Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
TT - Tình yêu đầy ăm ắp dành cho Thiện Nhân có thể dễ dàng nhận ra ngay khi bước chân vào cửa nhà mà ba thế hệ của gia đình đang chung sống.
>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
Thiện Nhân nắm chặt tay anh Minh trong bệnh viện - Ảnh: M.A. |
Là bước nhảy lò cò mạnh dạn của Nhân không rời bước chân các anh Thiên Minh, Hải Minh, Nhật Nguyên và bà ngoại. Là tiếng bà dỗ: “Ăn nhiều hơn các anh một chút nhé, vì Nhân còn phải đi mổ nữa mà”. Là câu đầu tiên khi ông ngoại đi làm về vào đầu buổi tối: “Nhân ăn xong chưa, lên ông tắm cho”.
Xót xa dành hai chữ Thiện Nhân
Những ngày này bà ngoại Kim Anh đang bàn với mẹ Mai Anh về chuyện đi vệ sinh của Nhân ở trường, nơi em sẽ vào lớp 1. Hoặc một chỗ vệ sinh cho người khuyết tật, hoặc nếu không được thì xin phép cho Nhân được đi vệ sinh trong giờ học, “hay như thế nào đó để Nhân không bị bạn bè chọc ghẹo, tò mò”. Bà cứ băn khoăn mãi với những suy tính rất đời thường, rất gần gũi cho cháu mà chỉ có tấm lòng của bà, của mẹ mới nghĩ đến được. Nhân thì vô tư lò cò quanh bà, bá cổ, leo lên lòng bà, chơi trò đố những câu quen thuộc. Nhân chưa biết trong ánh mắt trìu mến bà ngoại dành cho Nhân có bao nhiêu ánh là đau xót. Bà viết vần thơ cho cháu: “Khờ dại và sợ hãi đã cắn xé trần truồng/ đứa trẻ và người đàn ông khoảng cách ngăn vô tận/ yêu thương ư chùi sao khô nước mắt/ xót xa dành hai chữ Thiện Nhân…”.
Bà kể lúc đầu bà đã không bằng lòng khi Mai Anh báo tin sẽ nhận Thiện Nhân về làm con. Nhưng bà không thể ngăn Mai Anh làm một việc thiện, rồi lại chính bà là người đầu tiên đón Nhân từ tay Mai Anh khi vừa về đến nhà, pha chậu nước ấm tắm cho cháu. “Cởi quần áo thằng bé, nhìn thấy rõ những tổn thương của nó, nước mắt tôi rơi xuống. Tôi hiểu vì sao Mai Anh đã yêu nó”. Có mẹ nào mà không hiểu con mình.
Bà kể ngày bé Mai Anh đã từng ra ngồi ở vỉa hè suốt cả một tuần để chờ con mèo đi lạc, đã từng khóc nức nở khi con cá vàng đang nuôi bỗng nhảy ra khỏi bể, Mai Anh đi học về thấy kiến bu đầy. Làm cô giáo, bà đã viết rất nhiều những bài thơ về lòng nhân trong cuộc đời cho Mai Anh đọc thuộc để rồi chị trở thành một người mẹ như hôm nay.
Và rồi bà kể về Thiện Nhân. Ngày đầu tiên mới về lạ nhà, Nhân khóc suốt và bám chặt vào anh Thiên Minh không rời. “Thiên Minh không dám nhúc nhích vì sợ em ngã, em khóc và thương Nhân từ đó. Chỉ sau ba ngày, Nhân đã quen với cả nhà và bắt đầu cười, bắt đầu giơ tay bám chặt vào bà, vào ông ngoại. Mọi người không còn thấy mệt khi phải chăm sóc từng li, theo Nhân từng bước nữa. Tôi biết Nhân đã thành ruột thịt của mình”, bà tâm sự. Và ngày ấy bà đã viết câu thơ cho Nhân: “...mất đi cái sự bình thường/ đổi bao nhiêu gánh tình thương bây giờ/ xin đừng về giữa cơn mơ/ đớn đau tắt tiếng trẻ thơ chào đời…”.
Vừa tỉnh lại sau ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ tại Bệnh viện Bologna (Ý), Thiện Nhân đã hí hoáy cầm bút vẽ chân dung bác sĩ Roberto De Castro để tặng bác sĩ Ảnh: MAI ANH |
Con xin làm người bình thường
Đúng vậy, làm sao mà không yêu một đứa bé như Nhân. Trong những cơn đau giữa đêm vì những vết mổ chồng chéo, em biết cắn chặt răng khóc thầm. Khi mẹ phát hiện, hỏi, Nhân nói nhỏ: “Con muốn để mẹ ngủ”. Mẹ thường dạy Nhân là con trai phải dũng cảm, không được khóc. Mẹ Mai cũng rất dũng cảm nhưng Nhân biết mẹ cũng khóc khi con vào phòng mổ. Trước ca phẫu thuật, lúc nào Nhân cũng tự mình trấn an mẹ: “Con sẽ không khóc đâu”.
Bốn năm về với mẹ Mai là bốn năm Nhân phải đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, từ ca phẫu thuật này sang ca phẫu thuật khác. Không thể tránh khỏi nỗi sợ bệnh viện nhưng Nhân đã được mẹ dạy: “Con bị bệnh, muốn được như các anh thì phải chịu khó chữa bệnh” nên bác sĩ, y tá nào cũng luôn nhớ nụ cười rất xinh của em. Nhân dạn dĩ trước mọi người đến thăm hỏi, trước các ống kính máy ảnh, máy quay phim, biết cả vẫy tay chào khi được tổ chức đón rước. Dứt ca phẫu thuật, trên mình còn đầy kim truyền, Nhân đã ngồi dậy vẽ tranh tặng bác sĩ. Mẹ Mai Anh cũng có lúc mệt mỏi với những ngày trong bệnh viện cùng con, lúc nhói đau khi nhìn Nhân yếu ớt trên giường bệnh, lúc ôm lấy con mà nói “Xin lỗi con, mẹ đã bắt con phải chịu nhiều đau đớn quá”.
Hôm nay Nhân vừa qua ca phẫu thuật thứ tư, hai bên hông là hai túi nước được đặt để kéo giãn da. Ấy vậy mà Nhân vẫn thoăn thoắt lò cò mỗi khi nghe tiếng mẹ gọi, vẫn hăng hái chơi trò đá bóng với các anh ở khoảng sân nhỏ trước nhà. Mỗi lần được ông ngoại dẫn vào công viên Lê Nin chơi, Nhân đạp xe đạp một chân còn thắng cả hai anh. Mỗi tuần phải bơm thêm nước, em chỉ thầm thì “Quá đau, quá đau” rồi lại xuống nhà tự xúc cơm, cố gắng ăn nhiều hơn, nhanh hơn hai anh theo lời bà ngoại.
Được mẹ cho đi học, Nhân thích lắm, tự chọn quần áo, tự xếp vở, bút, tự xem đồng hồ rất đúng giờ. Tiếng cười giòn của Nhân làm mọi người nguôi đi những lo lắng cho em và mẹ Mai Anh càng khẳng định: “Nhân sau này sẽ là một chàng trai rất mạnh mẽ và rất đẹp trai nữa”. Tương lai ấy nhất định sẽ đến, còn hôm nay Nhân đã viết thư cho ông già Noel: “Con muốn khỏi bệnh, muốn giống như các anh”. Năm tuổi, Nhân đã không còn mơ giấc mơ siêu nhân mà chỉ có giấc mơ rất đời thường như thế.
Đó cũng là giấc mơ của mẹ Mai Anh, các bố mẹ trong hội Thiện Nhân, và tất cả những ai quen biết, yêu mến em. Mọi người đều gọi Nhân là “chú lính chì”. Chú lính chì dũng cảm luôn đứng thẳng, giữ đúng tư thế dù chỉ có một chân, chú lính chì không một tiếng kêu than khi trải qua thử thách, hiểm nguy, chú lính chì luôn hướng đôi mắt mình về cái đẹp, sự hoàn thiện.
Không có ông già Noel nên mẹ Mai Anh đã quyết sẽ cùng Nhân thực hiện giấc mơ đời thường này. Từ bốn năm nay, hành trình đi đến giấc mơ “trở lại bình thường” của Nhân đã được mẹ Mai dắt từng bước, từng bước, được bao nhiêu bố mẹ khác ủng hộ, dõi theo đầy yêu thương. Con đường Nhân và mẹ đi dài, chậm, đau, mỏi, nhưng Nhân không dừng lại, mẹ không buông tay…
PHẠM VŨ
No comments:
Post a Comment