- Tuần tới, Phùng Thiện Nhân, bé trai 2 tuổi đã từng bị bỏ rơi ngay sau khi sinh tại Núi Thành, tỉnh Quảng Nam của Việt Nam và bị động vật hoang dã ăn mất một phần cơ thể, sẽ sang Mỹ để bắt đầu cuộc hành trình chữa bệnh. | Bé Thiện Nhân (áo vàng) bên cha mẹ và người thân nhân ngày 1/6. Ảnh: NH | Ngày 5 tháng 8, ngay sau khi nhận được visa đi Mỹ, bố mẹ nuôi của bé Thiện Nhân đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, động viên từ nhiều người đứng đợi phía ngoài Đại sứ quán Mỹ. Nhân viên sứ quán và mọi người vây quanh gia đình bé Thiện Nhân, chúc mừng và chuyển tới họ những đóng góp của mình để hỗ trợ cho cuộc hành trình sắp tới. “Chúng tôi rất cảm kích trước sự giúp đỡ tận tình của Phòng Lãnh sự Mỹ và những đóng góp của mọi người cho chuyến đi chữa bệnh sắp tới của cháu”, mẹ bé Thiện Nhân, chị Trần Mai Anh, xúc động nói.
“Chú bé diệu kỳ” hay “chú lính chì dũng cảm” là cái tên mà mọi người vẫn gọi Thiện Nhân. Cậu bé đã trở thành một nhân vật nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam. Hoàn cảnh và sức sống kì diệu của bé đã làm động lòng và thu hút sự quan tâm lớn của toàn xã hội. 72 giờ sau khi sinh và bị bỏ rơi trong vườn, bé đã được tìm thấy và được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, cách đó hơn 100 cây số, trong gang tấc giữa sự sống và cái chết. Các bác sĩ đã hết lòng cứu được mạng sống của cháu, nhưng không cứu được chân phải và cậu bị mất toàn bộ bộ phận sinh dục. Cuối tháng 3, một gia đình trí thức trẻ tại Hà Nội đã nhận bé về làm con.
| Bé Thiện Nhân bên cha nuôi (bên trái). Ảnh: NH | Theo chị Trần Mai Anh, sự hỗ trợ về tài chính, thời gian và chuyên môn của các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam cũng như nước ngoài đối với gia đình là vô cùng to lớn. Trong vòng từ 10 đến 15 năm tới, cháu bé vẫn phải duy trì việc chữa trị với nhiều phẫu thuật phức tạp cũng như các điều trị liên quan đến chân giả.
Greig Craft, một người Mỹ đang điều hành tổ chức phi lợi nhuận Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á tại Hà Nội đã cùng gia đình đứng ra tổ chức quyên góp tài chính và sắp xếp cho chuyến đi chữa bệnh tại Mỹ của bé Thiện Nhân. Bên cạnh ông còn có những người bạn cùng chung sức như tiến sĩ Joseph Rosen nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực vi phẫu, Sơn Michael Phạm - sáng lập viên của tổ chức phi lợi nhuận Trẻ em không biên giới và Sue Hammond của Quỹ Di chứng Chiến tranh.
Bệnh viện Dartmouth-Hitchcock tại New Hamshire tài trợ điều trị tiết niệu cho Thiện Nhân. Trường đại học Y Northwestern tại Chicago cũng sẽ cung cấp cho em chiếc chân giả tốt nhất.
Cộng đồng người Việt tại Seattle, Chicago, Boston và Los Angeles đã sẵn sàng tiếp đón và giúp đỡ gia đình bé Thiện Nhân trong suốt thời gian khám, chữa bệnh và điều trị.
“Những nỗ lực của cả cộng đồng từ rất nhiều cá nhân ở nhiều nước khác nhau đã biến điều không thể thành có thể”, ông Craft nói, “Việc xin được visa để đi Mỹ chữa bệnh vào cuối tuần tới là một sự kiện quan trọng. Bước tiếp theo trong quá trình đầy gian nan, thử thách này là tạo được nguồn tài chính ổn định cho Thiện Nhân để gia đình cháu có thể trang trải những chi phí chữa trị phức tạp đến tận khi cháu trưởng thành và có thể sống một cuộc sống với các chức năng cơ thể bình thường như bao người khác”. |
No comments:
Post a Comment