Friday, December 30, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

Thứ Sáu, 30/12/2011, 05:45 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

TT - Ngày bay vào Quảng Nam đón con, nhìn cảnh thằng bé mình đầy thương tích, đôi mắt trong veo, bò lê la với cái chân cụt tìm nhặt quả chuối, Mai Anh tin rằng Thiện Nhân sẽ trở thành một người đàn ông thật sự. Nhưng ngày ấy chị chưa biết hành trình sẽ dài đến thế.

Thiện Nhân nắm chặt tay mẹ trước khi vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Bologna (Ý) đầu năm 2010 - Ảnh do gia đình cung cấp

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm

Con chính là đàn ông

Đưa Nhân về Hà Nội, tự tay bôi thuốc cho từng nốt ghẻ, tự tay luộc tẩy quần áo mỗi ngày, chữa trị xong những vết thương ngoài da, Mai Anh đã vội ôm con sang Thái Lan mong tái tạo bộ phận sinh dục càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ chuyên khoa lắc đầu: “Y văn thế giới chưa ghi nhận tiền lệ nào như thế cả” và các bác sĩ đề nghị với chị một giải pháp dễ dàng hơn: cho Nhân phẫu thuật chuyển đổi giới tính, bé vẫn còn rất nhỏ đến không nhận biết được giới tính thật sự của mình. Không cần suy nghĩ một giây dù đã là mẹ của hai cậu con trai, Mai Anh lắc đầu: “Tạo hóa đã cho Nhân làm một người đàn ông”.

Quyết tâm ấy của Mai Anh được cả nhà đồng tình dù bà ngoại của Nhân luôn mong mỏi “chỉ nửa đứa con gái thôi cũng được” giữa đàn cháu nội ngoại chẵn sáu đứa con trai. Bố mẹ đỡ đầu của Nhân là ông Greig Craft, giám đốc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và cô Na Hương cũng đồng tình như vậy. Và tất cả cùng tiếp tục những hành trình tiếp nối hành trình không biết đâu là điểm cuối.

Thông tin tình trạng, bệnh án, hình ảnh các vết thương của Nhân được gửi đi khắp các bệnh viện trên thế giới để tìm kiếm một tia hi vọng. Ở đâu trả lời, nhận điều trị cho Nhân dù chỉ một giai đoạn ngắn trong quá trình chữa bệnh, Mai Anh cũng tìm đến. Cơ hội cho con là tất cả.

Câu chuyện về Nhân được lan truyền và nhờ thế em có thêm cơ hội. Các y bác sĩ hầu như đều tình nguyện không tính tiền công, hãng hàng không giảm tiền vé, các mẹ trong Hội Thiện Nhân vừa được quy tụ đóng góp từng khoản tiền nhỏ giúp mẹ Mai mua thuốc, từng chiếc áo ấm, từng gói mì mang theo ăn trong bệnh viện. Cả bà con Việt kiều ở nước ngoài cũng tình nguyện làm tài xế cho hai mẹ con, mang đến tặng Nhân từng hộp sữa, món đồ chơi.

Nhờ thế mà mẹ Mai Anh đã bế Thiện Nhân sang tận Singapore, Đức, Mỹ, đến Chicago, Los Angeles, New Hampshire để phẫu thuật niệu đạo và làm chiếc chân giả đầu tiên vào cuối năm 2008.

Một năm sau, mẹ Mai Anh và bố Greig cùng bà ngoại lại đưa Nhân sang Texas (Mỹ) điều trị tiếp đường niệu đạo và xét nghiệm tầm soát với hi vọng mong manh em còn tinh hoàn ẩn ở đâu đó. Ca điều trị thành công nhưng các bác sĩ lắc đầu với khả năng tái tạo bộ phận sinh dục.

Tưởng như đã tuyệt vọng, đã bỏ cuộc, nhưng niềm tin sắt đá cho con trai trong Mai Anh vẫn chưa lay chuyển. Biết tin có một cuộc hội thảo khoa học về các tiến bộ mới của y khoa tại Mỹ ngay lúc Thiện Nhân đang điều trị ở đó, Mai Anh đã tìm cơ hội để có mặt.

Bằng khả năng tiếng Anh chuẩn mực và những ngày đêm lần mò tự học các thuật ngữ y khoa, đọc tài liệu khoa học để tìm hướng điều trị cho con, chị đã thuyết phục được các nhà khoa học hàng đầu thế giới chú ý đến trường hợp của Thiện Nhân. Tên của Thiện Nhân đã được ghi vào danh sách giám sát điều trị của các giáo sư y khoa giỏi nhất.

Và năm 2010, khi bác sĩ Roberto De Castro ở Bệnh viện Bologna, Ý công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác và cả sự phát triển cùng với cơ thể, thì Mai Anh được báo tin đầu tiên và tên của Thiện Nhân cũng được giới thiệu ngay lập tức.

“Vét hết tiền tiết kiệm, tôi đưa Nhân sang Ý ngay”, hôm nay mắt Mai Anh vẫn còn lấp lánh vui khi kể về chuyến đi mang tính bước ngoặt ấy. Thăm khám cho Thiện Nhân, bác sĩ Roberto gật đầu bảo “được” và thông báo em sẽ phải phẫu thuật ít nhất ba lần.

Nghe câu chuyện của Thiện Nhân và người mẹ, bác sĩ đã không giấu nổi xúc động và nhất nhất đồng ý với Mai Anh: ưu tiên cho Nhân mổ trước, xếp lịch mổ vào dịp Tết Nguyên đán VN là lúc chị có được kỳ nghỉ dài hơn để chăm sóc con. Bác sĩ còn tự nguyện giảm một nửa chi phí phẫu thuật, là tiền công của chính mình.

Không chỉ riêng con

“Hớn hở chuẩn bị cho lịch hẹn, mình về tới VN mới nhớ ra sẽ chẳng tìm đâu ra 75.000 USD, khoảng 1,5 tỉ đồng, là chi phí cho cuộc phẫu thuật đã được giảm một nửa”, Mai Anh cười. Không biết tìm đâu nhưng chị lại biết mình sẽ tìm được, sẽ lo được. Mẹ lao vào làm dự án mới, bà ngoại rồi ông ngoại rút tiền tiết kiệm, hàng trăm bố mẹ thường theo dõi trang web thiennhan.info quyên góp...

Đến ngày đi vẫn chưa đủ 1,5 tỉ đồng nhưng Mai Anh vẫn dẫn Thiện Nhân chống nạng lên máy bay, đưa cả anh trai Thiên Minh đi cùng để giúp mẹ săn sóc em, ăn cái Tết Nhâm Dần bằng mì gói trong phòng phẫu thuật.

“Kiểu gì rồi cũng sẽ qua được”, Mai Anh tự nhủ như bản tính của chị.

Và mấy mẹ con đã qua được thật. Khi gặp Thiện Nhân, không chỉ bác sĩ Roberto mà cả các bác sĩ khác, các y tá, hộ lý cũng tình nguyện không lấy tiền công. Cộng đồng người Việt nghe tin cũng đến giúp đỡ. Thiện Nhân đã dũng cảm vượt qua ca phẫu thuật với dòng nước mắt chảy lặng lẽ và em bật cười khi anh Thiên Minh ghé tai thì thầm: “Nhân đã có “con chim” xinh nhất thế giới”.

Trong hành trang của Mai Anh lần sang Ý này không chỉ có hồ sơ bệnh án của Thiện Nhân. Chị còn mang sang những lá thư thống thiết của nhiều ông bố, bà mẹ khác kể về trường hợp con mình và nhờ chị giúp đỡ, những mẩu tin cắt trên báo về một vài tai nạn thương tâm đã khiến các bé trai lâm vào tình trạng giống như Nhân.

Hỏi bác sĩ Roberto, nhìn vào lịch mổ, lịch bay khắp thế giới dày đặc của bác sĩ, nhớ lại chặng đường gian nan vòng quanh thế giới bệnh viện, những ngày đau đầu “tìm tiền” của mình, xem lại những nét chữ, mẩu giấy hằn sâu sự khắc khổ của những bậc cha mẹ VN, bỗng nhiên Mai Anh thấy mình can đảm. Chị hít một hơi dài rồi mạnh dạn đề nghị: “Bác sĩ có thể đến VN để giúp các bệnh nhi khác không?”.

Trong một cuộc trò chuyện sau này, bác sĩ Roberto De Castro tâm sự rằng ông không có câu trả lời nào khác trước người phụ nữ “thông minh hết sức và nhân ái tuyệt vời như Mai Anh”. Hiểu rõ những khó khăn mà gia đình chị đã phải vượt qua để đến Bệnh viện Bologna, lúc ấy ông đã nói giản dị: “Nhưng tôi không thể đi bộ đến VN”.

Khỏi phải nói về niềm vui của Mai Anh. Cùng với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” được chị lao vào chuẩn bị. Nguồn vốn đầu tiên và quan trọng nhất đã có: bác sĩ Roberto và đồng sự của ông đã đồng ý đến VN chỉ với một yêu cầu: vé máy bay và tiền ăn ở.

PHẠM VŨ

No comments: