các anh nhé!" Nhân lấy một chiêc dép cỡ to hơn chân mình gần đó xỏ ngay vào. Mải chơi, dép tụt ra, biến đi đâu mất, Nhân lại quay sang hỏi bà: "Dép em đâu?"... Cậu bé luôn ý thức được việc đi dép của mình, kể cả khi chỉ cần một chiếc dép. Bà ngoại kể: Mỗi lần được mẹ Mai Anh sắm cho đôi dép mới, cu cậu thích lắm. Nhưng chẳng hiểu sao một chiếc dép luôn biến đi đằng nào, hóa ra cậu giấu đi.
Gặp chị Mai Anh - phụ trách biên tập nội dung chính của tạp chí Heritage - tôi hỏi, "Thế một chiếc dép Nhân giấu đi đâu?" Chị bảo: "Hắn giấu mọi nơi, đủ ngóc ngách xó xỉnh, chỉ để lại chiếc dép bên bàn chân lành thôi".

Ước vọng mãnh liệt của chú bé 2 tuổi

Lần đầu tiên được đeo chân gỗ, Nhân sợ lắm, cậu khóc thét lên. Mẹ Mai Anh phải dỗ ngon dỗ ngọt, rằng: "Con đứng thẳng lên trông sẽ rất đẹp trai", "Chân này rất xinh, làm Nhân của mẹ thêm đẹp"... Cậu mới chịu đeo vào. Đến khi mẹ Mai Anh chỉ vào chân gỗ hỏi: "Chân xinh không con". Nhân lắc đầu, chìa chân lành ra: "Chân này xinh". Mới hai tuổi đầu mà Nhân đã quá nhạy cảm với bên chân thiếu hụt của mình.

Về sau, khi có thể đứng thẳng được mà không phải vịn vào đâu nhờ chiếc chân gỗ, Nhân chủ động gọi mẹ Mai Anh lắp chân vào cho Nhân. Do chân gỗ không có khớp, Nhân chỉ có thể đứng im. Nếu muốn chuyển động, phải lê cả chiếc chân cứng nhắc theo, nhưng Nhân vẫn không chịu bỏ ra. Cậu kiên gan đứng bất động một chỗ với chiếc chân gỗ. Một lần, sau khi bỏ chân gỗ ra, Nhân tập đứng được bằng một chân. Cậu hét lên sung sướng: "Mẹ ơi em đứng được nè!". Chị Mai Anh bảo, "tội nghiệp thằng bé, nó cứ tưởng nếu đứng được trên chiếc chân gỗ, sau khi tháo ra, nó có thể đi lại bình thường”.
Ngày là thế, đến đêm, Nhân không thể nào ngủ được vì các vết thương cứ tấy nhức lên. Không khóc, không kêu đòi bố mẹ, Nhân cứ ngồi thu lu một góc giường mà rên rỉ. Cứ thế, qua hết đêm, một mình tự chịu cơn đau, cho đến mười giờ sáng hôm sau, mệt quá mới lăn ra ngủ. Ngủ trong mọi tư thế, mọi hoàn cảnh. Vào giờ ăn, vẫn trong tình trạng ngái ngủ, Nhân ăn không được nhiều. Sợ con đói, mẹ Mai Anh cho Nhân cầm bình sữa đầy, vừa ăn, vừa ngủ. Ngày ngày lặp lại như thế.
Tôi nhớ có một lần đến thăm Nhân, mặc dù đã tảng lờ Nhân đi, coi Nhân như những đứa trẻ bình thường khác, nhưng do quá cảm động, tôi đã ôm lấy Nhân. Không ngờ, cậu bé phản ứng lại gay gắt. Nhân đánh vào tay tôi rất đau. Không dừng lại ở đó, Nhân còn đập mạnh mấy lần lên ngực mình - chỗ tôi vừa chạm tay vào – rồi bò nhanh thoăn thoắt vào phòng ông bà ngoại, đóng sầm cửa lại. Bà ngoại phải vào dỗ dành, nựng nịu mãi, cậu bé mới dần hồi tâm rồi bò ra phòng khách chơi tiếp. Hóa ra, lúc nào cậu cũng có thái độ phòng vệ lo sợ bị người lạ mang đi mất. Khi chị Mai Anh đưa Nhân rời nhà mẹ đẻ, Nhân cứ quay lại phía sau khóc rất nhiều. Về đến nhà bố mẹ nuôi, Nhân chúi đầu mãi góc tường, xó nhà lẩn trốn, mãi sau thì quen và chơi được cùng anh lớn Thiên Minh, anh bé Hải Minh rồi đến bố Nghinh, mẹ Mai. Nhân không thích người ngoài gia đình chạm vào, nếu khách đến thăm mà muốn ôm hay thơm Nhân thì phải có bố Nghinh hoặc mẹ Mai bồng bế Nhân trên tay thì cậu mới chịu.

Quyết tâm chữa cho con nuôi thành người đàn ông đúng nghĩa

Trước tình cảnh đó, cả gia đình chị Mai Anh quyết tâm điều trị bệnh cho Nhân: “Cần phải tiến hành chữa bệnh ngay. Nếu kịp thời thì không chỉ khắc phục được nỗi đau về thể xác mà còn giúp Nhân xoa dịu về tinh thần. Nhân là đứa trẻ hiểu biết sớm, tâm lý phát triển nhanh, lại quá nhạy cảm nên nếu chần chừ thì sẽ không còn kịp nữa.”

Khi các bác sĩ ở Thái Lan nói bệnh của Nhân không thể chữa lành, chị Mai Anh vẫn không nản lòng. Đồng thời, chị cũng từ chối bệnh viện ở Singapore, ở Boston - Mỹ khi họ nói chỉ có thể một là thay đổi giới tính hai là ghép bộ phận sinh dục giả cho Nhân. Với ước mong mạnh mẽ rằng Nhân không chỉ khôi phục lại bộ phận sinh dục và bên chân đã mất, mà sau này còn được trở thành người cha đúng nghĩa, là người có ích cho xã hội, chị Mai Anh viết thư gửi đi khắp nơi trên thế giới hỏi thăm người có thể chữa cho Nhân hoàn toàn lành lặn. Tuy nhiên rất khó tìm được bệnh viện nào có thể đáp ứng được việc chữa trị cả 3 thứ: Chân, tay, xương khớp; bộ phận sinh dục và đường tiết niệu cũng như tâm lý.

Để Nhân được chạy chữa bởi nền y học tiên tiến nhất thế giới là cấy ghép tế bào bộ phận sinh dục do một bác sĩ giỏi nhất của Mỹ đảm nhiệm, chị Mai Anh không ngần ngại kêu gọi sự hỗ trợ về kinh tế cho Nhân từ các cá nhân, đoàn thể. Đồng thời, chị công khai số tiền cũng như hiện vật quyên góp được trên các website liên quan đến Nhân như:http://www.phungthiennhan.blogspot.com; http://bnok.vn/nhatkychulinhchi ... Nhiều bài báo nước ngoài đã viết về Nhân, kêu gọi cộng đồng giúp đỡ Nhân như Anh, Pháp, Mỹ...

Tại Singapore, CC Lee - họa sĩ vẽ tranh hoạt hình - sau khi gửi tặng Thiện Nhân một số tiền đã tra cứu thông tin về các bác sĩ và lập blog riêng để gây quỹ giúp Thiện Nhân tại http://chewonitcomics.blogspot.com/. Eric - người sáng lập website quen thuộc về cha và con ở Singapore - khi biết được thông tin về bé Thiện Nhân đã tạo ra một banner thông tin trên trang web của mình: www.BabyandPapa/forum để kết nối các thành viên và những người đọc trang web này đến với Thiện Nhân.

Hi vọng mới cho Nhân

Dự kiến ngày 15 tháng 8.2008, gia đình đưa Thiện Nhân sẽ đến Bệnh viện Dartmouth ở New Hampshire (Mỹ) để phẫu thuật niệu đạo và tạo hình bộ phận giả công nghệ cao. Tiến sĩ Joe Rosen của Đại học Dartmouth đồng ý giám sát quá trình tái tạo bộ phận sinh dục phức tạp của Thiện Nhân, việc này sẽ phải tiến hành theo từng giai đoạn từ 10 - 15 năm.

Trong thời gian sang Mỹ, Thiện Nhân cũng sẽ kiểm tra vấn đề chân tại Chicago. Tiến sĩ Childress (ở Chicago) sẽ nhận chữa trị trường hợp này. Nhưng đây cũng là một quá trình lâu dài vì Thiện Nhân sẽ cần thay chân mới liên tục cho đến khi hoàn toàn trưởng thành.

Ngày 22 tháng 8 sẽ có một cuộc hội thảo về các tiến bộ mới của y học/ khoa học trong đó có các trường hợp như của Thiện Nhân. Bác sĩ Rosen, trường đại học Dartmouth, người trực tiếp nhận trường hợp của Thiện Nhân cũng sẽ tham gia Hội thảo này. Đây là một hội thảo lớn tại Mỹ và thu hút nhiều sự quan tâm của giới y học cũng như là các phương tiện truyền thông đại chúng. Dr. Rosen hy vọng qua hội thảo này sẽ có nhiều bác sĩ hàng đầu cũng như nhiều người biết về trường hợp đặc biệt của Thiện Nhân và sẽ cùng gây quỹ chữa bệnh lâu dài cho Thiện Nhân.
Nguyễn Quỳnh Trang

Nếu bạn muốn giúp đỡ Thiện Nhân có thể gửi cho cháu bằng những cách sau

1) Chuyển tiền trực tiếp tới mẹ nuôi cháu:

Tên: Trần Mai Anh

TK: 0011000474142

Operation Centre of Bank for Foreign Trade of Viet Nam (Vietcombank)

198 Trần Quang Khải, Hà Nội, Việt Nam

Swift code: BFTVVNVX001

2) Chuyển tiền online tới tài khoản của tổ chức từ thiện đại diện cho Thiện Nhân tại Mỹ qua PayPal. http://www.warlegacies.org/Donate.htm và nhấp chuột vào Thien Nhan Support Fund.

3) Viết check tới War Legacies Project, 144 Lower Bartonsville Rd., Chester, VT 05143, USA và viết "THIEN NHAN" trong mục subject.

4) Ban bạn đọc, tòa soạn báo Thể thao & Văn hóa, 33 Lê Thánh Tông, Hà Nội. Điện thoại: 04 8254756 hoặc 120 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, Tp.Hồ Chí Minh. Điện thoại: 08 9305278

No comments: