Không thể thống kê được bao nhiêu trường hợp đã được Báo CAND và bạn đọc giúp đỡ. Có một điều chắc chắn rằng: Trong từng số báo hàng ngày vẫn thường trực một góc nhỏ mà ở đó luôn lấp lánh ánh sáng của niềm yêu thương, hy vọng và cả những tấm lòng nhân ái ấm áp, lan toả đến mỗi số phận con người.
Tìm đến với những cuộc đời bị khuất lấp
Trong cái nắng hè của một ngày tháng 7, chúng tôi đến thăm một gia đình đặc biệt ở thôn Khả Liễu, xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Cũng nhà ngói, sân gạch; cũng bể nước mưa đầy ăm ắp; cũng cây rơm vàng trước sân… nhưng có cái gì đó thật vắng lặng.
Chủ nhà thấy khách lạ cười ngẩn ngơ, khách dẫu chuẩn bị trước tâm lý vẫn bị lúng túng. Hỏi chuyện anh Nguyễn Văn Toan, chủ nhà nhưng anh chẳng nói, cũng chẳng gật hay lắc đầu. Nhìn người đàn ông trong gia đình có 7 người… điên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Một lúc sau, anh Nguyễn Văn Soạn, con trai cả của ông Nguyễn Văn Tác, cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ là người duy nhất trong số 5 anh em có trí tuệ bình thường về.
Anh Soạn cho biết, anh sinh ra trước khi bố đi bộ đội nên may mắn không bị ảnh hưởng chất độc da cam. Bố anh mất cách đây mấy năm, mới đây, mẹ anh lại qua đời nên vợ chồng anh phải gánh vác việc chăm lo cho các em.
Hiện tại, ngôi nhà của bố mẹ để lại đang có anh Nguyễn Văn Toan, chị Nguyễn Thị Đoan và vợ chồng cùng hai con anh Nguyễn Văn Đằng ở. Hai vợ chồng anh Đằng đều bị thần kinh và sinh được hai con. Anh Soạn còn cho biết thêm, khi còn sống, bố anh đã đi làm chế độ nạn nhân chất độc da cam nhưng không được.
Sau cuộc viếng thăm này, chúng tôi đã có bài viết đăng trên Báo CAND. Nhiều bạn đọc đã đến tận nơi thăm, có bạn đọc gửi tiền đến Báo nhờ chuyển giùm đến gia đình có 7 người điên.
Đầu tháng 10, chúng tôi lại đến thăm gia đình anh Soạn và chuyển số tiền 3 triệu đồng của bạn đọc. Gặp lại chúng tôi, anh Soạn cho biết sự động viên kịp thời của Báo là nguồn động lực để vợ chồng anh tiếp tục chăm sóc các em, các cháu. Sự giúp đỡ bằng vật chất của bạn đọc cũng phần nào giúp anh vực gia đình chỉ đông người ăn, ít người làm này đứng dậy.
|
Đại diện Báo CAND cùng nhà tài trợ đến thăm và tặng quà cho trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề (Hà Nội). |
Ở khu tập thể Văn Chương (Đống Đa - Hà Nội), nhắc đến hoàn cảnh gia đình anh Tô Nguyên Cường ai ai cũng đều thương cảm. Anh Cường bị căn bệnh vẹo cột sống hành hạ, chèn tủy sống dẫn đến liệt hai chân phải nằm một chỗ. Con trai thứ hai của anh là cháu Tô Xuân Thành (4 tuổi) cũng không may bị mắc bệnh đao bẩm sinh. Sau đó, cháu lại bị viêm màng não.
Gia đình không có điều kiện chạy chữa nên cháu Thành phải sống đời sống thực vật. Cuộc sống của cả gia đình anh Tô Nguyên Cường đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tất cả chi phí sinh hoạt, tiền thuốc thang đều phải trông chờ vào thu nhập của chị Hiệp - vợ anh Cường. Chị là công nhân môi trường đô thị với đồng lương ít ỏi. Chồng yếu, con ốm, hiện nay chị Hiệp đã phải nghỉ việc ở nhà để chăm sóc hai bố con.
Câu chuyện về gia đình anh Cường được đăng tải trên Báo CAND ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc khắp cả nước. Có những lá thư xúc động đẫm nước mắt chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình anh.
Đặc biệt, gia đình anh Tô Nguyên Cường đã nhận được số tiền ủng hộ hơn chục triệu đồng từ bạn đọc. Đó là nguồn động viên rất lớn cho gia đình anh cũng như hỗ trợ anh Cường và cháu Thành tiền thuốc men trong quá trình điều trị bệnh. Sau một thời gian vào phẫu thuật tại TP TCM, sức khoẻ của anh Cường đã có thay đổi lớn.
Niềm tin bước tiếp
Hơn 20 năm qua, câu chuyện cảm động về chị Vũ Thị Xế, trú tại thôn Ngọc Trì, xã Bình Định, huyện Lương Tài (Bắc Ninh) dũng cảm vượt qua bản thân và dư luận để lấy anh Vũ Lợi - một người lính xuất ngũ bị mắc bệnh tâm thần làm chồng khiến cho bao người nể phục. Nhiều người thân tỏ rõ sự lo ngại thì chị nói: "Anh ấy đi chiến đấu để bảo vệ cho Tổ quốc nên mới bị thiệt thòi. Mình phải làm cái gì đó để bù đắp cho anh ấy".
Trong ba năm, anh chị sinh hai người con trai khỏe mạnh là cháu Vũ Phương (19 tuổi) và cháu Vũ Nam (16 tuổi). Tuy nhiên những năm sau đó, chứng bệnh tâm thần trong anh Lợi ngày càng biểu hiện rõ, rồi một hôm anh bỏ nhà ra đi.
Năm 2005, chị Xế bất ngờ bị bệnh tai biến mạch máu não và bị liệt toàn thân, cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người khác. Mẹ chị Xế năm nay 80 tuổi, nhưng hàng ngày vẫn phải cặm cụi giúp đỡ con, cháu. Gia đình khó khăn nên cháu Vũ Phương đã phải nghỉ học để đi làm thuê kiếm sống.
Từ bài viết trên Báo CAND, gia đình chị Xế đã nhận được sự giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của bạn đọc. Chính những tình cảm đó là nguồn động viên tinh thần cho gia đình vợ chồng người cựu chiến binh này vượt qua hoạn nạn. Cũng có chung một hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng ở bài viết "Vượt lên số phận để thay đổi số phận" được thực hiện trung tuần tháng 9/2008 lại kể về một trường hợp khác.
Em Nguyễn Hữu Ất- người đã bị mù cả hai mắt nhưng đã thi đỗ đại học khối A và đậu năm đầu tiên, hiện đang là sinh viên đặc biệt của Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Công nghiệp.
Sau khi bài báo được phát hành, em Ất đã nhận được rất nhiều sự động viên, sẻ chia về vật chất cũng như tinh thần của bạn đọc gần xa. Thậm chí có những bạn đọc ở Hà Nội, TP HCM đã gửi tiền giúp đỡ em nhưng không để lại một dòng địa chỉ.
Nhà báo Lê Phương Dung, hiện đang công tác tại Tạp chí Thương Mại - một người đã từng mắc bệnh hiểm nghèo đã quyết định dành tặng em Ất một bộ máy tính. Nhận được bộ máy tính, Ất xúc động: "Quà tặng rất ý nghĩa này sẽ giúp em có thêm điều kiện học tập tốt hơn trong thời gian tới".
Cái tên Phùng Thiện Nhân có lẽ cũng là một trong những cái tên được nhắc đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong năm vừa qua. Ngay khi vừa ra đời, bé đã bị súc vật cắn mất một chân và bộ phận sinh dục khi bị bỏ rơi tại vườn hoang ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Ngay sau khi biết tin, vợ chồng chị Mai Anh ở số 118 phố Hàng Bạc, Hà Nội đã đón cháu về Hà Nội nuôi nấng. Chứng kiến những gì mà cả gia đình của chị Mai Anh làm cho Thiện Nhân, chúng tôi vô cùng xúc động. Thiện Nhân được chăm sóc một chế độ đặc biệt, được bố mẹ nuôi cậy cục khắp nơi tìm thông tin, tìm nguồn tài trợ để có thể đưa cậu bé đến Mỹ chữa bệnh.
Câu chuyện được đăng trên Báo CAND, gia đình chị Mai Anh đã nhận được nhiều thư, tin nhắn, điện thoại, email từ khắp nơi gửi đến. Có bà mẹ đã đưa con nhỏ đến chơi với Thiện Nhân vào mỗi ngày nghỉ.
Những chia sẻ bằng vật chất và tinh thần của bạn đọc đã giúp cho bé Thiện Nhân và gia đình có thêm niềm tin, động lực vượt qua thời khắc khó khăn để bước tiếp… và còn hàng trăm câu chuyện cảm động khác được đăng tải trong năm qua và đã nhận được rất nhiều sự đóng góp, ủng hộ của đông đảo bạn đọc.
No comments:
Post a Comment