Tuesday, December 27, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân

Thứ Ba, 27/12/2011, 10:01 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân

TT - Hôm nay cả gia đình Nam đã hồ hởi lắm. Hỏi, Nam chỉ nói một câu: “Đổi đời rồi” và sau đó là cười...

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành

Một ca phẫu thuật “đổi đời” được bác sĩ Roberto De Castro thực hiện tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội tháng 11-2011- Ảnh gia đình Thiện Nhân cung cấp

Đổi đời

Ông Minh, cha của Nam, oang oang kể bằng giọng đặc sệt Quảng Bình: “Tối ấy tôi xem tivi, thấy một phóng sự về ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân. Tim tôi thắt lại khi nghĩ đến con mình. Hi vọng rồi lại thất vọng khi biết bé Thiện Nhân đã được mổ ở tận nước Ý xa xôi. Có bán cả nhà cả đất đi tôi cũng không lo nổi cho con. Rồi hi vọng lại bùng lên khi thấy chị Mai Anh, mẹ bé Nhân, xuất hiện và giới thiệu về chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may” do chị khởi xướng. Bác sĩ đã được mời sang tận VN. Tôi nghĩ con mình không còn là trẻ con nhưng chắc cũng còn cơ hội”.

Phóng sự trên truyền hình vừa dứt, ông Minh vội chộp điện thoại gọi cho con trai. Nhưng ông chưa kịp bấm số thì máy đã reo. Nam cũng đã xem được chương trình. Rồi thì cô dì chú bác của Nam, những người hàng xóm cũ nay đang ở Quảng Bình, Đà Nẵng cũng gọi tới. Niềm hi vọng cho Nam cháy lên bừng bừng trong những người thân. Ông Minh vội viết ngay lá thư gửi đến chương trình, cuối thư ông còn thận trọng viết thêm: “Trong trường hợp không tái tạo được, xin các bác sĩ xem xét việc cấy ghép của tôi cho con...”.

Thư của ông được hồi âm ngay vì đợt khám thẩm định tình trạng đã cận kề. Nam nghỉ việc ở TP.HCM để về nhà với hi vọng “sẽ được sinh ra một lần nữa”. Và một lần nữa, cả gia đình ông Minh khóc oà lên như 21 năm về trước: bác sĩ Roberto De Castro gật đầu: “Sẽ làm được”.

Cùng với Nam, hàng trăm bệnh nhi khác đã được tiếp nhận sau đợt khám vào tháng 8-2011 tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội. Những niềm hi vọng tràn trề cháy lên trong hàng trăm gia đình. Và đến đợt mổ thứ nhất kéo dài 11 ngày vào tháng 11-2011, 31 bệnh nhân đã được phẫu thuật, trong đó có Nam.

Không phải trẻ con nhưng Nam lại được bác sĩ chọn ưu tiên vì hội đủ những yêu cầu về sức khỏe và kỹ thuật cho ca mổ. Sau phẫu thuật, lần đầu tiên cái vật thể đàn ông xuất hiện trên cơ thể Nam, cậu đã ứa giọt nước mắt con trai. Dù là bệnh nhân xuất viện cuối cùng, dù sẽ còn phải tiếp tục phẫu thuật thêm ít nhất hai lần nữa để có một cơ thể hoàn thiện, niềm vui tái sinh đã bừng bừng trong gia đình Nam những ngày này. Dù vẫn kín tiếng không cho ai biết, nhưng cửa nhà ông Minh những ngày cuối năm không ngớt khách đến thăm hỏi, là những bà con nội ngoại thân gần và cả một vài người bạn chí thiết đã được Nam chia sẻ bí mật cuộc đời.

Niềm vui đổi đời cũng bừng lên trong gia đình bé Minh Phương khi Phương được tiêm ba đợt hormone và được phẫu thuật để kéo ra những phần cơ thể bị vùi sâu. Phương cũng sẽ phải phẫu thuật vài lần nữa nhưng cha mẹ cậu bé bắt đầu yên tâm làm đơn xin đổi khai sinh cho con. Với Hải Phong ở Hải Phòng, Thành Nam ở Đồng Nai, Mai Lan ở Tuyên Quang... cũng vậy. 31 ca phẫu thuật là 31 niềm vui cho cả đại gia đình.

Và ngoài cái tên bác sĩ Roberto bập bẹ trên môi tất cả các bệnh nhân nhí thì cha mẹ các em luôn miệng nhắc “cô Mai Anh, bé Thiện Nhân”. Cả bác sĩ Roberto De Castro nữa, không nói nhiều về công việc của mình, ông cũng luôn miệng nhắc “cô Mai Anh, bé Thiện Nhân”.

Thiện Nhân bây giờ

“Cô Mai Anh ơi...”

Thiện Nhân cũng là một trong 31 bệnh nhân được phẫu thuật lần này, đã là lần phẫu thuật thứ tư của em trong quá trình tìm lại chính mình. Lần này, tỏ ra đã quen với bác sĩ, với kim tiêm, phòng mổ, Thiện Nhân chống nạng đi đến từng giường bệnh của các bạn, động viên khi nghe tiếng khóc: “Không sao đâu mà, lúc mổ thì tiêm thuốc mê, ngủ rồi không biết đau đâu...”. Làm gương cho các bạn, Nhân không la khóc dù lần này em phải đặt hai túi bóng nước vào hai bên bẹn để kéo giãn da, chuẩn bị cho lần phẫu thuật sau. Đau lắm thì Nhân cũng chỉ chảy nước mắt và mỉm cười ngay khi nào có thể. Em luôn miệng: “Mẹ Mai ơi, con không đau đâu, con không khóc đâu...”.

Nhân dường như đã trở thành một người đàn ông thực thụ.

Mẹ Mai của Nhân, cô Mai Anh của các bệnh nhân nhí, chị Mai Anh của các bậc cha mẹ là một phụ nữ nhỏ bé, gầy gò, giản dị và nhanh nhẹn. Phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, chị đã lên truyền hình để giới thiệu chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”, sử dụng địa chỉ nhà mình và số điện thoại của mình để nhận hồ sơ, bệnh án. Hàng trăm bộ hồ sơ bệnh nhân từ tuổi nhi đồng đến tuổi thanh niên đã được gửi đến, hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày.

Mai Anh nhận hồ sơ, dịch ra tiếng Anh, gửi đến bác sĩ, liên hệ bệnh viện, sắp xếp giờ khám, lịch mổ cho từng người. Chị đứng bên giường bệnh phiên dịch cuộc trò chuyện, thăm hỏi, dặn dò giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chị ra vào bệnh viện như con thoi để giải quyết các nhu cầu, sự cố từng ca một. Chị luôn miệng trả lời điện thoại của bệnh nhân khắp nơi gọi đến với hàng trăm thắc mắc, nhu cầu khó nói. Những ngày cao điểm khám và mổ cho bệnh nhân, chị huy động cả bố mẹ, cả bé Thiện Nhân vào cuộc để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.

“Cô Mai Anh ơi...” là câu cửa miệng của các bệnh nhân nhí, “Cái này phải hỏi chị Mai Anh...” là câu cửa miệng của cha mẹ các em. Hỏi vậy có biết Mai Anh là ai không, mọi người bảo: “Biết chứ, Mai Anh là mẹ bé Thiện Nhân”. Hỏi nữa, có biết Mai Anh làm gì trong những cuộc phẫu thuật này không thì mọi người ngần ngừ lắc đầu. Hỏi nữa, kinh phí ở đâu để phẫu thuật, lại càng không biết...

Không biết, nên ông Minh, cha của Nam, đã kêu ồ lên sửng sốt khi biết số tiền 10 triệu đồng Mai Anh đưa cho Nam ra về khi xuất viện để bồi dưỡng đợi lần phẫu thuật sau là tiền lương tháng của chị vừa mới lĩnh. Không biết, nên Hằng đã sụt sùi khóc khi biết Mai Anh vào bệnh viện ký nợ 60 triệu đồng để bé Hà Vy được tiêm ba mũi thuốc đặc trị, cứu lấy mạng sống mong manh vì bị nhiễm trùng ngay sát ngày ca phẫu thuật đã được lên lịch...

Ấy thế mà Mai Anh lại chẳng phải là bác sĩ, chẳng phải chuyên gia, chẳng phải nhà tài trợ giàu có nào. Cắt nghĩa cho tất cả những việc mình đã, đang và sẽ còn tiếp tục làm, nhà báo này chỉ nói ngắn gọn: “Tôi là một người mẹ”.

Là mẹ thì luôn sẵn sàng làm tất cả những gì tốt nhất cho con mình. Mai Anh lại còn sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho con của người khác. Ấy là vì không chỉ làm mẹ của hai cậu bé thiên thần Thiên Minh, Hải Minh do chính mình sinh ra, Mai Anh còn làm mẹ của Thiện Nhân, cậu bé đặc biệt mà chị đã tự mình ôm vào lòng hơn bốn năm về trước.

PHẠM VŨ

No comments: