Tuesday, October 6, 2009

Thiện Nhân sang Mỹ để tìm lại ‘bản lĩnh’ đàn ông

Thiện Nhân sang Mỹ để tìm lại ‘bản lĩnh’ đàn ông


“Chú lính chì” Thiện Nhân được mẹ Mai Anh đưa sang Mỹ lần 2 để tiếp tục làm phẫu thuật. Cậu bé sẽ được các bác sĩ mổ để tìm ra vị trí của hai tinh hoàn bị lẩn khuất trong cơ thể.
>>Hành trình phẫu thuật của bé Thiện Nhân
>>Bé Thiện Nhân đi Mỹ phẫu thuật

Trước ngày lên máy bay cùng với mẹ Mai Anh, Thiện Nhân đã được gặp gỡ những người hảo tâm, giúp đỡ cho quá trình chữa trị của bé. Hơn 3 tuổi, trông cậu bé vẫn thông minh, kháu khỉnh. Thiện Nhân người đã cao hơn. Trong buổi gặp mặt, bé nhảy như một chú chuột túi bằng chiếc chân duy nhất, từ hàng ghế này sang hàng ghế khác.

Theo dự tính, quá trình phẫu thuật lần này của Thiện Nhân ước chừng 150.000 USD. Quỹ của bé đã kêu gọi được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức, cá nhân, yêu thương cậu bé có sức sống mãnh liệt hai phần ba số tiền. Trong lần sang Mỹ đầu tiên để làm chân giả và chữa trị các phần liên quan đến đường tiết niệu, Thiện Nhân cũng đã nhận được sự hảo tâm của nhiều người, của cộng đồng người Việt ở nhiều nước.

Sau chặng bay dài, mẹ con bé Thiện Nhân đã sang Mỹ vào một ngày cuối tháng 9 vừa qua. Chị Mai Anh cho biết, cậu bé khá mệt mỏi vì di chuyển nhiều giờ bằng máy bay và ôtô, do khác múi giờ. Bé khá gắn bó với bố Nghinh nên thức dậy lúc nào là hỏi “bố của em đâu”. Lần đi này, chỉ có mẹ Mai Anh sát cánh bên “chú lính chì” Thiện Nhân.

Ngày 29/9, hai mẹ con đã đến bệnh viện Nhi Texas ở Houston, Mỹ để kiểm tra chuyên sâu. Nhóm bác sĩ tham gia chữa trị cho bé là Giáo sư, bác sĩ tiết niệu Lars J. Cisek và bác sĩ phối hợp điều trị - Phó giáo sư Tuệ Đinh, hai bác sĩ nổi tiếng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình của Viện giám lý phẫu thuật phục hồi ở Houston. Họ sẽ trực tiếp kiểm tra bộ phận xương chậu và háng của bé Nhân để tìm ra vị trí của hai tinh hoàn.

Chị Mai Anh và bé Thiện Nhân (nằm) trong phòng chờ tại Bệnh viện Nhi Texas, Houston, Mỹ.

Chị Mai Anh và bé Thiện Nhân (nằm) trong phòng chờ tại Bệnh viện Nhi Texas, Houston, Mỹ.

Không như lần đầu sang Mỹ chữa trị, bé Thiện Nhân chơi khá ngoan. Cậu ngủ trên chiếc xe đẩy. Lúc tới bệnh viện, Thiện Nhân nằm trên đợi trước quầy lễ tân. Cậu bé nhìn khắp nơi và làm quen với một số bạn nhỏ cũng tới chữa trị. Chỉ là những cử chỉ nhưng Nhân làm quen khá nhanh. Việc đưa bé lên giường để hai bác sĩ kiểm tra cũng suôn sẻ. Thiện Nhân không gào, khóc, sợ sệt. Những đau đớn về thể xác mà bé trải qua đã giúp “chú lính chì” có một nghị lực và bản lĩnh.

Sau khi xem xét, đánh giá ban đầu của bác sĩ Cisek, cái mà các bác sĩ trước đó kiểm tra cho bé “nghi” tinh hoàn thực chất là những vết sẹo bên trong bị gây ra bởi những vết thương cũ. Theo ý kiến riêng của bác sĩ Tuệ Đinh, ông không chắc rằng cậu bé có thể được phục hồi. Công việc trong thời gian tới của các bác sĩ cố gắng để bé vẫn sẽ là một người đàn ông bình thường.

