Saturday, February 13, 2010

Không phải cổ tích

Không phải cổ tích

QĐND - Thứ Bẩy, 06/02/2010, 1:4 (GMT+7)

Ngày 5-2, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã đến thăm gia đình nữ nhà báo Trần Mai Anh, người đã nhận cháu Phùng Thiện Nhân làm con nuôi, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngày 4-2. “Không phải chuyện cổ tích mà đây là câu chuyện thật đầy xúc động về tấm lòng của một người phụ nữ Việt Nam đã khiến tình nhân ái tỏa rộng khắp cả nước và lan sang bạn bè quốc tế” – Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đã nói như vậy sau khi nghe chị Mai Anh kể lại hành trình chăm sóc, chữa bệnh cho cháu Thiện Nhân.

Sống động một tấm gương về lòng nhân ái

17 giờ ngày 5-2, đoàn cán bộ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân do Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên dẫn đầu đến gõ cửa căn nhà gia đình chị Trần Mai Anh đang thuê trong một con ngõ nhỏ nằm trên phố Nhà Chung. Đã có hẹn trước nên chị Mai Anh xin phép Tòa soạn cho nghỉ sớm để đi đón ba cậu con trai từ trường về đón khách (Thiện Nhân bây giờ là con út trong gia đình chị, trước cháu là hai anh trai). Anh Phùng Quang Nghinh, chồng chị, là Trưởng ban Thời sự của kênh phát thanh có hình VOV (Đài Tiếng nói Việt Nam), mặc dù đang trực ở cơ quan cũng tranh thủ ghé về nhà giúp vợ tiếp khách.


Bé Thiện Nhân chụp ảnh cùng Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, nhà báo Tiến Phú (ở giữa) và bố mẹ.

Cùng là nhà báo nên câu chuyện thân mật ngay từ đầu. Vợ chồng chị Mai Anh xin được gọi Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên là “chú”, xưng “cháu”, giọng chị nhỏ nhẹ:

- Thưa chú, chuyện vợ chồng cháu đón cháu Thiện Nhân về làm con đã được các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế nhắc đến rất nhiều trong mấy năm qua. Hôm trước, nhà báo Tiến Phú đến tìm hiểu, muốn tiếp tục viết bài, cháu cũng hơi ngại vì chúng cháu cũng là nhà báo và việc chúng cháu làm không phải để mình trở thành mối quan tâm của truyền thông như bây giờ. Tuy nhiên, cháu thực sự xúc động sau khi bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân (trang 3, ngày 3-1-2010) đã tạo được sự đồng cảm mạnh mẽ, lớn lao đến thế trong xã hội và nhất là được Chủ tịch nước gửi thư khen. Cháu nghĩ, những việc làm tương tự như vợ chồng cháu còn rất nhiều, rất nhiều chú ạ. Cháu mong báo ta tiếp tục phát hiện những con người như vậy để giới thiệu với bạn đọc. Mấy ngày gần đây, rất nhiều người đã gọi điện, viết thư cho cháu nói rằng: Chuyện cháu Thiện Nhân, chúng tôi có nghe nhắc đến nhiều lần nhưng chỉ khi bài báo đăng trên Quân đội nhân dân, chúng tôi mới để tâm đọc kĩ và rất xúc động.

Bế cháu Thiện Nhân vào lòng, hỏi thăm sức khỏe và tặng quà cho cháu, đồng chí Tổng biên tập vừa nhắn nhủ, vừa tâm sự:

- Chuyện cháu Thiện Nhân bị mẹ bỏ rơi, bị súc vật cắn mất một chân và ăn mất cơ quan sinh dục, thương tích 75% nhưng đã sống sót là hiện thân của sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong mỗi con người. Chuyện vợ chồng cháu, bằng tấm lòng nhân ái của mình, đã vượt qua mọi khó khăn, rào cản để nhận Thiện Nhân làm con nuôi, đưa con đi khắp các bệnh viện trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới để chữa bệnh đã làm lay động trái tim của hàng triệu bạn đọc. Vì vậy, khi nhà báo Tiến Phú gửi bài dự thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý” viết về cháu, các biên tập viên Báo Quân đội nhân dân đã trân trọng đón nhận và xếp đăng bài rất nhanh. Sau khi bài đăng, đã có rất nhiều bạn đọc gọi điện, viết thư bày tỏ niềm tin vào lòng nhân ái và đức tính tốt đẹp ngày càng lan tỏa rộng rãi trong xã hội ta. Đây cũng là nguồn động lực để Báo Quân đội nhân dân, cùng Báo Nhân Dân và Lao Động, tiếp tục phát động rộng rãi hơn nữa cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Cũng qua câu chuyện của các cháu mới thấy, nếu những việc làm tốt trong xã hội mà được tìm hiểu, phản ánh kĩ càng, đầy đủ thì có sức hấp dẫn rất lớn với bạn đọc. Nhân đây, tôi cũng xin có lời cảm ơn nhà báo Tiến Phú, người đã cộng tác với chúng tôi để phản ánh câu chuyện xúc động về gia đình Mai Anh trên Báo Quân đội nhân dân.


Thiện Nhân tinh nghịch bên đồng chí Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân.

Nhắc đến một kỷ niệm về nhân vật - hai mẹ con Mai Anh và Thiện Nhân-nhà báo Tiến Phú bỗng nghẹn lời, nước mắt tuôn trào. Trước đó, tâm sự với tôi trong buổi sáng ngày 5-2, anh cho biết: Hơn 30 năm cầm bút, cũng đã đi khắp mọi miền đất nước để “sục sạo” tin tức, anh đã viết về hàng trăm gương người tốt, việc tốt nhưng khi viết bài kể chuyện chị Mai Anh chăm sóc cháu Thiện Nhân gây cho anh xúc động mạnh nhất. “Điều đáng nói, tôi viết bài này rất vô tình khi hằng ngày đi làm, thường gặp chị Mai Anh dẫn cháu Thiện Nhân đi chơi ở cổng cơ quan. Thế mới biết, có những điều quá đỗi tốt đẹp, quá đỗi cảm động ở ngay bên cạnh mình mà nếu không chịu khó quan sát, tìm hiểu thì không thể biết được” – anh Phú bày tỏ.

“Thiện Nhân hội” và muôn triệu tấm lòng

Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, chị Mai Anh đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện như cổ tích: Từ ngày đón cháu Thiện Nhân về đây, rất nhiều người có tấm lòng đã tìm đến giúp đỡ cháu. Có người làm nghề xe ôm, tìm đến được địa chỉ nhà chị, cứ xin được đứng ngoài để ngắm cháu Thiện Nhân một chút mà không dám bước vào nhà. Lúc về, anh lén dúi vào tay cháu tờ 50.000 đồng, mắt nhòa lệ. Chị Mai Anh hiểu đó là công sức của người lái xe ôm sau cả ngày chạy xe, muốn từ chối nhưng anh đã chạy mất. Lại có người quê ở Tam Kỳ (Quảng Nam – quê hương cháu Thiện Nhân), viết thư ra cho chị: “Chị ơi, đọc Báo Quân đội nhân dân tôi mới biết có chuyện thần kỳ đã diễn ra ngay trên quê hương mình mà tôi không biết. Tôi cảm ơn chị, một người Hà Nội đã có tấm lòng nhân hậu vô bờ bến, đã vượt qua tất cả những chông gai để cháu Thiện Nhân có cơ hội được sống như một người bình thường”. Một người khác, gọi điện thoại từ Hải Phòng, tâm sự: “Chị Mai Anh ơi, tôi là người có số phận không may, tôi thấy mình cực khổ so với người khác nhưng câu chuyện của chị và cháu Thiện Nhân đã cho tôi niềm hi vọng, rằng có những số phận còn cực khổ hơn nhưng vẫn yêu cuộc sống và sống hướng thiện”.


Thiện Nhân và mẹ Mai Anh đang xem thư và quà của bạn bè nhiều nước trên thế giới gửi cho em.

Trước nhu cầu quan tâm, chia sẻ rất lớn từ xã hội, vợ chồng chị Mai Anh đã tạo ra trang web (bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt): thiennhan.info để những tấm lòng nhân ái quan tâm đến cháu có thể truy cập vào đó để tìm hiểu, chia sẻ. Ngay lập tức, địa chỉ email mà chị công bố nhận được hàng nghìn lá thư động viên. Chị Mai Anh cho biết: Lúc đầu, những người truy cập chủ yếu là các bà mẹ. Các chị chia sẻ và tìm hiểu về bé Thiện Nhân, rồi tổ chức diễn đàn trên mạng chia sẻ những thông tin nhân đạo, không chỉ thông tin về trường hợp của Thiện Nhân mà là thông tin về hàng trăm em bé có hoàn cảnh không may mắn. “Thiện Nhân hội” là hội những người quan tâm đến Thiện Nhân và các em bé có hoàn cảnh khó khăn được lập ra trên mạng, hoàn toàn tự giác. Qua mạng, chị Mai Anh được biết, các “Thiện Nhân hội” ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... hoạt động rất mạnh, đã giúp đỡ được hàng trăm trẻ em khó khăn. Gia đình chị Mai Anh không đăng ký tham gia hội nào nhưng được “Thiện Nhân hội” ở các tỉnh, thành phố coi như thành viên đương nhiên. Mỗi khi biết về một trường hợp bất hạnh nào đó, các hội viên lại chia sẻ địa chỉ trên diễn đàn để từng thành viên trực tiếp tìm đến giúp đỡ, động viên. Câu chuyện của chị Mai Anh và cháu Thiện Nhân đã trở thành đề tài, địa chỉ đánh thức hàng vạn tấm lòng nhân ái trong cả nước. Thậm chí, số điện thoại của chị Mai Anh trở thành nơi để những số phận không may gọi đến mong được chia sẻ hoặc tư vấn cách vượt qua khó khăn. Có người, khi biết được những chuyện như bố mẹ ngược đãi con cái, trẻ sơ sinh bị bỏ rơi... đã gọi điện cho chị hỏi cách giải quyết. Thậm chí, nhiều bạn gái trót “nhỡ nhàng”, giằng xé giữa việc bỏ thai hay sinh con cũng gọi cho chị Mai Anh để xin ý kiến vì: “Cháu mất hết niềm tin vào cuộc sống, cháu chỉ tin vào cô nữa thôi”.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, người phụ nữ nhỏ bé Trần Mai Anh thường tránh kể về mình. Phải qua bà nội, bà ngoại của bé Thiện Nhân và anh Phùng Quang Nghinh, tôi mới hiểu thêm về những “đoạn trường” mà chị đã trải. Bản thân chị vốn là người có sức khỏe yếu, từ khi xây dựng gia đình, rồi sinh hai cậu con trai nên công việc gia đình dựa nhiều vào chồng và hai người mẹ. Thế nhưng, sau lần đầu vào thăm cháu Thiện Nhân ở Quảng Nam, trái tim chị cứ thắt lại khi nghĩ đến cháu. Chị cùng bạn bè ra sức tìm một người có lòng nhân ái để đỡ đầu nhưng chưa tìm được. Điều đó thôi thúc chị bàn với chồng nhận cháu về nuôi. “Bản thân cô ấy còn cần được chăm sóc, nói gì đến chăm một cháu nhỏ, bị mất 75% sức khỏe và chịu thương tật đặc biệt” – anh Nghinh cho biết.

Thế nhưng, bằng trái tim nhân hậu của người mẹ, chị Mai Anh đã thuyết phục cả nhà đồng ý nhận cháu Thiện Nhân về nuôi. Sau khi đón cháu từ Quảng Nam ra Hà Nội, trực tiếp xem vết thương của cháu, cả nhà chị bàng hoàng, lặng đi vì hoàn cảnh éo le và vết thương quá đau đớn. Cháu Thiện Nhân chỉ kém cháu Hải Minh, con trai thứ hai của anh chị một tuổi. Trước hôm đón Thiện Nhân về, vợ chồng chị Mai Anh lo nhất là “hai ông anh” của Thiện Nhân vốn suốt ngày “tranh giành bố mẹ” (cả hai anh chị đều bận rộn, ít ở nhà với con nên mỗi khi bố mẹ ở nhà, các cháu tranh nhau được ở cạnh bố, cạnh mẹ). Thế nhưng, thật may là khi có thêm Thiện Nhân, “hai ông anh” dường như ngoan hơn, thường xuyên nhường nhịn em út. Tuy nhiên, cũng từ ngày có Thiện Nhân, chị Mai Anh hầu như không còn thời gian chăm sóc hai cậu con trai lớn. Thời gian, chị dành cho việc đưa Thiện Nhân đi chữa chạy khắp 14 bệnh viện trong nước và nhiều bệnh viện ở nước ngoài như Mỹ, Đức, Thái Lan... Những dịp ở nhà, Thiện Nhân cũng tiêu tốn thời gian của mẹ Mai Anh nhiều nhất. “Có dịp, thời tiết thay đổi, cháu đau đớn khóc suốt 10 đêm không ngủ rồi đổ ốm. Con ốm thì mẹ cũng ốm, rồi các anh cũng mất ngủ theo và ốm theo” – chị Mai Anh kể. Căn nhà chật hẹp vợ chồng chị thuê trong một ngõ nhỏ ở phố Nhà Chung (để tiện cho Thiện Nhân đi học), bề ngang chỉ hơn 2m, một cháu ốm muốn cách ly với cháu khác cũng chẳng được...

Tình nhân ái không biên giới

Câu chuyện thần kỳ về sức sống mãnh liệt của cậu bé Phùng Thiện Nhân không chỉ nhận được sự quan tâm rộng rãi của cả nước mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Hàng trăm hãng truyền thông của các quốc gia đã đưa tin về sức sống khó tin của em. Sau khi được mẹ Mai Anh đón về, lập ra trang web có phần tiếng Anh về Thiện Nhân thì được những tấm lòng nhân ái trên khắp thế giới quan tâm, chia sẻ.


Thiện Nhân được nhiều cơ quan báo chí quan tâm khi đến Mỹ chữa bệnh.

Khi biết câu chuyện Thiện Nhân, Audrey - một người mẹ ở Xin-ga-po đã khóc rất nhiều. Chị cùng chồng đã liên lạc với gia đình Mai Anh và mong muốn giúp Thiện Nhân tìm được quỹ để chữa trị và bảo đảm cuộc sống và học tập thật tốt sau này. Audrey biết được Thiện Nhân sinh vào ngày 15-7 nên đã gửi quà và một bức tranh do con trai chị vẽ tặng bé Nhân sinh nhật 2 tuổi với lời chúc từ người bạn nhỏ mong Thiện Nhân mau chóng khỏe mạnh. Một họa sĩ người Xin-ga-po (xin được không nêu tên) đã tự nguyện đứng ra vận động thành lập quỹ với số lượng người tham gia rất đông để giúp đỡ Thiện Nhân.

Điều kỳ diệu là số người tình nguyện tham gia diễn đàn và giúp đỡ “Thiện Nhân và những em bé có hoàn cảnh thương tâm” rất đông đảo trên khắp thế giới. Chị Mai Anh cho biết, khi chị đưa con đi Thái Lan, Đức, Mỹ... đi đến đâu, cũng có những người biết, tìm đến tình nguyện dẫn chị đi làm thủ tục chữa bệnh và giúp đỡ mọi mặt. Còn mỗi lần chị và Thiện Nhân sang Mỹ khám bệnh, luôn có nhiều hãng truyền thông đợi sẵn ở sân bay để đưa tin về hành trình của hai mẹ con. Riêng về tiền chữa trị cho Thiện Nhân, gần đây đã có một khoản được gửi vào Quỹ Trẻ em không biên giới, vợ chồng chị Mai Anh không quản lý quỹ này, chỉ khi nào đưa Thiện Nhân đi chữa bệnh thì Quỹ sẽ bảo đảm kinh phí trực tiếp.

Chị Mai Anh cho biết: Trường hợp của Thiện Nhân là một minh chứng về tình nhân ái không biên giới. Vừa rồi, Thiện Nhân nhận được thư và quà của hàng trăm em nhỏ và bà mẹ từ hàng chục quốc gia gửi đến động viên. Hiện tại, các nhà khoa học Mỹ hy vọng có thể giúp Thiện Nhân khôi phục cơ quan sinh dục một cách tự nhiên nhưng đây là việc làm chưa có tiền lệ và chắc chắn “chú lính chì Thiện Nhân” sẽ phải trải qua hàng chục ca phẫu thuật nữa mới hy vọng trở thành một người đàn ông thực thụ. Và trong suốt cuộc đời, em sẽ phải thường xuyên được tiêm hoóc-môn giới tính nam để bảo đảm sự phát triển giới tính bình thường.

Chia tay tôi, chị Mai Anh gửi tặng bài hát “Có những diệu kỳ” do một Việt kiều tại Mỹ viết tặng chị và cháu Thiện Nhân. Bài hát có đoạn:

… Này là trái tim của muôn người thân

Vòng tay nối nhau trao thêm từ tâm, để em bước qua vực sâu

Niềm tin thắp sáng rạng soi năm tháng

Này là tiếng ca bên kia đại dương

Hòa vào biển khơi xanh mây ngàn phương nở hoa ngát hương

Ðàn chim gọi thêm nắng lên, hạt mầm ngủ trên tình người

Ôi ngàn muôn tấm chân tình…

Bài hát trên được cộng đồng người Việt tại Mỹ rất yêu thích và đã được giải trong Chương trình “Bài hát Việt” của Đài Truyền hình Việt Nam.

Tấm lòng nhân ái bao la của chị Mai Anh và sức sống mãnh liệt của cậu bé Thiện Nhân đã trở thành địa chỉ kết nối tình yêu thương, đoàn kết giữa con người với con người.

Bài và ảnh: HỒNG HẢI

No comments: