Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 7: Hành trình của sẻ chia
TT - Với Thiện Nhân, đợt mổ tới này sẽ là lần quan trọng nhất, quyết định nhất với các chức năng của “con chim xinh xinh” mà em đã cắn răng chịu đau bao nhiêu ngày đêm để có được.
Thiện Nhân (thứ ba từ trái sang) và các bạn ở lớp mẫu giáo - Ảnh: gia đình cung cấp |
>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới
>> Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích
Lịch uống thuốc, truyền nước của Nhân được mẹ Mai Anh dán lên tờ lịch ngay đầu giường ngủ. Mỗi lần thực hiện điều trị, Nhân lại hỏi: “Các bạn khác cũng làm như vậy à?”. Mai Anh tỏ ra rất hài lòng vì Nhân đã biết nghĩ đến người khác...
Bao giờ đến tháng 4?
Trong xóm công nhân ở Tân Tạo, Bình Tân, TP.HCM, phía sau một cánh cửa phòng trọ người ta hay thấy khuôn mặt sáng sủa, linh lợi mà u buồn của một cậu bé lấp ló nhìn ra. Bé Sơn năm nay 4 tuổi, hiếu động và nhanh nhẹn như bao bạn trai khác, nhưng Sơn lại chưa bao giờ được đến trường mẫu giáo, chưa bao giờ được đi chơi công viên.
Một ngày của Sơn gắn liền với cái bô và tuýp thuốc trị lở loét. Sinh ra với khiếm khuyết, cha mẹ đã đưa Sơn ra vào bệnh viện như đi chợ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật đi phẫu thuật lại tới ba lần vẫn chưa sửa chữa được những bất thường: em không có cảm giác, không điều khiển được đường bài tiết, cơ thể lại không có các “van” giữ khiến những gì em ăn vào cứ bị thải ra liên tục ngày đêm. Không có nhà trẻ nào chịu trông giữ Sơn cả, mẹ vốn là công nhân, buộc phải nghỉ làm để chăm sóc con. Tiền lương thợ hồ của anh Du, cha Sơn, phải dùng một nửa vào việc mua tã và thuốc cho con. “Nhưng xoay thế nào cũng không đủ, đóng tã suốt ngày đêm vừa tốn kém, con lại bị hăm lở nặng thêm. Xót ruột lắm nhưng chúng tôi đành cho con ngồi trên cái bô suốt ngày...” - anh Du thở dài. Không cần hỏi cũng biết về nỗi bứt rứt, khó chịu của cậu bé bị giam chân, Sơn đã ý thức được tật bệnh của mình nên chỉ im lặng ngóng ra cửa. Sáng sáng, nhìn theo các bạn cùng lứa tuổi tung tăng balô cặp xách, Sơn nói thầm với mẹ: “Con muốn đi học”.
Tên của Sơn đã được đưa vào danh sách phẫu thuật tháng 4-2012. Nghe bố bảo vậy, Sơn vui lắm. Mùa cuối năm ai cũng chộn rộn, nhưng Sơn ngoan ngoãn trên cái bô của mình để chờ đến tháng 4.
Trong khu xóm lao động ở Dĩ An, Bình Dương, bé Thảo Nhi cũng đang đếm từng ngày kể từ khi lá thư của mẹ được gửi đến địa chỉ của cô Mai Anh ở Hà Nội. Là con gái, Thảo Nhi đã biết tự chăm sóc bản thân, tự lau rửa, thay tã mỗi bốn giờ một lần, biết tự sắp xếp đi học. Những ngày cuối năm, bạn bè cùng học lớp 2 mơ về búp bê, áo mới, Thảo Nhi viết thư gửi ông già Noel: “Ông cho con khỏi bệnh, để bạn bè không gọi con là đồ đái dầm”.
Thư gửi đã tới nơi, Thảo Nhi cũng đã được mời khám vào đợt này.
Lên danh sách thăm khám, phẫu thuật lần 1, lần 2 theo chỉ định của bác sĩ, hồ sơ bệnh án, cập nhật tình trạng mỗi ngày, mỗi tuần... quá nhiều công việc nên Mai Anh, Na Hương, Thy Hằng, Như Huyền và các tình nguyện viên khác phải luân phiên, chia nhau thực hiện. Tiệc buffet cuối năm để tổ chức quyên góp cũng đã được lên kế hoạch. Đọc các email trao qua đổi lại giữa những người làm chương trình, người ta nhận ra nỗi lo lắng về gánh nặng tài chính lại đi song hành với sự ung dung, tự tin “mình làm được”. Như khi Na Hương viết cho Mai Anh: “Tính cho tháng 4 thì đã có những khoản sau: Van Phu land 7.500; 1.300 event đợt 1 ở Maison Sen; 2.500 event đợt 2 ở Press Club... Vậy là còn thiếu 50.000 USD nữa nhé”. Mai Anh bật cười: “Cái này là đếm cua trong lỗ ấy mà, thật ra chưa có đồng nào trong tổng số chi phí 75.000 USD ước tính cho đợt tháng 4 này”.
Nhưng ung dung cũng có lý của nó, nhất là khi đọc những dòng mà mẹ Mai Anh đã viết cho Thiện Nhân.
Hành trình của Thiện Nhân
“Mẹ đã thay mặt con đón tiếp một bà cụ bị bệnh chắt chiu lên bệnh viện thành phố nhưng đến thăm con trước ngày đi mổ để nhìn thấy con, để sờ sờ, nắn nắn cổ chân con và để không phải ân hận nếu không còn cơ hội nhìn con sau ca mổ.
Mẹ đã thay mặt con nhận tờ 50.000 đồng của một người đàn ông quần áo bẩn và rách một ngày ngấp ngó trước cửa nhà mình. Một người không dám bước đôi chân lam lũ vào căn nhà đẹp hơn biết bao lần cái xó nhà trọ. 50.000 đồng với mình là một ngày đi chợ nhưng với họ là cả một gia tài.
Mẹ đã thay mặt con nghe cuộc điện thoại của một cô gái tuyệt vọng trong đêm với một đứa con bé nhỏ trên tay chỉ để nghe cô gái khóc lóc rồi không biết số phận họ đã thế nào.
Mẹ cũng đã thay mặt con nhận sự hi sinh của hai anh con nữa. Các anh chia cho con đồ chơi, cùng mút chung nhau cái kẹo, các anh vỗ về và ôm nựng mỗi khi con bị ngã đau và các anh chia cho con bố mẹ.
Con trai bé bỏng ơi, con đã nhận được biết bao sẻ chia thì mẹ nhận về ngần đấy những nặng trĩu. Mẹ đã mang nợ ân nghĩa của ngần đấy những tấm lòng trên cõi đời này.
Mẹ đã thấy mẹ là một quản đốc suýt nữa phạt lương của một công nhân nhưng nhận ra người đàn ông với tờ 50.000 đồng hôm đó. Mẹ đã thấy mẹ là một bác sĩ bước vào ca phẫu thuật cho một bà già nhà quê không có ai thân quen gửi gắm, nhưng là bà cụ đã nắm nắm cái chân con. Mẹ thấy mình là một người đàn ông mạnh mẽ và bao dung làm chỗ dựa cho cuộc đời của hai số phận không biết đã đi về đâu đêm hôm đó.
Và hôm nay tình cờ mẹ biết một bé gái ở Gia Rai vừa nhận được 500.000 đồng giúp đỡ gửi tới dưới tên của con, Thiện Nhân ạ. Mẹ không gửi, Thiện Nhân cũng không gửi, mà số tiền này đã được ai đó gửi đi với mong muốn thay mặt con trai Thiện Nhân làm điều tốt lành và tích phước cho con đấy. Các bố mẹ, anh chị của con đã vì con mà tự nguyện giúp mẹ làm vơi bớt gánh nặng đời này.
Hành trình của con là một hành trình dài nhưng không có nghĩa là một hành trình ích kỷ. Sức mạnh của tình yêu thương từ bao tấm lòng con đang được nhận đó sẽ là điểm tựa cho con sức mạnh và cơ hội để chàng trai của mẹ biết trắc ẩn và sẻ chia”.
Cơ hội để tiếp nối, nhân lên những sẻ chia ấy, Mai Anh cùng các bố mẹ khác của Thiện Nhân cũng lại đang thay mặt em thực hiện. Hành trình của sẻ chia thì làm sao có thể không được ủng hộ, không được tiếp nối, không được chung tay? Cái lẽ đời ấy đã khiến Mai Anh, Na Hương,
Greig cứ ung dung hoạch định những kế hoạch của mình với cái túi rỗng. Một bản đăng ký thành lập “Quỹ tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” cũng đã được chuẩn bị, nhưng “Mình không có 1 tỉ đồng để ký quỹ như quy định nên quỹ chưa thành hình được, mà nếu có 1 tỉ đồng thì...” - mắt Mai Anh trở nên mơ màng. Một ca mổ cho Nhân ở Ý chị đã phải lo đến 1 tỉ rưỡi, nhưng sau khi mời được bác sĩ về đây, chi phí cho một ca mổ tại Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 50 triệu đồng. Có 1 tỉ, Mai Anh sẽ chi trả chi phí ngay cho 20 em.
Tuyệt vọng rồi hi vọng, bất hạnh rồi lại hạnh phúc, nhận rồi lại cho đi, rồi lại nhận... những được mất cuộc đời cứ hiển hiện thật rõ ràng khi theo dõi hành trình Thiện Nhân, hành trình của sẻ chia, hành trình biến những câu chuyện thật thành cổ tích.
PHẠM VŨ
1 comment:
Xem nhiều hơn các Truyện cổ tích hay tại đây nhé mn
Post a Comment