Saturday, December 31, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích

Thứ Bảy, 31/12/2011, 09:36 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích

TT - Không có tiền, không có tài trợ, không có chuyên môn, không có kinh nghiệm nhưng Mai Anh, Greig và những thành viên khác của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn lao vào cuộc. Một lần mời bác sĩ đến là một lần khó, Mai Anh quyết tận dụng cơ hội này cho những số phận không may khác.

Bé Thiện Nhân và bà ngoại cùng miệt mài với công việc phân loại, gắn mã số cho từng hồ sơ của “các bạn bị bệnh giống con” - Ảnh: P.VŨ

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

Lại thêm một bạn như con

Tập hợp những tin tức từ báo chí, Mai Anh chủ động tìm địa chỉ, liên lạc đến từng nhà của các cậu bé đã bị tai nạn như Thiện Nhân. Hồ sơ của Trường (Hưng Yên), Danh (Khánh Hòa) lập tức được gửi đến. Thông báo trên mạng, thêm một số bà mẹ nữa tìm đến hỏi trường hợp con mình. Vẫn chưa yên tâm, khi các báo đài đến làm phóng sự về Thiện Nhân, Mai Anh lại tranh thủ giới thiệu mong muốn của mình. Bà mẹ Mai Anh vốn quen lối sống kín đáo, quây quần cùng con cái bỗng xuất hiện mạnh dạn trên các chương trình Sắc màu cuộc sống, Người xây tổ ấm và cả Chiếc nón kỳ diệu. Nhiều người ngạc nhiên, Mai Anh gật đầu bảo chính chị cũng ngạc nhiên, nhưng tất cả là vì sự nghiệp “tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”.

Hồ sơ ào ạt gửi đến. Chuông cửa nhà Mai Anh reo liên tục với vị khách thường xuyên là bác đưa thư. Ban đầu Mai Anh dành thời gian buổi tối để đọc, đánh số, phân loại, dịch thuật để tập hợp gửi sang bác sĩ. Nhưng rồi tập hồ sơ đợi chị mỗi tối cứ dày lên trông thấy. Xót con gái rạc người thức đêm, mẹ chị lao vào cuộc. Bà học Mai Anh cách phân loại, đánh số, kiểm tra từng hồ sơ, liên lạc với từng gia đình để hướng dẫn bổ sung những thiếu sót. Là một giáo viên đã cả đời làm việc với trẻ con, là một nhà thơ mẫn cảm, nhiều lần bà Bùi Kim Anh, bà ngoại của Thiện Nhân, đã khóc.

Có tập hồ sơ dày những hình ảnh, bệnh án, chi chít con dấu bệnh viện, gọi lại, bà chỉ nghe những tiếng nức nở của người cha, người mẹ. Có cái lại chỉ một lá thư viết tay nguệch ngoạc, không cả xác nhận của địa phương, gọi điện chỉ nghe vài câu ngập ngừng: “Cháu sợ đi xác nhận thì nhiều người biết, tội cho con sau này”... Rồi cả Thiện Nhân, Hải Minh, Thiên Minh cũng sà vào giúp bà dán mã hồ sơ. Được bà giảng giải ý nghĩa những tập giấy này, Thiện Nhân tỏ ra hiểu biết lắm. Mỗi lần thấy bác đưa thư ngừng lại trước cửa, bé thở dài nghiêm nghị như người lớn: “Lại có thêm một bạn giống cháu đấy, bà ạ”.

Số hồ sơ lên đến hàng trăm, không chỉ của trẻ em mà cả người lớn, Mai Anh bảo chị không ngờ lại có nhiều trường hợp dị tật, tai nạn khiếm khuyết bộ phận sinh dục đến như thế. Điện thoại cá nhân, điện thoại nhà riêng của chị reo không ngừng với đủ loại câu hỏi, hộp thư điện tử đầy ắp những thông tin, hình ảnh, thắc mắc mỗi sáng. Cửa nhà Mai Anh cũng phải mở thường xuyên hơn vì nhiều phụ huynh nhầm tưởng chị là chuyên gia, bác sĩ, mang con đến nhờ khám giúp; lại có cả những chàng trai, những cô gái đã mấy chục năm âm thầm giấu kín khiếm khuyết của mình tìm đến khẩn khoản.

Mai Anh phải tuyển chọn thêm tình nguyện viên giúp sức, chuyển hộp thư của chương trình sang địa chỉ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, phải sắm một số điện thoại riêng để trả lời tư vấn... Mai Anh bắt đầu có biệt danh mới “tiến sĩ... chim cò”, do bạn bè chị ở tạp chí Heritage trêu đùa đặt cho, ngoài cái tên mẹ Còi mà Hội Thiện Nhân thường yêu thương gọi. Gần đến cái hẹn mời bác sĩ sang khám bệnh, sang phẫu thuật, gánh của chương trình càng nặng. “Nhưng phải cố thôi, là mẹ của Thiện Nhân nên tôi hiểu rõ nỗi đau của các cha mẹ khác, các em bé khác. Khó mấy cũng không thể dừng lại...”, Mai Anh nói về những ngày “choáng váng” ấy.

Bệnh viện đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương mở rộng cửa đón các bệnh nhân. Phòng bệnh, phòng phẫu thuật được dành ưu tiên. Hội thảo khoa học “Phẫu thuật tiết niệu - sinh dục” quy tụ các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tại Việt Nam cũng được tổ chức. Cùng với cơ hội tìm lại sự trọn vẹn hình hài, sống đúng cuộc đời mình của các bệnh nhân thì đây cũng là cơ hội cho y học Việt Nam trở thành nơi đầu tiên trong khu vực được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt này. Bác sĩ Roberto rất sẵn lòng chia sẻ.

Mọi cánh cửa dường như đều mở rộng. Vấn đề còn lại chỉ là kinh phí, và chính là vấn đề đau đầu nhất.

Phép lạ là có thật

Ngoài tiền vé máy bay, tiền ăn ở khách sạn của các bác sĩ, Mai Anh còn khéo léo sắp xếp vài chuyến du lịch ngắn để giới thiệu với bác sĩ Roberto những hòn đảo thơ mộng ở Hạ Long, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Sa Pa. “Nghề của dân Heritage mà” - chị cười. Nếu chỉ có ngần ấy thì Mai Anh và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn xoay xở được với những dự án của mình. Nhưng còn tiền phải chi trả bệnh viện, tiền thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc truyền, tiền xét nghiệm, tiền lưu trú, tiền bồi bổ cho bệnh nhân, tiền di chuyển của bệnh nhân và thân nhân ở khắp mọi nơi...

Hầu hết các bộ hồ sơ đều được gửi đến từ những bậc cha mẹ rất nghèo ở những vùng sâu vùng xa, những phụ huynh đã sử dụng hết các khoản tiền mình có được để chạy chữa cho con và rồi lại rơi vào vô vọng. Lá thư nào cũng khẩn thiết chờ đợi một phép lạ tái sinh và hầu như tất cả đều “trăm sự nhờ chương trình giúp đỡ”. Trong gần 200 bộ hồ sơ đã được chọn để thăm khám, chuẩn bị phẫu thuật theo từng đợt, đếm ra con số có ghi chú: “tự chi trả chi phí phẫu thuật” chưa đầy một bàn tay.

Khó khăn chừng như vượt quá dự liệu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, oằn thêm đôi vai gầy của Mai Anh. Nhưng một việc đã bắt đầu thì không thể dừng lại, đã đọc những lá thư đẫm nỗi đau con người ấy thì không thể từ chối chỉ vì thiếu tiền. Phép lạ sinh ra trong phẫu thuật từ bàn tay bác sĩ và cổ tích sinh ra từ lòng người. Greig Craft đến các đối tác của ông trong Quỹ Phòng chống thương vong châu Á để giới thiệu chương trình.

Mai Anh, Na Hương và bạn bè chị đứng ra tổ chức đêm Gala Dinner gây quỹ, nhiều ca sĩ như Thanh Lam, Văn Mai Hương, Thanh Bùi nhiệt tình hưởng ứng. Hội Thiện Nhân kêu gọi đóng góp trên mạng, danh sách dài ra đến hàng trăm. Những ý tưởng khác như in lịch, truyện tranh về “Thiện Nhân và các bạn” được bàn bạc sôi nổi và triển khai... Xoay xở suốt mấy tháng cho đến khi gần đủ thì ứng tiếp vào tiền lương tháng, đi ký nợ bệnh viện, cuối cùng cái mốc thăm khám tháng 8-2011 và đợt phẫu thuật lần thứ nhất tháng 11-2011 cũng diễn ra tốt đẹp.

Không có bệnh nhân và thân nhân nào biết được những khó khăn ấy. Những nụ cười và những giọt nước mắt của các bệnh nhân, trai và gái, còn nhi đồng và đã trưởng thành, những xuýt xoa về một phép lạ có thật đến sau ca phẫu thuật của những ông bố bà mẹ đã bao đêm tuyệt vọng với tương lai của con... đã bù đắp lại nhọc nhằn, hi sinh của những người thực hiện chương trình. Giai đoạn hậu phẫu công việc lại càng dồn dập hơn. Các tình nguyện viên phải đặt lịch luân phiên gọi điện đến các bệnh nhân để thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc vết thương cho đến khi lành, hướng dẫn chuẩn bị cho ca mổ đợt sau, làm cầu nối liên lạc với bác sĩ để xử lý các sự cố...

Và công việc chuẩn bị cho đợt mổ thứ hai vào tháng 4-2012 lại tất bật bắt đầu.

PHẠM VŨ

Friday, December 30, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

Thứ Sáu, 30/12/2011, 05:45 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

TT - Ngày bay vào Quảng Nam đón con, nhìn cảnh thằng bé mình đầy thương tích, đôi mắt trong veo, bò lê la với cái chân cụt tìm nhặt quả chuối, Mai Anh tin rằng Thiện Nhân sẽ trở thành một người đàn ông thật sự. Nhưng ngày ấy chị chưa biết hành trình sẽ dài đến thế.

Thiện Nhân nắm chặt tay mẹ trước khi vào phòng phẫu thuật tại Bệnh viện Bologna (Ý) đầu năm 2010 - Ảnh do gia đình cung cấp

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm

Con chính là đàn ông

Đưa Nhân về Hà Nội, tự tay bôi thuốc cho từng nốt ghẻ, tự tay luộc tẩy quần áo mỗi ngày, chữa trị xong những vết thương ngoài da, Mai Anh đã vội ôm con sang Thái Lan mong tái tạo bộ phận sinh dục càng sớm càng tốt.

Các bác sĩ chuyên khoa lắc đầu: “Y văn thế giới chưa ghi nhận tiền lệ nào như thế cả” và các bác sĩ đề nghị với chị một giải pháp dễ dàng hơn: cho Nhân phẫu thuật chuyển đổi giới tính, bé vẫn còn rất nhỏ đến không nhận biết được giới tính thật sự của mình. Không cần suy nghĩ một giây dù đã là mẹ của hai cậu con trai, Mai Anh lắc đầu: “Tạo hóa đã cho Nhân làm một người đàn ông”.

Quyết tâm ấy của Mai Anh được cả nhà đồng tình dù bà ngoại của Nhân luôn mong mỏi “chỉ nửa đứa con gái thôi cũng được” giữa đàn cháu nội ngoại chẵn sáu đứa con trai. Bố mẹ đỡ đầu của Nhân là ông Greig Craft, giám đốc Quỹ Phòng chống thương vong châu Á và cô Na Hương cũng đồng tình như vậy. Và tất cả cùng tiếp tục những hành trình tiếp nối hành trình không biết đâu là điểm cuối.

Thông tin tình trạng, bệnh án, hình ảnh các vết thương của Nhân được gửi đi khắp các bệnh viện trên thế giới để tìm kiếm một tia hi vọng. Ở đâu trả lời, nhận điều trị cho Nhân dù chỉ một giai đoạn ngắn trong quá trình chữa bệnh, Mai Anh cũng tìm đến. Cơ hội cho con là tất cả.

Câu chuyện về Nhân được lan truyền và nhờ thế em có thêm cơ hội. Các y bác sĩ hầu như đều tình nguyện không tính tiền công, hãng hàng không giảm tiền vé, các mẹ trong Hội Thiện Nhân vừa được quy tụ đóng góp từng khoản tiền nhỏ giúp mẹ Mai mua thuốc, từng chiếc áo ấm, từng gói mì mang theo ăn trong bệnh viện. Cả bà con Việt kiều ở nước ngoài cũng tình nguyện làm tài xế cho hai mẹ con, mang đến tặng Nhân từng hộp sữa, món đồ chơi.

Nhờ thế mà mẹ Mai Anh đã bế Thiện Nhân sang tận Singapore, Đức, Mỹ, đến Chicago, Los Angeles, New Hampshire để phẫu thuật niệu đạo và làm chiếc chân giả đầu tiên vào cuối năm 2008.

Một năm sau, mẹ Mai Anh và bố Greig cùng bà ngoại lại đưa Nhân sang Texas (Mỹ) điều trị tiếp đường niệu đạo và xét nghiệm tầm soát với hi vọng mong manh em còn tinh hoàn ẩn ở đâu đó. Ca điều trị thành công nhưng các bác sĩ lắc đầu với khả năng tái tạo bộ phận sinh dục.

Tưởng như đã tuyệt vọng, đã bỏ cuộc, nhưng niềm tin sắt đá cho con trai trong Mai Anh vẫn chưa lay chuyển. Biết tin có một cuộc hội thảo khoa học về các tiến bộ mới của y khoa tại Mỹ ngay lúc Thiện Nhân đang điều trị ở đó, Mai Anh đã tìm cơ hội để có mặt.

Bằng khả năng tiếng Anh chuẩn mực và những ngày đêm lần mò tự học các thuật ngữ y khoa, đọc tài liệu khoa học để tìm hướng điều trị cho con, chị đã thuyết phục được các nhà khoa học hàng đầu thế giới chú ý đến trường hợp của Thiện Nhân. Tên của Thiện Nhân đã được ghi vào danh sách giám sát điều trị của các giáo sư y khoa giỏi nhất.

Và năm 2010, khi bác sĩ Roberto De Castro ở Bệnh viện Bologna, Ý công bố công trình phẫu thuật và tái tạo thành công bộ phận sinh dục, giữ được chức năng, cảm giác và cả sự phát triển cùng với cơ thể, thì Mai Anh được báo tin đầu tiên và tên của Thiện Nhân cũng được giới thiệu ngay lập tức.

“Vét hết tiền tiết kiệm, tôi đưa Nhân sang Ý ngay”, hôm nay mắt Mai Anh vẫn còn lấp lánh vui khi kể về chuyến đi mang tính bước ngoặt ấy. Thăm khám cho Thiện Nhân, bác sĩ Roberto gật đầu bảo “được” và thông báo em sẽ phải phẫu thuật ít nhất ba lần.

Nghe câu chuyện của Thiện Nhân và người mẹ, bác sĩ đã không giấu nổi xúc động và nhất nhất đồng ý với Mai Anh: ưu tiên cho Nhân mổ trước, xếp lịch mổ vào dịp Tết Nguyên đán VN là lúc chị có được kỳ nghỉ dài hơn để chăm sóc con. Bác sĩ còn tự nguyện giảm một nửa chi phí phẫu thuật, là tiền công của chính mình.

Không chỉ riêng con

“Hớn hở chuẩn bị cho lịch hẹn, mình về tới VN mới nhớ ra sẽ chẳng tìm đâu ra 75.000 USD, khoảng 1,5 tỉ đồng, là chi phí cho cuộc phẫu thuật đã được giảm một nửa”, Mai Anh cười. Không biết tìm đâu nhưng chị lại biết mình sẽ tìm được, sẽ lo được. Mẹ lao vào làm dự án mới, bà ngoại rồi ông ngoại rút tiền tiết kiệm, hàng trăm bố mẹ thường theo dõi trang web thiennhan.info quyên góp...

Đến ngày đi vẫn chưa đủ 1,5 tỉ đồng nhưng Mai Anh vẫn dẫn Thiện Nhân chống nạng lên máy bay, đưa cả anh trai Thiên Minh đi cùng để giúp mẹ săn sóc em, ăn cái Tết Nhâm Dần bằng mì gói trong phòng phẫu thuật.

“Kiểu gì rồi cũng sẽ qua được”, Mai Anh tự nhủ như bản tính của chị.

Và mấy mẹ con đã qua được thật. Khi gặp Thiện Nhân, không chỉ bác sĩ Roberto mà cả các bác sĩ khác, các y tá, hộ lý cũng tình nguyện không lấy tiền công. Cộng đồng người Việt nghe tin cũng đến giúp đỡ. Thiện Nhân đã dũng cảm vượt qua ca phẫu thuật với dòng nước mắt chảy lặng lẽ và em bật cười khi anh Thiên Minh ghé tai thì thầm: “Nhân đã có “con chim” xinh nhất thế giới”.

Trong hành trang của Mai Anh lần sang Ý này không chỉ có hồ sơ bệnh án của Thiện Nhân. Chị còn mang sang những lá thư thống thiết của nhiều ông bố, bà mẹ khác kể về trường hợp con mình và nhờ chị giúp đỡ, những mẩu tin cắt trên báo về một vài tai nạn thương tâm đã khiến các bé trai lâm vào tình trạng giống như Nhân.

Hỏi bác sĩ Roberto, nhìn vào lịch mổ, lịch bay khắp thế giới dày đặc của bác sĩ, nhớ lại chặng đường gian nan vòng quanh thế giới bệnh viện, những ngày đau đầu “tìm tiền” của mình, xem lại những nét chữ, mẩu giấy hằn sâu sự khắc khổ của những bậc cha mẹ VN, bỗng nhiên Mai Anh thấy mình can đảm. Chị hít một hơi dài rồi mạnh dạn đề nghị: “Bác sĩ có thể đến VN để giúp các bệnh nhi khác không?”.

Trong một cuộc trò chuyện sau này, bác sĩ Roberto De Castro tâm sự rằng ông không có câu trả lời nào khác trước người phụ nữ “thông minh hết sức và nhân ái tuyệt vời như Mai Anh”. Hiểu rõ những khó khăn mà gia đình chị đã phải vượt qua để đến Bệnh viện Bologna, lúc ấy ông đã nói giản dị: “Nhưng tôi không thể đi bộ đến VN”.

Khỏi phải nói về niềm vui của Mai Anh. Cùng với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” được chị lao vào chuẩn bị. Nguồn vốn đầu tiên và quan trọng nhất đã có: bác sĩ Roberto và đồng sự của ông đã đồng ý đến VN chỉ với một yêu cầu: vé máy bay và tiền ăn ở.

PHẠM VŨ

Thursday, December 29, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm

Thứ Năm, 29/12/2011, 09:04 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm

TT - Tình yêu đầy ăm ắp dành cho Thiện Nhân có thể dễ dàng nhận ra ngay khi bước chân vào cửa nhà mà ba thế hệ của gia đình đang chung sống.

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ

Thiện Nhân nắm chặt tay anh Minh trong bệnh viện - Ảnh: M.A.

Là bước nhảy lò cò mạnh dạn của Nhân không rời bước chân các anh Thiên Minh, Hải Minh, Nhật Nguyên và bà ngoại. Là tiếng bà dỗ: “Ăn nhiều hơn các anh một chút nhé, vì Nhân còn phải đi mổ nữa mà”. Là câu đầu tiên khi ông ngoại đi làm về vào đầu buổi tối: “Nhân ăn xong chưa, lên ông tắm cho”.

Xót xa dành hai chữ Thiện Nhân

Những ngày này bà ngoại Kim Anh đang bàn với mẹ Mai Anh về chuyện đi vệ sinh của Nhân ở trường, nơi em sẽ vào lớp 1. Hoặc một chỗ vệ sinh cho người khuyết tật, hoặc nếu không được thì xin phép cho Nhân được đi vệ sinh trong giờ học, “hay như thế nào đó để Nhân không bị bạn bè chọc ghẹo, tò mò”. Bà cứ băn khoăn mãi với những suy tính rất đời thường, rất gần gũi cho cháu mà chỉ có tấm lòng của bà, của mẹ mới nghĩ đến được. Nhân thì vô tư lò cò quanh bà, bá cổ, leo lên lòng bà, chơi trò đố những câu quen thuộc. Nhân chưa biết trong ánh mắt trìu mến bà ngoại dành cho Nhân có bao nhiêu ánh là đau xót. Bà viết vần thơ cho cháu: “Khờ dại và sợ hãi đã cắn xé trần truồng/ đứa trẻ và người đàn ông khoảng cách ngăn vô tận/ yêu thương ư chùi sao khô nước mắt/ xót xa dành hai chữ Thiện Nhân…”.

Bà kể lúc đầu bà đã không bằng lòng khi Mai Anh báo tin sẽ nhận Thiện Nhân về làm con. Nhưng bà không thể ngăn Mai Anh làm một việc thiện, rồi lại chính bà là người đầu tiên đón Nhân từ tay Mai Anh khi vừa về đến nhà, pha chậu nước ấm tắm cho cháu. “Cởi quần áo thằng bé, nhìn thấy rõ những tổn thương của nó, nước mắt tôi rơi xuống. Tôi hiểu vì sao Mai Anh đã yêu nó”. Có mẹ nào mà không hiểu con mình.

Bà kể ngày bé Mai Anh đã từng ra ngồi ở vỉa hè suốt cả một tuần để chờ con mèo đi lạc, đã từng khóc nức nở khi con cá vàng đang nuôi bỗng nhảy ra khỏi bể, Mai Anh đi học về thấy kiến bu đầy. Làm cô giáo, bà đã viết rất nhiều những bài thơ về lòng nhân trong cuộc đời cho Mai Anh đọc thuộc để rồi chị trở thành một người mẹ như hôm nay.

Và rồi bà kể về Thiện Nhân. Ngày đầu tiên mới về lạ nhà, Nhân khóc suốt và bám chặt vào anh Thiên Minh không rời. “Thiên Minh không dám nhúc nhích vì sợ em ngã, em khóc và thương Nhân từ đó. Chỉ sau ba ngày, Nhân đã quen với cả nhà và bắt đầu cười, bắt đầu giơ tay bám chặt vào bà, vào ông ngoại. Mọi người không còn thấy mệt khi phải chăm sóc từng li, theo Nhân từng bước nữa. Tôi biết Nhân đã thành ruột thịt của mình”, bà tâm sự. Và ngày ấy bà đã viết câu thơ cho Nhân: “...mất đi cái sự bình thường/ đổi bao nhiêu gánh tình thương bây giờ/ xin đừng về giữa cơn mơ/ đớn đau tắt tiếng trẻ thơ chào đời…”.

Vừa tỉnh lại sau ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ tại Bệnh viện Bologna (Ý), Thiện Nhân đã hí hoáy cầm bút vẽ chân dung bác sĩ Roberto De Castro để tặng bác sĩ Ảnh: MAI ANH

Con xin làm người bình thường

Đúng vậy, làm sao mà không yêu một đứa bé như Nhân. Trong những cơn đau giữa đêm vì những vết mổ chồng chéo, em biết cắn chặt răng khóc thầm. Khi mẹ phát hiện, hỏi, Nhân nói nhỏ: “Con muốn để mẹ ngủ”. Mẹ thường dạy Nhân là con trai phải dũng cảm, không được khóc. Mẹ Mai cũng rất dũng cảm nhưng Nhân biết mẹ cũng khóc khi con vào phòng mổ. Trước ca phẫu thuật, lúc nào Nhân cũng tự mình trấn an mẹ: “Con sẽ không khóc đâu”.

Bốn năm về với mẹ Mai là bốn năm Nhân phải đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác, từ ca phẫu thuật này sang ca phẫu thuật khác. Không thể tránh khỏi nỗi sợ bệnh viện nhưng Nhân đã được mẹ dạy: “Con bị bệnh, muốn được như các anh thì phải chịu khó chữa bệnh” nên bác sĩ, y tá nào cũng luôn nhớ nụ cười rất xinh của em. Nhân dạn dĩ trước mọi người đến thăm hỏi, trước các ống kính máy ảnh, máy quay phim, biết cả vẫy tay chào khi được tổ chức đón rước. Dứt ca phẫu thuật, trên mình còn đầy kim truyền, Nhân đã ngồi dậy vẽ tranh tặng bác sĩ. Mẹ Mai Anh cũng có lúc mệt mỏi với những ngày trong bệnh viện cùng con, lúc nhói đau khi nhìn Nhân yếu ớt trên giường bệnh, lúc ôm lấy con mà nói “Xin lỗi con, mẹ đã bắt con phải chịu nhiều đau đớn quá”.

Hôm nay Nhân vừa qua ca phẫu thuật thứ tư, hai bên hông là hai túi nước được đặt để kéo giãn da. Ấy vậy mà Nhân vẫn thoăn thoắt lò cò mỗi khi nghe tiếng mẹ gọi, vẫn hăng hái chơi trò đá bóng với các anh ở khoảng sân nhỏ trước nhà. Mỗi lần được ông ngoại dẫn vào công viên Lê Nin chơi, Nhân đạp xe đạp một chân còn thắng cả hai anh. Mỗi tuần phải bơm thêm nước, em chỉ thầm thì “Quá đau, quá đau” rồi lại xuống nhà tự xúc cơm, cố gắng ăn nhiều hơn, nhanh hơn hai anh theo lời bà ngoại.

Được mẹ cho đi học, Nhân thích lắm, tự chọn quần áo, tự xếp vở, bút, tự xem đồng hồ rất đúng giờ. Tiếng cười giòn của Nhân làm mọi người nguôi đi những lo lắng cho em và mẹ Mai Anh càng khẳng định: “Nhân sau này sẽ là một chàng trai rất mạnh mẽ và rất đẹp trai nữa”. Tương lai ấy nhất định sẽ đến, còn hôm nay Nhân đã viết thư cho ông già Noel: “Con muốn khỏi bệnh, muốn giống như các anh”. Năm tuổi, Nhân đã không còn mơ giấc mơ siêu nhân mà chỉ có giấc mơ rất đời thường như thế.

Đó cũng là giấc mơ của mẹ Mai Anh, các bố mẹ trong hội Thiện Nhân, và tất cả những ai quen biết, yêu mến em. Mọi người đều gọi Nhân là “chú lính chì”. Chú lính chì dũng cảm luôn đứng thẳng, giữ đúng tư thế dù chỉ có một chân, chú lính chì không một tiếng kêu than khi trải qua thử thách, hiểm nguy, chú lính chì luôn hướng đôi mắt mình về cái đẹp, sự hoàn thiện.

Không có ông già Noel nên mẹ Mai Anh đã quyết sẽ cùng Nhân thực hiện giấc mơ đời thường này. Từ bốn năm nay, hành trình đi đến giấc mơ “trở lại bình thường” của Nhân đã được mẹ Mai dắt từng bước, từng bước, được bao nhiêu bố mẹ khác ủng hộ, dõi theo đầy yêu thương. Con đường Nhân và mẹ đi dài, chậm, đau, mỏi, nhưng Nhân không dừng lại, mẹ không buông tay…

PHẠM VŨ

Wednesday, December 28, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 3: Vì tôi là mẹ

Thứ Tư, 28/12/2011, 10:04 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 3: Vì tôi là mẹ

TT - Ai gặp Mai Anh cũng sẽ thấy chị quá bé nhỏ, quá gầy gò so với mỗi vai trò mà mình gánh vác, lại càng quá bé nhỏ so với các vai trò ấy cộng lại: là mẹ của ba cậu con trai, trong đó có một cần phải được đặc biệt quan tâm chăm sóc là Thiện Nhân, là biên tập viên chính của tạp chí Heritage, là người gánh vác chính của chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”...

Vậy mà với mỗi vai trò, Mai Anh đều làm tròn một cách xuất sắc và với một nụ cười.

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân

Mẹ Mai Anh và bé Thiện Nhân trong một chuyến điều trị tại Mỹ - Ảnh gia đình Thiện Nhân cung cấp

Mẹ Mai

Thật khó có thể tìm thấy Mai Anh ngồi ở đâu một chỗ. Lúc nào chị cũng tất bật với hàng tá công việc không tên và có tên. Sáng sớm lo cho con ăn sáng, rồi đưa con đi học, ba cậu con trai là ba ngôi trường khác nhau. Rồi Mai Anh đi làm, tất bật giữa máy tính, điện thoại với những bản thảo, bản in, dự án. Chiều đón con về, cơm nước và dạy con học buổi tối tại nhà. Hà Nội đang mùa đông, chiếc xe máy Mio cũ của nhà báo Mai Anh như oằn xuống với bốn mẹ con dày trong những chiếc áo rét. Xen vào những thường nhật ấy là những lần cả ba anh em cùng lây nhau lăn ra sốt vì ngủ chung giường, là những đợt Thiện Nhân đi bệnh viện điều trị dài ngày, đi cấp cứu bất thường vì những đột biến và cả những tai nạn bất ngờ vì... nghịch quá.

Bất thường xảy ra mãi rồi cũng thành bình thường. Nên Thiên Minh, Hải Minh đã quen với việc mẹ vắng nhà mỗi lần em Nhân phải đi nằm viện, quen với việc trò chuyện, trao đổi với mẹ trên mạng Skype mỗi bận xa nhà. Cậu bé Thiên Minh năm nay mới lớp 6 nhưng từ năm ngoái đã biết cách khéo léo thay băng nhẹ tay cho em, biết cả cách dùng bút chì, thước kẻ, đũa làm nẹp chân, garô cầm máu cho Nhân khi em trượt chân trong nhà tắm. Hải Minh chỉ hơn Nhân một tuổi, đã biết nói chuyện, trêu đùa để em bớt những cơn đau hậu phẫu, biết nhường nhịn, không bao giờ tị nạnh khi mẹ ôm Nhân trong lòng...

Một ngày chỉ có thể gặp Mai Anh ngồi nguyên một chỗ trong những phút hiếm hoi buổi tối khi các con đã học xong bài. Bốn mẹ con tụm lại trên giường đọc truyện, chơi trò đố vui, những tiếng cười rộn rã như là không có những nỗi đau. Và ngay khi đó thì máy tính của Mai Anh vẫn đã sẵn sàng mở để giải quyết công việc.

Thi thoảng hơn nữa là những phút riêng tư ở cuối bữa cơm, khi Thiên Minh, Hải Minh cố ý nán lại tâm sự với mẹ. Và câu chuyện khi nào cũng xoay quanh Thiện Nhân. Là câu hỏi vô tư của Nhân khi bốn mẹ con cùng chơi trò “gà đẻ trứng”: “Mẹ ơi, mẹ đẻ con ra trước hay anh Hải Minh ra trước? Lúc nằm trong bụng con có đạp mẹ mạnh bằng anh Thiên Minh không?”. Là phút mà Nhân lâm vào một cơn bàng hoàng khi bất chợt nhìn thấy tấm ảnh mẹ Mai Anh bế Thiên Minh khi ấy vừa tròn 1 tuổi. Không nhận ra anh Thiên Minh, Nhân nói mà gần khóc: “Mẹ ơi, mẹ xem này, lúc còn đủ hai chân con đẹp chưa này?”...

Khó có thể ngăn được một giây tim nhói đau khi nghe những câu chuyện ấy về Thiện Nhân, lại càng khó ngăn được cảm giác xao lòng trong vui mừng khi nghe mấy mẹ con Mai Anh bàn nhau xem phải cư xử làm sao trước những tình huống ấy: im lặng, lảng tránh, nói dối?... Mẹ Mai Anh bảo: “Các con cứ nói sang chuyện khác để em quên đi ngay lúc đó. Sau này...”.

Sau ca phẫu thuật vừa rồi, ngoài việc chuẩn bị cho Nhân bước vào ca phẫu thuật tiếp theo vào tháng 4, tháng 9 năm sau, mẹ Mai Anh còn phải lo đến việc Nhân sắp vào lớp 1. Sợ vào học Nhân sẽ lại phải nghỉ nhiều vì nằm viện, mẹ đã cho Nhân đi học chữ mỗi tuần hai buổi tối ngay từ bây giờ. Hải Minh đã đọc thông viết thạo rồi cũng được mẹ gửi luôn vào lớp để gần gũi, giúp đỡ em. Lo Nhân không theo kịp bạn bè trong lớp nhưng cả nhà cũng lại lo đến một ngày rất gần thôi Nhân sẽ biết đọc, biết mở máy tính, biết lên mạng và sẽ đọc được những bài viết về mình. “Lúc ấy không biết sẽ sao đây...” là phút trầm ngâm thật giống nhau của mọi thành viên trong gia đình, từ ông bà ngoại đến cha mẹ, đến các anh của Nhân trong những ngày này.

Lo là lo vậy, nhưng hơn ai hết Mai Anh biết cậu con trai rất thông minh và nhạy cảm của chị cũng sẽ rất dũng cảm khi nhận biết sự thật. Và những người quan tâm đến Thiện Nhân cũng đồng ý rằng Mai Anh không phải lo, vì thật hơn cả sự thật về Nhân là tình yêu thương ắp đầy mà chị và cả gia đình mình đã dành cho em.

Không cần cố gắng

Nuôi dạy một đứa trẻ đã khó, nuôi dạy một đứa trẻ khuyết tật khó hơn, cùng đứa trẻ khuyết tật ấy khắc phục khiếm khuyết của mình lại càng khó nữa. Và khó nhất lại chính là khuyết tật của Thiện Nhân, dễ tổn thương nhất lại chính là đức tính thông minh và nhạy cảm của Nhân so với những khắc nghiệt đến mức khốc liệt mà em phải đối mặt. Thế nhưng Mai Anh đã quyết sẽ dắt tay Thiện Nhân đi đến cùng của sự hoàn thiện, cả thể chất, cả tinh thần, quyết dùng tình yêu không vơi cạn của mình đánh đổi lấy cái ác, sự vô tâm mà bé đã không may gặp phải từ khi mới lọt lòng. Mai Anh đã quyết như thế ngay từ lần đầu gặp Nhân, dù sau đó cũng phải trải qua những đêm không ngủ để suy nghĩ. Những đêm ấy Mai Anh bảo chị không đắn đo mà chỉ tính toán xem mình sẽ phải làm gì cho Thiện Nhân.

Năm 2008 ấy, gia đình chị vừa trải qua một biến cố lớn, mà theo chị, đó là đại nạn thứ ba đến với gia đình trong đời mình. Lượng tính trước những khó khăn, thử thách vô vàn sẽ đến cùng Thiện Nhân, một người thân của chị khuyên: “Đừng bắt đầu một việc sẽ không bao giờ kết thúc”. Mai Anh bước qua. Vừa trải qua một cú sốc lớn trong đời, cha chị nhủ: “Gia đình mình đang cần một thời gian để bình yên. Con muốn làm một việc nhân nghĩa, bố không thể bảo con đừng làm, nhưng vì không muốn con khổ, bố cũng không bảo con nên làm. Con tự suy nghĩ, thấy mình làm được hay không thì hãy quyết định”. Mai Anh bước tới.

“Mọi người nghĩ việc nuôi dạy, chăm sóc, lo chữa trị các khuyết tật cho Thiện Nhân là một việc quá sức, nhưng tôi lại thấy nhẹ nhàng. Không có người mẹ nào mệt mỏi khi chăm con cả. Gặp bé Thiện Nhân, trong lòng tôi không phải tình thương mà là tình yêu. Tình yêu của mẹ với con mình. Là mẹ, tôi không cần cố sức. Tự khắc sẽ tỉnh dậy ngay khi con sốt, tự khắc sẽ nghe tiếng con rên vì đau, tự khắc sẽ biết có những giọt nước mắt con khóc thầm trên má... Nên mọi người thấy tôi ốm yếu, tên thường gọi là Còi, nhưng tôi vẫn được làm mẹ của Thiện Nhân”. Mai Anh lý giải bình thản mà khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên, không khỏi xao xuyến. Tựa như cuộc đời đã công bằng khi sắp xếp cho Thiện Nhân gặp chị, để bé có một người mẹ thật sự sẽ lấp đầy được những khoảng trống bất hạnh.

Cuộc đời công bằng nên Mai Anh cũng đã gặp được một may mắn lớn trong đời ngoài những gập ghềnh trắc trở: trong một dịp tình cờ, chị đã được chụp phim và phát hiện kịp thời một dấu phình động mạch chủ trên não ngay vào giai đoạn nó đã đến ngưỡng vỡ. Bước vào ca cấp cứu sinh tử bất ngờ, Mai Anh vẫn còn tranh thủ vài giờ để chuẩn bị chúc thư cho các con. Các bác sĩ run tay khi cầm tấm phim chụp, nhưng khi nhận ra Thiện Nhân quẩn bên chân mẹ thì lại khẳng định như đinh đóng cột: “Đã là mẹ của Thiện Nhân thì nhất định sẽ vượt qua được”. Mẹ được đẩy vào phòng mổ, Thiện Nhân với theo nhét vào túi áo mẹ một chiếc ôtô nhựa nhỏ xíu. Chiếc xe của bé đã chở mẹ Mai Anh bình yên vượt qua cơn thập tử nhất sinh.

Nói như bà ngoại của Thiện Nhân: “Nhân đã tự mình chiếm được tình yêu của mọi người”.

PHẠM VŨ

Tuesday, December 27, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân

Thứ Ba, 27/12/2011, 10:01 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân

TT - Hôm nay cả gia đình Nam đã hồ hởi lắm. Hỏi, Nam chỉ nói một câu: “Đổi đời rồi” và sau đó là cười...

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành

Một ca phẫu thuật “đổi đời” được bác sĩ Roberto De Castro thực hiện tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội tháng 11-2011- Ảnh gia đình Thiện Nhân cung cấp

Đổi đời

Ông Minh, cha của Nam, oang oang kể bằng giọng đặc sệt Quảng Bình: “Tối ấy tôi xem tivi, thấy một phóng sự về ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân. Tim tôi thắt lại khi nghĩ đến con mình. Hi vọng rồi lại thất vọng khi biết bé Thiện Nhân đã được mổ ở tận nước Ý xa xôi. Có bán cả nhà cả đất đi tôi cũng không lo nổi cho con. Rồi hi vọng lại bùng lên khi thấy chị Mai Anh, mẹ bé Nhân, xuất hiện và giới thiệu về chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may” do chị khởi xướng. Bác sĩ đã được mời sang tận VN. Tôi nghĩ con mình không còn là trẻ con nhưng chắc cũng còn cơ hội”.

Phóng sự trên truyền hình vừa dứt, ông Minh vội chộp điện thoại gọi cho con trai. Nhưng ông chưa kịp bấm số thì máy đã reo. Nam cũng đã xem được chương trình. Rồi thì cô dì chú bác của Nam, những người hàng xóm cũ nay đang ở Quảng Bình, Đà Nẵng cũng gọi tới. Niềm hi vọng cho Nam cháy lên bừng bừng trong những người thân. Ông Minh vội viết ngay lá thư gửi đến chương trình, cuối thư ông còn thận trọng viết thêm: “Trong trường hợp không tái tạo được, xin các bác sĩ xem xét việc cấy ghép của tôi cho con...”.

Thư của ông được hồi âm ngay vì đợt khám thẩm định tình trạng đã cận kề. Nam nghỉ việc ở TP.HCM để về nhà với hi vọng “sẽ được sinh ra một lần nữa”. Và một lần nữa, cả gia đình ông Minh khóc oà lên như 21 năm về trước: bác sĩ Roberto De Castro gật đầu: “Sẽ làm được”.

Cùng với Nam, hàng trăm bệnh nhi khác đã được tiếp nhận sau đợt khám vào tháng 8-2011 tại Bệnh viện Nhi trung ương, Hà Nội. Những niềm hi vọng tràn trề cháy lên trong hàng trăm gia đình. Và đến đợt mổ thứ nhất kéo dài 11 ngày vào tháng 11-2011, 31 bệnh nhân đã được phẫu thuật, trong đó có Nam.

Không phải trẻ con nhưng Nam lại được bác sĩ chọn ưu tiên vì hội đủ những yêu cầu về sức khỏe và kỹ thuật cho ca mổ. Sau phẫu thuật, lần đầu tiên cái vật thể đàn ông xuất hiện trên cơ thể Nam, cậu đã ứa giọt nước mắt con trai. Dù là bệnh nhân xuất viện cuối cùng, dù sẽ còn phải tiếp tục phẫu thuật thêm ít nhất hai lần nữa để có một cơ thể hoàn thiện, niềm vui tái sinh đã bừng bừng trong gia đình Nam những ngày này. Dù vẫn kín tiếng không cho ai biết, nhưng cửa nhà ông Minh những ngày cuối năm không ngớt khách đến thăm hỏi, là những bà con nội ngoại thân gần và cả một vài người bạn chí thiết đã được Nam chia sẻ bí mật cuộc đời.

Niềm vui đổi đời cũng bừng lên trong gia đình bé Minh Phương khi Phương được tiêm ba đợt hormone và được phẫu thuật để kéo ra những phần cơ thể bị vùi sâu. Phương cũng sẽ phải phẫu thuật vài lần nữa nhưng cha mẹ cậu bé bắt đầu yên tâm làm đơn xin đổi khai sinh cho con. Với Hải Phong ở Hải Phòng, Thành Nam ở Đồng Nai, Mai Lan ở Tuyên Quang... cũng vậy. 31 ca phẫu thuật là 31 niềm vui cho cả đại gia đình.

Và ngoài cái tên bác sĩ Roberto bập bẹ trên môi tất cả các bệnh nhân nhí thì cha mẹ các em luôn miệng nhắc “cô Mai Anh, bé Thiện Nhân”. Cả bác sĩ Roberto De Castro nữa, không nói nhiều về công việc của mình, ông cũng luôn miệng nhắc “cô Mai Anh, bé Thiện Nhân”.

Thiện Nhân bây giờ

“Cô Mai Anh ơi...”

Thiện Nhân cũng là một trong 31 bệnh nhân được phẫu thuật lần này, đã là lần phẫu thuật thứ tư của em trong quá trình tìm lại chính mình. Lần này, tỏ ra đã quen với bác sĩ, với kim tiêm, phòng mổ, Thiện Nhân chống nạng đi đến từng giường bệnh của các bạn, động viên khi nghe tiếng khóc: “Không sao đâu mà, lúc mổ thì tiêm thuốc mê, ngủ rồi không biết đau đâu...”. Làm gương cho các bạn, Nhân không la khóc dù lần này em phải đặt hai túi bóng nước vào hai bên bẹn để kéo giãn da, chuẩn bị cho lần phẫu thuật sau. Đau lắm thì Nhân cũng chỉ chảy nước mắt và mỉm cười ngay khi nào có thể. Em luôn miệng: “Mẹ Mai ơi, con không đau đâu, con không khóc đâu...”.

Nhân dường như đã trở thành một người đàn ông thực thụ.

Mẹ Mai của Nhân, cô Mai Anh của các bệnh nhân nhí, chị Mai Anh của các bậc cha mẹ là một phụ nữ nhỏ bé, gầy gò, giản dị và nhanh nhẹn. Phối hợp với Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, chị đã lên truyền hình để giới thiệu chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”, sử dụng địa chỉ nhà mình và số điện thoại của mình để nhận hồ sơ, bệnh án. Hàng trăm bộ hồ sơ bệnh nhân từ tuổi nhi đồng đến tuổi thanh niên đã được gửi đến, hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày.

Mai Anh nhận hồ sơ, dịch ra tiếng Anh, gửi đến bác sĩ, liên hệ bệnh viện, sắp xếp giờ khám, lịch mổ cho từng người. Chị đứng bên giường bệnh phiên dịch cuộc trò chuyện, thăm hỏi, dặn dò giữa bác sĩ và bệnh nhân. Chị ra vào bệnh viện như con thoi để giải quyết các nhu cầu, sự cố từng ca một. Chị luôn miệng trả lời điện thoại của bệnh nhân khắp nơi gọi đến với hàng trăm thắc mắc, nhu cầu khó nói. Những ngày cao điểm khám và mổ cho bệnh nhân, chị huy động cả bố mẹ, cả bé Thiện Nhân vào cuộc để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc.

“Cô Mai Anh ơi...” là câu cửa miệng của các bệnh nhân nhí, “Cái này phải hỏi chị Mai Anh...” là câu cửa miệng của cha mẹ các em. Hỏi vậy có biết Mai Anh là ai không, mọi người bảo: “Biết chứ, Mai Anh là mẹ bé Thiện Nhân”. Hỏi nữa, có biết Mai Anh làm gì trong những cuộc phẫu thuật này không thì mọi người ngần ngừ lắc đầu. Hỏi nữa, kinh phí ở đâu để phẫu thuật, lại càng không biết...

Không biết, nên ông Minh, cha của Nam, đã kêu ồ lên sửng sốt khi biết số tiền 10 triệu đồng Mai Anh đưa cho Nam ra về khi xuất viện để bồi dưỡng đợi lần phẫu thuật sau là tiền lương tháng của chị vừa mới lĩnh. Không biết, nên Hằng đã sụt sùi khóc khi biết Mai Anh vào bệnh viện ký nợ 60 triệu đồng để bé Hà Vy được tiêm ba mũi thuốc đặc trị, cứu lấy mạng sống mong manh vì bị nhiễm trùng ngay sát ngày ca phẫu thuật đã được lên lịch...

Ấy thế mà Mai Anh lại chẳng phải là bác sĩ, chẳng phải chuyên gia, chẳng phải nhà tài trợ giàu có nào. Cắt nghĩa cho tất cả những việc mình đã, đang và sẽ còn tiếp tục làm, nhà báo này chỉ nói ngắn gọn: “Tôi là một người mẹ”.

Là mẹ thì luôn sẵn sàng làm tất cả những gì tốt nhất cho con mình. Mai Anh lại còn sẵn sàng làm những gì tốt nhất cho con của người khác. Ấy là vì không chỉ làm mẹ của hai cậu bé thiên thần Thiên Minh, Hải Minh do chính mình sinh ra, Mai Anh còn làm mẹ của Thiện Nhân, cậu bé đặc biệt mà chị đã tự mình ôm vào lòng hơn bốn năm về trước.

PHẠM VŨ

Monday, December 26, 2011

Hành trình Thiện Nhân

Thứ Hai, 26/12/2011, 09:45 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân

TT - Năm năm trước, hình ảnh một cậu bé vừa ra đời đã bị mẹ ruột vứt bỏ, bị chó cắn xé mất một chân và bộ phận sinh dục, hàng ngàn con kiến lửa bu đốt khắp mình mẩy... khóc ngằn ngặt đòi sống suốt 72 giờ ở một góc vườn làm rúng động cộng đồng.

Rồi em bé ấy có một gia đình mới, được bù đắp những mất mát bằng rất nhiều yêu thương, được người mẹ nuôi tuyệt vời cầm tay từng bước trong hành trình tìm về chính mình. Và chỉ mới năm năm, Thiện Nhân đã quay trở lại cộng đồng bằng nụ cười thiên thần cùng cơ hội đổi đời cho “những em bé giống mình”. Mỗi ngày em lại có thêm người đồng hành, và mọi người cùng gọi đấy là “hành trình Thiện Nhân”.

Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành

Ngày xảy ra câu chuyện của Thiện Nhân, cứ ngỡ trên đời chỉ một mình em gặp bất hạnh đến thế. Ấy vậy mà không phải, vẫn còn nhiều lắm những cô cậu bé và cả những người lớn gặp bất hạnh như Thiện Nhân. Mà nói như bác sĩ Roberto De Castro, người đang cố gắng tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, thì ông chưa gặp ở đâu trên thế giới nhiều bệnh nhân của mình như vậy.

Nhiều bài báo liên quan đến cậu bé Thiện Nhân đã gây xúc động cho nhiều người. Từ đây khởi đầu cho những câu chuyện về các thân phận khác - Ảnh: Đ.THANH

Đổi đời đàn ông cho con

Nam (*) là một chàng trai cao ráo, khỏe mạnh và đầy nam tính như bao nhiêu chàng trai khác. Làm công nhân trong một nhà máy ở Củ Chi, Nam không rượu chè bài bạc, đăng ký ở mức tối đa giờ tăng ca, củ mỉ tiết kiệm như bao bạn bè khác. Hơn một nửa tiền lương mỗi tháng Nam gửi về Lâm Đồng cho cha mẹ, nửa còn lại tằn tiện chi tiêu cho bản thân. Chỉ khác là khi bạn bè cùng dây chuyền sản xuất rủ về phòng trọ ở chung, tiết kiệm thêm chút tiền, Nam một mực lắc đầu. Ngoài những giờ cắm mình trong nhà máy, đôi mắt chàng trai ấy cứ u uẩn buồn, lẩn tránh cả các cô gái, cả các cậu bạn trai.

Không ai biết cuộc đời Nam đã lâm vào bi kịch từ ngày mới bốn tháng tuổi. Ở Lâm Đồng, trong gia đình Nam, nỗi day dứt, dằn vặt cứ quanh quẩn mãi trong lòng cha mẹ và chị gái. Không ai quên được cái ngày định mệnh ấy.

Đó là một ngày hè chang chang nắng Quảng Bình của hai mươi mốt năm về trước. Nam bốn tháng tuổi nằm trên võng được giao cho cô chị ba tuổi ru em ngủ, cha mẹ luật quật ngoài đồng. Chị ngủ quên, em lật võng bò xuống đất. Có con chó con lân la ra liếm láp, rồi cắn, rồi nhai cái chỗ nhạy cảm nhất của cậu bé. Tiếng khóc thét của đứa trẻ bốn tháng tuổi không đủ để cứu được đời con trai sau này. Khi người lớn phát hiện, đưa đến bệnh viện thì không còn kịp nữa. Các bác sĩ giữ lại được mạng sống cho Nam nhưng cha không nói nổi một lời, mẹ chỉ còn khóc ngất: “Ôi, con trai tôi”.

Nam dần lớn lên, cảm nhận rõ những thiệt thòi so với chúng bạn. Tuổi thơ hồn nhiên nhưng một bước Nam chạy nhảy là có người chỉ trỏ, xôn xao, lại có người chặn Nam giữa đường, lăm lăm kéo quần để minh họa cho câu chuyện. Nam òa khóc về nhà đóng cửa. Đến tuổi đi học, Nam nhất định lắc đầu.

Bố mẹ quyết định bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ làng, bỏ quê, lặn lội vào tận Lâm Đồng học nghề làm rẫy, trồng cà phê để Nam được yên ổn đi học. Nam cũng nhanh chóng học được cách sống với những bí mật, tính hiếu động cất kín sau cánh cửa. Hết phổ thông Nam lại xin cha mẹ xuống TP.HCM đi làm, càng xa càng tốt.

Không ai biết được có một niềm hi vọng âm thầm vẫn chưa tắt trong lòng người cha. Quần quật với mấy sào cà phê, ông vẫn lặng lẽ theo dõi báo chí, mục sức khỏe, theo dõi các chương trình khoa học, y tế trên truyền hình. Mỗi lần đọc tin một ca ghép thận, ghép gan, ghép tim thành công là ông phấp phỏng. Ông chờ đến ngày y học có thể cấy ghép được bộ phận nhạy cảm ấy để có thể đổi đời cho con trai mình.

Thiện Nhân và những bước đi trên hành trình mới của em - Ảnh: gia đình Thiện Nhân

Xin cho con làm con gái

Mảnh mai, xinh xắn, vẫn mặc váy hợp mốt giữa mùa đông Hà Nội nhưng đôi mắt của Thu Hằng cứ thăm thẳm buồn, thi thoảng lại ánh lên những ánh sợ hãi. Siết chặt cô con gái nhỏ mới hai tuổi trong tay, ánh mắt Hằng cứ xoáy vào chúng tôi: “Có hi vọng nào cho con em không?”. Công việc ổn định, lấy chồng, có riêng một căn nhà nhỏ giữa Hà Nội, cuộc sống của Hằng tưởng như nở hoa khi con gái ra đời. Nhưng nụ cười đã vụt tắt trên môi người mẹ ngay khi cơn đau hậu sản chưa dứt: con gái không có bộ phận sinh dục, bàng quang lộ ngoài.

Hà Vy nay được hai tuổi rưỡi, là hai năm rưỡi vợ chồng Hằng ôm con ra vào các bệnh viện nhi khắp cả nước, phẫu thuật đã năm lần, bán nhà để đưa con sang tận Singapore nhưng bé Vy vẫn chưa thành con gái. Hà Vy giờ phải đóng tã suốt ngày đêm, ngày nào cũng phải uống kháng sinh và luôn trong nguy cơ bị nhiễm trùng nước tiểu ngược dòng. Vẫn chưa đủ nỗi đau người mẹ. Hằng ướt nước mắt kể tiếp những dự báo của bác sĩ: để giữ được mạng sống, không phải chết vì nhiễm trùng, Hà Vy sẽ phải phẫu thuật đưa đường tiểu qua ngang bụng. và đến năm 12 tuổi, em sẽ phải tiếp tục phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, tử cung để dứt đường kinh nguyệt. Trên tivi, mấy cô thiếu nữ nhí nhảnh trong chương trình quảng cáo: “Làm con gái, thật tuyệt!”, Hằng lại ứa nước mắt.

Hôm nay thì Hà Vy chưa biết nỗi đau ấy. Bé vẫn vô tư nghịch với mấy cây bút chì màu, ngước đôi mắt trong veo nhìn mẹ. Bé chỉ có một chút sợ hãi khi nhìn thấy những tấm khăn trải giường màu trắng, màu của bệnh viện. Lau nước mắt, Hằng không hỏi nữa những câu hỏi mà cô đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần với hàng chục bác sĩ. Hằng nói cô vẫn còn một hi vọng cho con gái: Vy mới hai tuổi và y học vẫn đang tiến bộ mỗi ngày.

Nam và Hà Vy chỉ là hai trong số rất nhiều bệnh nhân đã, đang và sẽ không được sống với cuộc đời của mình, đã, đang và sẽ phải trông chờ vào các phát kiến của bác sĩ. Còn có bé Minh Phương hồn nhiên quanh quẩn trong căn nhà hẹp không bao giờ mở cửa giữa phố phường Hà Nội. Bé đã năm tuổi nhưng chưa ngày nào được đến trường mẫu giáo. Minh Phương ra đời với khai sinh con gái, để rồi đến một tuổi các bác sĩ mới phát hiện bé là trai với một “con chim” tí xíu bằng hạt đậu.

Từ đấy là những ngày ra vào bệnh viện, những đăm chiêu của bác sĩ, những đàm tiếu của xóm giềng, tò mò của con trẻ. Cha mẹ buộc phải giấu biệt Phương trong nhà. “Thế nhưng sang năm thì Phương nhất định phải thay đổi khai sinh, nhất định phải đi học, phải có những sinh hoạt tập thể với bè bạn. Chúng tôi không biết làm sao để con có thể tránh được những tổn thương”, người cha ôm con vào lòng nhăn mặt như sắp khóc.

Còn có bé Trường chín tuổi ở Hưng Yên bị điện giật cháy cả hai tay và bộ phận sinh dục, bé Danh năm tuổi ở Khánh Hòa bị xe lửa cán, bé Huy ở Đà Nẵng đã năm tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh vì chưa xác định được giới tính... Còn có những bà mẹ nghẹn ngào ôm đứa con dị tật vào lòng và bảo: “Tôi không dám sinh thêm cháu nữa, sợ có bề gì...”.

Và bỗng một ngày, những niềm tuyệt vọng ấy gặp nhau trong một niềm hi vọng: câu chuyện của Thiện Nhân.

...

PHẠM VŨ

Thursday, December 15, 2011

Cuộc phẫu thuật định mệnh

Tiếp tục “Lối đi của lòng nhân ái”

Cuộc phẫu thuật định mệnh

(VOV) - Con đường chữa trị để Thiện Nhân trở thành một người đàn ông bình thường là những hành trình tiếp nối không biết đâu là điểm kết thúc.

Cách đây gần 3 năm, Báo TNVN số ra ngày 8/4/2008 đăng bài “Lối đi của lòng nhân ái”, nói về số phận đau đớn kỳ lạ của một cháu bé bị mẹ đẻ vứt bỏ ngay khi lọt lòng, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, được Bệnh viện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cứu sống và sau đó được đôi vợ chồng trí thức trẻ ở Hà Nội nhận làm con nuôi. Bài báo đã gây được hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Từ đó, Báo TNVN luôn đồng hành với hành trình vô cùng gian nan để “giành lại quyền làm đàn ông” của bé Thiện Nhân. Nhân dịp cuộc phẫu thuật tái tạo lại bộ phận sinh dục cho bé Thiện Nhân vừa diễn ra tại Italy thành công tốt đẹp, Báo TNVN gửi lời chia vui với gia đình bé Thiện Nhân và chuyển đến bạn đọc bài viết về “Cuộc phẫu thuật định mệnh” ấy.

Thật tình cờ, tôi tới thăm đúng lúc mẹ con bé Thiện Nhân chuẩn bị lên đường bay sang Italy. Đó là tối 25/1 (tức 22 Tháng Chạp), ngay trước đêm ông Công ông Táo về trời báo cáo chuyện một năm ở hạ giới với Ngọc Hoàng.

Quyết tâm của người mẹ hiền

“Đây là cuộc phẫu thuật định mệnh với cháu Thiện Nhân” - Chị Mai Anh nói. Ánh mắt lấp lánh niềm tin và nghị lực không gì lay chuyển nổi trên gương mặt thanh tú của người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền dịu. Do sự sắp đặt tình cờ của cuộc sống, tôi có nhiều dịp gặp gỡ mẹ con bé Thiện Nhân. Trong câu chuyện với chị Mai Anh, và trong rất nhiều bài báo, phim ảnh về chị và bé Thiện Nhân suốt mấy năm qua, tôi ấn tượng nhất với hai câu nói của chị.

Một là, tháng 4/2008, ngay sau khi lặn lội vào Quảng Nam đón Thiện Nhân về làm con nuôi chị đã đưa cháu sang bệnh viện nhi lớn nhất ở Thái Lan. Các chuyên gia y khoa hàng đầu của Thái Lan đã lắc đầu trước nguyện vọng tái tạo lại bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân, vì đó là điều không tưởng, chưa từng có tiền lệ trong y học, và khuyên tốt nhất là nên chuyển đổi giới tính Thiện Nhân thành con gái. Một phản xạ thật tự nhiên, chị Mai Anh lắc đầu, tiếng nói bật ra từ trái tim chị: “Ông trời đã sinh ra cháu là đàn ông, đã cho cháu được sống khi không một ai nghĩ rằng cháu còn có thể sống. Xin hãy theo ý nguyện của thượng đế để cho cháu là đàn ông”.

Hai là, sau chuyến đi Mỹ lần thứ nhất vào cuối năm 2008 đưa Thiện Nhân tới New Hampshire, Chicago, Los Angeles của Hoa Kỳ để làm chân giả và phẫu thuật niệu đạo, cuối năm 2009 mẹ con bé Thiện Nhân lại tới Bệnh viện Texas - một trong những bệnh viện nhi hiện đại nhất nước Mỹ để tìm kiếm khả năng phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân. Các giáo sư, bác sĩ Mỹ sau hàng loạt xét nghiệm và hội chẩn đã rất buồn phải thông báo rằng chỉ có thể hy vọng tạo hình bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân vào năm 14 - 15 tuổi khi em bắt đầu vào giai đoạn trưởng thành.

Mong mỏi Thiện Nhân có được “con chim xinh xinh” như các bé trai khác trước tuổi đi học tưởng đã tắt lịm. Bộ phận sinh dục của Thiện Nhân bị súc vật ăn mất ngay khi lọt lòng, giờ “mọc” lại là điều không tưởng. Nhưng Mai Anh không tuyệt vọng. Chị nói với mẹ đẻ của mình, người đã cùng chị lặn lội đưa Thiện Nhân tới bệnh viện Texas rằng: “Mọi người đều nói không thể chữa, không thể giúp cháu trở thành người đàn ông bình thường được. Rằng đó là điều không tưởng. Nhưng con tin con sẽ chữa được cho cháu, mẹ ạ”.

Đúng là một niềm tin sắt đá, kỳ lạ và huyền bí như tin vào “thượng đế”, không thể cắt nghĩa được.

Anh trai Thiên Minh phiên dịch giúp em

Nhưng Mai Anh không chỉ ngồi đấy mà hy vọng. Chị không ngừng tìm kiếm. Và điều kỳ diệu gần như không tưởng của cuộc sống đã đến, hệt như một giấc mơ. Tận nước Italy xa xôi, Dr. Roberto De Castro, bác sĩ phẫu thuật tài ba của bệnh viện Bologna đã công bố một công trình y học vĩ đại: phẫu thuật và tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục như Thiện Nhân bằng cách lấy lớp da ở bụng dưới cuộn lại thành hình dương vật, tạo khoang rỗng, nối các dây thần kinh và các mạch máu li ti từ vùng rốn trở xuống để bơm máu vào giúp dương vật có cảm giác, và dương vật được tái tạo như thật đó sẽ phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể.

Bằng phương pháp y học cực kỳ tiên tiến này, nếu phẫu thuật thành công, Thiện Nhân sẽ có một bộ phận sinh dục hoàn chỉnh. Lớn lên, Thiện Nhân có thể xây dựng gia đình, sinh hoạt vợ chồng và biết đâu đấy, với sự phát triển như vũ bão và kỳ diệu của y học, Thiện Nhân có thể có con. Nhưng trong thế giới khôn cùng và bao la này, điều kỳ diệu đẹp như một giấc mơ ấy đã không phải ngẫu nhiên mà tìm đến với Mai Anh.

Giấc mơ trở thành hiện thực

Số là, trùng với thời gian Thiện Nhân đang được phẫu thuật tại bệnh viện Dartmouth ở bang New Hampshire cuối năm 2008, tại Mỹ đã diễn ra cuộc hội thảo với sự tham dự của nhiều giáo sư hàng đầu thế giới về các tiến bộ mới của y khoa/khoa học, trong đó có đề cập tới các trường hợp như của Thiện Nhân. May mắn có mặt, chị Mai Anh đã trình bày trực tiếp bằng tiếng Anh và trả lời các câu hỏi của nhiều Giáo sư về bé Thiện Nhân.

Xúc động trước số phận đau đớn, kỳ lạ của cháu bé, cảm động với người mẹ nuôi bé nhỏ, trí thức và đầy lòng nhân ái, các giáo sư Mỹ đã đồng ý giám sát quá trình tái tạo bộ phận sinh dục phức tạp của Thiện Nhân. Và khi “công trình vĩ đại” của bác sĩ Roberto De Castro vừa được công bố, các giáo sư Mỹ đã thông báo cho chị Mai Anh và giới thiệu trường hợp của Thiện Nhân. Lập tức chị Mai Anh cùng với ông Greig Craft - Giám đốc Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cha đỡ đầu của Thiện Nhân đã tìm mọi cách đưa Thiện Nhân sang Italy thỉnh cầu bác sĩ Roberto De Castro.

Rất may, nhờ sự giới thiệu của các giáo sư Mỹ, nhờ công luận và truyền thông, bác sĩ Roberto De Castro đã biết đến số phận đau đớn kỳ lạ của bé Thiện Nhân và người mẹ trẻ có trái tim nhân ái vừa được vinh danh là “Công dân Thủ đô ưu tú” lặn lội đến từ đất nước Việt Nam xa xôi. Bệnh viện Blogana và bác sỹ Roberto De Castro đã nhận lời giúp Thiện Nhân ngay từ lần đầu gặp gỡ với chi phí phẫu thuật được giảm đến một nửa, và sẵn sàng xếp lịch mổ trước gần nửa năm sao cho phù hợp và thuận tiện nhất cho chị Mai Anh.

Chi phí phẫu thuật được giảm một nửa nhưng vẫn là “khổng lồ” so với khả năng kinh tế quá khiêm tốn của một gia đình công chức như gia đình chị Mai Anh. Nhưng chị không nản lòng. Chị tin ở trái tim nhân ái của cộng đồng, tin ở cuộc sống này. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của hàng trăm người, nhiều người không quen mặt biết tên, sự trợ giúp về tinh thần lẫn tài chính của ông bà ngoại, mẹ con bé Thiện Nhân đã có thể lên đường tới bệnh viện Bologana đúng lịch hẹn.

“Đây là cuộc phẫu thuật định mệnh với cháu Thiện Nhân” - Chị Mai Anh nói với chúng tôi - “Mình chọn thời điểm phẫu thuật đúng vào dịp Tết cổ truyền Tân Mão, vì tết được nghỉ nhiều ngày, thuận cho một cán bộ công chức như mình. Nhưng cái chính mình muốn, sau “cuộc phẫu thuật định mệnh” này, một mùa xuân thực sự sẽ đến với con trai Thiện Nhân của mình”...

... Cùng đáp chuyến bay đi Italy với chị Mai Anh và bé Thiện Nhân, còn có Thiên Minh, anh trai lớn của Thiện Nhân đang học lớp 5, ông Greig Craft và cô Na Hương (cha, mẹ đỡ đầu của Thiện Nhân). Những chuẩn bị tốt nhất cho việc chăm sóc Thiện Nhân tại “cuộc phẫu thuật định mệnh” tận nước Italy xa xôi đã được định liệu.

Suốt 3 năm, theo mẹ Mai Anh tới hàng chục bệnh viện tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Đức…, qua nhiều ca mổ đau đớn, Thiện Nhân không khỏi sợ bệnh viện. Nhưng khi nghe bà ngoại giải thích, không mổ thì chim cháu không thể tự mọc ra như hai anh được, Thiện Nhân đã rất ý thức được chuyến đi này. Em ôm lấy tôi, ngước đôi mắt rất đẹp và buồn, nói thật tình cảm: “Cháu đi Italy mổ. Chim cháu sẽ mọc giống như chim các anh, cô ạ”.

Còn ít phút sẽ ra sân bay, anh trai Thiên Minh ngồi vào đàn piano. Những âm điệu trong sáng, thiết tha của bản nhạc nổi tiếng “Lịch sử một tình yêu” vang lên tràn ngập căn phòng ấm cúng, và ngoài kia, những cơn gió lạnh có lẽ đã là cuối cùng của mùa đông đang tràn về.

Và thế rồi trong suốt những ngày Tết Tân Mão tất bật, quay cuồng, tôi và hàng nghìn người dường như ngày nào cũng vào trang thiennhan.info để đọc “Nhật ký chú lính chì”, theo dõi tin tức về Thiện Nhân những ngày phẫu thuật ở Italy. Ngày 29/1/2011 có thể coi là ngày tái sinh của Thiện Nhân, khi tại Bệnh viện Bologana tận nước Italy xa xôi, bác sỹ Roberto De Castro cùng kíp phẫu thuật đã tái tạo thành công bộ phận sinh dục cho em, đánh dấu ngày em trở thành một người nam giới bình thường.

Cuộc đại phẫu thuật kéo dài tới 9 tiếng đồng hồ đã giúp “con chim xinh xinh” của Thiện Nhân mọc ra như em và mẹ Mai Anh từng khao khát. Mới 4 tuổi đầu em đã ý thức được, đã can đảm đối diện với đau đớn để “con chim” của em có thể mọc ra. Em không la khóc một tiếng dù nước mắt lặng lẽ chảy. Trong phòng phẫu thuật, trước lúc thiếp đi vì thuốc mê em nắm chặt tay mẹ, nói với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ đừng lo. Con không đau đâu. Con không khóc đâu”. Đích thân bác sỹ Roberto De Castro ngày nào cũng tới thay băng cho em.

Phát biểu với báo chí sau ca mổ, ông nói ông vô cùng xúc động trước hoàn cảnh và sự gan dạ hiếm thấy của một cậu bé mới 4 tuổi nhưng có số phận đau đớn kỳ lạ đến như vậy. Anh trai Thiên Minh mới 11 tuổi, nhưng với vốn tiếng Anh khá thành thạo đã đảm nhận vai trò phiên dịch, luôn ở bên Thiện Nhân, giúp em yên tâm, đỡ lo lắng và làm theo các yêu cầu của bác sĩ. Thiện Nhân tuổi Tuất, mẹ Mai Anh đã phải thốt lên: “Con chó con liền da của mẹ”. Trải qua hơn 9 tiếng của cuộc đại phẫu thuật, mổ xẻ lanh tanh bành như thế, nhưng Thiện Nhân hồi phục rất nhanh. Trước sự bình phục kỳ diệu đến khó tin được ấy, chưa đầy nửa tháng sau ca mổ, bác sỹ Roberto De Castro đã đồng ý cho Thiện Nhân xuất viện.

Mùa xuân tái sinh

Đúng 7h sáng ngày 12/2 (tức mùng 10 Tết Tân Mão), chiếc máy bay mang số hiệu VN 544 của VietnamAirilines đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, đưa chú lính chì dũng cảm Thiện Nhân về nước sau "cuộc phẫu thuật định mệnh". Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã tài trợ vé máy bay và sắp xếp chỗ ngồi tốt nhất trên hành trình tới Italy cho mẹ con bé Thiện Nhân. Hơn hai tuần trước, đáp chuyến bay đi Italy, Thiện Nhân còn là một cậu bé khiếm khuyết bộ phận sinh dục vì bị thú rừng ăn mất cùng với chân phải do bị mẹ đẻ vứt bỏ trong vườn hoang khi em vừa cất tiếng chào đời. Hôm nay trở về, em đã là một bé trai thực thụ như mọi bé trai bình thường khác, với "con chim xinh xinh" vừa được tái tạo đang dần lành lặn và sẽ phát triển cùng với sự phát triển của cơ thể em.

Đúng ngày rằm tháng Giêng, tôi tới thăm Thiện Nhân khi em vừa từ Italy trở về. Em gầy đi khá nhiều sau cuộc phẫu thuật, vết mổ còn lâu mới lành lặn hẳn. Ngày nào bác sĩ cũng tới làm thuốc và thay băng cho em. Nhưng niềm vui đã có “con chim xinh xinh” giống các anh lấp lánh trong đôi mắt rất đẹp và rạng ngời trên gương mặt còn mệt mỏi của em. Con đường chữa trị để em trở thành một người đàn ông bình thường là cực kỳ gian nan, lâu dài. Chị Mai Anh nói với tôi, đó là hành trình của những hành trình tiếp nối không biết đâu là điểm kết thúc.

Trước mắt, một năm nữa, vào tháng 6/2012, Thiện Nhân sẽ phải trở lại Bệnh viện Bologna phẫu thuật lần hai để hoàn thiện bộ phận sinh dục đã được tái tạo trong cuộc phẫu thuật định mệnh lần này. Trong chuyến đi này, các bác sĩ Italy cũng sẽ hoàn thiện chiếc chân giả thật tốt cho Thiện Nhân để ngày khai giảng năm học mới em kịp cắp sách tới trường phổ thông. Và tới 14 - 15 tuổi, Thiện Nhân sẽ còn phải trải qua cuộc phẫu thuật cuối cùng trước khi bước vào tuổi trưởng thành. Nhưng tương lai đã thực sự thuộc về em.

Bốn năm trước, không ai có thể tưởng tượng được Thiện Nhân vừa mới chào đời bị mẹ đẻ vứt bỏ trong vườn hoang, bị thú rừng ăn mất một chân và bộ phận sinh dục, cơ thể tím tái với hàng nghìn con kiến bu đốt kín người, 72 giờ sau mới được phát hiện và đưa đi bệnh viện lại có thể sống sót. Và hôm nay, một điều ngỡ đâu không tưởng nữa đã lại thành sự thật: "Con chim xinh xinh" của Thiện Nhân bị thú rừng ăn mất khi vừa cất tiếng chào đời, đã mọc ra như thật bằng chính da thịt em và sẽ lớn lên cùng với sự phát triển cơ thể của em.

Đó thực sự là một phép màu, một điều kỳ diệu của cuộc sống. Điều kỳ diệu đó đã đến với bé Thiện Nhân vào đúng mùa xuân này. Đúng như quyết đoán và mong muốn của chị Mai Anh, sau “cuộc phẫu thuật định mệnh” này, một mùa xuân thực sự sẽ đến với con trai Thiện Nhân của chị./.

Nguyễn Hoàng Lan (Báo TNVN)