Mẹ sẽ cho con làm người | |||
Cập nhật lúc 08h58, Ngày 14/07/2008 | |||
Hanoinet - Cu cậu trắng tinh, mắt tròn đen lay láy, hai má phúng phính, nũng nịu: “Mẹ xúc em!” (Mẹ xúc cho em ăn đi!). Thiện Nhân giờ không còn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở khu vườn sau nhà để bị súc vật cắn mất một chân và bộ phận sinh dục nữa. Hanoinet - Cu cậu trắng tinh, mắt tròn đen lay láy, hai má phúng phính, nũng nịu: “Mẹ xúc em!” (Mẹ xúc cho em ăn đi!). Thiện Nhân giờ không còn là đứa trẻ bị bỏ rơi ở khu vườn sau nhà để bị súc vật cắn mất một chân và bộ phận sinh dục nữa. Thiện Nhân cũng không còn “sống như con gà” trong ngôi nhà tranh ở huyện Núi Thành, Quảng Nam, lê la khắp nơi bằng ba chi, thấy gì ăn nấy… Nhà của bé bây giờ ở 118 Hàng Bạc, với bố Quang Nghinh, mẹ Mai Anh, hai anh trai Thiên Minh, Hải Minh, với bà nội bỏm bẻm nhai trầu, với bà ngoại âu lo vì bệnh tật của cháu… Xung quanh bé bây giờ đầy ắp tiếng cười, tình yêu thương và cả đồ chơi – những thứ có thể gọi là xa xỉ đối với bé trước khi về đây. Xung quanh bé bây giờ còn là ăm ắp những tấm lòng ở khắp mọi nơi đã được kết nối từ trái tim nhân ái của bố Nghinh, mẹ Anh… Con đã có tình yêuCầm bàn tay mũm mĩm, trắng ngần của Thiện Nhân bây giờ, mấy ai nghĩ cách đây hơn nửa năm, một ngày mẹ Mai Anh phải thay cho cu cậu cả chục bộ quần áo, rồi đem luộc chúng tới 2 tiếng đồng hồ trong nước sôi. Khi đón Thiện Nhân về, cu cậu “ghẻ kềnh ghẻ càng”, lại suy dinh dưỡng nặng, rồi nhiễm trùng đường ruột… Nhìn Nhân bầu bĩnh ôm bình sữa bú bây giờ thì hiểu đấy là cả một sự kỳ công của mẹ Mai Anh và gia đình. Trước khi về đây, Nhân chỉ quen ăn cơm nguội và chuối, thấy mùi gì lạ nó cũng ngửi, ăn vào là đi ngoài ngay vì… không quen. Con đường từ nhà đến bệnh viện thành chặng đường quen của mẹ Mai Anh, bố Nghinh và cả bà ngoại. Rồi cả những tháng ngày tập cho Nhân ăn những thức ăn mới, tập cho Nhân sống cuộc sống có giờ giấc, tập cho Nhân biết đứng thẳng trên chân gỗ để bảo vệ cột sống và phần cơ chân bị cụt… May quá, bên cạnh Thiện Nhân có Thiên Minh và Hải Minh cho nó “bắt chước” và hùa theo. Lúc tôi đến thăm, Hải Minh (mới 4 tuổi) tung tăng chạy đi lấy cuốn tạp chí có in hình Thiện Nhân ở trang bìa rồi hớn hở khoe: “Em bé nhà cháu đấy!”. Khi mẹ Mai Anh mới kể với anh em nó về Nhân, nó đã ngây thơ hỏi mẹ: “Mẹ biết vì sao con có hai chân không? Bởi vì mẹ yêu con”. Hình như nó đã yêu và thương Thiện Nhân ngay từ khi chưa gặp. Còn Thiên Minh (8 tuổi) thì là nơi bấu víu đầu tiên của Thiện Nhân khi về nhà mới. Nhân ôm chặt lấy Thiên Minh, không rời ra một phút suốt mấy ngày đầu. Giờ thì ba anh em như “lũ quỷ nhỏ”, cùng chui xuống gầm bàn của mẹ Mai Anh khi mẹ đang làm việc để cười khanh khách, rồi lại hò nhau trồng cây chuối, đếm bậc cầu thang… Chúng cũng tranh nhau đồ chơi như vô vàn những đứa trẻ khác, nhưng rồi lại tự phân giải lấy, không thì “Mẹ phạt đấy!”… Tôi cảm nhận được cả tình yêu và nỗi lo âu mà bà ngoại dành cho Thiện Nhân trong những mẩu chuyện bà kể về nó. Bà thương cái chân hụt hẫng của cu cậu vì bà là người “chuyên trách” mua giầy dép cho nó, ứa nước mắt mỗi lần thấy cháu đi một chiếc, cầm một chiếc vì sợ mất… Rồi bà lại băn khoăn nghĩ xa xôi đến tương lai của cu cậu mỗi lần nghe thấy bọn trẻ ngây ngô dỗ dành nhau: “Ngoan nào, đừng khóc nữa, em có chân gỗ rồi, mai anh bảo mẹ làm cho em “cái chim” gỗ nữa nhé!”. Bà đi theo từng bước chân của gia đình nhỏ ấy kể từ sau cái tin nhắn bà gửi cho con gái khi chị vào Quảng Nam đón Nhân: “Con đã bước một bước đi dũng cảm, hãy bước tiếp và nhớ rằng sau lưng con luôn luôn có mẹ”. Còn bố Nghinh thì đến tận tuần thứ ba vẫn chưa hết rưng rưng khi nghĩ đến những đớn đau, khổ sở mà con mình phải chịu đựng. Chị Mai Anh tâm sự : “Hồi đầu vợ chồng mình như bị stress vì đêm Nhân không ngủ được. Thằng bé không khóc hay quấy bố mẹ nhưng hình như thời tiết thay đổi làm vết thương của nó lên cơn đau nên nó cứ rên rỉ, vật vã, có lúc rơi bịch xuống đất. Anh Nghinh sợ con đau nên hạ giường xuống sát nền nhà… Giờ thì bọn mình quen rồi!”… “Giờ thì quen rồi” nên chẳng ai còn có cảm giác Nhân là người mới. Thiên Minh, Hải Minh chơi, học, ăn ngủ thế nào, Thiện Nhân như thế, ai có lỗi đều bị mẹ Mai Anh phạt. Tình yêu thương tự ngấm vào lòng mỗi người, cả Thiện Nhân nữa. Nó là người trước tiên cất tiếng gọi Mai Anh và Nghinh là bố mẹ – hai tiếng ấm áp và ngọt ngào tự đáy lòng nó, không hề gượng ép vì không ai bảo nó làm việc ấy. Còn mẹ Mai Anh thì cứ mãi bất ngờ: “Nhân đã đưa gia đình mình vào một cộng đồng của bao tấm lòng nhân ái mà trước đây chúng tôi không nhận thấy”. Mẹ sẽ cho con làm ngườiTôi nói với Mai Anh rằng chị thật dũng cảm và “liều” khi mang Thiện Nhân về nuôi. Chị bảo: “Nếu cứ đứng ở ngoài khó khăn và nhìn vào, người ta sẽ thấy sợ. Nhưng khi bước vào và đối diện với nó, mình sẽ không thấy sợ nữa!”. Chị cũng nói với tôi rằng, bây giờ chị không hề có cái cảm giác thương hại Thiện Nhân như hồi chưa đón về nữa. “Bây giờ giống như hết thảy mọi người trong gia đình thôi, như Thiên Minh, Hải Minh, Nhân có bệnh thì Nhân phải đi bệnh viện chữa!”. Với chuyện số phận của Nhân cũng vậy, chị sẽ không cần phải đắn đo, cứ để tự nhiên như vậy. Nếu mai sau lớn Nhân có hỏi, chị cũng sẽ không giấu nó rằng anh chị là bố mẹ nuôi của nó, rằng nó sinh ra ở đâu: “Mình muốn nó là con trai thì phải cứng rắn, đấy là sự thật, con phải biết chấp nhận và tự mình đứng vững rồi quyết định cuộc đời mình”. Nhân lớn thêm chút nữa, chị sẽ cho con học cùng 2 anh và học piano như anh Thiên Minh… Quả thật, nuôi một đứa bé ngoan, thông minh và nhạy cảm như Thiện Nhân không khó nhưng con đường dài phía trước lại là chữa lành vết thương cùng những mặc cảm đau đớn kia. Không phải vợ chồng Mai Anh không lường được hết những vất vả, khó khăn để cho Thiện Nhân đứng thẳng vào đời, mà họ dám nghĩ và dám làm. Mục tiêu anh chị đặt ra là Thiện Nhân phải được phục hồi, hoàn thiện các chức năng như một người đàn ông bình thường và có thể lập gia đình. Có thể vì thế mà chị đã từ chối cuộc phẫu thuật miễn phí ở Singapore, Thái Lan… để chờ cơ hội tìm cho Nhân một bệnh viện và một bác sỹ tin