Chị Mai Anh cho biết, qua những kiểm tra khá kỹ càng, hai vị bác sĩ đầu ngành này đã đưa ra những kết luận trên và đề nghị tiến trình chữa trị cho bé Thiện Nhân. “Để có thể giảm thiểu những tổn thương, trong 2 tuần tới cần tiến hành phân tích tổng thể về hoóc-môn của cậu bé”, chị Mai Anh nói về đề nghị của bác sĩ Cisek và Tuệ Đinh. Không chỉ vậy, Thiện Nhân cần được tiêm một loại thuốc đặc trị trong 14 ngày, phân tích máu để kiểm tra chính xác liệu tinh hoàn của cậu bé có còn hay không, tình trạng như thế nào và nếu còn thì nó có hoạt động hay không.

Thiện Nhân sẽ phải trải qua một quá trình điều trị khá đau đớn nhưng cần thiết. Nếu kết quả khả quan, thì bé sẽ được tiến hành phẫu thuật soi ổ bụng bằng biện pháp gây mê và đưa vào trong một chiếc máy camera mini để định vị trính xác tinh hoàn cậu bé nằm ở đâu. Tuy nhiên, điều các bác sĩ lo ngại ở đây là những vết thương có thể khiến cho công việc trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

Giả sử vị trí của tinh hoàn đã được xác định thì các bác sĩ lại phải tiến hành mổ trên phần bụng để lấy tinh hoàn ra. Bác sĩ Tuệ Đinh sẽ mổ phần mu để tạo ra phần “bìu dái” mới từ phần da cũ của cậu bé và đặt lại vị trí cho tinh hoàn. Nếu hai quả tinh hoàn không còn chức năng thì liệu pháp hoóc-môn là giải pháp tất yếu.

Thiện Nhân trong phòng khám với bác sĩ Cisek và mẹ Mai Anh.

Thiện Nhân trong phòng khám với bác sĩ Cisek và mẹ Mai Anh.

“Nếu hai tinh hoàn còn hoạt động, thì Thiện Nhân sẽ sớm trở lại Houston vào dịp năm mới để được phẫu thuật tại bệnh viện nhi Texas”, chị Mai Anh cho biết về ý kiến của hai bác sĩ tham gia điều trị cho con trai. Trong thời gian đó, bác sĩ Tuệ Đinh và nhóm các bác sĩ sẽ về Việt Nam trong thời gian tới. Vì vậy ông sẽ có khả năng tiếp tục chăm sóc và đánh giá tình trạng của Nhân. Điều này cũng sẽ giúp cho việc gây quỹ cho Thiện Nhân vì quá trình trình chưa trị của bé còn khá dài mới có đủ số tiền 150.000 USD.

Song song với việc phục hồi bộ phận sinh dục, các bác sĩ sẽ tiếp tục chữa trị về chiếc chân không còn của bé Thiện Nhân. Theo đánh giá của bác sĩ Tuệ Đinh, cậu bé vẫn phải chịu đựng những tổn thương về thần kinh, cộng với sự đau đớn từ những vết thương cũ. Bác sĩ hy vọng có thể thực hiện cuộc phẫu thuật ở chân cùng với thời điểm chữa trị khôi phục bộ phận sinh dục cho cậu bé trước hoặc sau Tết Nguyên đán 2010.

Bác sĩ Tuệ cho biết, khi bé Thiện Nhân 9 tuổi (tức là còn 5 năm rưỡi nữa), việc phục hồi bộ phận sinh dục sẽ được thực hiện dễ dàng hơn bởi thực tế một phần dương vật của Nhân vẫn còn. Trường hợp xấu nhất là tinh hoàn của Nhân không hoạt động nữa, cậu bé sẽ được thay thế bằng hai tinh hoàn nhân tạo. Việc này đòi hỏi bệnh nhân phải có chế độ điều trị suốt đời nhằm tránh xảy ra biến chứng. Song, liệu pháp này có tỷ lệ gây ra bệnh ung thư khá cao.

Trong sự lạc quan, ông Tuệ Đinh tin tưởng rằng việc Thiện Nhân vẫn còn đoạn “cuống” của dương vật, điều này rất quan trọng để giúp cho việc phục hồi dễ dàng hơn.

* Thông tin và hình ảnh do gia đình bé Thiện Nhân cung cấp

Quang Việt



No comments: