Sunday, September 27, 2009

Bé Thiện Nhân sang Mỹ tìm “quyền” làm đàn ông

Bé Thiện Nhân sang Mỹ tìm “quyền” làm đàn ông

Cập nhật lúc 15:25, Chủ Nhật, 27/09/2009 (GMT+7)
,
- Với niềm hy vọng giúp con không phải gánh chịu những thiệt thòi mà tạo hóa vốn đã ban tặng - được làm một người đàn ông đúng nghĩa - bé Thiện Nhân đã cùng mẹ Mai Anh và bà ngoại lên máy bay sang Mỹ vào lúc 12h đêm 26/9. Đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật, đến rất nhiều bệnh viện nhưng có lẽ chuyến đi này mang theo nhiều nỗi niềm, nhất là của những người thương yêu bé. Liệu Thiện Nhân có thể trở thành một người đàn ông trọn vẹn, một người chồng - người cha thực thụ khi trưởng thành hay không?

Ca khúc trong Clip: "Có những diệu kỳ". Tác giả Jazzy Dạ Lam viết từ cảm xúc dành cho bé Thiện Nhân

"Hãy tặng cho con ngôi sao hy vọng"

Những ngày cuối tháng 7/2007, câu chuyện về một em bé bị bỏ rơi trong vườn và cơ thể bị thương tổn nặng nề, bị mất chân, bộ phận sinh dục do súc vật cắn đã làm nhói đau trái tim của biết bao người, trở thành chủ đề bàn luận gây ám ảnh với rất nhiều ông bố bà mẹ. Điều kỳ diệu đã đến với bé khi được gia đình anh Phùng Quang Nghinh và chị Trần Mai Anh nhận về chăm sóc. Tình thương yêu và sự xót xa là tất cả lý do cho việc làm này - mặc dù khi đó họ đã là bố mẹ của 2 bé trai kháu khỉnh.

Từ những ngày đầu non nớt, bố Nghinh, mẹ Mai Anh là ân nhân khiến bé hồi sinh, vượt qua những cơn hoảng loạn sợ hãi. Sự cộng hưởng và chia sẻ của những người quan tâm đã phần nào giúp anh chị cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong những năm tháng đầu đời của bé. Khó có thể hình dung sự vất vả mà họ đã cùng nhau trải qua để Thiện Nhân của ngày hôm nay bi bô nói cười, có thể tự đi lại thoăn thoắt bằng 1 chân và dũng cảm vượt qua những cơn đau khi trái gió trở trời. Chú lính chì - cái tên âu yếm mẹ Mai Anh đặt cho bé chứa đựng nhiều hy vọng. Và ai đã gặp Thiện Nhân, chứng kiến nghị lực phi thường của bé sẽ cảm nhận được sức mạnh kỳ diệu đó!

Hành trình tìm lại những điều bình thường nhất mà mỗi con người đều có sẽ còn rất nhiều gian truân với cả gia đình Thiện Nhân. Mất 1 chân, có chân giả và những dụng cụ hỗ trợ nhưng phải đi lại nhiều lắm bé mới cần dùng đến. Thiện Nhân thích được nô đùa, "nhảy lò cò" đuổi bắt các anh và lên xuống cầu thang bằng chính cơ thể mình.

Không may cho bé, lúc được phát hiện trong vườn thì bộ phận sinh dục gần như không còn gì. Đây cũng là sự tổn thương đáng xót xa nhất và điều "làm khổ" Thiện Nhân nhất trong cuộc "vật lộn" làm người bình thường.

Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, qua nhiều lần can thiệp bằng các biện pháp y học, Thiện Nhân đã có thể đi tiểu bằng một cái lỗ nhân tạo. Nhưng đó là biện pháp tạm thời. Sau này, khi bé lớn hơn, các tuyến nội tiết - hormon thay đổi theo sự phát triển chung của cơ thể, có thể sẽ mang đến cho Thiện Nhân những hệ quả không mong muốn... Vì vậy, không chỉ anh Nghinh, chị Mai Anh mà rất nhiều người khác đã dành sự quan tâm đặc biệt cho bé . "Thiện Nhân Hội" là cái tên mọi người gọi vui dành cho nhóm các ông bố bà mẹ thương yêu bé Thiện Nhân.

Và sự kiện Thiện Nhân sang Mỹ lần 2 mở ra một niềm hy vọng ngập tràn cho các bố, mẹ trong "Hội". Qua nhiều cuộc xét nghiệm, bé Thiện Nhân có hy vọng đòi lại "quyền" làm đàn ông của mình vì đã có xét nghiệm cho thấy bé có tinh hoàn ẩn. Nhưng đó mới là một tín hiệu và sẽ còn phải trải qua rất nhiều xét nghiệm nữa mới có câu trả lời cho sự thành công này. Với các nhà khoa học, các bác sĩ ở Mỹ, đây cũng là trường hợp đầu tiên, vì vậy chưa thể nói trước điều gì...

Mái ấm của "những chú lính chì"

Thiện Nhân đã hoàn toàn tự tin và hòa nhập với môi trường sống hiện tại. Anh Nghinh, chị Mai Anh đều đang làm việc cho những cơ quan truyền thông và rất bận rộn. Căn nhà luôn rộn rã bởi tiếng nô đùa của 3 cậu bé hiếu động, có khi cả những pha tranh luận mà bố hoặc mẹ phải đau đầu trong vai trò "trọng tài". Họ đang sống trong một căn nhà nhỏ xinh ở ngõ Nhà Chung, hàng ngày chia nhau việc nhà hoặc nhờ ông bà, người nhà tới giúp mỗi khi cả hai đi vắng.

Với vai trò là trưởng phòng thời sự của kênh VOV TV (Kênh phát thanh có hình - Đài Tiếng nói Việt Nam) - công việc hàng ngày của anh Quang Nghinh rất bận rộn và thường phải trực đêm. Nhưng về tới nhà, anh cũng không nề hà bất cứ việc gì: Dọn dẹp nhà cửa, cho con ăn, dạy con học, tắm táp cho con rồi cùng con chơi đùa. Công việc của một biên tập viên cho tạp chí Heritage như chị Mai Anh cũng không hề nhàn hạ. Với những người phụ nữ bình thường, chăm sóc gia đình nhỏ của mình sao cho trọn vẹn đã là một điều không dễ. Với Mai Anh, có lẽ chị sẽ không có chút thời gian chăm sóc cho bản thân mình...

Với bố mẹ, giữa anh cả Thiên Minh (10 tuổi), anh "giữa" Hải Minh (4 tuổi) và em út Thiện Nhân, không một sự phân biệt đối xử nào. "Các con được bố mẹ yêu như nhau, em Nhân bé nhất nhà và không được hoàn thiện như mọi người nên có phần được ưu tiên hơn. Nhưng không phải vì thế mà Nhân trở nên "yêu sách". Thiện Nhân thể hiện ý thức tự lập và can đảm từ những ngày đầu tiên về nhà. Cơ thể cháu thường rất đau mỗi khi trái gió trở trời, có những khi cả tuần vì đau quá mà cả tuần không ngủ được. Nhưng thay vì khóc lóc, quăng quật hoặc nũng nịu bố mẹ, Nhân thường nằm yên hoặc chỉ khóc một chút rồi thôi. Ở lớp học hay ở nhà, bé cũng tự xúc được cơm để ăn. Đặc biệt, Nhân là một cậu bé rất sạch sẽ và tự giác trong việc vệ sinh cá nhân" - chị Mai Anh chia sẻ.

Ngôi nhà của anh chị cũng là địa chỉ thường xuyên lui tới của các mẹ, các bố quan tâm đến sức khỏe của Thiện Nhân. Người tới hỏi han, tặng Nhân cuốn sách hay chiếc áo, có chị chỉ ghé qua cho Nhân ăn thìa cơm hay chia sẻ việc nhà... Họ gọi bé là "con" và Thiện Nhân cũng có thêm rất nhiều "bố mẹ". Ngoài tổ ấm thực thụ, Thiện Nhân còn có những "tổ ấm" online - nơi chia sẻ, hỏi đáp những thông tin mới nhất về sức khỏe và tình hình học tập của bé. Anh chị Quang Nghinh - Mai Anh vì thế càng bận rộn hơn, vì họ không thể không trả lời, giải đáp hoặc thông báo những thông tin mới nhất của con với những ai vẫn dõi theo Thiện Nhân.

Không phải là một gia đình dư dả về kinh tế, nhận nuôi bé Thiện Nhân và xác định chắc chắn sẽ cùng con "chiến đấu" với những chuyến điều trị dài ngày, anh chị Nghinh - Anh cũng hiểu rằng kinh phí là vấn đề rất lớn. Nhưng nếu còn hy vọng, điều thôi thúc anh chị là phải tìm mọi cách giúp Thiện Nhân hoàn thiện bản năng vốn có của mình sớm nhất có thể, trước khi em kịp đủ lớn để ý thức sự thiếu hụt của cơ thể mình và trở thành nạn nhân của chính nó.

100.000 USD (tương đương hơn 1,7 tỷ đồng) là con số dự tính phải chi trả cho những phương pháp điều trị của chuyến đi này. Ngoài sự nỗ lực của gia đình anh chị, bé Thiện Nhân cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhiều cá nhân, đơn vị hảo tâm. Tuy nhiên với số tiền đó, bố mẹ của Thiện Nhân sẽ phải trông chờ rất nhiều vào những sự hỗ trợ tiếp theo. Bố Nghinh, mẹ Mai Anh, bà ngoại sẽ thay nhau sang Mỹ chăm sóc Thiện Nhân nếu quá trình điều trị của bé phải kéo dài. Để đổi lấy tương lai tốt hơn cho con, cả anh và chị đều không ngại khó khăn vất vả. Số tiền phải trả cho lần phẫu thuật này càng lớn nghĩa là cơ hội cho con càng nhiều...

Nếu có tín hiệu chính xác về tinh hoàn ẩn trong cơ thể, họ sẽ bàn đến bước tiếp theo là lấy được chúng ra....

Nếu thành công, bước tiếp theo sẽ là "thiết kế" cho tinh hoàn bìu đựng, và tiếp nữa sẽ là các giải pháp y học - thẩm mỹ để Thiện Nhân có bộ phận sinh dục hoàn thiện hơn về mặt thẩm mỹ.

Nếu không thành công, sẽ là cả một hành trình vất vả hơn về sự phát triển thể chất của Thiện Nhân và những can thiệp hormon nam tính trực tiếp vào cơ thể bé trong suốt cuộc đời!

Trong Blog Nhật kí chú lính chì, mẹ Mai Anh viết:

“Trong 1 năm, có lẽ khó có anh cu nào di chuyển nhiều như con.
- Chuyển nhà từ núi xuống thành phố.
- Chuyển quê từ Núi Thành sang Thanh Hóa.
- Từ Núi Thành, Quảng Nam bay chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội.
- Chuyển khai sinh từ họ Hồ sang họ Phùng.
- Bay chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Bangkok đến bệnh viện tại Thái Lan.
- Bay chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng về lại bệnh viên Quảng Nam.
- Bay chuyến bay Hà Nội - Taipei- Seatle, Mỹ.
- Bay chuyến bay Seatle - Boston đến bệnh viện New Hamsphire phẫu thuật bộ phận sinh dục.
- Bay chuyến bay Boston - Chicago để điều trị chân.
- Bay chuyến bay Chicago - Los Angeles.
- Bay chuyên bay Los Angeles - Taipei - Hà Nội.
- Bay chuyến bay Hà Nội - Sài Gòn - Hà Nội.
- Bay chuyến bay khứ hồi Hà Nội - Bangkok để kiểm tra tinh hoàn.
- Và vừa mới chuyển nhà khỏi Hàng Bạc sang ngõ Nhà Chung vì hết hợp đồng nhà.
- Đầu tháng 6 tới sẽ lại bay chuyến Hà Nội - Bangkok để tiếp tục gặp bác sĩ tìm ra phương án điều trị, lấy 2 cái tinh hoàn ra và đưa về đúng vị trí.”

Có tất cả 13 bệnh viện Nhân đã đến trong 1 năm : 3 bệnh viện ở Thái Lan, 2 bệnh viện ở Mỹ, 8 bệnh viện ở Việt Nam (Quảng Nam, Dangnang Family Practice, Việt Pháp, VietCot, Viet Orto, Việt Đức, Da Liễu, Nhi Thụy Điển).

Chặng đường ấy khiến bao bạn bè “nhí” của Nhân phải nể phục, đến người lớn cũng phải ngưỡng mộ.

Kết quả của bao lần di chuyển ấy của Nhân là:

- Tình hình sức khoẻ và khả năng hoà nhập với cuộc sống của Nhân đã rất tốt.

- Nhân đã thay một loạt các chân giả từ Việt Nam, Mỹ, Pháp. Nhân lê rất nhanh nhưng tự đi bằng chân giả thì gặp khó khăn nhiều hơn. Bởi vậy, thời gian này, Nhân vẫn đang phải nỗ lực tập đi với những chiếc chân mới luôn được thay đổi của mình.

- Nhân đã đi học, rất hiếu động và nghịch ngợm.

- Sau chuyến đi từ Thái Lan trở về, tin vui ngoài sức tưởng tượng: Nhân có đủ cả “hai hòn”. Điều này cũng có nghĩa, Nhân sẽ có thể trở thành một người đàn ông bình thường đang dần dần trở thành hiện thực...

(Thông tin trên mẹ Mai Anh chưa kịp cập nhật chuyến đi - điểm đến mới nhất)

Thực hiện: Nhật Mai - Hồng Phú - Huy Phúc

No comments: