Bé Thiện Nhân đi Mỹ phẫu thuật
Chỉ còn vài ngày nữa, Thiện Nhân được vợ chồng chị Mai Anh nhận làm con nuôi từ đầu năm nay, sẽ sang Mỹ để bắt đầu cuộc đi tìm lại bản thân - bản lĩnh của một bé trai.
>>Tổ ấm cho bé trai bị súc vật cắn
Chiều muộn tối qua, 10/8, khi biết tin bé Thiện Nhân sẽ đi Mỹ để chữa trị những bộ phận bị thiếu hụt trên cơ thể, nhiều người đã đến tận nơi chia sẻ, thăm cháu. So với từ ngày nhận bé về nuôi và đưa ra Hà Nội, sức khỏe của Thiện Nhân đã tăng lên rõ rệt. Các cô chú tới nhà, ai cũng bảo, bé "trộm vía" tăng cân. Nhưng có lẽ, điều đặc biệt nhất mọi người nhận ra là sự thông minh của bé. Thiện Nhân vui vẻ hơn và đã hòa nhập thực sự với gia đình mới.
Còn mệt mỏi vì bị ốm nhưng Thiện Nhân vẫn nhiệt tình tham gia vui chơi cùng các chị, bác, mẹ đến chơi. Bé lấy bánh, hoa quả chia cho mọi người. Thỉnh thoảng lại ngó nghiêng tìm bố. Trong gia đình, Thiện Nhân khá quấn bố. Có lần anh Nghinh đi công tác xa vài ngày mới về, cậu nhóc lê ra tận cửa đón rồi đòi được bế. Bé hít hà, ôm chặt bố không kịp để anh Nghinh cất đồ.
Nụ cười giờ đã luôn thường trực trên môi bé. |
Vào ngày nghỉ nên khá nhiều người tìm đến ngôi nhà số 118 phố Hàng Bạc để thăm bé Thiện Nhân. Không chỉ có các mẹ, bà, còn cả các chị vẫn đang học cấp 2, cấp 3 cũng tới nơi. Nhìn cảnh tượng mỗi người sờ một tí, ôm một lúc, hôn một vài cái mới thấy được Thiện Nhân không hề cô độc. Có chị còn tự tay làm cả một hộp bánh sữa hàng trăm cái để làm quà trung thu sớm cho bé vì sợ Thiện Nhân không về Việt Nam kịp cùng chung vui với các cô, bác, anh chị.
Chị Mai Anh khá tất bật suốt cả ngày hôm qua. Chị đang cố gắng hoàn tất mọi thủ tục cần thiết để cùng chồng đưa bé Thiện Nhân đi Mỹ vào thứ 5 (15/8) tới. Đến tận hơn 21h tối qua, trong khi các con còn đang vui chơi với những người hảo tâm, chị Mai Anh vẫn phải ngồi tiếp chuyện khách, phóng viên về chuyến đi sắp tới giữa căn nhà bừa bộn mà bọn trẻ bày ra.
Từ ngày nhận bé Thiện Nhân về nuôi, đã có khá nhiều người hảo tâm chung tay góp tấm lòng để vợ chồng chị chữa chạy cho cháu. Để không khỏi phụ lòng của mọi người, hễ nghe ở đâu có ai mách bảo cách chữa trị, anh chị lại đưa bé đến. Chị đã gửi hồ sơ sang Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp, Singapore và nhiều nơi khác nhưng đã không ít chỗ chỉ lắc đầu.
Hiện giờ, bộ phận sinh dục của bé vẫn chưa được cải thiện, còn chiếc chân bị cắn đến bẹn, lắp chân giả vào bây giờ cũng đã ngắn đi nhiều. "Bé Thiện Nhân vẫn đi vệ sinh khá vất vả. Lúc nào cũng phải đóng bỉm cho bé để khi nào nước tiểu tự chảy ra sẽ thấm vào đó. Vẫn rất khó khăn mỗi lần chúng tôi muốn lấy nước tiểu của cháu để đi xét nghiệm. Nhưng có điều rất vui là, bé đã dần gần gũi và để mọi người sờ và xem chỗ tật của con", chị Mai Anh cho biết.
Làm trò cho mọi người xem. |
Khi được Bệnh viện Dartmouth Hitchcock tại New Hampshire, thành phố Seattle của Mỹ nhận hồ sơ để chữa trị phần tiết niệu cho bé, cả nhà mừng rơi nước mắt. Một niềm vui khác mà gia đình nhận được là, trường Y Northwestern tại Chicago sẽ "sắm" cho Thiện Nhân một chiếc chân tốt nhất. Suốt từ hôm nhận được niềm vui đó, nhiều đêm chị không ngủ vì xúc động. Nhưng trong người lòng người mẹ vẫn chất chứa một nỗi lo lắng.
Phía bệnh viện không nói cụ thể về số tiền chữa trị bởi vì đây là cả một quá trình phẫu thuật lâu dài đến khi bé đủ 18 tuổi, đến khi cơ thể bé phát triển toàn diện, cân đối. Theo kinh nghiệm trước khi chị tới gõ cửa các bệnh viện, việc chữa trị nhiều gấp đôi số tiền hiện bé Thiện Nhân nhận được từ những nhà hảo tâm. Ngoài viện phí anh chị phải chi trả, trong thời gian ở Mỹ, bé Thiện Nhân phải di chuyển đến nhiều địa điểm, từ bang này sang bang khác nên sẽ mất một khoản kha khá vé bay nội địa.
Lần đầu sang Mỹ nên không khỏi có những bỡ ngỡ nhưng anh chị được ông Greig Craft một người Mỹ làm tại Quỹ phòng chống thương vong châu Á khá tận tình, giúp gửi từng bộ hồ sơ đến các bệnh viện để tìm kiếm cơ hội chữa trị cho bé Thiện Nhân. Ông còn liên lạc với cộng đồng người Việt bên Mỹ để có thể giúp đỡ cho vợ chồng chị Mai Anh giảm bớt chi phí khi phải thuê nhà, khách sạn.
Theo chương trình chữa trị, Thiện Nhân sẽ làm phẫu thuật ở bộ phận sinh dục trước tiên. Các bác sĩ tại Bệnh viện Dartmouth thực hiện ca mổ trên rồi phối hợp với những bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện khác tổ chức thảo luận để tiếp tục các ca phẫu thuật sau đó. Trong thời gian ấy, bé và bố mẹ sẽ phải di chuyển những chặng đường khá dài. Chị Mai Anh khá lo về tình trạng sức khỏe của con.
Hiện tại, chị chưa chuẩn bị được gì cho chuyến đi dài ngày cận kề. Thuốc thang, đồ dùng và những thứ thiết yếu cả hai vợ chồng đến giờ vẫn rối tung lên. Hai cậu con trai đã vào năm học mới, anh chị để lại cho ông bà nội ngoại chăm nom. "Hai cháu cũng ngoan, học hành chăm chỉ, nên chúng tôi yên tâm về khoản học hành. Nhưng hai đứa không bao giờ phải xa bố mẹ đến vài tháng như vậy, tôi sợ chúng sẽ hụt hẫng, buồn. Hai đứa đều quấn bố mẹ, chắc chỉ bằng cách dùng chat trên mạng để liên lạc, an ủi con", chị Mai Anh tâm sự.
Quang Việt
No comments:
Post a Comment