Thursday, August 18, 2011

Điều diệu kỳ không chỉ đến với Thiện Nhân

Điều diệu kỳ không chỉ đến với Thiện Nhân

(VOV) - Người đã gieo ước mơ cho những em nhỏ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục chính là chị Trần Mai Anh, mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân.

Dọc dãy hành lang tầng 1, Bệnh viện Đại học Y, những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, chạy chơi trốn tìm. Chúng không hay biết rằng, bên cạnh mình, những người cha, người mẹ đang thấp thỏm âu lo. Họ đang mong đợi một điều kỳ diệu sẽ đến với con mình, giống như điều kỳ diệu đã đến với “chú lính chì” Thiện Nhân nhờ “bàn tay vàng” của giáo sư, bác sỹ Roberto DeCastro (Bologna, Italy). Ông đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các trẻ bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Con tôi đã có cơ hội được làm người bình thường!”

Ngồi nhìn đứa con trai với chiếc nạng gỗ trên tay đang mải mê chạy theo các bạn, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh (thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chứa chan nước mắt. Cháu Nguyễn Văn Danh năm nay mới 6 tuổi nhưng từ lâu đã phải làm quen với chiếc nạng gỗ do một tai nạn đường sắt từ hồi mới lên 2 tuổi. Chuyến xe định mệnh ấy đã cướp đi của cháu một bên chân, đau đớn hơn, còn khiến cháu bị mất đi bộ phận sinh dục. Chị Oanh đã đưa con đi chạy chữa ở nhiều nơi như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện ITO - Chấn thương, chỉnh hình… ở TP. Hồ Chí Minh nhưng đều không có kết quả.

Điều kỳ diệu không chỉ đến với Thiện Nhân mà cũng sẽ đến với những em bé này

Vén áo cho tôi xem chiếc ống xông đeo bên người, Danh hồn nhiên bảo: “Lúc nào cháu cũng phải đeo cái này, cô ạ. Các bạn gần nhà cháu cứ hỏi sao cháu lại có cái gì lạ thế?”. Thoạt nhìn, trông Danh rất giống “chú lính chì” Thiện Nhân. Dù đã mất một bên chân nhưng cậu bé vẫn rất nghịch ngợm, không lúc nào chịu ngồi yên, có khi còn tự mình trèo cả lên ghế để với chiếc đồ chơi trên cửa sổ.

Chị Oanh kể, cách đây 2 tháng, gia đình chị bỗng nhận được điện thoại của chị Mai Anh, công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2010, mẹ của bé Thiện Nhân. Lúc cầm điện thoại, nghe nói về chương trình “tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may” mà nước mắt chị cứ trào ra. “Vậy là con mình đã có cơ hội được làm người bình thường rồi” - chị thầm nghĩ. Trước đây, chị đã biết đến bé Thiện Nhân qua báo chí và thấy trường hợp của Thiện Nhân cũng giống với trường hợp của con mình. Nhưng chị không ngờ rằng, con mình rồi cũng có ngày được như bé Thiện Nhân.

“Khi ấy, tôi cứ nghĩ, chị ấy là người hiểu biết và có điều kiện nên mới có thể làm được điều kỳ diệu như thế. Mình quanh năm chỉ biết cắm cúi vào mấy sào ruộng, lo ăn từng bữa, làm sao giúp được con đây?”- chị xúc động nói. Sau này, chị mới biết, cách đây 2 năm, chị Mai Anh đã tình cờ đọc được thông tin về bé Danh trên báo và ghi lại số điện thoại của gia đình. Không ngờ, chị vẫn giữ nó đến tận bây giờ.

Mong có cơ hội giúp con trở thành người bình thường, vợ chồng chị Oanh đã lặn lội từ Khánh Hòa về đây từ mấy ngày trước. Vốn làm nghề nông, kinh tế gia đình trông cả vào mấy sào ruộng năm được năm mất nên chỉ lo tiền tàu xe để đưa con đi, với anh chị cũng đã là điều khó khăn. “Cũng may đây là chương trình khám và tư vấn miễn phí nên con tôi mới có cơ hội được đến đây như thế này” - chị Oanh bảo. Chị cũng cho biết, được sự giúp đỡ của chị Mai Anh và các tình nguyện viên trong chương trình, hai vợ chồng chị đã thuê được một chỗ trọ ở gần ga Hà Nội.

Một phụ huynh ở Hà Nội nghẹn ngào kể, con tôi từ khi khi lọt lòng đã bị dị tật, không có lỗ tiểu tiện. Hằng ngày, việc tiểu tiện, đại tiện đều thông qua một lỗ nhỏ xíu và cả ngày bé không thể mặc quần vì liên tục phải ngồi bô. Mới 2 tuổi nhưng bé đã trải qua 3 lần phẫu thuật ở Viện Nhi Trung ương. Tháng nào bé cũng phải vào viện cấp cứu vài ba lần vì sốt do nhiễm trùng tắc bàng quang. “Tôi rất vui mừng vì có bác sỹ ở Italy sang khám, nhưng lo lắng không biết con có thể chống đỡ nổi không? Hiện giờ tôi chỉ mong con tôi sống!”- chị nức nở.

Viết tiếp giấc mơ

Ở một góc cuối hành lang bệnh viện, anh Trương Văn Sanh (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quãng Ngãi) đang ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Người cha nghèo với tấm áo bạc phếch và lấm lem bụi đường chốc chốc lại đưa mắt nhìn vào phòng khám để mong đến lượt con mình.

Bác sĩ Roberto DeCastro (trái) cùng đồng nghiệp Việt Nam đang khám cho cháu Trương Anh Thư

Cháu Trương Anh Thư (6 tuổi) dường như chẳng để ý đến sự sốt ruột của cha mình, vẫn ngồi trong lòng cha hát véo von. Nước da trắng hồng, đôi mắt trong veo và hai bím tóc lí lắc theo từng câu hát khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Nhưng có lẽ không ai cầm được nước mắt khi biết rằng, cháu gái đáng yêu và xinh xắn nhường ấy lại bị dị tật bẩm sinh, không có hậu môn lẫn bộ phận sinh dục. Tất cả chỉ đều nhờ vào chiếc bàng quang nhân tạo và chiếc ống xông lúc nào cũng phải đeo bên mình. Trải qua 7 lần phẫu thuật, ước mong đứa con gái xinh xắn sau này có thể trở thành một người vợ, người mẹ bình thường với anh Sanh vẫn chỉ là một giấc mơ.

Vừa bước vào phòng khám, Anh Thư vội khoanh tay chào các bác sỹ. Khi được bác sỹ Roberto DeCastro khám, cô bé vẫn không ngừng hát véo von và toét miệng cười. Thấy bác sỹ lấy tay ra hiệu để nói chuyện với cha mình, cô bé cũng bắt chước theo và rất thích thú với trò chơi mới. Đối lập với niềm vui của con trẻ, khi nghe bác sỹ nói về tình trạng của con mình, anh Sanh đã gục xuống bàn khóc. Bác sỹ Roberto DeCastro nói rằng, trường hợp của cháu rất phức tạp, nếu tiến hành phẫu thuật thì khả năng thành công là rất ít. Anh Sanh chỉ còn biết ôm con vào lòng mà khóc nức nở. Tôi định chạy theo hỏi chuyện anh như đã hẹn từ trước, nhưng lại không thể. Tôi muốn nói với anh rằng, xin anh đừng bỏ cuộc, dù chỉ có một chút hy vọng nhỏ nhoi thôi cũng không có nghĩa là không thể. Nhưng tôi không thể để anh nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Anh cần niềm tin để cùng con viết tiếp giấc mơ của mình.

Và người đã gieo ước mơ cho những em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục này chính là người phụ nữ nhỏ bé với chiếc kính cận - chị Trần Mai Anh, mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân. Đưa bé Thiện Nhân sang Italy tiến hành phẫu thuật, chị Mai Anh đã không chỉ mang theo hồ sơ bệnh án của con mình. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy mang theo lý lịch của những đứa trẻ khác cũng không may mắn như con mình. Chính niềm tin và tình yêu thương vô bờ bến của chị đã thuyết phục và là động lực để bác sỹ Roberto DeCastro đến với Việt Nam lần này.

Cách đây mấy ngày, chị Mai Anh đã phải truyền nước vì gần như kiệt sức. Nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy dường như không chịu khuất phục bất cứ một điều gì. Chị vẫn gắng gượng để có được cơ hội cho hơn 80 cháu nhỏ ngày hôm nay. Chị Mai Anh và các tình nguyện viên đã phải làm việc không mệt mỏi suốt ngày đêm từ nhiều tháng trước với vô vàn những công việc như liên hệ với các gia đình bệnh nhân, nhận và phân loại hồ sơ để gửi sang Italy, đưa đón, giúp đỡ các gia đình khi đến khám tại bệnh viện… Để thực hiện rất nhiều công việc trên, hầu hết các chi phí đều do các thành viên tình nguyện đóng góp.

“Đợt khám này không chỉ mang đến hy vọng mà là đang và sẽ biến ước mơ của các bé thành hiện thực, với sự giúp đỡ của các bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực này”- chị Mai Anh tâm sự. Khi được hỏi, đã bao giờ chị nghĩ mình là người “ôm rơm rặm bụng” không?. Chị Mai Anh bật cười hóm hỉnh: “Chính vì thấy mình “ôm rơm rặm bụng” nên nhiều người càng thương và đã “ôm bớt” cho mình đấy chứ. Nếu không có sự giúp đỡ tận tình, động viên của nhiều người thì một mình tôi sẽ không thể làm nổi!”. Trong buổi thăm khám đầu tiên cho các bé, bác sỹ Roberto DeCastro chia sẻ: “Ấn tượng và cảm nhận đầu tiên của tôi là các bé thật đáng yêu, bố mẹ thì rất thương con. Khi đến đây, tôi may mắn được phối hợp với đội ngũ bác sĩ Việt Nam rất tận tình và chuyên nghiệp. Tháng 11 này, chúng tôi sẽ tiến hành mổ đợt đầu tiên cho một số bé”.

Tôi đang nói chuyện với chị thì một người phụ nữ chạy ào đến nói như reo: “Chị Mai Anh ơi, bác sỹ nói cháu chỉ phải phẫu thuật 1 lần thôi, 1 lần thôi chị ạ!”. Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Niềm vui của hai người mẹ như ngập tràn cả căn phòng nhỏ./.

Song Thu (Báo TNVN)

No comments: