Monday, August 18, 2008

Bé Thiện Nhân và người cha nuôi thứ hai

Thứ Hai, 18/8/2008, 2:4 (GMT+7)
Bé Thiện Nhân và người cha nuôi thứ hai

  • Đánh giá:0
(TT&VH Cuối tuần) - Ngày 15/8, cậu bé Thiện Nhân cùng bố mẹ nuôi sang Mỹ. Em được gia đình đưa đến Bệnh viện Dartmouth ở New Hampshire (Mỹ) để phẫu thuật niệu đạo và tạo hình bộ phận giả công nghệ cao, sau đó, đến Chicago kiểm tra chân. Với Nhân, chuyến đi này rất đặc biệt, và em-cậu bé bị bỏ rơi ngay từ khi chào đời, đã có thêm người bố nuôi thứ hai, người mang đến và tổ chức chuyến đi đặc biệt này, đó là Creig Craft – sáng lập viên, chủ tịch quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIPF).

>> Hoa hậu “từ thiện” và Thiện Nhân – "chú lính chì dũng cảm”
>> Một ngày hạnh phúc của bé Thiện Nhân
>> Mai Phương Thúy GLTT trên TT&VH Online để giúp đỡ bé Thiện Nhân
>> Hoa hậu Mai Phương Thúy bán sách ảnh và DVD ủng hộ bé Thiện Nhân
>> Thiện Nhân và những câu chuyện được viết tiếp

Tôi gặp Greig Craft rất tình cờ, dưới chân cầu thang máy, trong một buổi giao lưu từ thiện cho bé Thiện Nhân, do báo TT&VH tổ chức, có sự tham gia của hoa hậu Mai Phương Thúy. Người đàn ông Mỹ có dáng vóc bé nhỏ và nụ cười đôn hậu. Đến vì Thiện Nhân, nhưng ông mang theo món quà nhỏ cho hoa hậu Mai Phương Thúy. Hóa ra Thúy là một trong những người bạn của ông, nhất là sau khi cô tham gia một loạt hoạt động cho việc tuyên truyền người dân Việt Nam đội mũ bảo hiểm. Ông đến để cảm ơn Thúy vì nghĩa cử cao đẹp mà cô dành cho Thiện Nhân. Sau khi trò chuyện với Thúy, ông đứng lui về phía đằng sau, từ góc phòng, ông lặng lẽ ngắm Thiện Nhân, mỉm cười vui mỗi khi cậu bé làm hay nói điều gì đó ngộ nghĩnh.

Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi: "Người bạn thân nhất của ông là ai?", Greig Craft trả lời: "Hiện giờ, người bạn thân nhất của tôi là một đứa trẻ. Bé rất quan trọng đối với tôi bởi vì ở giai đoạn này, tôi phải cân nhắc những gánh nặng của tôi – để xem việc gì quan trọng việc gì không – và đánh giá tất cả đối với cuộc sống của mình. Người bạn này của tôi bị chó tấn công ngay từ khi mới sinh ra và bị thương nặng." Người bạn đó chính là Thiện Nhân.

Greig biết đến trường hợp của Nhân khá sớm, ngay sau khi một số báo đăng tin về em bé sơ sinh ở huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam bị mẹ đẻ bỏ rơi và bị súc cắn dẫn tới bị thương nặng vào năm 2006. Thông tin này ám ảnh Greig rất nhiều. "Tôi không hiểu sao nhưng đó là một câu chuyện rất khủng khiếp, thật khó mà tin được. Vì thế, ngay lập tức tôi biết tôi nên làm gì đó." Trong khoảng thời gian ấy, hình ảnh về hàng loạt người chết sau trận sóng thần ở Thái Lan – mà Greig đã đến tận nơi làm nhân đạo – vẫn còn in đậm trong tâm trí ông. Ông không thể quên được cảnh những xác mẹ con bám chặt vào nhau, xác người vướng vào những cành, thân cây và bụi rậm. Tất cả điều đó làm Greig kinh hãi, và chúng ẩn sâu vào từng cơn ác mộng của ông. Nhiều lần, Greig cầu mong mình không phải chứng kiến lại những cảnh thương tâm đó hoặc không còn ai vướng vào hoàn cảnh tương tự. Nhưng sau khi trở về Việt Nam, đọc từng dòng tin trên báo chí về tình cảnh của em bé, Greig cảm thấy: "Những câu chuyện về Thiện Nhân dường như rất không đúng, không công bằng và rõ ràng sai trái. Chúng làm tôi hết sức buồn phiền. Tôi không thể tin cũng như không thể lý giải được tại sao lại có thể vứt bỏ một sinh linh bé bỏng ngay sau khi sinh ra va sinh linh đó phải đối diện với sự đau đớn không thể tưởng tượng được rồi lại sống sót sau 72 giờ."


Greig và cậu con nuôi Thiện Nhân

Và ông là một trong số ít người sớm nhất từ Hà Nội vào tận Quảng Ngãi thăm Thiện Nhân. Mặc dù rất bận rộn với hàng loạt công việc tuyên truyền, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở Việt Nam, điều hành việc sản xuất mũ bảo hiểm Protec, quản lý quỹ phòng chống thương vong châu Á... nhưng Greig vẫn tranh thủ đến thăm Thiện Nhân mỗi khi có thể. Những chuyến đi khiến ông có được sự yên bình nhẹ nhõm trong tâm trí. "Tôi rất may mắn vì được biết bé," - Greig tâm sự - "vì bất cứ khi nào tôi thấy buồn phiền, chán nản, hay gặp phải những vấn đề nhỏ nhặt tầm thường, tôi lại nghĩ đến cuộc sống của bé như thế nào."

Trong thời gian từ năm 2006 đến 2007, chị Mai Anh, sau này là mẹ nuôi của bé cũng đến thăm và tặng quà cho Thiện Nhân, nhưng chưa bao giờ Greig và Mai Anh gặp nhau. Và hóa ra Greig cũng có ý định nhận Thiện Nhân làm con nuôi, nhưng chị Mai Anh đã "nhanh" hơn trong việc tìm kiếm mẹ đẻ của Thiện Nhân để ký giấy tờ và hoàn thành thủ tục. Sau khi đọc bài viết của phóng viên AP, biết Thiện Nhân đã được chị Mai Anh nhận làm con nuôi và đón về Hà Nội, Greig rất đỗi vui mừng. Ông bảo : "Những hành động và nỗ lực của tôi chẳng là gì so với câu chuyện anh hùng của gia đình anh Nghinh và chị Mai Anh". Lập tức, ông đến thăm Thiện Nhân và gia đình mới của em. Món quà ông mang theo là những bức ảnh chụp Thiện Nhân cùng những vết thương ngày trước. Ông mong muốn được là một phần của gia đình anh chị để cùng lo lắng cho Thiện Nhân. Chị Mai Anh nói với Greig: "ông đã biết đến con trai tôi từ trước cả chúng tôi rồi, ông cũng đã yêu thương con trai tôi nên ông đã là một phần của gia đình chúng tôi".

Chuyến đi chữa bệnh "kì diệu"

Kể từ đó, Greig đến thăm Thiện Nhân thường xuyên với tư cách là bố nuôi. Ông cùng gia đình chị Mai Anh đưa Thiện Nhân đi khám bệnh, chia sẻ một phần những khó khăn trong việc chăm sóc Thiện Nhân. Với mối quan hệ sâu rộng của mình, ông giúp Thiện Nhân trong việc liên lạc với các tổ chức nhân đạo, các bệnh viện lớn khắp thế giới, tìm kiếm những bác sĩ giỏi và mời họ tham gia vào việc chữa trị cho Thiện Nhân. Với mọi nỗ lực, ông đã sắp xếp, liên hệ được cuộc phẫu thuật "kì diệu" sắp tới cho Thiện Nhân tại Mỹ. Ông cùng gia đình đứng ra quyên góp tài chính cho chuyến đi Mỹ này của em. Đồng hành với ông, còn có sự góp sức của Sue Hammond của Quỹ Di chứng Chiến tranh, tiến sĩ Joseph Rosen nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vi phẫu, Sơn Michael Phạm -sáng lập viên của tổ chức phi lợi nhuận Trẻ em không biên giới. Để giúp đỡ cho vợ chồng chị Mai Anh giảm bớt chi phí khi phải thuê nhà, khách sạn ở bên Mỹ, Greig còn liên lạc với cộng đồng người Việt bên Mỹ. Và quan trọng nhất, là thủ tục xin visa không chỉ cho Thiện Nhân mà còn cả cho bố mẹ nuôi của em."Những nỗ lực của cả cộng đồng từ rất nhiều cá nhân ở nhiều nước khác nhau đã biến điều không thể thành có thể”, - Greig nói - “Bước tiếp theo trong quá trình đầy gian nan, thử thách này là tạo được nguồn tài chính ổn định cho Thiện Nhân để gia đình cháu có thể trang trải những chi phí chữa trị phức tạp đến tận khi cháu trưởng thành và có thể sống một cuộc sống với các chức năng cơ thể bình thường như bao người khác”.

Trước ngày Thiện Nhân lên đường đi Mỹ, bạn bè gia đình "lớn" của Thiện Nhân đã tổ chức cho em một đêm vui trung thu sớm. Ngày sinh nhật của em trời mưa to, ngày trung thu này cũng mưa như trút nước. Nhưng những đỏng đảnh của thời tiết vẫn không ngăn mọi người đến với em, trong đó có bố nuôi Greig. Ông vẫn chọn một chỗ đứng khiêm nhường trong góc phòng, vẫn ánh mắt trìu mến nhìn ngắm em. Với Greig, Thiện Nhân luôn là người bạn thân thiết nhất: "Đó là một bé con hạnh phúc, tự tin và vẫn tiếp tục sống, đúng là một con người. Cậu bé đã khích lệ tôi. Tình bạn có nhiều hình thức, kích cỡ hay loại hình. Tình bạn của tôi với bé là duy nhất và rất đặc biệt."

Việt Quỳnh

No comments: