Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích
TT - Không có tiền, không có tài trợ, không có chuyên môn, không có kinh nghiệm nhưng Mai Anh, Greig và những thành viên khác của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn lao vào cuộc. Một lần mời bác sĩ đến là một lần khó, Mai Anh quyết tận dụng cơ hội này cho những số phận không may khác.
Bé Thiện Nhân và bà ngoại cùng miệt mài với công việc phân loại, gắn mã số cho từng hồ sơ của “các bạn bị bệnh giống con” - Ảnh: P.VŨ |
>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới
Lại thêm một bạn như con
Tập hợp những tin tức từ báo chí, Mai Anh chủ động tìm địa chỉ, liên lạc đến từng nhà của các cậu bé đã bị tai nạn như Thiện Nhân. Hồ sơ của Trường (Hưng Yên), Danh (Khánh Hòa) lập tức được gửi đến. Thông báo trên mạng, thêm một số bà mẹ nữa tìm đến hỏi trường hợp con mình. Vẫn chưa yên tâm, khi các báo đài đến làm phóng sự về Thiện Nhân, Mai Anh lại tranh thủ giới thiệu mong muốn của mình. Bà mẹ Mai Anh vốn quen lối sống kín đáo, quây quần cùng con cái bỗng xuất hiện mạnh dạn trên các chương trình Sắc màu cuộc sống, Người xây tổ ấm và cả Chiếc nón kỳ diệu. Nhiều người ngạc nhiên, Mai Anh gật đầu bảo chính chị cũng ngạc nhiên, nhưng tất cả là vì sự nghiệp “tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”.
Hồ sơ ào ạt gửi đến. Chuông cửa nhà Mai Anh reo liên tục với vị khách thường xuyên là bác đưa thư. Ban đầu Mai Anh dành thời gian buổi tối để đọc, đánh số, phân loại, dịch thuật để tập hợp gửi sang bác sĩ. Nhưng rồi tập hồ sơ đợi chị mỗi tối cứ dày lên trông thấy. Xót con gái rạc người thức đêm, mẹ chị lao vào cuộc. Bà học Mai Anh cách phân loại, đánh số, kiểm tra từng hồ sơ, liên lạc với từng gia đình để hướng dẫn bổ sung những thiếu sót. Là một giáo viên đã cả đời làm việc với trẻ con, là một nhà thơ mẫn cảm, nhiều lần bà Bùi Kim Anh, bà ngoại của Thiện Nhân, đã khóc.
Có tập hồ sơ dày những hình ảnh, bệnh án, chi chít con dấu bệnh viện, gọi lại, bà chỉ nghe những tiếng nức nở của người cha, người mẹ. Có cái lại chỉ một lá thư viết tay nguệch ngoạc, không cả xác nhận của địa phương, gọi điện chỉ nghe vài câu ngập ngừng: “Cháu sợ đi xác nhận thì nhiều người biết, tội cho con sau này”... Rồi cả Thiện Nhân, Hải Minh, Thiên Minh cũng sà vào giúp bà dán mã hồ sơ. Được bà giảng giải ý nghĩa những tập giấy này, Thiện Nhân tỏ ra hiểu biết lắm. Mỗi lần thấy bác đưa thư ngừng lại trước cửa, bé thở dài nghiêm nghị như người lớn: “Lại có thêm một bạn giống cháu đấy, bà ạ”.
Số hồ sơ lên đến hàng trăm, không chỉ của trẻ em mà cả người lớn, Mai Anh bảo chị không ngờ lại có nhiều trường hợp dị tật, tai nạn khiếm khuyết bộ phận sinh dục đến như thế. Điện thoại cá nhân, điện thoại nhà riêng của chị reo không ngừng với đủ loại câu hỏi, hộp thư điện tử đầy ắp những thông tin, hình ảnh, thắc mắc mỗi sáng. Cửa nhà Mai Anh cũng phải mở thường xuyên hơn vì nhiều phụ huynh nhầm tưởng chị là chuyên gia, bác sĩ, mang con đến nhờ khám giúp; lại có cả những chàng trai, những cô gái đã mấy chục năm âm thầm giấu kín khiếm khuyết của mình tìm đến khẩn khoản.
Mai Anh phải tuyển chọn thêm tình nguyện viên giúp sức, chuyển hộp thư của chương trình sang địa chỉ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, phải sắm một số điện thoại riêng để trả lời tư vấn... Mai Anh bắt đầu có biệt danh mới “tiến sĩ... chim cò”, do bạn bè chị ở tạp chí Heritage trêu đùa đặt cho, ngoài cái tên mẹ Còi mà Hội Thiện Nhân thường yêu thương gọi. Gần đến cái hẹn mời bác sĩ sang khám bệnh, sang phẫu thuật, gánh của chương trình càng nặng. “Nhưng phải cố thôi, là mẹ của Thiện Nhân nên tôi hiểu rõ nỗi đau của các cha mẹ khác, các em bé khác. Khó mấy cũng không thể dừng lại...”, Mai Anh nói về những ngày “choáng váng” ấy.
Bệnh viện đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương mở rộng cửa đón các bệnh nhân. Phòng bệnh, phòng phẫu thuật được dành ưu tiên. Hội thảo khoa học “Phẫu thuật tiết niệu - sinh dục” quy tụ các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tại Việt Nam cũng được tổ chức. Cùng với cơ hội tìm lại sự trọn vẹn hình hài, sống đúng cuộc đời mình của các bệnh nhân thì đây cũng là cơ hội cho y học Việt Nam trở thành nơi đầu tiên trong khu vực được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt này. Bác sĩ Roberto rất sẵn lòng chia sẻ.
Mọi cánh cửa dường như đều mở rộng. Vấn đề còn lại chỉ là kinh phí, và chính là vấn đề đau đầu nhất.
Phép lạ là có thật
Ngoài tiền vé máy bay, tiền ăn ở khách sạn của các bác sĩ, Mai Anh còn khéo léo sắp xếp vài chuyến du lịch ngắn để giới thiệu với bác sĩ Roberto những hòn đảo thơ mộng ở Hạ Long, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Sa Pa. “Nghề của dân Heritage mà” - chị cười. Nếu chỉ có ngần ấy thì Mai Anh và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn xoay xở được với những dự án của mình. Nhưng còn tiền phải chi trả bệnh viện, tiền thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc truyền, tiền xét nghiệm, tiền lưu trú, tiền bồi bổ cho bệnh nhân, tiền di chuyển của bệnh nhân và thân nhân ở khắp mọi nơi...
Hầu hết các bộ hồ sơ đều được gửi đến từ những bậc cha mẹ rất nghèo ở những vùng sâu vùng xa, những phụ huynh đã sử dụng hết các khoản tiền mình có được để chạy chữa cho con và rồi lại rơi vào vô vọng. Lá thư nào cũng khẩn thiết chờ đợi một phép lạ tái sinh và hầu như tất cả đều “trăm sự nhờ chương trình giúp đỡ”. Trong gần 200 bộ hồ sơ đã được chọn để thăm khám, chuẩn bị phẫu thuật theo từng đợt, đếm ra con số có ghi chú: “tự chi trả chi phí phẫu thuật” chưa đầy một bàn tay.
Khó khăn chừng như vượt quá dự liệu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, oằn thêm đôi vai gầy của Mai Anh. Nhưng một việc đã bắt đầu thì không thể dừng lại, đã đọc những lá thư đẫm nỗi đau con người ấy thì không thể từ chối chỉ vì thiếu tiền. Phép lạ sinh ra trong phẫu thuật từ bàn tay bác sĩ và cổ tích sinh ra từ lòng người. Greig Craft đến các đối tác của ông trong Quỹ Phòng chống thương vong châu Á để giới thiệu chương trình.
Mai Anh, Na Hương và bạn bè chị đứng ra tổ chức đêm Gala Dinner gây quỹ, nhiều ca sĩ như Thanh Lam, Văn Mai Hương, Thanh Bùi nhiệt tình hưởng ứng. Hội Thiện Nhân kêu gọi đóng góp trên mạng, danh sách dài ra đến hàng trăm. Những ý tưởng khác như in lịch, truyện tranh về “Thiện Nhân và các bạn” được bàn bạc sôi nổi và triển khai... Xoay xở suốt mấy tháng cho đến khi gần đủ thì ứng tiếp vào tiền lương tháng, đi ký nợ bệnh viện, cuối cùng cái mốc thăm khám tháng 8-2011 và đợt phẫu thuật lần thứ nhất tháng 11-2011 cũng diễn ra tốt đẹp.
Không có bệnh nhân và thân nhân nào biết được những khó khăn ấy. Những nụ cười và những giọt nước mắt của các bệnh nhân, trai và gái, còn nhi đồng và đã trưởng thành, những xuýt xoa về một phép lạ có thật đến sau ca phẫu thuật của những ông bố bà mẹ đã bao đêm tuyệt vọng với tương lai của con... đã bù đắp lại nhọc nhằn, hi sinh của những người thực hiện chương trình. Giai đoạn hậu phẫu công việc lại càng dồn dập hơn. Các tình nguyện viên phải đặt lịch luân phiên gọi điện đến các bệnh nhân để thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc vết thương cho đến khi lành, hướng dẫn chuẩn bị cho ca mổ đợt sau, làm cầu nối liên lạc với bác sĩ để xử lý các sự cố...
Và công việc chuẩn bị cho đợt mổ thứ hai vào tháng 4-2012 lại tất bật bắt đầu.
PHẠM VŨ