Friday, August 19, 2011

Bé Thiện Nhân dũng cảm với sứ mệnh "lính chì"

)
Go.vn

Bé Thiện Nhân dũng cảm với sứ mệnh "lính chì"

- Trong đêm gây quỹ "Đồng hành cùng các chú lính chì" tại VN , Nnhững giọt nước mắt rơi cùng với hy vọng được thắp lên trong trái tim mỗi bà mẹ về đứa con trai của mình sẽ trở lại lành lặn, vẹn toàn...


Gala Dinner "Hãy yêu nhau đi" tối ngày 18/8 với sự tham gia của Thanh Lam, Thanh Bùi và Văn Mai Hương đã được tổ chức thật ấm cúng và gần gũi, với sự tham gia của nhiều trẻ em, trong đó có bé Thiện Nhân, mẹ Mai Anh và bố nuôi của em - ông Greig Craft. Em bé đã từng bị mẹ ruột bỏ rơi khi mới lọt lòng, bị thú dữ ăn mất một chân và BPSD ...đã lớn lên mạnh khỏe và hoàn thiện hơn trong vòng tay mẹ Mai Anh.


Bé Thiện Nhân giờ đã khôi ngô, trưởng thành

Chương trình "Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may" là một hoạt động từ thiện được phát động bởi ông Greig Craft - chủ tịch quỹ Phòng chống thương vong Châu Á và bà Trần Mai Anh - mẹ của "chú lính chì" Thiện Nhân. Chương trình hy vọng sẽ mang đến cơ hội chữa trị và hòa nhập cộng đồng cho các em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) do dị tật bẩm sinh hoặc do tai nạn. Từ khi khởi động chương trình (15.6) đến nay, Ban Điều hành chương trình đã nhận được trên 80 hồ sơ của các trẻ em trên khắp cả nước bị khiếm khuyết BPSD. Đáng buồn là đa phần các em trong số này đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.


Em tặng búp bê cho chú Thanh Bùi

BPSD là một bộ phận cơ thể riêng tư nhưng vô cùng quan trọng về mặt sinh học và tâm sinh lý của con người. Từ nỗi lo lắng quan tâm của một người mẹ, sau 5 năm tìm kiếm mọi phương cách, chị Mai Anh đã đi tìm thấy bác sĩ người Ý Roberto DeCastro. Ông là vị bác sĩ hiếm hoi trên thế giới có khả năng tái tạo lại BPSD cho các cháu bé. Ông đã trực tiếp tái tạo thành công BPSD cho "chú lính chì" Thiện Nhân. Được biết về các trường hợp em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục (BPSD) tại Việt Nam, ông đã hứa với mẹ Mai Anh của Thiện Nhân, sẽ đến Việt Nam và giúp đỡ các trường hợp không may ấy.


Thiện Nhân bên các vật phẩm đấu giá gây quỹ cùng cứu giúp các bạn khuyết tật BPSD


Đêm Gala đã gây quỹ được 259 triệu đồng


Đây là những khoản tiền đầu tiên mà Ban điều hành chương trình quyên góp được để chữa trị cho các em nhỏ không may mắn như bé Thiện Nhân

Và ngay thời điểm hiện tại, vị bác sĩ từ tâm đã có mặt tại Việt Nam chuẩn bị cho những ca khám, chữa trị đầu tiên. Chương trình khám bệnh từ thiện cho chính bác sĩ DeCastro và đồng nghiệp bắt đầu từ ngày 16/8 đã kết thúc tốt đẹp với hơn 80 trẻ em khắp Việt Nam bị tổn thương BPSD được khám và chuẩn đoán một cách cẩn trọng.


Bác sĩ DeCastro và mẹ Mai Anh của Thiện Nhân. Ông không phát biểu gì ngoài rất nhiều những lời cảm ơn đến tất cả
.


Tất cả mọi người có mặt tại đêm Gala đều nhận được lời cảm ơn chân thành và sâu sắc từ trái tim một người mẹ










Thiện Nhân trong những bức ảnh hồi nhỏ và trong quá trình điều trị cùng bác sĩ DeCastro

Chương trình gây quỹ vẫn được tiếp tục tại website www.thiennhan.info và mong nhận được sự ủng hộ dành cho các em nhỏ đang bị khiếm khuyết một phần quan trọng của cơ thể trên cả nước.

  • Vân Sam - Ảnh: Angelittlefire

Thursday, August 18, 2011

Điều diệu kỳ không chỉ đến với Thiện Nhân

Điều diệu kỳ không chỉ đến với Thiện Nhân

(VOV) - Người đã gieo ước mơ cho những em nhỏ bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục chính là chị Trần Mai Anh, mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân.

Dọc dãy hành lang tầng 1, Bệnh viện Đại học Y, những đứa trẻ hồn nhiên nô đùa, chạy chơi trốn tìm. Chúng không hay biết rằng, bên cạnh mình, những người cha, người mẹ đang thấp thỏm âu lo. Họ đang mong đợi một điều kỳ diệu sẽ đến với con mình, giống như điều kỳ diệu đã đến với “chú lính chì” Thiện Nhân nhờ “bàn tay vàng” của giáo sư, bác sỹ Roberto DeCastro (Bologna, Italy). Ông đã tiến hành 29 ca phẫu thuật thành công giúp cho các trẻ bất hạnh của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Con tôi đã có cơ hội được làm người bình thường!”

Ngồi nhìn đứa con trai với chiếc nạng gỗ trên tay đang mải mê chạy theo các bạn, chị Nguyễn Thị Hồng Oanh (thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) chứa chan nước mắt. Cháu Nguyễn Văn Danh năm nay mới 6 tuổi nhưng từ lâu đã phải làm quen với chiếc nạng gỗ do một tai nạn đường sắt từ hồi mới lên 2 tuổi. Chuyến xe định mệnh ấy đã cướp đi của cháu một bên chân, đau đớn hơn, còn khiến cháu bị mất đi bộ phận sinh dục. Chị Oanh đã đưa con đi chạy chữa ở nhiều nơi như Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện ITO - Chấn thương, chỉnh hình… ở TP. Hồ Chí Minh nhưng đều không có kết quả.

Điều kỳ diệu không chỉ đến với Thiện Nhân mà cũng sẽ đến với những em bé này

Vén áo cho tôi xem chiếc ống xông đeo bên người, Danh hồn nhiên bảo: “Lúc nào cháu cũng phải đeo cái này, cô ạ. Các bạn gần nhà cháu cứ hỏi sao cháu lại có cái gì lạ thế?”. Thoạt nhìn, trông Danh rất giống “chú lính chì” Thiện Nhân. Dù đã mất một bên chân nhưng cậu bé vẫn rất nghịch ngợm, không lúc nào chịu ngồi yên, có khi còn tự mình trèo cả lên ghế để với chiếc đồ chơi trên cửa sổ.

Chị Oanh kể, cách đây 2 tháng, gia đình chị bỗng nhận được điện thoại của chị Mai Anh, công dân Thủ đô tiêu biểu năm 2010, mẹ của bé Thiện Nhân. Lúc cầm điện thoại, nghe nói về chương trình “tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may” mà nước mắt chị cứ trào ra. “Vậy là con mình đã có cơ hội được làm người bình thường rồi” - chị thầm nghĩ. Trước đây, chị đã biết đến bé Thiện Nhân qua báo chí và thấy trường hợp của Thiện Nhân cũng giống với trường hợp của con mình. Nhưng chị không ngờ rằng, con mình rồi cũng có ngày được như bé Thiện Nhân.

“Khi ấy, tôi cứ nghĩ, chị ấy là người hiểu biết và có điều kiện nên mới có thể làm được điều kỳ diệu như thế. Mình quanh năm chỉ biết cắm cúi vào mấy sào ruộng, lo ăn từng bữa, làm sao giúp được con đây?”- chị xúc động nói. Sau này, chị mới biết, cách đây 2 năm, chị Mai Anh đã tình cờ đọc được thông tin về bé Danh trên báo và ghi lại số điện thoại của gia đình. Không ngờ, chị vẫn giữ nó đến tận bây giờ.

Mong có cơ hội giúp con trở thành người bình thường, vợ chồng chị Oanh đã lặn lội từ Khánh Hòa về đây từ mấy ngày trước. Vốn làm nghề nông, kinh tế gia đình trông cả vào mấy sào ruộng năm được năm mất nên chỉ lo tiền tàu xe để đưa con đi, với anh chị cũng đã là điều khó khăn. “Cũng may đây là chương trình khám và tư vấn miễn phí nên con tôi mới có cơ hội được đến đây như thế này” - chị Oanh bảo. Chị cũng cho biết, được sự giúp đỡ của chị Mai Anh và các tình nguyện viên trong chương trình, hai vợ chồng chị đã thuê được một chỗ trọ ở gần ga Hà Nội.

Một phụ huynh ở Hà Nội nghẹn ngào kể, con tôi từ khi khi lọt lòng đã bị dị tật, không có lỗ tiểu tiện. Hằng ngày, việc tiểu tiện, đại tiện đều thông qua một lỗ nhỏ xíu và cả ngày bé không thể mặc quần vì liên tục phải ngồi bô. Mới 2 tuổi nhưng bé đã trải qua 3 lần phẫu thuật ở Viện Nhi Trung ương. Tháng nào bé cũng phải vào viện cấp cứu vài ba lần vì sốt do nhiễm trùng tắc bàng quang. “Tôi rất vui mừng vì có bác sỹ ở Italy sang khám, nhưng lo lắng không biết con có thể chống đỡ nổi không? Hiện giờ tôi chỉ mong con tôi sống!”- chị nức nở.

Viết tiếp giấc mơ

Ở một góc cuối hành lang bệnh viện, anh Trương Văn Sanh (xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, Quãng Ngãi) đang ôm đứa con gái nhỏ vào lòng. Người cha nghèo với tấm áo bạc phếch và lấm lem bụi đường chốc chốc lại đưa mắt nhìn vào phòng khám để mong đến lượt con mình.

Bác sĩ Roberto DeCastro (trái) cùng đồng nghiệp Việt Nam đang khám cho cháu Trương Anh Thư

Cháu Trương Anh Thư (6 tuổi) dường như chẳng để ý đến sự sốt ruột của cha mình, vẫn ngồi trong lòng cha hát véo von. Nước da trắng hồng, đôi mắt trong veo và hai bím tóc lí lắc theo từng câu hát khiến ai cũng phải ngoái nhìn. Nhưng có lẽ không ai cầm được nước mắt khi biết rằng, cháu gái đáng yêu và xinh xắn nhường ấy lại bị dị tật bẩm sinh, không có hậu môn lẫn bộ phận sinh dục. Tất cả chỉ đều nhờ vào chiếc bàng quang nhân tạo và chiếc ống xông lúc nào cũng phải đeo bên mình. Trải qua 7 lần phẫu thuật, ước mong đứa con gái xinh xắn sau này có thể trở thành một người vợ, người mẹ bình thường với anh Sanh vẫn chỉ là một giấc mơ.

Vừa bước vào phòng khám, Anh Thư vội khoanh tay chào các bác sỹ. Khi được bác sỹ Roberto DeCastro khám, cô bé vẫn không ngừng hát véo von và toét miệng cười. Thấy bác sỹ lấy tay ra hiệu để nói chuyện với cha mình, cô bé cũng bắt chước theo và rất thích thú với trò chơi mới. Đối lập với niềm vui của con trẻ, khi nghe bác sỹ nói về tình trạng của con mình, anh Sanh đã gục xuống bàn khóc. Bác sỹ Roberto DeCastro nói rằng, trường hợp của cháu rất phức tạp, nếu tiến hành phẫu thuật thì khả năng thành công là rất ít. Anh Sanh chỉ còn biết ôm con vào lòng mà khóc nức nở. Tôi định chạy theo hỏi chuyện anh như đã hẹn từ trước, nhưng lại không thể. Tôi muốn nói với anh rằng, xin anh đừng bỏ cuộc, dù chỉ có một chút hy vọng nhỏ nhoi thôi cũng không có nghĩa là không thể. Nhưng tôi không thể để anh nhìn thấy những giọt nước mắt của mình. Anh cần niềm tin để cùng con viết tiếp giấc mơ của mình.

Và người đã gieo ước mơ cho những em nhỏ không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục này chính là người phụ nữ nhỏ bé với chiếc kính cận - chị Trần Mai Anh, mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân. Đưa bé Thiện Nhân sang Italy tiến hành phẫu thuật, chị Mai Anh đã không chỉ mang theo hồ sơ bệnh án của con mình. Người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu ấy mang theo lý lịch của những đứa trẻ khác cũng không may mắn như con mình. Chính niềm tin và tình yêu thương vô bờ bến của chị đã thuyết phục và là động lực để bác sỹ Roberto DeCastro đến với Việt Nam lần này.

Cách đây mấy ngày, chị Mai Anh đã phải truyền nước vì gần như kiệt sức. Nhưng người phụ nữ nhỏ bé ấy dường như không chịu khuất phục bất cứ một điều gì. Chị vẫn gắng gượng để có được cơ hội cho hơn 80 cháu nhỏ ngày hôm nay. Chị Mai Anh và các tình nguyện viên đã phải làm việc không mệt mỏi suốt ngày đêm từ nhiều tháng trước với vô vàn những công việc như liên hệ với các gia đình bệnh nhân, nhận và phân loại hồ sơ để gửi sang Italy, đưa đón, giúp đỡ các gia đình khi đến khám tại bệnh viện… Để thực hiện rất nhiều công việc trên, hầu hết các chi phí đều do các thành viên tình nguyện đóng góp.

“Đợt khám này không chỉ mang đến hy vọng mà là đang và sẽ biến ước mơ của các bé thành hiện thực, với sự giúp đỡ của các bác sĩ hàng đầu trong lĩnh vực này”- chị Mai Anh tâm sự. Khi được hỏi, đã bao giờ chị nghĩ mình là người “ôm rơm rặm bụng” không?. Chị Mai Anh bật cười hóm hỉnh: “Chính vì thấy mình “ôm rơm rặm bụng” nên nhiều người càng thương và đã “ôm bớt” cho mình đấy chứ. Nếu không có sự giúp đỡ tận tình, động viên của nhiều người thì một mình tôi sẽ không thể làm nổi!”. Trong buổi thăm khám đầu tiên cho các bé, bác sỹ Roberto DeCastro chia sẻ: “Ấn tượng và cảm nhận đầu tiên của tôi là các bé thật đáng yêu, bố mẹ thì rất thương con. Khi đến đây, tôi may mắn được phối hợp với đội ngũ bác sĩ Việt Nam rất tận tình và chuyên nghiệp. Tháng 11 này, chúng tôi sẽ tiến hành mổ đợt đầu tiên cho một số bé”.

Tôi đang nói chuyện với chị thì một người phụ nữ chạy ào đến nói như reo: “Chị Mai Anh ơi, bác sỹ nói cháu chỉ phải phẫu thuật 1 lần thôi, 1 lần thôi chị ạ!”. Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Niềm vui của hai người mẹ như ngập tràn cả căn phòng nhỏ./.

Song Thu (Báo TNVN)

Tuesday, August 16, 2011

Bác sĩ phẫu thuật cho chú lính chì đến Việt Nam

Bác sĩ phẫu thuật cho “chú lính chì” đến VN

(NLĐO)- Trưa 16-8, chuyên gia phẫu thuật nổi tiếng của Ý - bác sĩ Roberto Decastro, người đã trực tiếp phẫu thuật cho “chú lính chì” Phùng Thiện Nhân, đã đến Việt Nam trong chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em Việt Nam không may”.


Ngay trong chiều 16-8, bác sĩ Roberto Decastro (ngoài cùng bên trái)
cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khám cho 18 trường hợp. Ảnh: K Kiều Minh
Việc bác sĩ Roberto Decastro đến Việt Nam lần này chính là để cùng với đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám, lọc ra những trường hợp có thể phẫu thuật để tổ chức cứu chữa ngay tại Việt Nam nhằm giảm thiểu nhất gánh nặng điều trị cho gia đình các cháu. Ngay trong chiều 16-8, bác sĩ Roberto Decastro cùng các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khám cho 18 trường hợp. Việc phẫu thuật sẽ được thực hiện trong tháng 11-2011.
Cách đây 4 năm, một cháu bé mới sinh ở huyện Núi Thành, tỉnh Qảng Nam, bị bỏ rơi và không may bị động vật ăn mất bộ phận sinh dục và một chân, thương tích 75%.

Thương cho số phận ngặt nghèo của cháu bé, vợ chồng nhà báo Trần Mai Anh (Hà Nội) đã đón về nuôi và cật lực tìm cách điều trị để tái tạo lại bộ phận sinh dục và chân. Cháu bé đó chính là “chú lính chì” Phùng Thiện Nhân.

“Chú lính chì” Phùng Thiện Nhân
Bà Trần Mai Anh cũng đã vinh dự trở thành một trong 10 công dân ưu tú của thủ đô được vinh danh nhân nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngoài việc nuôi dưỡng và điều trị cho cháu Phùng Thiện Nhân, vừa qua bà Trần Mai Anh còn cùng ông Greig Craft tổ chức chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em Việt Nam không may”, nhằm tạo cơ hội điều trị và hoà nhập cộng đồng cho các trẻ em khác cùng có hoàn cảnh không may bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục do dị tật bẩm sinh hoặc do tai nạn như cháu Phùng Thiện Nhân. Chương trình đã nhận được 80 hồ sơ đến từ các địa phương trong cả nước.
Lương Duy Cường

Wednesday, August 10, 2011

Thanh Lam, Thanh Bùi hát vì “chú lính chì”

Thanh Lam, Thanh Bùi hát vì “chú lính chì”
- Gala Dinner mang tên “Đồng hành cùng các chú lính chì” với sự tham gia của 2 ca sỹ nổi tiếng Thanh Lam và Thanh Bùi sẽ được tổ chức vào tối 18/8 tại không gian ấm cúng, sang trọng của Maison Sens, 61 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.


Thanh Lam gây sốc, Hà Linh xuống phong độ?
Cận cảnh hai con của Thanh Lam - Quốc Trung
Xem Thanh Lam - Quốc Trung và hai con biểu diễn
Quốc Trung bối rối khi 'cầm tay' vợ cũ Thanh Lam
Hồ Ngọc Hà vừa kín đáo vừa sexy bên Thanh Bùi
Thanh Bùi khen Hà Hồ, “Bống” Hồng Nhung

Không chỉ đem lại cho khán giả một buổi tối thú vị khi thưởng thức nét tinh tế trong văn hóa ẩm thực Hà thành, chìm đắm trong những giai điệu ngọt ngào qua hai giọng ca tên tuổi, Gala Dinner còn là một hoạt động từ thiện đầy ý nghĩa của Maison Sens nhằm gây quỹ cho chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ không may”.


Bé Thiện Nhân - chú lính chì dũng cảm
Bé Thiện Nhân – con của mẹ Mai Anh đã quá nổi tiếng với biệt danh “Chú lính chì dũng cảm” mà báo chí đặt cho. Bởi sau khi được mẹ Mai Anh nhận nuôi khi mới 1 tuổi trong tình trạng BPSD và một chân bị súc vật ăn mất, Thiện Nhân đã tỏ rõ sự dũng cảm khi phải trải qua rất nhiều cuộc phẫu thuật để tái tạo lại BPSD và hoàn thiện lại cơ thể của bé... Do đó, Ban Điều hành chương trình đã thống nhất gọi tất cả các bé bị khiếm khuyết BPSD giống như Thiện Nhân là “các chú lính chì” với mong muốn các con sẽ luôn kiên cường và dũng cảm khi phải đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn.



Thanh Lam và người xưa - nhạc sĩ Quốc Trung

Nhằm gây quỹ cho chương trình, Gala Dinner “Đồng hành cùng các chú lính chì” là một hoạt động hết sức quan trọng. Maison Sens nhằm trong hệ thống các nhà hàng Sen đã trở nên nổi tiếng tại Hà Nội như Sen Hà thành, Sen Nam Thanh... Tuy mới góp mặt vào bản đồ ẩm thực Hà thành, nhưng Maison Sens đã tạo được cho mình dấu ấn riêng với phong cách ẩm thực tinh tế, đặc biệt với tiệc buffet chay đầy sáng tạo trong một không gian sang trọng nhưng ấm cúng, gần gũi. Đại diện Maison Sens khẳng định, những hoạt động từ thiện mang ý nghĩa nhân văn như Gala Dinner “Đồng hành cùng các chú lính chì” sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng tại đây.



Thanh Bùi và Hà Hồ trên sân khấu

Hai tên tuổi hàng đầu trong làng ca nhạc VN là Thanh Lam và Thanh Bùi đã ngay lập tức nhận lời tham gia đồng hành với các chú lính chì sau khi biết được ý nghĩa của hoạt động này. Cả hai chia sẻ, là những người nghệ sỹ, không gì khác, họ chỉ biết đem tiếng hát và tấm lòng của mình đến với khán giả thủ đô, coi đó như một đóng góp nhỏ bé cho chương trình đầy tính nhân văn này. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của đạo diễn Ngô Quang Hải trong vai trò Tổng đạo diễn Gala Dinner, biên tập âm nhạc – nhạc sĩ Quốc Bảo, dẫn chương trình: á hậu Thụy Vân.

Tuệ Minh