Monday, November 29, 2010

Daddy' của bé Thiện Nhân:Tôi khóc nhiều vì trẻ em Việt Nam

Daddy' của bé Thiện Nhân:Tôi khóc nhiều vì trẻ em Việt Nam

Thời gian vừa qua, những vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm nỗi đau con người cứ bị sưng tấy. Bức thư của Greig Craft như một cơn gió mát của lương tâm và lòng trắc ẩn giữa con người, làm dịu nhẹ những nỗi đau.

'Các bạn có thể đã biết đến tôi với cương vị là Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á, tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam liên quan đến mũ bảo hiểm và an toàn giao thông, nhưng lá thư này được gửi đi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, với mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi, giờ là đứa "con trai tinh thần" của tôi...'

Các công dân mạng đang được chia sẻ một bức thư về Thiện Nhân, 'chú lính chì' bị bỏ rơi và bị thú hoang ăn mất chân và bộ phận sinh dục.

Hơn 4 năm trước, dư luận bàng hoàng về trường hợp của Thiện Nhân, em bé đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng bởi câu chuyện đau xót cũng như sự sống kỳ diệu của em. Tin tức của em được cập nhật thường xuyên, cùng với câu chuyện vui về mẹ Mai Anh, về gia đình hạnh phúc của em, và về những đổi thay của 'chú lính chì' trong hành trình dài chữa bệnh.

Ít ai biết, bên cạnh mẹ Mai Anh và bố Nghinh của bé, còn có một người mấy năm qua cũng khóc cười cùng Thiện Nhân trên hành trình. Đó là Greig Craft, chủ nhân bức thư trên.

"Doanh nhân thành đạt đâu phải có nhà lầu, xe hơi..."

Thực ra Greig Craft là cái tên không xa lạ. Ông đã sống ở Việt Nam gần 20 năm. Như ông nói, ngay từ trong tâm cảm, Việt Nam là nơi khá quen thuộc với gia đình ông. Ông và cha của Craft đều ở Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Cụ của Greig đã sang Việt Nam từ khoảng năm 1899 - 1900 trong những chuyến đi khám phá bằng tàu biển. Bố ông là sỹ quan trong quân đội Hoa Kỳ. Ông được cử tới đây lần đầu tiên năm 1955 với nhiệm vụ đánh giá về tình hình Việt Nam sau thất bại của người Pháp.

Qua những câu chuyện và tư liệu của ông và cha, trong tiềm thức của Greig, Việt Nam là nơi đã khá quen thuộc. Vào những năm 1990, ông quyết định sang Việt Nam, để chơi và để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, như nguyện ước chưa làm được của cha ông trước khi qua đời.

Thời kỳ đầu ông tham gia hoạt động nhập khẩu thực phẩm, thuốc men và thiết bị y tế để trợ giúp trẻ em Việt Nam. Con mắt của một doanh nhân khiến ông nhìn ra những cơ hội làm ăn quá tốt, dù đầu thập kỷ 90 Việt Nam vẫn đang hết sức khó khăn với lệnh cấm vận thương mại của Mỹ.

Thiện Nhân là người bạn thân nhất của tôi! Ảnh TTVH

Tôi nhìn Hồ Chí Minh như một người đàn ông

"Với cả ông, cha tôi và bản thân tôi, Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại. Tôi không phải là một người cộng sản, góc nhìn của tôi về Hồ Chí Minh có thể khác người Việt Nam.

Nhưng điều mà tôi kính trọng Hồ Chí Minh hơn cả lại không nằm ở khía cạnh chính trị. Tôi nhìn ông ấy như một người đàn ông. Ở một nghĩa nào đó, với tôi ông ấy là anh hùng đúng như tư duy người Mỹ: Một con người có thể thay đổi vận mệnh cả đất nước, thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng.

Hãy nhìn vào những gì ông ấy làm: ông ấy là người cha của nhân dân Việt. Từ trẻ con đến người già đều nói về ông ấy với sự tôn kính, biết ơn những gì ông ấy đã làm được cho nhân dân và đất nước.

Từ một quốc gia khác, tôi không nhìn ông ấy như người dân Việt Nam. Tôi nhìn Hồ Chí Minh với góc độ một người đàn ông, người đàn ông anh hùng. Đúng như chân lý của chúng tôi: có niềm tin và bản lĩnh, một người có thể làm được tất cả.

Tôi cũng được truyền niềm tin đó từ Hồ Chí Minh, và tôi đang nỗ lực thay đổi cuộc sống và ý thức cộng đồng ở đây về phòng chống thương vong"

Greig Craft

Năm 1999, Greig Craft sáng lập Quĩ phòng chống thương vong châu Á với các hoạt động chính là tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em và truyền thông về an toàn giao thông.

Craft chia sẻ: là cha của năm đứa con, điều luôn làm ông ám ảnh căng thẳng khi sống ở Việt Nam khi phải chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra hàng ngày, đặc biệt tai nạn với trẻ nhỏ.

"Tôi không thể nào quên câu chuyện buồn của một gia đình người bạn ở TP Hồ Chí Minh. Bình thường, vợ chồng luôn đội mũ bảo hiểm cho hai con gái khi đi đường. Nhưng vào một ngày, hai vợ chồng chở con đi thăm bà ngay gần đó. Người mẹ khá chủ quan nói: hôm nay con không phải đội mũ. Không may, trên đoạn đường ngắn đó họ bị một xe khác xe đâm vào. Cả nhà sống sót, nhưng con gái họ không bao giờ tỉnh lại. Câu chuyện quá buồn cứ ám ảnh tôi mãi không thôi".

"Không biết bao nhiêu lần, tôi muốn phát sốt khi nhìn thấy tai nạn, cảm giác không thể kiềm chế được sự giận dữ khi nhìn cảnh các bậc phụ huynh Việt Nam đèo trẻ em cheo leo trên xe máy, không dây thắt an toàn, không mũ bảo hiểm. Rất nhiều trường hợp trẻ đã chết và thương tích oan uổng vì sự bất cẩn của người lớn như thế. Nó thôi thúc tôi phải làm gì đó".

Năm 2001, Craft dốc hết tài lực cùng với sự tài trợ của một số doanh nghiệp, bắt tay xây dựng công ty thiết bị và sản phẩm an toàn Protec, một mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận mà mặt hàng chiến lược đầu tiên của nó là mũ bảo hiểm. Ông say sưa với các chiến dịch tặng mũ cho trẻ em "Bảo vệ sự thông minh của bạn" được tổng thống Mỹ Bill Clinton phát động năm 2000 khi Bill sang thăm Việt Nam.

Thế nhưng, cả khi mũ được tặng miễn phí, nhưng để người Việt Nam đội nó lên đầu vẫn... quá khó, ngay cả đội cho trẻ. Thế là lại một lần nữa, Craft lại gõ cửa các ban ngành, gặp gỡ vận động các lãnh đạo Việt Nam, trình bày sự cấp thiết về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, và ông đã thành công. Từ năm 2007, mọi người Việt Nam đều đội mũ khi đi xe máy. Số thương vong nặng do tai nạn giảm đi đáng kể.

Greig Craft rất phấn khích, tự hào với thành quả đó và nỗ lực đưa những hoạt động nhằm giảm thiểu thương vong.

"Tôi đã từng sống những tháng ngày chỉ say sưa với việc kiếm tiền, niềm khát khao mãnh liệt khi tôi còn trẻ. Nhưng khi có đủ tiền rồi, tôi nhận ra rằng: một doanh nhân thành đạt không phải chỉ ở nhà lầu, xe hơi, tài khoản kếch sù; mà là người ấy đã làm được gì cho cộng đồng, đã chia sẻ được gì với cuộc sống xung quanh. Tôi đã nhận ra điều đó, chỉ tiếc là hơi muộn. Giá được làm lại, tôi sẽ bắt đầu sớm hơn". 'Ông Tây Protect' nói.

'Daddy' và 'con' trong một chuyến đến Mỹ chữa bệnh, Ảnh website ThienNhan

Tôi có niềm tin mạnh mẽ về tương lai Thiện Nhân

"Tôi không thể giải thích tại sao, nhưng ngay từ lần đầu tiên tôi nghe thông tin về Thiện Nhân, về sự ra đời kinh khủng của cháu, tôi đã có cảm giác cháu bé này sẽ có liên quan chặt chẽ với mình trong tương lai, giống như con trai tôi. Thật vui mừng sau đó cháu bé đã có mẹ đón về, tôi đã chứng kiến tất cả quá trình đó, và đã làm tất cả những gì có thể. Tôi đã có 5 con rồi, và giờ đây Thiện Nhân là thứ 6".

Craft tỏ ra rất vui mừng khi tìm được vị bác sĩ Ý, ông lạc quan về ca mổ sắp tới. Trong suốt những năm qua, Craft đã tìm các website, email, gõ cửa khắp nơi để tìm những thông tin và các nguồn tài chính giúp đỡ Nhân. Có những lúc, ông và mẹ bé tưởng đã bế tắc.

Greig Craft giải thích về phương án làm chân giả cho Thiện Nhân, Ảnh Hoàng Hường

Cũng đã có lúc, ông cùng mẹ bé đưa Thiện Nhân sang Thái Lan, hy vọng các bác sĩ Thái, với kinh nghiệm từ các ca phẫu thuật chuyển giới, có thể giúp được Nhân. Nhưng rồi ông thất vọng vì các bác sĩ khuyên chỉ có thể làm cho Nhân một bộ phận sinh dục nữ, đồng nghĩa với việc cu cậu sẽ trở thành con gái.

"Lúc đó chúng tôi đã rất thất vọng, nhưng thật may mắn cuối cùng tôi đã tìm được GS Roberto DeCastro. Bé Thiện Nhân sẽ được GS Roberto tái tạo bộ phận sinh dục từ da tay của cậu. Đây là công trình khá nổi tiếng của Roberto. Ông đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các em bé bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới có được bộ phận sinh dục. Tôi có niềm tin lớn rằng ca mổ sẽ thành công. Em sẽ có một cái 'chim' lớn lên cùng cơ thể, và là một phần thân thể đàn ông thực sự, chứ không chỉ là 'vật trang trí' như chúng tôi từng lo lắng".

Thiện Nhân đã gần 5 tuổi, cậu bé có thể cảm nhận khá rõ ràng về cuộc sống của cậu. Cậu đang học cả Tiếng Việt và Tiếng Anh, gọi Craft là 'daddy' và xưng 'con'. Craft kể có lần cu cậu hỏi mẹ Mai Anh "Tại sao mẹ lại bỏ con, để con vật cắn con?" hay "Sau này hai anh lấy vợ, con ở nhà với mẹ?" Chứng kiến những giây phút đó, lòng Craft trĩu nặng và ông càng thêm quyết tâm dành lại cuộc đời cho Thiện Nhân.

Ông cũng hy vọng, Thiện Nhân sẽ là trường hợp tiền lệ. Nếu thành công, những trường hợp không may mắn khác sẽ có nhiều hy vọng.

Theo kế hoạch, ca mổ sẽ kéo dài hai tuần được dự định vào dịp Tết Nguyên Đán để mọi người sắp xếp công việc.

Trong những ngày vừa qua, những vụ việc như cô giáo nhốt trẻ vào thang máy gây thương tích, cha ném chết con sơ sinh, bảo mẫu 'tắm đòn' trẻ lên ba, phiên tòa phúc thẩm vụ Hào Anh... làm những nỗi đau con người cứ liên tiếp bị sưng tấy, đau đớn, kinh sợ, bàng hoàng. Và bức thư của Greig Craft như một cơn gió mát thổi qua cộng đồng mạng, làm dịu nhẹ những nỗi đau bởi lương tâm và lòng trắc ẩn giữa con người.

Mong rằng làn gió ấy sẽ được thổi xa và góp lên mãi, thổi bớt đi đi những khổ đau, bất hạnh.

Chào các bạn!

"Trong thế giới có biết bao mất mát và đau thương này, thật là khó khăn khi quyết định chỉ giúp đỡ cho một con người. Tuy nhiên, vào 4 năm trước, tôi đã lặng đi khi biết được cảnh ngộ của một bé trai bị mẹ đẻ bỏ rơi ngay khi vừa chào đời trong một khu rừng thuộc tỉnh Quảng Nam.

Các bạn có thể đã biết đến tôi với cương vị là Chủ tịch Quỹ phòng chống Thương vong Châu Á, tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam liên quan đến mũ bảo hiểm và an toàn giao thông, nhưng lá thư này được gửi đi hoàn toàn mang tính chất cá nhân, với mong muốn tìm kiếm sự đồng cảm và giúp đỡ cậu bé bất hạnh bị bỏ rơi, giờ là đứa "con trai tinh thần" của tôi.

Cậu bé mang một số phận đau đớn đã bị mẹ đẻ vứt bỏ khi còn đỏ hỏn, đầm đìa máu và dây rốn đã trở thành miếng mồi cho thú hoang. Em bé đã bị ăn mất bộ phận sinh dục, cả hai tinh hoàn, chân trái cũng bị ăn cụt lên tận háng.

Thật kỳ diệu, 72 tiếng đồng hồ trần truồng, máu tuôn chảy đến khô lại, cậu bé vẫn còn sự sống, được cấp cứu sau khi các nhà sư tình cờ đi ngang qua khu rừng phát hiện ra. Cái tên Thiện Nhân của em là do các nhà sư đặt với mong muốn số phận đau đớn, kỳ lạ này sẽ được nhiều tấm lòng nhân ái cưu mang, giúp đỡ. Cậu bé đã mang theo cái tên đó để kiên trì vượt qua những giai đoạn đen tối nhất và biết bao hành trình khó khăn của cuộc đời.

Mẹ nuôi của em là Trần Mai Anh và tôi đã cùng trải qua chặng đường 4 năm giúp Thiện Nhân hòa nhập với cuộc sống và chữa bệnh với ước muốn Thiện Nhân có thể trở thành một người đàn ông bình thường. Nhưng việc có thể hay không khôi phục lại bộ phận sinh dục nam lại là một vấn đề hết sức nan giải và không thể đoán định. Nhiều giáo sư giỏi trên thế giới đã kết luận phải chờ cho đến tuổi dậy thì mới có thể tiến hành phẫu thuật bộ phận sinh dục.

Nhưng có lẽ cũng nhờ điều kỳ diệu như sự sống đặc biệt của cậu bé, chúng tôi đã may mắn gặp được bác sỹ phẫu thuật nổi tiếng người Ý, Giáo sư Roberto DeCastro, người đã có công trình nghiên cứu vĩ đại tái tạo bộ phận sinh dục có thể phát triển cùng với cơ thể của em bé cho đến tuổi dậy thì. Giáo sư đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các em bé bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới có được bộ phận sinh dục.

Giáo sư DeCastro và cộng sự của ông đã đồng ý đảm nhận ca phẫu thuật cho Thiện Nhân với một mức chi phí đặc biệt. Tuy nhiên, để có thể thực hiện ca phẫu thuật phức tạp này vào ngày 28 tháng 01 tại Bologna, Ý, chi phí cần thiết lên tới khoảng 75.000 USD.

Tôi kêu gọi sự giúp đỡ của bạn và của cả những người bạn khác để ca phẫu thuật định mệnh có thể thay đổi cuộc đời của bé Thiện Nhân được thực hiện. Nếu có thể, hãy chia sẻ lời kêu gọi này tới những người bạn khác trong cộng đồng của bạn.

Chúng tôi vô cùng cảm ơn tất cả sự quan tâm ủng hộ của các bạn.

Mọi đóng góp xin được gửi tới "The Special Thien Nhan Fund" Việt Nam: Tran Mai Anh & Greig Craft, Số TK: 5690849 tại ngân hàng ANZ, 14 Lý Thái Tổ, Hà Nội; hoặc Trần Mai Anh TK:0011000474142 tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Hoặc bằng séc tới quỹ AIP, để được hoàn thuế, xin đề rõ "For Thien Nhan Surgery" 9039 E. Palms Park Drive, Tucson, Arizona, 85715,USA."

Greig Craft

Chủ tịch Quỹ AIP

Friday, September 10, 2010

Mẹ bé Thiện Nhân nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”

(GD&TĐ) - Chị Trần Mai Anh, mẹ nuôi bé Thiện Nhân vinh dự là người phụ nữ trẻ tuổi nhất được tôn vinh lễ Tôn vinh Công dân Thủ đô ưu tú 2010 về lĩnh vực từ thiện. Với chị, cuộc sống cần nhiều tình yêu thương hơn nữa.

Tấm lòng người mẹ

Chị Trần Mai Anh vừa ra viện sau đợt mổ nội soi chữa phình động mạch chủ trên não hồi tháng 7 vừa qua. Chị cười: “Lúc đó, tôi sợ mình sẽ chết. Người tôi lo lắng nhất là cháu Thiện Nhân. Cháu bé nhất, việc chữa bệnh còn chưa đâu đến đâu. Thậm chí tôi còn viết di chúc để lại dặn dò các con”. Tình thương người mẹ đã dành trọn vẹn cho các con yêu của mình.

Chị Mai Anh và bé Thiện Nhân đi chữa trị ở bệnh viện Northwestern Memorial Hospital (Mỹ)
Chị Mai Anh và bé Thiện Nhân đi chữa trị ở bệnh viện Northwestern Memorial Hospital (Mỹ)

Gặp chị Mai Anh ở con ngõ 18, phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), tôi không ngạc nhiên khi chị được mệnh danh là “người phụ nữ có tấm lòng nhân ái”. Chị Mai Anh đã có hai đứa con nhỏ ở độ tuổi đang đi học. Anh Minh lớn 10 tuổi đã có thể thay mẹ đảm trách trông các em. Anh Minh bé 5 tuổi và bé Thiện Nhân, 4 tuổi. Những đứa con nhỏ sàn sàn tuổi nhau hiếu động nhưng ngoan ngoãn và biết nghe lời. Chị bảo: “Thỉnh thoảng, cơn đau đầu khiến tôi mệt mỏi và thèm ngủ khủng khiếp. Nhưng mấy đứa con thơ cứ quấn lấy mẹ, mọi mệt mỏi cũng biến mất”.

Chị trở thành người mẹ của bé Thiện Nhân từ cách đây 3 năm. Khi tình cờ đọc thấy thông tin về một em bé ở Quảng Nam bị mẹ ruột bỏ rơi ngoài vườn hoang, bị động vật cắn đứt mất 1 chân và bộ phận sinh dục, trái tim người mẹ khiến chị không thể làm ngơ trước phận đời cháu bé bất hạnh. Chị gửi thư kêu gọi sự giúp đỡ đến nhiều nơi nhưng không nhận được hồi âm. Không thể chờ đợi thêm, chị bàn với chồng – anh Phùng Quang Nghinh nhận đứa trẻ về nuôi. Thâm tâm người mẹ trẻ chỉ nghĩ một điều: “Nhận cháu về, mình có điều kiện để chăm sóc, chữa bệnh cho bé”.

Nhận bé Thiện Nhân về nuôi, chị tiếp tục hành trình đưa cháu đi chữa bệnh ở khắp 14 bệnh viện lớn trong và ngoài nước như Thái Lan, Singapo, Mỹ… Chuyến dài nhất kéo dài 3 tuần, chuyến ngắn nhất cũng mất 3 ngày. Mỗi lần đi, chị phải sắp xếp thời gian, công việc, tận dụng hết các khoản chi phí để chữa trị hiệu quả nhất. Giờ sức khỏe của Nhân đã ổn định, không còn phải đóng bỉm, chữa được viêm nhiễm đường nước tiểu và có thêm chân giả. “Hành trình chữa bệnh cho cháu Nhân còn dài lắm em ạ” – chị chia sẻ.

Nhìn Thiện Nhân nhảy lò cò bằng 1 chân, chị cười: “Đi 1 chân, cháu còn chạy nhanh hơn cả người khác ấy chứ. Thỉnh thoảng, tôi đeo cái chân giả cho cháu để cân bằng cơ thể, chứ cái chân nặng hơn 1 kg, cháu không đi lại, chạy nhảy năng động được”.

Chị Mai Anh hạnh phúc bên các con
Chị Mai Anh hạnh phúc bên các con

Trong nhà, Thiện Nhân thân nhất với anh Minh lớn. Lúc mới về, cháu khóc suốt cả tuần liền. Chỉ có anh Minh là gần dược với cháu. Đêm, cháu rúc đầu vào anh ngủ ngon lành. “Chẳng bao giờ nhà tôi thiếu đi những tiếng hét đinh tai từ mấy cậu nhóc này cả”. Khuôn mặt chị rạng ngời hạnh phúc.

Hiện chị Mai Anh đang làm BTV cho tạp chí Heritage của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam. Ngoài công việc, chị còn đảm đương cả một gia đình lít nhít trẻ con. Chị cười: “Hạnh phúc của người mẹ là được ở bên cạnh những đứa con yêu dấu”.

“Việc làm của tôi còn quá bé nhỏ”

Chị Mai Anh biết tin mình nằm trong danh sách là Công dân Thủ đô ưu tú được tôn vinh qua báo chí. Đến ngày 25/8, chị mới nhận được điện mời đi tham dự Đại hội Thi đua yêu nước TP Hà Nội (giai đoạn 2010 – 2015) diễn ra vào sáng 28/8. Chị bảo: “Tôi thấy việc mình làm còn rất nhỏ bé. Có nhiều người lớn tuổi, các vị GS. TS suốt đời đóng góp công sức, ý tưởng xây dựng Thủ đô hơn. Có lẽ, khi đề bạt tôi nhận vinh danh về lĩnh vực từ thiện, Thành phố cũng muốn nhắn nhủ đến tất cả mọi người: Các gia đình mở rộng vòng tay đón nhận các em nhỏ bất hạnh, thiệt thòi về làm con, nuôi nấng, dạy dỗ, tạo điều kiện tốt nhất cho cháu là việc nên làm và coi đó là bình thường và những người cha, người mẹ đừng nhẫn tâm bỏ rơi, hành hạ đứa con thơ của mình”.

Chị cho rằng, để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành, thì quan trọng nhất là lòng nhân ái và tính cộng đồng. Những người làm việc tốt phải được hỗ trợ, ghi nhận và giúp đỡ để họ không đơn độc. Chị cảm ơn tất cả mọi người đã dành tình cảm và ủng hộ chị, khiến chị tự tin hơn vì hành động đúng đắn của mình. Tháng 2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen ngợi chị.

Nhiều lúc bé Nhân hỏi anh: “Anh Minh ơi, chim của em bao giờ mới mọc bằng anh?” hay “Anh Minh ơi, sao mẹ Mai (tên ở nhà của chị Mai Anh) lại bỏ em để thú hoang cắn mất chân em”. Câu hỏi ngây thơ mà đắng lòng người lớn. Chị trả lời: “Chim” con đang lớn đấy. Con thú hoang bắt cóc con đi, mẹ Mai phải đánh nhau với nó để giành lấy con đấy” Chị bảo: “Điều quan trọng là tâm lý của trẻ. Tôi cố gắng để cháu luôn tin vào những điều tốt đẹp. Đến lúc cháu lớn, tôi sẽ giải thích cho cháu hiểu”.

Mong ước lớn nhất của chị là cháu Nhân có cuộc sống bình thường như những người khác. “Tháng 10 tới, tôi sẽ đưa cháu đi Mỹ lắp chân giả khác nhẹ hơn, và cũng đã đến lúc chuẩn bị tiêm hocmon nam giới định kỳ cho cháu. Tôi cố gắng giúp cháu hoàn chỉnh bộ phận sinh dục hoạt động được nhiều chức năng”.

Hồng Nhung – Nguyễn Huệ

Wednesday, August 25, 2010

Mẹ nuôi bé Thiện Nhân vào top 10 gương mặt ưu tú thủ đô

Trong danh sách Công dân thủ đô ưu tú năm 2010 có giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Phan Huy Lê, nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, chị Trần Mai Anh (mẹ nuôi bé Thiện Nhân)...
> Chủ tịch nước gửi thư khen mẹ nuôi bé Thiện Nhân/ Bé Thiện Nhân ngày đầu đi học

Chiều 23/8, ông Phùng Minh Sơn, Phó ban Thi đua khen thưởng thành phố Hà Nội, cho biết 10 công dân thủ đô ưu tú 2010 sẽ được vinh danh vào ngày 28/8 tại Cung văn hóa Hữu Nghị Hà Nội. Danh sách 10 người được giới thiệu gồm:

Giáo sư Vũ Khiêu (sinh năm 1916), một trong những soạn giả tâm huyết và có nhiều đóng góp trong các công trình nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội như Tổng tập văn hiến Thăng Long, Bách khoa thư Hà Nội... Tuy đã 94 tuổi, nhưng hằng ngày giáo sư vẫn dành nhiều thời gian để nghiên cứu về văn hóa - lịch sử Hà Nội.

Giáo sư sử học, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (sinh năm 1934) là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam. Các hồ sơ “Hoàng thành Thăng Long”, “Lễ hội Phù Đổng”, “Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử giám” là thành quả lao động và sáng tạo do giáo sư làm chủ biên đã được UNESCO đánh giá rất cao.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (sinh năm 1926) là người chuyên nghiên cứu về Hà Nội. Ông viết về Hà Nội trên 50 năm nay với rất nhiều đầu sách, đa dạng về thể loại, đồ sộ về khối lượng. Tuy đã bước vào tuổi 84 nhưng ông vẫn không ngừng viết về các lĩnh vực lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, địa lý của Hà Nội xưa và nay. Ông được đông đảo bạn đọc thủ đô và cả nước yêu mến gọi là “Nhà Hà Nội học”.

Ông Hoàng Vĩnh Giang (sinh năm 1946) là người có nhiều công lao trong việc đào tạo những thế hệ vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài có đẳng cấp quốc tế của Hà Nội.


Vợ chồng chị Trần Mai Anh đã nuôi dưỡng bé Thiện Nhân, cháu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Chị Trần Mai Anh (sinh năm 1973) có tấm lòng nhân ái, mặc dù đã có 2 con trai nhưng nghe tin có trường hợp cháu bé ở Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi, bị súc vật cắn đứt một chân và bộ phận sinh dục, chị đã bàn bạc với chồng đón cháu về làm con nuôi. Bé Thiện Nhân đã được chị với gia đình đưa đi 14 bệnh viện trong và ngoài nước chữa trị, lắp chân giả, giúp cháu hòa nhập với bạn bè.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy (sinh năm 1971), là người cách đây bốn năm đã khởi xướng và tổ chức thực hiện dự án “Con đường gốm sứ ven Sông Hồng”. Ý tưởng độc đáo đó đã thu hút hàng chục họa sĩ trong và ngoài nước tham gia, hàng trăm nghệ nhân và thợ thủ công của nhiều làng nghề gốm góp mặt, trên 500 thiếu nhi Việt Nam và quốc tế hồ hởi thực hiện. Đến nay công trình đang đi vào hoàn thiện, là món quà có ý nghĩa với thủ đô nghìn năm tuổi. Năm 2009 chị được nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái.

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Anh Tuấn (sinh năm 1951), Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, là người đứng đầu ngành y tế thành phố, ông luôn xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm để đưa y tế thủ đô từng bước phát triển. Đồng thời ông còn tham gia chủ biên và biên soạn nhiều sách y khoa, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, trực tiếp làm chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp thành phố, hai đề tài khoa học cấp Bộ...

Ông Lê Văn Bằng (sinh năm 1933) là thương binh 4/4 thời kháng chiến chống Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, tiếp tục phát huy tinh thần Bộ đội cụ Hồ trên mặt sản xuất và xây dựng chính quyền cơ sở, ông đã 22 năm liên tục làm tổ trưởng dân phố. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần tự nguyện, tự giác rất cao, ông là tấm gương sáng của những việc làm bình dị, thầm lặng mà cao quý trong xã hội, góp phần xây dựng thủ đô phát triển.

Ông Vũ Ngọc Minh (sinh năm 1949) là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kim khí Thăng Long. Nhiều năm liền, ông làm lãnh đạo Công ty từ khi là một đơn vị nhỏ bé, chuyên sản xuất bếp dầu, đèn bão... thời bao cấp, đến nay công ty đã thực sự lớn mạnh. Hiện nay, Công ty là một trong những đơn vị sản xuất cơ khí hàng đầu thành phố về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu, nộp ngân sách, đời sống người lao động được đảm bảo.

Ông Nguyễn Đắc Hải (sinh năm 1963), Chủ tịch Hội Nông dân xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Ông tích cực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, tập trung đầu tư xây dựng mô hình trang trại ở vùng đồng chiêm trũng (40 ha) mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động.

Wednesday, May 19, 2010

Mẹ bé Thiện Nhân nói gì về các vụ bạo hành trẻ em?

Mẹ bé Thiện Nhân nói gì về các vụ bạo hành trẻ em? 18/05/2010 06:32
(VTC News) - “Tôi không thể diễn tả nổi tâm trạng của mình khi đọc trên báo chí tin tức về những em nhỏ bị bạo hành một cách dã man gần đây. Chỉ có thể nói là tôi đau xót, căm phẫn và không thể hình dung được…”, đó là cảm xúc xuyên suốt buổi trò chuyện với VTC News của chị Trần Mai Anh, mẹ “Chú lính chì” Phùng Thiện Nhân.

» Cuộc hội ngộ éo le của cha con Hào Anh
» Nhiều người lạ vây nhà, đòi đánh mẹ Hào Anh

» Chân dung vợ chồng chủ trại tôm độc ác hành bé 14 tuổi

» Kết thúc điều tra vụ bé 14 tuổi bị hành hạ dã man

» Bé 14 tuổi bị hành hạ dã man chịu thương tật 66,8%

» 300 người vây nhà kẻ bẻ răng, đánh dã man bé 14 tuổi

Ngày 16/7/2006, người dân ở Núi Thành, Quảng Nam đã phát hiện một bé trai khoảng 2 tuần tuổi bị mất chân phải, 2 tinh hoàn và một nửa dương vật tại một khu vườn ở thôn 3, xã Tam Thanh. Cháu bé đó là Phùng Thiện Nhân. Cảm động trước hoàn cảnh của cháu bé, gia đình chị Trần Mai Anh ở Hà Nội đã nhận cháu bé về nuôi dưỡng và nhiều lần đưa cháu sang Mỹ làm phẫu thuật. Tấm lòng nhân ái của gia đình chị Mai Anh đã làm nên điều kì diệu cho cuộc sống của cháu bé. Ngày 4/2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen ngợi mẹ nuôi của "Chú lính chì" Phùng Thiện Nhân...

Thiện Nhân giờ đã khỏe mạnh và vui chơi cùng các anh với một chân di chuyển rất "thiện nghệ" của mình.


Trước nạn bạo hành trẻ em đang diễn ra với mức độ ngày càng nhiều và gây bức xúc trong xã hội, PV VTC News đã tìm đến gặp gia đình chị Mai Anh để lắng nghe những chia sẻ của chị về vấn đề này.


Gặp chị Mai Anh trong căn nhà mới trên phố Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), phóng viên đã thực sự xúc động khi được chứng kiến tận mắt cuộc sống sinh hoạt sum vầy của gia đình bé Phùng Thiện Nhân trong những ngày đầu hè ở Hà Nội.

Thiện Nhân giờ đây đã tròn 4 tuổi, cậu bé trông cứng cáp và nhanh nhẹn hơn hồi mới sang Mỹ làm phẫu thuật. Vừa đùa chơi cùng hai anh trai Thiên Minh và Hải Minh với cái chân nhảy lò cò rất “thiện nghệ”, Thiện Nhân vừa quay sang nũng nĩu đòi mẹ Mai Anh chăm sóc. Nhìn đôi mắt sáng, lanh lợi khi phụng phịu của Thiện Nhân, tôi hiểu nhiều hơn vất vả của chị và cảm phục tấm lòng của gia đình chị Mai Anh.

Ôm Thiện Nhân trong lòng, chị Mai Anh nói: "Tôi không thể diễn tả nổi tâm trạng của mình khi đọc trên báo chí chuyện về những em nhỏ bị bạo hành một cách dã man gần đây. Chỉ có thể nói là tôi đau xót, căm phẫn và không thể hình dung được…".

Dưới đây là những nội dung tâm sự của người mẹ Mai Anh...

Là một người mẹ như bao người mẹ khác tôi không thể hình dung nổi là tại sao người ta lại có thể tàn ác với một đứa trẻ như vậy. Tôi cũng không hình dung nổi sự vô cảm của cộng đồng nhỏ (người dân, tổ dân phố, xã, phường…) nơi các sự việc ngược đãi trẻ em xảy ra, như vụ em Bình thường xuyên bị chủ cửa hàng phở ở Hà Nội đánh đập dã man, vụ em Hào Anh ở Đầm Dơi, Cà Mau...

"Chia sẻ những đồng cảm với các hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cho các con là cách giáo dục của tôi".


Các em nhỏ sau những đòn tra tấn cắt thịt da như vậy không chỉ chịu đựng sự hành hạ về thể xác mà còn phải chịu đựng sự kinh hãi của thần kinh, sự tổn thương nặng nề của tâm hồn. Chúng ta cứu được các em ra khỏi môi trường ác độc, chữa lành các vết thương trên thân thể. Nhưng sự kinh hãi đến co dúm lại của tấm thân bé bỏng làm cách gì để hết được đây?

Khi biết tin cháu bé Hào Anh bị bạo hành như vậy, tôi thường chia sẻ những tin tức và mẩu chuyện đó cho các cháu trong nhà tôi mỗi tối, từ đó để các cháu biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và thương tâm, đồng thời giảng giải cho các cháu hiểu là trẻ em cũng có những quyền được bảo vệ mình và phải biết bảo vệ các bạn khi bị bạo hành, ngược đãi.

Trong câu chuyện này, điều làm tôi băn khoăn và trăn trở rất nhiều là, tại sao càng đấu tranh, phê phán, lên án, kể cả xử lý bằng pháp luật thì những vụ bạo hành trẻ em, kể cả ngay ở học đường trong thực tế lại ngày càng nhiều hơn về số lượng, mật độ xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các hành vi bạo hành? Từ xúc phạm nhân cách, đánh đập thành thương đến hành vi tra tấn em Hào Anh dã man như thời trung cổ?

"Giáo dục lòng nhân ái là sức mạnh có thể chấm dứt nạn bạo hành đang diễn ra ngày càng nhiều".


Đã có rất nhiều các cuộc hội thảo, các phong trào thi đua theo kiểu ''nói không với tiêu cực'', ''nói không với bạo hành trẻ em'' hay các khẩu hiệu nặng tính hô hào hình thức, và ngay cả giải quyết bằng các biện pháp mạnh của pháp luật, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, bỏ tù... nhưng vì sao mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn và ngày càng đáng lo ngại hơn?

Tôi thiển nghĩ, nếu cùng với các biện pháp răn đe, giáo dục, xử lý kể cả bằng hình sự chúng ta phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục, khơi dậy những việc làm nhân ái và lòng nhân ái của con người, của cộng đồng. Trong một môi trường mà lòng nhân ái được sẻ chia, tôn vinh, cái ác bị phê phán, lên án, ngăn chặn tức thì, thì liệu vợ chồng chủ đầm tôm có dám ngang nhiên đánh đập, tra tấn em Hào Anh như vậy không? Đấy là công việc của cả gia đình, trường học, xã hội.

"Kết nối tất cả và không phân biệt là điều để mọi người xích lại gần nhau và trao tình thương cho trẻ nhỏ".


Nếu sự việc diễn ra theo chiều hướng: Người mẹ đẻ đã vứt bỏ Thiện Nhân ngay khi vừa lọt lòng (để bé bị thú ăn mất một chân và bộ phận sinh dục) bị pháp luật trừng trị và Thiện Nhân không có ai nhận làm con nuôi, mà phải đưa vào trại trẻ mồ côi hoặc các trung tâm xã hội, thì sẽ ra sao? Liệu cháu Thiện Nhân có được nuôi dạy chu đáo trong môi trường giàu tình yêu thương của gia đình và của cả cộng động, giúp cháu mạnh dạn hoà nhập vào cuộc sống cộng đồng, thông minh, đáng yêu, không tự ti và phát triển như ngày hôm nay hay không?

