|
Hình hài không tên
Đứng trong phòng hậu phẫu của Viện nhi Trung ương, một nữ y tá trẻ đẩy chiếc cáng nhỏ, trên đó em bé sinh được 9 ngày thiêm thiếp. Một cơ thể không khỏe, ống truyền dường như quá lớn so với cánh mũi nhỏ phập phồng của em. Đôi mắt vàng, sưng, nhắm nghiền. Trên trán là mảnh băng dính "Nguyễn Thị Gái". À, ra em là con gái.
Các bác sĩ ở đây không phải vô tâm, mà là xót xa đến trơ khấc trước những cảnh mẹ mang con đến chữa bệnh sau vài ngày sinh, rồi ra đi không một chiếc khăn hay mẩu giấy lưu lại trong lớp chăn bọc con mình.
Tôi thấy lòng nhẹ hơn nhiều khi cô y tá đặt vào đầu giường em mẫu giấy xét nghiệm, dấu đỏ âm tính với HIV. "Nguyễn Thị Gái", "Nguyễn Văn Trai", các em được dán lên trán những "phiếu tên" như thế, ít nhiều để người ta nhìn và biết giới tính của em được sinh ra trên đời. Dù sao, bỏ lại em trong bệnh viện, vẫn còn là may phúc...
Có những bé khác không được may mắn như thế. Mọi người chưa hết xót xa, phẫn nộ trước hình ảnh em bé Hồ Thiện Nhân - bị mẹ bỏ rơi trong vườn, bị côn trùng và súc vật cắn mất chân phải và bộ phận sinh dục- nay đã được đón về gia đình mới.
Chúng tôi gặp em ở ngôi nhà 118 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm với bà nội, bố Nghinh, mẹ Mai Anh và 2 anh trai. Bố mẹ của em bây giờ kể: "Hồi mới về nhà, bé rất ngơ ngác, hoàn toàn không biết gì, kể cả việc chơi đồ chơi và xem tivi. Sức khỏe cũng rất kém: nhiễm trùng đường ruột và bị ghẻ. Bé hay hít ngửi các đồ vật rất lâu để nhận biết về mùi. Thức ăn mà bé chịu ăn chỉ là cơm nguội. Sau 2 tuần mới quen, ăn nhiều và tăng lên được hơn 1 kg".
Tại nhà số 3 phố Doãn Kế Thiện - Hà Nội, làng trẻ Birla là ngôi nhà thân quen của hơn 150 em nhỏ côi cút. Chia làm 3 gia đình, mỗi gia đình có 2 mẹ và hàng chục đứa con từ 2 đến 18 tuổi. Sau 20 năm thành lập đến nay, làng đã che chở và cưu mang cho rất nhiều em nhỏ mồ côi không nơi nương tựa.
Trong đó, không ít em bị bỏ lại từ lúc lọt lòng trước cổng làng. Người ta bỏ, vì thấy em bị dị tật, có em bị mù. Nhìn các em cứ líu ríu với nhau, nhìn người lạ với đôi mắt vẫn còn chưa hết hoảng hốt mà nhói lòng: đã sinh ra, sao nỡ nào vứt đi khúc ruột?
Những người cho em phận mới
Mẹ Mai Anh của Thiện Nhân kể: Ở nhà, Nhân quấn bố nhất. Từ ngày có bố Nghinh, em sung sướng khoe với mọi người. Khách Tây đến thăm, em cũng hồ hởi chỉ tay vào bố Nghinh: "Ông ơi, bà ơi, bố em.." Buổi tối, em đòi ngủ với bố, em bi bô: "Ngủ Nghinh, ngủ Nghinh" đến là thương. Ngày 9/4/2008, Nhân chính thức đổi theo họ Phùng của bố.
Nhân hay chơi với 2 anh Thiên Minh (8 tuổi) và Hải Minh (3 tuổi).
Anh em đùa nhau có lúc bị Nhân cắn, rồi Nhân lấy ống quần chân phải lau nước mắt dỗ anh. Hằng ngày, bà nội già yếu ở nhà chăm Nhân, đứa cháu trai thứ 10 của bà. Mẹ Mai Anh đã bật khóc khi thấy Nhân lần đầu được lắp chân giả, lần đầu được đứng trên 2 chân - điều bình thường đối với bất cứ đứa trẻ nào khác. Hiện tại gia đình vẫn dốc sức chữa trị cho Nhân, bù đắp những thương tổn về thể xác và tinh thần cho em.
Các mẹ ở làng Birla cũng là những người có hoàn cảnh, nhưng đều hết lòng chăm lo cho các con. Các em được nuôi nấng, dạy dỗ chu đáo tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ. Khi đến đây, chúng tôi ngỡ ngàng khi được ngắm nhìn những bức vẽ, xé dán thủ công của các em. Ngoằn nghèo những bông hoa, con thuyền, ngôi nhà... đáng yêu, mà cũng làm người ta xót xa đến rớt nước mắt...
Biết tin về Nhân, rất nhiều người đã đến tận nhà thăm em. Mẹ Mai Anh bồi hồi kể chuyện về đứa con nuôi đặc biệt của mình. Chị cũng nhận được email của những du học sinh tâm sự rất xúc động khi nghe chuyện về Nhân, càng phấn đấu học và làm để giúp đỡ những em bé bất hạnh như Nhân.
Nhìn những em nhỏ ấy, đã từng có lúc nghĩ, các em sẽ không còn được tiếp tục làm người, nếu không có những tấm lòng xót thương đón lấy. Trên đây chỉ là số ít những em nhỏ, những địa chỉ tình người. Còn bao nhiêu hình hài nhỏ bé bị chính những người cha, mẹ không biết xót thương bỏ lại ở viện Nhi kia và ở những khu làng quê lụp xụp khác kia, biết mấy em trong số đó được cuộc sống run rủi "đổi phận" cho làm người?
1. Chị Trần Mai Anh: 0936166588
Số đt nhà : 7171837
Email: hanoiguppy@gmail.com
2. Làng trẻ Birla: 7649466
3. Chùa Bồ Đề: 8273529
Theo Sinh Viên Việt Nam
No comments:
Post a Comment