cậy ở Mỹ. Trái tim kết nối trái tim, bao nhiêu người quan tâm đến Nhân là bấy nhiêu người sẻ chia và lo toan cùng anh chị. Một hoạ sỹ đã tự nguyện vẽ tranh bán lấy tiền làm quỹ cho Nhân, một người Singapore lập ra một banner thông tin trên trang web nổi tiếng của mình để kết nối các thành viên và người đọc giúp đỡ Nhân, những lá thư xuyên biên giới, những buổi đến thăm nhau… Giờ Thiện Nhân đã có chân giả của trung tâm phẫu thuật chỉnh hình Vietcot, có sữa của hãng XO… nhưng hơn hết là một bác sỹ giỏi người Mỹ đã nhận lời điều trị cho Nhân. Ông ấy sẽ làm lại đường tiết niệu và tạo bộ phận sinh dục cho Nhân giống như bao người bình thường khác. Tháng 8 này, anh chị sẽ đưa con sang Mỹ đối diện với cuộc phẫu thuật đầu tiên – một bước ngoặt lớn nữa đối với cuộc đời của con. Mừng lắm nhưng cũng lo lắm vì tính sơ sơ, mỗi cuộc phẫu thuật như vậy sẽ tốn không dưới 100.000 USD, mà Nhân cần được phẫu thuật liên tục trong vòng 15 năm. Khả năng tài chính có hạn nhưng chị Mai Anh vẫn kiên quyết: “Trước sau gì Nhân cũng phải đến Mỹ, chi bằng mình đem con đến nhờ họ ngay từ đầu. Cứ sang đấy đã, phải gặp mọi người, gặp bác sỹ… rồi sẽ có thêm quan hệ, sẽ đề xuất với họ những giải pháp ưu tiên cho con”.Cuộc phẫu thuật này xong, Nhân sẽ không còn phải đóng bỉm cả ngày và Nhân sẽ có một cái chân giả hoàn hảo hơn để đi lại hàng ngày… Mẹ Mai Anh nói chắc như đinh đóng cột rồi: “Cứ biết đi lần này đã, rồi bố mẹ lại lo tiếp cho con”. Không hiểu sao khi chia tay Thiện Nhân, chia tay vợ chồng đồng nghiệp Quang Nghinh – Mai Anh, tôi cứ lan man trong lòng những tình cảm thật khó diễn tả. Vì tôi cũng là mẹ chăng, hay tôi là đồng nghiệp? Nhưng trong cái dòng lan man nghĩ suy ấy, có hình ảnh của nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Angelina Jolie. Cả thế giới quan tâm và tôn vinh chị, bầu chọn chị là 1 trong 10 phụ nữ đẹp nhất hành tinh, không chỉ bởi sắc đẹp, những vai diễn… mà còn bởi một trái tim nhân hậu. Trong số những đứa con nuôi tình nghĩa của chị, có cậu bé Pax Thiên người Việt Nam. Nhưng các cụ mình đã nói: “Có đầu có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”, còn Thiện Nhân thì sao? Một bước chân vào đời nghiệt ngã và sóng gió, một cơ thể không còn trọn vẹn… Mai Anh và Quang Nghinh có ngại gì đâu? Thế mới thấy đồng nghiệp của tôi dũng cảm đến nhường nào? Thế mới hiểu trái tim của vợ chồng họ nhân hậu đến bao nhiêu và tấm lòng của vợ chồng họ rộng lớn đến thế nào… Bao trái tim đã kết nối từ đây và Thiện Nhân giờ đã khác. Cậu bé có sức sống mãnh liệt này sẽ còn khác nữa sau chuyến “du hành” tới đất nước Mỹ – nơi cũng có vô vàn bàn tay và tấm lòng nhân ái chìa ra góp sức chữa lành vết thương oái oăm cho bé. Đằng sau những cảnh đời trái ngang, những quá khứ buồn luôn luôn hiện hữu những tấm lòng và một tương lai sáng. Tôi tin rồi Thiện Nhân sẽ lớn, sẽ trưởng thành và tự tin đứng vững trên đôi chân mà bố Nghinh, mẹ Anh đã cho bé bằng tất cả trái tim, tình yêu và lòng dũng cảm của họ.
Nguyệt Thu |
Câu phức trong phiếu điều tra
5 weeks ago
No comments:
Post a Comment