Thế nên, khơi dậy lòng nhân ái của con người, của cộng đồng mới là điều quan trọng nhất. Bằng thực tế nuôi dạy cháu Thiện Nhân, cùng cháu đi nhiều nơi, kể cả thăm các em có hoàn cảnh bất hạnh, không may như cháu, bằng hoạt động của các bà mẹ trong ''Thiện Nhân hội'', bằng thực tế đưa cháu đi chưa trị ở gần 20 bệnh viện kể cả trong nước và nhiều nước như Thái Lan, Singapore, Mỹ... tôi nhận thức sâu sắc điều ấy.Dương Lãng Hoàng (ghi)

* Diễn đàn: Chị Mai Anh cho rằng để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, ngược đãi thì việc "khơi dậy lòng nhân ái của con người, của cộng đồng mới là điều quan trọng nhất", hơn cả những biện pháp răn đe, giáo dục và cả xử lý hình sự. Bạn có đồng tình với ý kiến này? Hãy cùng góp ý kiến thông qua box thảo luận cuối bài. Gõ Tiếng Việt có dấu để được đăng tải. Trân trọng!

Saturday, February 13, 2010

Không phải cổ tích

Không phải cổ tích

QĐND - Thứ Bẩy, 06/02/2010, 1:4 (GMT+7)

Ngày 5-2, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến thăm gia đình nữ nhà báo Trần Mai Anh, người đã nhận cháu Phùng Thiện Nhân làm con nuôi, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngày 4-2. “Không phải chuyện cổ tích mà đây là câu chuyện thật đầy xúc động về tấm lòng của một người phụ nữ Việt Nam đã khiến tình nhân ái tỏa rộng khắp cả nước và lan sang bạn bè quốc tế” – Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đã nói như vậy sau khi nghe chị Mai Anh kể lại hành trình chăm sóc, chữa bệnh cho cháu Thiện Nhân.

Sống động một tấm gương về lòng nhân ái

17 giờ ngày 5-2, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân do Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên dẫn đầu đến gõ cửa căn nhà gia đình chị Trần Mai Anh đang thuê trong một con ngõ nhỏ nằm trên phố Nhà Chung. Đã có hẹn trước nên chị Mai Anh xin phép Tòa soạn cho nghỉ sớm để đi đón ba cậu con trai từ trường về đón khách (Thiện Nhân bây giờ là con út trong gia đình chị, trước cháu là hai anh trai). Anh Phùng Quang Nghinh, chồng chị, là Trưởng ban Thời sự của kênh phát thanh có hình VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), mặc dù đang trực ở cơ quan cũng tranh thủ ghé về nhà giúp vợ tiếp khách.


Bé Thiện Nhân chụp ảnh cùng Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, nhà báo Tiến Phú (ở giữa) và bố mẹ.

Cùng là nhà báo nên câu chuyện thân mật ngay từ đầu. Vợ chồng chị Mai Anh xin được gọi Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên là “chú”, xưng “cháu”, giọng chị nhỏ nhẹ:

- Thưa chú, chuyện vợ chồng cháu đón cháu Thiện Nhân về làm con đã được các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế nhắc đến rất nhiều trong mấy năm qua. Hôm trước, nhà báo Tiến Phú đến tìm hiểu, muốn tiếp tục viết bài, cháu cũng hơi ngại vì chúng cháu cũng là nhà báo và việc chúng cháu làm không phải để mình trở thành mối quan tâm của truyền thông như bây giờ. Tuy nhiên, cháu thực sự xúc động sau khi bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân (trang 3, ngày 3-1-2010) đã tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ, lớn lao đến thế trong xã hội và nhất là được Chủ tịch nước gửi thư khen. Cháu nghĩ, những việc làm tương tự như vợ chồng cháu còn rất nhiều, rất nhiều chú ạ. Cháu mong báo ta tiếp tục phát hiện những con người như vậy để giới thiệu với bạn đọc. Mấy ngày gần đây, rất nhiều người đã gọi điện, viết thư cho cháu nói rằng: Chuyện cháu Thiện Nhân, chúng tôi có nghe nhắc đến nhiều lần nhưng chỉ khi bài báo đăng trên Quân đội nhân dân, chúng tôi mới để tâm đọc kĩ và rất xúc động.

Bế cháu Thiện Nhân vào lòng, hỏi thăm sức khỏe và tặng quà cho cháu, đồng chí Tổng biên tập vừa nhắn nhủ, vừa tâm sự:

- Chuyện cháu Thiện Nhân bị mẹ bỏ rơi, bị súc vật cắn mất một chân và ăn mất cơ quan sinh dục, thương tích 75% nhưng đã sống sót là hiện thân của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong mỗi con người. Chuyện vợ chồng cháu, bằng tấm lòng nhân ái của mình, đã vượt qua mọi khó khăn, rào cản để nhận Thiện Nhân làm con nuôi, đưa con đi khắp các bệnh viện trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới để chữa bệnh đã làm lay động trái tim của hàng triệu bạn đọc. Vì vậy, khi nhà báo Tiến Phú gửi bài dự thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” viết về cháu, các biên tập viên Báo Quân đội nhân dân đã trân trọng đón nhận và xếp đăng bài rất nhanh. Sau khi bài đăng, đã có rất nhiều bạn đọc gọi điện, viết thư bày tỏ niềm tin vào lòng nhân ái và đức tính tốt đẹp ngày càng lan tỏa rộng rãi trong xã hội ta. Đây cũng là nguồn động lực để Báo Quân đội nhân dân, cùng Báo Nhân Dân và Lao Động, tiếp tục phát động rộng rãi hơn nữa cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Cũng qua câu chuyện của các cháu mới thấy, nếu những việc làm tốt trong xã hội mà được tìm hiểu, phản ánh kĩ càng, đầy đủ thì có sức hấp dẫn rất lớn với bạn đọc. Nhân đây, tôi cũng xin có lời cảm ơn nhà báo Tiến Phú, người đã cộng tác với chúng tôi để phản ánh câu chuyện xúc động về gia đình Mai Anh trên Báo Quân đội nhân dân.


Thiện Nhân tinh nghịch bên đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Nhắc đến một kỷ niệm về nhân vật - hai mẹ con Mai Anh và Thiện Nhân-nhà báo Tiến Phú bỗng nghẹn lời, nước mắt tuôn trào. Trước đó, tâm sự với tôi trong buổi sáng ngày 5-2, anh cho biết: Hơn 30 năm cầm bút, cũng đã đi khắp mọi miền đất nước để “sục sạo” tin tức, anh đã viết về hàng trăm gương người tốt, việc tốt nhưng khi viết bài kể chuyện chị Mai Anh chăm sóc cháu Thiện Nhân gây cho anh xúc động mạnh nhất. “Điều đáng nói, tôi viết bài này rất vô tình khi hằng ngày đi làm, thường gặp chị Mai Anh dẫn cháu Thiện Nhân đi chơi ở cổng cơ quan. Thế mới biết, có những điều quá đỗi tốt đẹp, quá đỗi cảm động ở ngay bên cạnh mình mà nếu không chịu khó quan sát, tìm hiểu thì không thể biết được” – anh Phú bày tỏ.

“Thiện Nhân hội” và muôn triệu tấm lòng

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chị Mai Anh đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện như cổ tích: Từ ngày đón cháu Thiện Nhân về đây, rất nhiều người có tấm lòng đã tìm đến giúp đỡ cháu. Có người làm nghề xe ôm, tìm đến được địa chỉ nhà chị, cứ xin được đứng ngoài để ngắm cháu Thiện Nhân một chút mà không dám bước vào nhà. Lúc về, anh lén dúi vào tay cháu tờ 50.000 đồng, mắt nhòa lệ. Chị Mai Anh hiểu đó là công sức của người lái xe ôm sau cả ngày chạy xe, muốn từ chối nhưng anh đã chạy mất. Lại có người quê ở Tam Kỳ (Quảng Nam – quê hương cháu Thiện Nhân), viết thư ra cho chị: “Chị ơi, đọc Báo Quân đội nhân dân tôi mới biết có chuyện thần kỳ đã diễn ra ngay trên quê hương mình mà tôi không biết. Tôi cảm ơn chị, một người Hà Nội đã có tấm lòng nhân hậu vô bờ bến, đã vượt qua tất cả những chông gai để cháu Thiện Nhân có cơ hội được sống như một người bình thường”. Một người khác, gọi điện thoại từ Hải Phòng, tâm sự: “Chị Mai Anh ơi, tôi là người có số phận không may, tôi thấy mình cực khổ so với người khác nhưng câu chuyện của chị và cháu Thiện Nhân đã cho tôi niềm hi vọng, rằng có những số phận còn cực khổ hơn nhưng vẫn yêu cuộc sống và sống hướng thiện”.


Thiện Nhân và mẹ Mai Anh đang xem thư và quà của bạn bè nhiều nước trên thế giới gửi cho em.

Trước nhu cầu quan tâm, chia sẻ rất lớn từ xã hội, vợ chồng chị Mai Anh đã tạo ra trang web (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt): thiennhan.info để những tấm lòng nhân ái quan tâm đến cháu có thể truy cập vào đó để tìm hiểu, chia sẻ. Ngay lập tức, địa chỉ email mà chị công bố nhận được hàng nghìn lá thư động viên. Chị Mai Anh cho biết: Lúc đầu, những người truy cập chủ yếu là các bà mẹ. Các chị chia sẻ và tìm hiểu về bé Thiện Nhân, rồi tổ chức diễn đàn trên mạng chia sẻ những thông tin nhân đạo, không chỉ thông tin về trường hợp của Thiện Nhân mà là thông tin về hàng trăm em bé có hoàn cảnh không may mắn. “Thiện Nhân hội” là hội những người quan tâm đến Thiện Nhân và các em bé có hoàn cảnh khó khăn được lập ra trên mạng, hoàn toàn tự giác. Qua mạng, chị Mai Anh được biết, các “Thiện Nhân hội” ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... hoạt động rất mạnh, đã giúp đỡ được hàng trăm trẻ em khó khăn. Gia đình chị Mai Anh không đăng ký tham gia hội nào nhưng được “Thiện Nhân hội” ở các tỉnh, thành phố coi như thành viên đương nhiên. Mỗi khi biết về một trường hợp bất hạnh nào đó, các hội viên lại chia sẻ địa chỉ trên diễn đàn để từng thành viên trực tiếp tìm đến giúp đỡ, động viên. Câu chuyện của chị Mai Anh và cháu Thiện Nhân đã trở thành đề tài, địa chỉ đánh thức hàng vạn tấm lòng nhân ái trong cả nước. Thậm chí, số điện thoại của chị Mai Anh trở thành nơi để những số phận không may gọi đến mong được chia sẻ hoặc tư vấn cách vượt qua khó khăn. Có người, khi biết được những chuyện như bố mẹ ngược đãi con cái, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi... đã gọi điện cho chị hỏi cách giải quyết. Thậm chí, nhiều bạn gái trót “nhỡ nhàng”, giằng xé giữa việc bỏ thai hay sinh con cũng gọi cho chị Mai Anh để xin ý kiến vì: “Cháu mất hết niềm tin vào cuộc sống, cháu chỉ tin vào cô nữa thôi”.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, người phụ nữ nhỏ bé Trần Mai Anh thường tránh kể về mình. Phải qua bà nội, bà ngoại của bé Thiện Nhân và anh Phùng Quang Nghinh, tôi mới hiểu thêm về những “đoạn trường” mà chị đã trải. Bản thân chị vốn là người có sức khỏe yếu, từ khi xây dựng gia đình, rồi sinh hai cậu con trai nên công việc gia đình dựa nhiều vào chồng và hai người mẹ. Thế nhưng, sau lần đầu vào thăm cháu Thiện Nhân ở Quảng Nam, trái tim chị cứ thắt lại khi nghĩ đến cháu. Chị cùng bạn bè ra sức tìm một người có lòng nhân ái để đỡ đầu nhưng chưa tìm được. Điều đó thôi thúc chị bàn với chồng nhận cháu về nuôi. “Bản thân cô ấy còn cần được chăm sóc, nói gì đến chăm một cháu nhỏ, bị mất 75% sức khỏe và chịu thương tật đặc biệt” – anh Nghinh cho biết.

Thế nhưng, bằng trái tim nhân hậu của người mẹ, chị Mai Anh đã thuyết phục cả nhà đồng ý nhận cháu Thiện Nhân về nuôi. Sau khi đón cháu từ Quảng Nam ra Hà Nội, trực tiếp xem vết thương của cháu, cả nhà chị bàng hoàng, lặng đi vì hoàn cảnh éo le và vết thương quá đau đớn. Cháu Thiện Nhân chỉ kém cháu Hải Minh, con trai thứ hai của anh chị một tuổi. Trước hôm đón Thiện Nhân về, vợ chồng chị Mai Anh lo nhất là “hai ông anh” của Thiện Nhân vốn suốt ngày “tranh giành bố mẹ” (cả hai anh chị đều bận rộn, ít ở nhà với con nên mỗi khi bố mẹ ở nhà, các cháu tranh nhau được ở cạnh bố, cạnh mẹ). Thế nhưng, thật may là khi có thêm Thiện Nhân, “hai ông anh” dường như ngoan hơn, thường xuyên nhường nhịn em út. Tuy nhiên, cũng từ ngày có Thiện Nhân, chị Mai Anh hầu như không còn thời gian chăm sóc hai cậu con trai lớn. Thời gian, chị dành cho việc đưa Thiện Nhân đi chữa chạy khắp 14 bệnh viện trong nước và nhiều bệnh viện ở nước ngoài như Mỹ, Đức, Thái Lan... Những dịp ở nhà, Thiện Nhân cũng tiêu tốn thời gian của mẹ Mai Anh nhiều nhất. “Có dịp, thời tiết thay đổi, cháu đau đớn khóc suốt 10 đêm không ngủ rồi đổ ốm. Con ốm thì mẹ cũng ốm, rồi các anh cũng mất ngủ theo và ốm theo” – chị Mai Anh kể. Căn nhà chật hẹp vợ chồng chị thuê trong một ngõ nhỏ ở phố Nhà Chung (để tiện cho Thiện Nhân đi học), bề ngang chỉ hơn 2m, một cháu ốm muốn cách ly với cháu khác cũng chẳng được...

Tình nhân ái không biên giới

Câu chuyện thần kỳ về sức sống mãnh liệt của cậu bé Phùng Thiện Nhân không chỉ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cả nước mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Hàng trăm hãng truyền thông của các quốc gia đã đưa tin về sức sống khó tin của em. Sau khi được mẹ Mai Anh đón về, lập ra trang web có phần tiếng Anh về Thiện Nhân thì được những tấm lòng nhân ái trên khắp thế giới quan tâm, chia sẻ.


Thiện Nhân được nhiều cơ quan báo chí quan tâm khi đến Mỹ chữa bệnh.

Khi biết câu chuyện Thiện Nhân, Audrey - một người mẹ ở Xin-ga-po đã khóc rất nhiều. Chị cùng chồng đã liên lạc với gia đình Mai Anh và mong muốn giúp Thiện Nhân tìm được quỹ để chữa trị và bảo đảm cuộc sống và học tập thật tốt sau này. Audrey biết được Thiện Nhân sinh vào ngày 15-7 nên đã gửi quà và một bức tranh do con trai chị vẽ tặng bé Nhân sinh nhật 2 tuổi với lời chúc từ người bạn nhỏ mong Thiện Nhân mau chóng khỏe mạnh. Một họa sĩ người Xin-ga-po (xin được không nêu tên) đã tự nguyện đứng ra vận động thành lập quỹ với số lượng người tham gia rất đông để giúp đỡ Thiện Nhân.

Điều kỳ diệu là số người tình nguyện tham gia diễn đàn và giúp đỡ “Thiện Nhân và những em bé có hoàn cảnh thương tâm” rất đông đảo trên khắp thế giới. Chị Mai Anh cho biết, khi chị đưa con đi Thái Lan, Đức, Mỹ... đi đến đâu, cũng có những người biết, tìm đến tình nguyện dẫn chị đi làm thủ tục chữa bệnh và giúp đỡ mọi mặt. Còn mỗi lần chị và Thiện Nhân sang Mỹ khám bệnh, luôn có nhiều hãng truyền thông đợi sẵn ở sân bay để đưa tin về hành trình của hai mẹ con. Riêng về tiền chữa trị cho Thiện Nhân, gần đây đã có một khoản được gửi vào Quỹ Trẻ em không biên giới, vợ chồng chị Mai Anh không quản lý quỹ này, chỉ khi nào đưa Thiện Nhân đi chữa bệnh thì Quỹ sẽ bảo đảm kinh phí trực tiếp.

Chị Mai Anh cho biết: Trường hợp của Thiện Nhân là một minh chứng về tình nhân ái không biên giới. Vừa rồi, Thiện Nhân nhận được thư và quà của hàng trăm em nhỏ và bà mẹ từ hàng chục quốc gia gửi đến động viên. Hiện tại, các nhà khoa học Mỹ hy vọng có thể giúp Thiện Nhân khôi phục cơ quan sinh dục một cách tự nhiên nhưng đây là việc làm chưa có tiền lệ và chắc chắn “chú lính chì Thiện Nhân” sẽ phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật nữa mới hy vọng trở thành một người đàn ông thực thụ. Và trong suốt cuộc đời, em sẽ phải thường xuyên được tiêm hoóc-môn giới tính nam để bảo đảm sự phát triển giới tính bình thường.

Chia tay tôi, chị Mai Anh gửi tặng bài hát “Có những diệu kỳ” do một Việt kiều tại Mỹ viết tặng chị và cháu Thiện Nhân. Bài hát có đoạn:

… Này là trái tim của muôn người thân

Vòng tay nối nhau trao thêm từ tâm, để em bước qua vực sâu

Niềm tin thắp sáng rạng soi năm tháng

Này là tiếng ca bên kia đại dương

Hòa vào biển khơi xanh mây ngàn phương nở hoa ngát hương

Ðàn chim gọi thêm nắng lên, hạt mầm ngủ trên tình người

Ôi ngàn muôn tấm chân tình…

Bài hát trên được cộng đồng người Việt tại Mỹ rất yêu thích và đã được giải trong Chương trình “Bài hát Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tấm lòng nhân ái bao la của chị Mai Anh và sức sống mãnh liệt của cậu bé Thiện Nhân đã trở thành địa chỉ kết nối tình yêu thương, đoàn kết giữa con người với con người.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI

Chủ tịch nước gửi thư khen người nhận nuôi cháu bé tật nguyền


TTXVN - Ngày 4-2, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen Biên tập viên Trần Mai Anh, tạp chí Heritage và Heritage Fashion, Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - người nhận nuôi cháu bé tật nguyền Phùng Thiện Nhân.

Nội dung thư như sau:

Tôi đã đọc bài "Viết tiếp chuyện cổ tích giữa đời thường" đăng trên báo Quân đội Nhân dân, là tác phẩm hưởng ứng cuộc thi "Viết về những tấm gương bình dị mà cao quý" do Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân và báo Lao Động đồng tổ chức. Bài báo kể về số phận của một cháu bé mới chào đời đã bị mẹ đẻ vứt bỏ, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, được Bệnh viện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cứu chữa, đem lại sự sống cho cháu. Chị Trần Mai Anh đã nhận cháu làm con nuôi, đặt tên cháu là Phùng Thiện Nhân và với tấm lòng cao cả của người mẹ, chị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đưa cháu đi chữa chạy ở nhiều bệnh viện trong, ngoài nước. Ðến nay, cháu Thiện Nhân đã khỏe mạnh, được đến trường như nhiều trẻ em khác.

Tôi rất xúc động trước tấm lòng nhân ái của chị và sự sẻ chia của nhiều tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội, làm cho cháu Thiện Nhân có được ngày hôm nay. Chị đã tô đẹp thêm hình ảnh Người Mẹ Việt Nam từ bao đời nay luôn là biểu tượng của lòng nhân hậu, bao dung, bình dị mà vô cùng cao quý, đã và đang ngày ngày chở che, nuôi dưỡng tâm hồn của mọi người dân đất Việt. Tôi tin những việc làm của chị sẽ không phải là chuyện cổ tích, mà cùng với chị và sự hưởng ứng của toàn xã hội, những việc làm ấy sẽ ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống, làm mát trong và tươi đẹp hồn người.

Chúc chị và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, thành đạt. Chúc cuộc thi "Viết về những tấm gương bình dị mà cao quý" thành công tốt đẹp.

Mẹ bé Thiện Nhân là “cổ tích có thật” về lòng nhân ái của phụ nữ Việt Nam

Mẹ bé Thiện Nhân là “cổ tích có thật” về lòng nhân ái của phụ nữ Việt Nam
QĐND - Thứ Hai, 08/02/2010, 21:53 (GMT+7)

Bà Nguyễn Thị Minh dạy cháu Phùng Thiện Nhân vẽ

QĐND - Ngày 8-2, bà Nguyễn Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đến thăm gia đình chị Mai Anh, người đã nhận nuôi cháu Phùng Thiện Nhân, nhân vật trong bài “Viết tiếp chuyện cổ tích giữa đời thường” đăng Báo Quân đội nhân dân, được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gửi thư khen ngày 4-2.

Nói chuyện thân mật với chị Mai Anh và tặng quà cháu Phùng Thiện Nhân, bà Nguyễn Thị Minh cho biết: Mặc dù đã biết đến những khó khăn của chị Mai Anh khi nhận cháu Thiện Nhân làm con nuôi qua các tác phẩm báo chí, nhưng đến gặp trực tiếp, bà mới hình dung rõ hơn và cảm nhận được những lo toan, vất vả của chị trong việc chăm sóc, chữa bệnh và nuôi dạy Thiện Nhân trở thành em bé mạnh khỏe, phát triển bình thường như hiện nay.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Minh bày tỏ sự khâm phục tinh thần nhân ái, vượt mọi khó khăn của vợ chồng chị Mai Anh trong quyết tâm nuôi dưỡng chữa trị cho cháu Thiện Nhân. Bà Minh chia sẻ với chị Mai Anh về những kinh nghiệm nuôi dạy con, đồng thời cho biết sẽ tích cực vận động cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ gia đình chị Mai Anh kinh phí chữa bệnh cho cháu Thiện Nhân, nhất là trong các dịp chữa chạy trong nước. Bên cạnh quà tặng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cá nhân bà Minh cũng tặng cháu Thiện Nhân 2 triệu đồng.

“Tấm lòng của chị Mai Anh đối với cháu Thiện Nhân chính là biểu hiện cụ thể, sinh động về lòng nhân ái của phụ nữ Việt Nam. Tôi nghĩ, đây chính là câu chuyện cổ tích có thật” - bà Minh chia sẻ với các cơ quan báo chí như vậy.

Tin, ảnh: NGUYỄN HỒNG

Tuesday, February 9, 2010

Hành trình Thiện Nhân

Hành trình Thiện Nhân (09/02/2010)




Cháu Thiện Nhân
Ảnh: TL
Câu chuyện về cháu bé Phùng Thiện Nhân chứng minh một điều đang tồn tại thật giản dị, nhưng cũng thật lắng sâu mà không phải ai cũng có thể diễn tả được thành lời. Điều này, “Đôi khi ta cảm nhận được rằng ta đến đây, trên trái đất này, vì người khác. Trước hết vì những người mà hạnh phúc riêng của ta hoàn toàn phụ thuộc vào nụ cười và sự âu yếm của họ, kế đến là vì bao người không quen mà số phận của họ nối với ta bằng sợi dây của lòng cảm thông” (Albert Einstein).

Đôi khi chính hiện diện của cái ác giúp ta nhận ra sự tồn tại âm thầm nhưng bền bỉ, mọi lúc mọi nơi, của điều thiện. Có một bà mẹ nhẫn tâm vứt đứa con đỏ hỏn mới chào đời vào một xó vườn hoang, không ý thức được những hệ lụy mà sinh linh bé bỏng đó phải trải qua, phải hứng chịu. Sự cô độc vì bị bỏ rơi, bất lực vì chưa có khả năng tự vệ đã làm cho đứa con mới chào đời lâm vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát, bị côn trùng và súc vật tấn công, bị mất một phần quan trọng của cơ thể, thương tật lên đến 75% vĩnh viễn. Ngay lập tức, có hàng nghìn, hàng vạn bà mẹ khác, tuy không rứt ruột đẻ ra, nhưng lại cảm thấy đau nhói tâm can mình mà tìm mọi cách để chia sẻ nỗi đau với số phận bé bỏng hẩm hiu đó.

Có một nhà báo khi đưa tin về câu chuyện thương tâm này đã rất xúc động: “Khi người ta tìm thấy, người cháu bê bết máu và đầy kiến bu, da tím ngắt không còn một chút sự sống. Dường như tôi nghe văng vẳng đâu đó tiếng nói của sinh linh bé bỏng: “Mẹ ơi, sao mẹ nỡ như vậy với con”. Vô cùng cảm ơn những người đã phát hiện ra cháu bé, những người đã đưa cháu đi cấp cứu ở bệnh viện, vô cùng cảm ơn các thầy thuốc ở Bệnh viện đa khoa Quảng Nam đã hết lòng cứu cháu bé”.

Trong vòng tay cưu mang của hàng nghìn bà mẹ và những tấm lòng nhân ái, bé Thiện Nhân đã vượt qua nỗi đau khủng khiếp, càng lớn càng thông minh, nhanh nhẹn và cũng rất nhạy cảm với những khiếm khuyết của cơ thể. Và đây cũng chính là điều mà cộng đồng yêu thương cháu bé có số phận đau đớn kỳ lạ này thực sự lo ngại, vì tương lai của cháu. Và tình thương đã lớn hơn những khó khăn mà những người yêu thương Thiện Nhân đang gặp phải. Gia đình anh chị Phùng Quang Nghinh - Trần Mai Anh (Biên tập viên Tạp chí Heritage) ở Hà Nội, đã quyết định nhận cháu Thiện Nhân làm con nuôi ngay sau khi trực tiếp vào Quảng Nam thăm cháu, mặc dù hai anh chị đã có hai con trai khoẻ mạnh, thông minh. Cha mẹ nuôi của Thiện Nhân hiểu được những khó khăn mà họ sẽ gặp phải nhưng không lùi bước vì họ cảm nhận được sức mạnh lớn lao của sự kết nối cộng đồng bởi lòng nhân ái: “Thiện Nhân con, khi cha mẹ có ý định đón con về đã nhận được lời khuyên chân thành là “Đừng bao giờ bắt đầu cho một việc không có kết thúc”. Cha mẹ đã bắt đầu, nhưng người làm nên kết thúc sẽ là con đấy. Con đã đưa gia đình mình bước vào một cộng đồng của biết bao tấm lòng nhân ái mà trước đây cha mẹ không nhận thấy. Con đã làm được một việc lớn lao là kết nối được biết bao tấm lòng và thuyết phục được hàng trăm, hàng ngàn người yêu thương con, dõi theo, cổ vũ từng bước con đi”.

Cao cả sao tấm lòng người mẹ. Còn lời nào đẹp hơn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dành cho mẹ Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh: “Với tấm lòng cao cả của người mẹ, chị đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đưa cháu đi chữa chạy...”. “Chị đã tô đẹp thêm hình ảnh Người Mẹ Việt Nam từ bao đời nay luôn là biểu tượng của lòng nhân hậu, bao dung, bình dị mà vô cùng cao quý, đã và đang ngày càng chở che, nuôi dưỡng tâm hồn của mọi người dân Đất Việt. Tôi tin những việc làm của chị sẽ không phải là chuyện cổ tích”...

Tấm lòng người mẹ hay hơn bất kỳ câu chuyện cổ tích nào có trên đời.
Hữu Nguyên

Friday, February 5, 2010

Chủ tịch nước gửi thư khen mẹ nuôi bé Thiện Nhân

Chủ tịch nước gửi thư khen mẹ nuôi bé Thiện Nhân

Ngày 4/2 Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi thư khen chị Trần Mai Anh, người đã nhận nuôi và chăm sóc bé Thiện Nhân - khi chào đời đã bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục.
> Bé Thiện Nhân ngày đầu đi học/ Số phận cháu bé bị bỏ rơi trong vườn hoang

"Tôi rất xúc động trước tấm lòng nhân ái của chị và sự sẻ chia của nhiều tổ chức, cá nhân trong cộng đồng xã hội, làm cho cháu Thiện Nhân có được ngày hôm nay. Chị đã tô đẹp thêm hình ảnh mgười mẹ Việt Nam từ bao đời nay luôn là biểu tượng của lòng nhân hậu, bao dung, bình dị mà vô cùng cao quý", Chủ tịch nước viết.

Chủ tịch nước tin tưởng, những việc làm của chị Mai Anh sẽ không phải là chuyện cổ tích, mà cùng với chị và sự hưởng ứng của toàn xã hội, những việc làm ấy sẽ ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống.


Vợ chồng chị Mai Anh và bé Thiện Nhân trong những ngày chữa bệnh tại Mỹ. Ảnh gia đình cung cấp.


Tháng 7/2006 người dân phát hiện trong vườn hoang một bé sơ sinh đang thoi thóp với cơ thể tím đen, trên mình hằn đầy những vết cắn, nhấm. Cháu bé được đưa đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam trong tình trạng một chân phải và bộ phận sinh dục của cháu bị mất.

* Hình ảnh ngộ nghĩnh của bé Thiện Nhân

Chị Mai Anh, mẹ nuôi của cháu nhớ lại: “Khi đọc thông tin trên báo về trường hợp của cháu bé, tôi đã rất xúc động. Cuối năm 2007, tôi cùng một vài người bạn vào Quảng Nam thăm cháu. Đúng là không thể cầm được nước mắt khi nhìn thấy cảnh cháu lết chân tay bò khắp nhà để tìm thức ăn, mặt mũi lem luốc… Lúc đó, không hiểu sao tôi lại có niềm khao khát được làm người mẹ chăm lo cho cháu”.

Rồi chị bàn với chồng, với cha, mẹ nội ngoại hai bên xin được đón cháu về nuôi. Lúc đầu, chồng chị cũng đắn đo. Anh phân tích cho chị những khó khăn vất vả khi nuôi một cháu bé mà cơ thể không còn lành lặn, những tổn thương về tinh thần trong cuộc sống mai sau… Nhưng rồi, tình thương, lòng trắc ẩn đã chiến thắng. Anh đồng ý đón cháu về. Mẹ chị chỉ nhắn một câu: "Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp. Mẹ luôn ở bên cạnh con”.

Sau ca phẫu thuật thành công ở Mỹ năm 2008, "chú lính chì" Thiện Nhân đang sống những ngày hạnh phúc trong tình yêu của bố mẹ, bạn bè và các nhà hảo tâm

Chị Trần Mai Anh hiện là biên tập viên Tạp chí Heritage và Heritage Fashion.

Anh Thư

Thursday, February 4, 2010

Chuyện người phụ nữ viết cổ tích giữa đời thường

Chuyện người phụ nữ viết cổ tích giữa đời thường



Những ngày đầu năm 2010, cuốn lịch bàn mang tên “Một ngày của Nhân” đã được phát hành để dành tặng cho “chú lính chì dũng cảm” Phùng Thiện Nhân.

12 tháng trong cuốn lịch là 12 tấm ảnh chụp các hoạt động sinh hoạt của Thiện Nhân trong một ngày: tới trường, học tập, giờ ăn trưa, chơi với bạn, chơi công viên, đánh răng, đi ngủ…

Nhìn khuôn mặt lém lỉnh, ánh mắt tự tin, nụ cười yêu đời của cậu bé 3 tuổi trong những bức ảnh ấy, nhiều người nghĩ rằng, chỉ có điều kỳ diệu như chuyện cổ tích mới khiến một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở vườn hoang, bị động vật gặm mất một chân và bộ phận sinh dục có thể sống khỏe mạnh, hòa nhập cộng đồng nhanh đến thế.

Nhưng nếu dõi theo từng bước đi của Thiện Nhân từ khi được tìm thấy trong khu vườn hoang đến ngày hôm nay mới thấy, người làm nên điều kỳ diệu cho cuộc sống của cậu bé lại chính là một người phụ nữ bình thường, với tấm lòng nhân hậu và giàu tình thương của người mẹ đã đón Nhân về với tổ ấm của gia đình mình. Đó là chị Trần Mai Anh.

Khi đọc thông tin trên báo về trường hợp của cháu bé Thiện Nhân, chị Mai Anh đã cùng một vài người bạn vào Quảng Nam thăm cháu. Chứng kiến cảnh cháu lết chân tay bò khắp nhà để tìm thức ăn, mặt mũi lem luốc, niềm khao khát được làm người mẹ chăm lo cho cháu đã khiến chị có một quyết định nhẹ tênh không cần nghĩ ngợi, đó là nhận bé Nhân về nuôi dưỡng. Mẹ chồng, mẹ đẻ và đặc biệt là chồng chị - anh Phùng Quang Nghinh cũng đã ủng hộ chị.

Chỉ từ năm 2008-2009, Thiện Nhân đã được mẹ Mai Anh và bố Nghinh đưa đến 13 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh viện ở Việt Nam, 3 bệnh viện ở Thái Lan và 2 bệnh viện ở Mỹ để kiếm tìm một địa chỉ có khả năng chữa được tổng thể bệnh của Nhân (xương khớp, tiết niệu, trị bệnh và tâm lý) bằng bất cứ giá nào.

Nhờ những liên hệ từ bạn bè, từ những người quan tâm đến Thiện Nhân trên khắp thế giới, cậu bé đã được đưa sang Mỹ tìm hướng điều trị. Sau chuyến đi ấy trở về, Thiện Nhân đã có thể đi tiểu được và được lắp chân giả.

Mỗi chuyến bay đưa con ra nước ngoài chữa bệnh là mỗi lần mẹ Mai Anh và gia đình hy vọng cậu bé sẽ được phẫu thuật để đến trường vào năm 6 tuổi giống như bạn bè cùng trang lứa. Nhưng mới đây, cái kết quả xét nghiệm không ai mong muốn đã được thông báo tới gia đình Nhân: không có dấu hiệu hoạt động của cả 2 tinh hoàn.

Vậy là, "chú lính chì" sẽ phải chờ đến năm 9 tuổi mới phẫu thuật và cấy ghép được. Sự chờ đợi và hy vọng lại bắt đầu...

Dang tay che chở cho một đứa trẻ bị bỏ rơi đã là cao cả. Ôm đứa trẻ tật nguyền vào lòng, nâng niu và làm hết sức mình, mang cả gia sản của mình ra để chữa trị cho bé được lành lặn… Tình yêu mà mẹ Mai Anh dành cho “chú lính chì” thật không gì đo đếm được.

Đáng khâm phục hơn là người phụ nữ bé nhỏ ấy không phải là một thương gia hay có một cuộc sống giàu có, lại cũng không phải là vì hiếm muộn mà nhận con nuôi. Chị và chồng mình chỉ là những phóng viên, biên tập viên bình thường. Trước khi có bé Phùng Thiện Nhân, mẹ Mai Anh (biên tập viên tạp chí Heritage) và bố Phùng Quang Nghinh (biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam) đã có 2 cậu con trai kháu khỉnh.

Chăm một đứa con nhỏ đã vất vả, chăm 3 đứa trẻ, lại là 3 con trai sàn sàn tuổi nhau, nỗi vất vả, mệt nhọc tăng lên gấp 5 lần. Vậy mà bạn bè và những người thân, gần gũi với Mai Anh chưa một lần thấy chị kêu ca mệt nhọc vì có một đứa con tật nguyền như Thiện Nhân.

Nhìn cách mà Mai Anh chuẩn bị cho bé Phùng Thiện Nhân tới trường mỗi ngày, những người bạn biết chị từ ngày nhỉnh hơn “Chú lính chì” chút xíu lại nhớ tới hình ảnh cô bé Mai Anh nhỏ nhất lớp đứng khóc ngậm ngùi thương cây bàng nơi góc sân trường vừa bị đổ sau cơn mưa hơn 20 năm trước. Để rồi nghiệm ra rằng, trong cuộc đời này, vẫn có những con người giàu lòng nhân ái, vẫn có những con người không vô cảm, sống mà luôn hướng tới chữ Thiện, chữ Nhân./.

Việt Hà (Vietnam+)