Tuesday, April 8, 2008

Lối đi của lòng nhân ái

Cập nhật, Thứ hai, 07/04/2008, 14:50 GMT+7

Lối đi của lòng nhân ái

Anh cả Thiên Minh, người bé gắn bó nhất

Gần 2 năm sau khi bị bỏ rơi ngay khi vừa lọt lòng trong vườn hoang rồi bị thú cắn xé cơ thể, cậu bé Hồ Thiện Nhân xuất hiện trở lại trên báo chí. Hai năm trước, câu chuyện của cậu bé là một bằng chứng về nỗi đau, bây giờ cậu là chứng nhân của lòng nhân ái.

Một đôi vợ chồng trí thức trẻ ở Hà Nội đã nhận Nhân làm con để nuôi dưỡng, chạy chữa. Đôi vợ chồng ấy đã thầm lặng chuẩn bị cho việc làm nhân ái này từ nhiều tháng nay. Khi mới đón Nhân ra Hà Nội, cha mẹ nuôi của cậu bé không muốn việc nhận con nuôi của gia đình mình xuất hiện trên báo chí. Song, lòng nhân ái dẫu âm thầm thì vẫn luôn có những con đường riêng để kết nối những trái tim.

Gần một tháng trước, ngồi uống cà phê sáng với tôi, Phùng Quang Nghinh kể rằng: “Vợ chồng mình vừa đi Quảng Nam đón một bé trai làm con nuôi. Thằng bé đáng thương lắm! Mẹ nó 16 tuổi, lỡ có thai rồi sinh nó ra rồi bỏ lại trong vườn chuối để thú hoang cắn nát một chân cùng bộ phận sinh dục” – Tôi sửng sốt vì vợ chồng Nghinh và Mai Anh đã có hai cậu con trai rồi. Nghinh bảo: “Mai Anh vợ mình bị ám ảnh bởi số phận thằng bé đó!”.

Tôi biết Mai Anh cũng đã lâu, và cũng nghe nhiều về sự đa cảm của người phụ nữ này, chị học khoa Văn trường Đại học tổng hợp trên tôi một khoá. Mẹ Mai Anh, nhà thơ Bùi Kim Anh có lần kể với tôi rằng hồi nhỏ, có lần bà đi làm về thấy cô con gái đứng ôm chấn song cửa khóc nức nở. Hỏi ra mới hay cô bị nhốt trong nhà, thấy đám trẻ trong khu tập thể vây đánh một con mèo mà không sao can ngăn được. – Đó là một chi tiết cảm động. Song, sự đa cảm của một người đàn bà và hành động dũng cảm nhận nuôi một đứa trẻ tật nguyền là hai việc khác nhau.

Mai Anh nói rằng chị không phải là người mẹ duy nhất xúc động trước số phận của đứa bé. Chị gửi cho tôi đường link tới diễn đàn của Webtretho. Ở đó, tôi biết rằng ngay từ khi đứa bé ra đời đã có một dòng chảy nhân ái vỗ về số phận cháu. Những bà mẹ từ khắp mọi miền Tổ quốc, từ Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn vẫn hàng ngày quan tâm trao đổi, cập nhật thông tin về tình trạng sức khoẻ và bằng mọi cách để nâng niu số phận này. Mai Anh dẫu chưa đăng ký thành viên trong diễn đàn này, nhưng là một người mẹ nuôi con nhỏ, chị thường xuyên theo dõi và biết đến câu chuyện đó. Qua những dòng trao đổi của chị em trên diễn đàn, chị biết rằng để đứa bé có thể đối mặt với tương lai của mình, nó cần nhiều sự trợ giúp hơn.

Nỗi ám ảnh mà chồng của Mai Anh đề cập chính là những giấc mơ thường khiến chị choàng tỉnh trong đêm. Đó là hình ảnh đứa bé lớn lên trong cái xóm nhỏ nghèo xác xơ ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành, nó thường nhìn đăm đăm về phía ngọn đồi sau nhà, nơi mà đôi chân tật nguyền không thể đưa nó lên. Đứa bé đã sống sót sau 72 giờ bị bỏ rơi trong khu vườn hoang, bản năng sinh tồn mạnh mẽ đã giúp cháu tồn tại. Một năm đầu tiên của cuộc đời, đứa bé đã tồn tại trong điều kiện thiếu thốn mọi bề ở nhà ông bà ngoại cùng với sự giúp đỡ của những người hảo tâm. Cuộc sống ấy sẽ đi đến đâu? Sự kỳ diệu của cuộc sống lẽ nào chỉ làm được đến thế?

Mai Anh, cũng như tất cả những người mẹ quan tâm đến số phận của bé đều không hề muốn vậy. Họ không muốn nghĩ rằng lòng nhân ái của cuộc đời chỉ giúp cho đứa bé tồn tại, rồi lớn lên trong sự vật vã của thân phận tật nguyền. Lòng nhân ái trong cuộc đời phải mang lại những thành quả có ý nghĩa lớn hơn. Từ nỗi ám ảnh đó, Mai Anh cân nhắc điều kiện của mình, bàn với chồng việc đón cậu bé về nuôi để chữa trị và tạo điều kiện cho cậu bé có thể vượt lên số phận.


Nhiều người cho rằng số phận của cậu bé Hồ Thiện Nhân là một số phận đau đớn kỳ lạ. Tôi không nghĩ vậy. Cậu bé ra đời trong một hoàn cảnh đầy đau đớn, song số phận của cậu sẽ không đau đớn. Ngược lại, tôi tin rằng, lớn lên Thiện Nhân sẽ hạnh phúc khi ý thức được cuộc đời mình là một minh chứng cho sự hiện hữu của lòng tốt trong cõi nhân gian.

Mai Anh không kể với tôi rằng chồng của chị có phản ứng như thế nào khi nghe vợ bàn về việc đó. Song là bạn đồng nghiệp với Phùng Quang Nghinh đã nhiều năm rồi, tôi tin anh đã không đắn đo, bởi anh có nhiều sự cảm thông với số phận của cậu bé.

Hơn 10 năm trước tôi đã từng theo Nghinh về quê anh. Đó là một ngôi làng nghèo bên bờ con sông Chu, nơi mà bà mẹ nông dân của anh đã tần tảo cả đời để nuôi 6 người con ăn học nên người. Bản thân Nghinh cũng đã phải bươn trải cực nhọc rất nhiều năm, đã gặp được rất nhiều người tốt trước khi có được cuộc sống như hiện nay.

Dĩ nhiên, Nghinh đã đồng lòng với vợ mình, đón nhận đứa bé làm con nuôi, dẫu biết rằng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bởi, nhận nuôi đứa bé không đơn thuần chỉ là cho nó một mái ấm mà phải giúp nó lớn lên và thành đạt như những con người có điều kiện bình thường khác. Đôi vợ chồng này đã xác định như vậy khi quyết định giữ nguyên họ tên Hồ Thiện Nhân của đứa bé chứ không đổi sang họ Phùng của Nghinh. Thiện Nhân sẽ lớn lên và phải đủ sức để đối mặt với sự thật về thân phận của mình.

Người mẹ đã nuôi Nghinh khôn lớn, giờ chăm đứa cháu mới
Nhân và bà nội- mẹ của Phùng Quang Nghinh

Tương lai của cậu bé sẽ ra sao? Đó không chỉ là số phận của riêng một mình cậu, mà còn là một phần định mệnh của cha mẹ nuôi, là những khát khao về chiến thắng của lòng nhân ái mà bao người đã hy vọng từ lúc cậu sinh ra. Đó là một trách nhiệm lớn lao mà người ta không dễ dàng gánh vác. Bà Bùi Kim Anh, mẹ của Mai Anh đã nghĩ về điều đó khi nhận được tin nhắn của con gái về quyết định nhận nuôi Thiện Nhân. Điều lo lắng nhất của bà là việc làm tốt của con gái bà lúc này liệu có dẫn đến một bi kịch trong tương lai cho chính cậu bé? Với tình trạng hiện tại của Thiện Nhân, những lo lắng ấy là có cơ sở. Vợ chồng Nghinh và Mai Anh liệu có đủ sức để trường kỳ theo đuổi việc phục hồi sức khoẻ thể chất và cả tinh thần cho cậu bé khi mà từ giờ đến năm 18 tuổi, vài ba tháng một lần cậu bé lại phải thay chân giả cho phù hợp với sự phát triển của cơ thể? Và còn phức tạp hơn khi mà cơ quan sinh dục và nhiều chức năng của cậu bé đã thoái hoá do không được chữa chạy kịp thời, làm thế nào để phục hồi được hết những chức năng và cả tổn thương tâm lý cho cậu bé trong tương lai? Lo lắng như vậy, nhưng bà Kim Anh, vừa là mẹ, vừa là cô giáo của con gái mình, làm sao bà có thể không ủng hộ việc làm đầy nhân văn của Mai Anh? Cái tin nhắn trả lời con của bà Kim Anh, vì vậy, có nội dung: “Con đã bước một bước đi dũng cảm, vậy hãy bước tiếp và nhớ rằng sau lưng con luôn luôn có mẹ.”

Cậu bé Nhân đã về với gia đình mới của mình như thế. Bằng nỗi ám ảnh của người mẹ đa cảm, bằng sự cảm thông của người cha, và trách nhiệm của bà ngoại. Cả đại gia đình ấy đã cùng bước những bước đi đầu tiền trong hành trình vượt lên số phận của cậu bé. Hơn 3 tuần kể từ Thiện Nhân được đưa ra Hà Nội, cha nuôi của cậu bé vẫn rớt nước mắt bởi sự hiện diện của nỗi thống khổ mà con mình đã từng phải chịu đựng. Cho đến nay, Nhân vẫn chỉ ăn được cơm nguội và chuối. Uống sữa hay ăn cháo là bé bị đi ngoài vì không quen. Mặc dù vậy, với bản năng mãnh liệt của mình, cậu bé cảm nhận được sự nhân ái ở gia đình mới. Cậu bé đã bắt đầu quấn quýt với Nghinh, người mà những ngày đầu tiên cậu luôn tìm cách trốn, bởi Nghinh là người đã mang cậu khỏi môi trường sống cũ của mình.

Trước khi ra Hà Nội, cậu bé ở tình trạng suy dinh dưỡng nặng và được chẩn đoán là nhiễm trùng đường ruột do vệ sinh kém. Nhưng đến hôm nay, nhìn cậu bé đã hồng hào như mọi đứa trẻ khoẻ mạnh khác. Các anh trai của Nhân, Thiên Minh 8 tuổi và Hải Minh 5 tuổi như có một sự giao cảm đặc biệt với người em nuôi. Từ ngày có Thiện Nhân, Thiên Minh dường như lớn hẳn lên, trở thành một cậu bé đầy trách nhiệm. Còn Hải Minh, dù mới 5 tuổi nhưng đã biết tỏ thái độ gay gắt với những vị khách tò mò muốn chụp ảnh sự khiếm khuyết của em mình.


Những nụ cười đầu tiên

Khi chứng kiến cuộc sống mới của Thiện Nhân, tôi biết đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên trên con đường đầy thử thách của những thành viên trong gia đình ấy. Nhưng tôi cũng biết rằng họ không cô đơn bởi lòng nhân ái luôn tìm được lối đi trong cuộc đời này. Đó là lối đi dẫn những con người nhân ái vượt quan mọi khoảng cách để tìm thấy nhau. Đó là lối đi để tôi có thể gặp gỡ những người tốt thầm lặng.

Cùng bố tiễn khách- một việc quen thuộc vì hàng ngày có nhiều người đến thăm
Cùng bố tiễn khách- một việc quen thuộc vì hàng ngày có nhiều người đến thăm

Tối 4/4 vừa qua, ở ngôi nhà số 118 phố Hàng Bạc của cha mẹ nuôi Thiện Nhân tôi đã gặp một người như thế. Đó là một bà mẹ trẻ. Chị rưng rưng bấm chuông để đưa con mình vào gặp em Nhân, để chia sẻ một phần thu nhập của mình giúp cha mẹ nuôi lo chữa bệnh cho Nhân. Hình ảnh đó khiến tôi vô cùng cảm động. Sự chia sẻ của chị dẫu chỉ góp được một phần nhỏ vào quá trình dài lâu nhằm bù đắp cho những nỗi đau của Nhân, nhưng quan trọng hơn là sự chia ấy đã gieo vào lòng những đứa con của chị, vào một thế hệ mới những hạt mầm của lòng nhân ái.

Cho đến thời điểm này, bé Nhân đã được lắp chân giả tại Vietcot, một trung tâm phẫu thuật chỉnh hình của Đức tại Hà Nội. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu tiên, vì Nhân sẽ phải thay chân giả liên tục cho đến năm 18 tuổi để phù hợp với sự phát triển của cơ thể.

Việc điều trị phục hồi các chức năng tiết niệu và sinh dục của Nhân, các bác sĩ bệnh viện Việt Pháp đã chẩn đoán và cho rằng cần phải có một nơi đồng thời giải quyết được các vấn đề bệnh lý, sinh lý và cả tâm lý cho cậu bé. Đây là một thách thức không nhỏ đối với sự quyết tâm của cha mẹ nuôi cậu bé bởi cho đến lúc này họ chưa tìm thấy một địa chỉ đáp ứng được các điều kiện đó ở trong nước. Tuy nhiên, trao đổi với tôi, cha mẹ nuôi của Thiện Nhân khẳng định quyết tâm sẽ làm những điều tốt nhất cho cậu bé với bất cứ giá nào.


Phạm Trung Tuyến

No comments: