ND- Một cậu bé sinh ra ở huyện Núi Thành (Quảng Nam), nhưng ngay từ lúc bi bô đã nói giọng Hà Nội, sống cuộc sống của người Hà Nội. Cậu bé với nỗi đau, nỗi mất mát tột cùng và một sức sống thần kỳ đã làm trái tim của biết bao người Hà Nội rung động. Bé Thiện Nhân bị bỏ rơi ngay từ khi vừa lọt lòng và bị thú rừng ăn chân phải tận gần khớp háng, mất 2 tinh hoàn, dương vật bị mất gần hết, người tím tái đầy kiến bu không một chút sự sống (bệnh án tại Bệnh viện Ða khoa Quảng Nam). Mỗi buổi chiều, trong ngõ nhỏ trên phố Nhà Chung của Hà Nội, bé Thiện Nhân sau một ngày tan trường ngồi vắt vẻo một chiếc chân còn lại bên cạnh các cụ già tóc bạc phơ chơi tam cúc vừa chờ đón bố mẹ em đi làm về. Bé Thiện Nhân chuyển khai sinh từ huyện Núi Thành, Quảng Nam, thay họ của người mẹ bỏ rơi em và nhập hộ khẩu Hà Nội, nhập vào gia đình đã có hai cậu con trai thông minh, tình cảm. Chị Mai Anh sau khi xem chương trình thời sự, đọc báo về tin một đứa trẻ được phát hiện sau 72 tiếng bị bỏ rơi trên núi trong tình trạng thương tích đến 75%, đã bàn với chồng để đón bé Thiện Nhân về nuôi. Những ngày đầu về với gia đình mới, bé Thiện Nhân chỉ biết đòi ăn chuối và cơm nguội, ghẻ lở khắp người... Nhiều bác sĩ cả trong và ngoài nước khám vết thương của cháu và khuyên gia đình chuyển đổi giới tính cho cháu thành con gái. Người mẹ nuôi nhỏ bé của cháu mà nhiều người gọi là mẹ Còi đã dứt khoát tìm mọi cách, mọi bệnh viện trong và ngoài nước để giữ cháu là con trai như tạo hóa đã sinh ra cháu. Câu chuyện của Thiện Nhân hòa nhập cuộc sống thành phố theo cách rất riêng của em; câu chuyện về người cha, người mẹ nuôi chỉ trong một năm đưa em đi tới 13 bệnh viện khác nhau ở trong và ngoài nước để lắp chân giả cho em, để phẫu thuật cho em, để tìm kiếm cho em cơ hội trở lại thành người đàn ông bình thường nhất; những câu chuyện về ba anh em trai yêu thương, chia sẻ cũng như chành chọe nhau hằng ngày đã trở thành câu chuyện để lại dấu ấn trong biết bao người và đã trở thành niềm tin, sự an ủi, điểm tựa và sự mong mỏi về một điều tốt đẹp của không ít người Hà Nội. Khi mỗi lần trở trời, bé Thiện Nhân lại vật vã, đau đớn vì vết thương cũ hành hạ khiến bé không ngủ được trong nhiều đêm liền. Bé Thiện Nhân rất ngoan và nói như mẹ Mai Anh là: Cu Nhất rất có ý thức và quen tự chịu đựng không la hét làm phiền đến ai. Cái chân giả của Thiện Nhân phải thay liên tục vì bé lớn lên mỗi ngày. Năm 2008, bé Thiện Nhân trải qua một cuộc phẫu thuật đường tiết niệu tại Bệnh viện New Hamsphire, Mỹ. Và theo dự tính của các bác sĩ Mỹ, cháu sẽ phải trải qua khoảng mười cuộc phẫu thuật và cấy ghép trong khoảng 15 năm tới với hy vọng giúp cháu trở lại làm người đàn ông bình thường. Một tối đầu thu, tôi theo đường Nhà Chung rẽ vào con ngõ nhỏ, tìm đến gia đình chị Trần Mai Anh. Chị Mai Anh nói: "Em dọn nhà về đây cốt là ở gần trường cho cháu Thiện Nhân đi học được thuận hơn". Căn phòng ở tầng 1 chỉ rộng hơn 10 m2, chị Mai Anh, ba đứa con trai quây quần bên nhau. Vừa đảm đương vai trò một phóng viên của một cơ quan báo chí, chị vẫn phải ngày hai buổi đến cơ quan, nhiều hôm về muộn lại vừa lo nấu cơm, tắm rửa cho cả ba cháu. Ðôi vợ chồng nhà báo trẻ ấy đã thuê thêm một cửa hàng để bán quần áo thời trang, mượn thêm tiền để thuê căn nhà số 11 ngõ Nhà Chung. Bà con xóm phố không có ngày nào là không ghé thăm tổ ấm nhỏ của gia đình cháu Thiện Nhân. Khi thì đồng quà, tấm bánh, có khi không hiểu một ai đó nhét qua khe cửa vài ba trăm nghìn đồng đựng trong những chiếc phong bì không đề tên người gửi. Cháu Thiện Nhân như một mầm sống bất diệt đã và đang phát triển trong vòng tay yêu thương của gia đình, của bà con xóm phố, của cả cộng đồng xã hội. Mẹ cháu, chị Mai Anh đã thể hiện trái tim nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam. Một tấm lòng nhân ái, rất đỗi yêu thương con người, nhưng cao quý hơn là chung quanh chị còn có biết bao nhiêu lòng tốt của người Hà Nội đã và đang sẻ chia với gia đình chị công việc săn sóc, chữa bệnh cho cháu. Chia tay gia đình bé mọn, tôi cầu mong cho chị Mai Anh có thật nhiều sức khỏe để còn thức khuya, dậy sớm chăm sóc bé Thiện Nhân. Vì cuộc hành trình trở thành một người đàn ông hoàn thiện của cháu còn rất dài, dài đến 15-20 năm nữa. Một tấm lòng và rất nhiều tấm lòng đã, đang và mãi mãi sẻ chia vì mầm sống của bé Thiện Nhân, một cậu bé đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt của thú dữ - trở về với cuộc đời trong vòng tay, trong tình thương yêu của một tấm lòng và những tấm lòng Hà Nội. Khi bài báo này đến tay bạn đọc thì 9 giờ sáng nay (25-9-2009), bé Phùng Thiện Nhân đã được gia đình đưa sang Mỹ để phẫu thuật lần thứ hai (trong hành trình mười lần phẫu thuật). Chúc cho cháu một chuyến đi thành công và thật nhiều may mắn... THÀNH ÐẠT |
Các từ xà bông / xà phòng từ đâu mà ra?
1 week ago
No comments:
Post a Comment