TT - Năm năm trước, hình ảnh một cậu bé vừa ra đời đã bị mẹ ruột vứt bỏ, bị chó cắn xé mất một chân và bộ phận sinh dục, hàng ngàn con kiến lửa bu đốt khắp mình mẩy... khóc ngằn ngặt đòi sống suốt 72 giờ ở một góc vườn làm rúng động cộng đồng.
Rồi em bé ấy có một gia đình mới, được bù đắp những mất mát bằng rất nhiều yêu thương, được người mẹ nuôi tuyệt vời cầm tay từng bước trong hành trình tìm về chính mình. Và chỉ mới năm năm, Thiện Nhân đã quay trở lại cộng đồng bằng nụ cười thiên thần cùng cơ hội đổi đời cho “những em bé giống mình”. Mỗi ngày em lại có thêm người đồng hành, và mọi người cùng gọi đấy là “hành trình Thiện Nhân”.
Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
Ngày xảy ra câu chuyện của Thiện Nhân, cứ ngỡ trên đời chỉ một mình em gặp bất hạnh đến thế. Ấy vậy mà không phải, vẫn còn nhiều lắm những cô cậu bé và cả những người lớn gặp bất hạnh như Thiện Nhân. Mà nói như bác sĩ Roberto De Castro, người đang cố gắng tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, thì ông chưa gặp ở đâu trên thế giới nhiều bệnh nhân của mình như vậy.
Nhiều bài báo liên quan đến cậu bé Thiện Nhân đã gây xúc động cho nhiều người. Từ đây khởi đầu cho những câu chuyện về các thân phận khác - Ảnh: Đ.THANH |
Đổi đời đàn ông cho con
Nam (*) là một chàng trai cao ráo, khỏe mạnh và đầy nam tính như bao nhiêu chàng trai khác. Làm công nhân trong một nhà máy ở Củ Chi, Nam không rượu chè bài bạc, đăng ký ở mức tối đa giờ tăng ca, củ mỉ tiết kiệm như bao bạn bè khác. Hơn một nửa tiền lương mỗi tháng Nam gửi về Lâm Đồng cho cha mẹ, nửa còn lại tằn tiện chi tiêu cho bản thân. Chỉ khác là khi bạn bè cùng dây chuyền sản xuất rủ về phòng trọ ở chung, tiết kiệm thêm chút tiền, Nam một mực lắc đầu. Ngoài những giờ cắm mình trong nhà máy, đôi mắt chàng trai ấy cứ u uẩn buồn, lẩn tránh cả các cô gái, cả các cậu bạn trai.
Không ai biết cuộc đời Nam đã lâm vào bi kịch từ ngày mới bốn tháng tuổi. Ở Lâm Đồng, trong gia đình Nam, nỗi day dứt, dằn vặt cứ quanh quẩn mãi trong lòng cha mẹ và chị gái. Không ai quên được cái ngày định mệnh ấy.
Đó là một ngày hè chang chang nắng Quảng Bình của hai mươi mốt năm về trước. Nam bốn tháng tuổi nằm trên võng được giao cho cô chị ba tuổi ru em ngủ, cha mẹ luật quật ngoài đồng. Chị ngủ quên, em lật võng bò xuống đất. Có con chó con lân la ra liếm láp, rồi cắn, rồi nhai cái chỗ nhạy cảm nhất của cậu bé. Tiếng khóc thét của đứa trẻ bốn tháng tuổi không đủ để cứu được đời con trai sau này. Khi người lớn phát hiện, đưa đến bệnh viện thì không còn kịp nữa. Các bác sĩ giữ lại được mạng sống cho Nam nhưng cha không nói nổi một lời, mẹ chỉ còn khóc ngất: “Ôi, con trai tôi”.
Nam dần lớn lên, cảm nhận rõ những thiệt thòi so với chúng bạn. Tuổi thơ hồn nhiên nhưng một bước Nam chạy nhảy là có người chỉ trỏ, xôn xao, lại có người chặn Nam giữa đường, lăm lăm kéo quần để minh họa cho câu chuyện. Nam òa khóc về nhà đóng cửa. Đến tuổi đi học, Nam nhất định lắc đầu.
Bố mẹ quyết định bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ làng, bỏ quê, lặn lội vào tận Lâm Đồng học nghề làm rẫy, trồng cà phê để Nam được yên ổn đi học. Nam cũng nhanh chóng học được cách sống với những bí mật, tính hiếu động cất kín sau cánh cửa. Hết phổ thông Nam lại xin cha mẹ xuống TP.HCM đi làm, càng xa càng tốt.
Không ai biết được có một niềm hi vọng âm thầm vẫn chưa tắt trong lòng người cha. Quần quật với mấy sào cà phê, ông vẫn lặng lẽ theo dõi báo chí, mục sức khỏe, theo dõi các chương trình khoa học, y tế trên truyền hình. Mỗi lần đọc tin một ca ghép thận, ghép gan, ghép tim thành công là ông phấp phỏng. Ông chờ đến ngày y học có thể cấy ghép được bộ phận nhạy cảm ấy để có thể đổi đời cho con trai mình.
Thiện Nhân và những bước đi trên hành trình mới của em - Ảnh: gia đình Thiện Nhân |
Xin cho con làm con gái
Mảnh mai, xinh xắn, vẫn mặc váy hợp mốt giữa mùa đông Hà Nội nhưng đôi mắt của Thu Hằng cứ thăm thẳm buồn, thi thoảng lại ánh lên những ánh sợ hãi. Siết chặt cô con gái nhỏ mới hai tuổi trong tay, ánh mắt Hằng cứ xoáy vào chúng tôi: “Có hi vọng nào cho con em không?”. Công việc ổn định, lấy chồng, có riêng một căn nhà nhỏ giữa Hà Nội, cuộc sống của Hằng tưởng như nở hoa khi con gái ra đời. Nhưng nụ cười đã vụt tắt trên môi người mẹ ngay khi cơn đau hậu sản chưa dứt: con gái không có bộ phận sinh dục, bàng quang lộ ngoài.
Hà Vy nay được hai tuổi rưỡi, là hai năm rưỡi vợ chồng Hằng ôm con ra vào các bệnh viện nhi khắp cả nước, phẫu thuật đã năm lần, bán nhà để đưa con sang tận Singapore nhưng bé Vy vẫn chưa thành con gái. Hà Vy giờ phải đóng tã suốt ngày đêm, ngày nào cũng phải uống kháng sinh và luôn trong nguy cơ bị nhiễm trùng nước tiểu ngược dòng. Vẫn chưa đủ nỗi đau người mẹ. Hằng ướt nước mắt kể tiếp những dự báo của bác sĩ: để giữ được mạng sống, không phải chết vì nhiễm trùng, Hà Vy sẽ phải phẫu thuật đưa đường tiểu qua ngang bụng. và đến năm 12 tuổi, em sẽ phải tiếp tục phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, tử cung để dứt đường kinh nguyệt. Trên tivi, mấy cô thiếu nữ nhí nhảnh trong chương trình quảng cáo: “Làm con gái, thật tuyệt!”, Hằng lại ứa nước mắt.
Hôm nay thì Hà Vy chưa biết nỗi đau ấy. Bé vẫn vô tư nghịch với mấy cây bút chì màu, ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ. Bé chỉ có một chút sợ hãi khi nhìn thấy những tấm khăn trải giường màu trắng, màu của bệnh viện. Lau nước mắt, Hằng không hỏi nữa những câu hỏi mà cô đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần với hàng chục bác sĩ. Hằng nói cô vẫn còn một hi vọng cho con gái: Vy mới hai tuổi và y học vẫn đang tiến bộ mỗi ngày.
Nam và Hà Vy chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đã, đang và sẽ không được sống với cuộc đời của mình, đã, đang và sẽ phải trông chờ vào các phát kiến của bác sĩ. Còn có bé Minh Phương hồn nhiên quanh quẩn trong căn nhà hẹp không bao giờ mở cửa giữa phố phường Hà Nội. Bé đã năm tuổi nhưng chưa ngày nào được đến trường mẫu giáo. Minh Phương ra đời với khai sinh con gái, để rồi đến một tuổi các bác sĩ mới phát hiện bé là trai với một “con chim” tí xíu bằng hạt đậu.
Từ đấy là những ngày ra vào bệnh viện, những đăm chiêu của bác sĩ, những đàm tiếu của xóm giềng, tò mò của con trẻ. Cha mẹ buộc phải giấu biệt Phương trong nhà. “Thế nhưng sang năm thì Phương nhất định phải thay đổi khai sinh, nhất định phải đi học, phải có những sinh hoạt tập thể với bè bạn. Chúng tôi không biết làm sao để con có thể tránh được những tổn thương”, người cha ôm con vào lòng nhăn mặt như sắp khóc.
Còn có bé Trường chín tuổi ở Hưng Yên bị điện giật cháy cả hai tay và bộ phận sinh dục, bé Danh năm tuổi ở Khánh Hòa bị xe lửa cán, bé Huy ở Đà Nẵng đã năm tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh vì chưa xác định được giới tính... Còn có những bà mẹ nghẹn ngào ôm đứa con dị tật vào lòng và bảo: “Tôi không dám sinh thêm cháu nữa, sợ có bề gì...”.
Và bỗng một ngày, những niềm tuyệt vọng ấy gặp nhau trong một niềm hi vọng: câu chuyện của Thiện Nhân.
...
PHẠM VŨ
No comments:
Post a Comment