18/10/2008 12:56:04
|
“… Người dân địa phương đã phát hiện trong vườn nhà ông Hồ Lanh (thôn 3, xã Tam Thạch, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) một cháu bé sơ sinh chưa rụng rốn bị bỏ rơi đang khóc. Nghiêm trọng hơn, nạn nhân (khi đó mới một ngày tuổi) đã có dấu hiệu bị hành hạ dã man. Chân phải của cháu bị đứt tới bẹn, đồng thời mất hai tinh hoàn, và một nửa dương vật bị đứt.
Khi quan sát vết thương nham nhở trên người cháu bé sơ sinh có một nhận định khác là có thể nạn nhân đã bị thú dữ hoặc chó cắn xé (chứ không phải bị ai đó nhẫn tâm hành hạ)... Nếu bình phục cháu bé cũng không thể trở lại bình thường. (webtretho ngày 21/6/ 2006).
…“Hôm qua nghe cô giáo chủ nhiệm lớp Bí nhà mình kể mới biết bé Thiện Nhân hóa ra học cùng lớp con mình, lớp Đào+Dứa toàn những bạn bé nhất trường.
Nghe nói con đi học rất ngoan, chịu ăn, không chê món đồ ăn nào cả. Giờ tập thể dục thì con đứng dựa vào nạng, đu đưa mình theo tiếng nhạc. Thiện Nhân khôn sớm, biết phân biệt rõ ràng: cô nào trẻ gọi là chị, cô nào lớn tuổi hơn bố mẹ thì gọi là bác.
May mắn cho con là các cô giáo ở đây rất nhiệt tình và thương trẻ, các bạn trong trường cũng rất yêu con nên con đỡ cảm thấy mặc cảm. Mong cho con gặp nhiều người thương yêu mình trong đời. Me Cun Bong. (webtretho ngày 28/9/2008).
Hai thông tin trên cùng được đăng trên trang webtretho, cách nhau 2 năm 3 tháng... Đó là quãng thời gian không dài, nhưng là một sự đổi thay kỳ lạ cho một số phận “đau đớn kỳ lạ”. Câu chuyện này giống như chuyện cổ tích có tên gọi “Thiện Nhân”.
Gạch nối cho những tháng ngày đó là cả một dòng chảy mênh mang của tình yêu thương, nhân ái ào ạt chảy về quanh bé Thiện Nhân. Từ một hài nhi đớn đau, giờ đây là bé Phùng Thiện Nhân nhanh nhẹn, láu lỉnh tại ngôi nhà 118 Hàng Bạc (Hà Nội). Đây là tổ ấm thật sự của Thiện Nhân với bố mẹ nuôi là chị Mai Anh- Quang Nghinh và hai anh trai là Thiện Minh và Hải Minh.
Từ “bé trai vô danh” đến cái tên Thiện Nhân
Hành trình từ một cậu bé được ghi là “bé trai vô danh” (trong bệnh án bệnh viện Đa khoa Quảng Nam lúc đầu đã ghi như thế- theo lời chị Mai Anh) đến khi trở thành Phùng Thiện Nhân là một hành trình không đơn giản. Ở đó, tình yêu thương đã vượt lên trên tất cả những trở ngại, những xúc động đơn thuần.
Cái tên Thiện Nhân do các nhà sư khi đến thăm đã đặt cho “bé trai vô danh” với mong ước tính Thiện, điều Nhân sẽ mãi mãi bên em. Sau này, khi về gia đình bà ngoại, trên các giấy tờ người ta thường lấy là “Hồ Thiện Nhân” là lấy theo họ của mẹ đẻ. Nhưng phải đến khi giấy khai sinh mang tên Phùng Thiện Nhân, số phận của chú bé bị bỏ rơi mới thực sự sang trang.
Sau khi làm những thủ tục cần thiết, đầu năm 2008, Thiện Nhân đã được anh chị Nghinh- Mai Anh đón về. Lúc đầu, bố mẹ nuôi định giữ nguyên họ Hồ cho Thiện Nhân với ý nghĩ cậu bé sẽ phải đủ sức đối mặt với sự thật của chính mình sau này. Nhưng rồi cuối cùng bố mẹ nuôi cũng quyết định cho Thiện Nhân mang họ Phùng như hai anh của bé để có thể làm giấy tờ và hộ chiếu một cách thuận lợi.
Nhờ sự thông tin của các mẹ trên diễn đàn, tháng 4/2008, Thiện Nhân đã sang Thái Lan khám. Các bác sĩ Thái Lan mới đưa kết quả hội chẩn ban đầu nhưng chưa chắc chắn sẽ chữa được cho Nhân. Anh Phùng Quang Nghinh, cha nuôi của Nhân cho biết: " Việc đầu tiên cần làm hiện nay là mở rộng đường tiết niệu. Đường tiết niệu của cháu rất bé, nếu không mở rộng thì bàng quang sẽ hoạt động quá công suất, ảnh hưởng đến thận và các bộ phận khác trong cơ thể. Các bác sĩ Thái Lan cũng tư vấn nên đưa cháu đến một bệnh viện có khả năng chữa được tổng thể bệnh của Nhân (xương khớp, tiết niệu, trị bệnh và tâm lý). Các bệnh viện của Thái Lan chưa chắc chắn là sẽ làm được những việc này"
Tiếp theo đó, bố mẹ nuôi liền gửi kết quả khám bệnh tới các bệnh viện lớn trên thế giới. “Nơi nào có thể đưa ra lời giải chữa được cho Nhân thì gia đình tôi sẽ tiếp cận bằng bất kỳ giá nào. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để bé Nhân có được cuộc sống tốt nhất về sau”, chị Mai Anh khẳng định.
Và mới đây nhất, nhờ những liên hệ từ bạn bè, từ những người quan tâm đến Thiện Nhân trên khắp thế giới, cả bố mẹ nuôi cùng Thiện Nhân đã lên đường sang Mỹ tìm hướng điều trị cho Nhân. Sau chuyến đi ấy trở về, Thiện Nhân đã có thể đi tiểu được và được lắp chân giả.
Tuy nhiên, từ đây cũng bắt đầu một hành trình mới gian nan mà chỉ với tấm lòng cũng khó có thể vượt qua được. Chị Mai Anh cho biết : Mặc dù đã có một phác đồ điều trị được vạch ra, kể cả việc cấy tạo dương vật và điều trị hóc môn cũng như điều chỉnh chân giả cho Nhân, nhưng cũng không hề đơn giản, bởi trong y văn thế giới chưa hề ghi nhận một người bệnh nào nhỏ tuổi như Nhân.
Các bác sỹ Mỹ cũng coi đây như là một sự kiện y học nếu thành công!
Nhịp cầu của những tấm lòng
Chính Thiện Nhân sau này chắc cũng không thể hình dung được, một thời cái tên của bé đã là sự quan tâm hàng đầu của rất nhiều người, đặc biệt là những người mẹ trẻ trên trang webtretho. Cũng chính tại trang web này, các mẹ đã sớm có ý tưởng tìm cho Nhân một gia đình có đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng cho Nhân trưởng thành, có ích cho đời.
Webtretho là nơi đầu tiên chị Mai Anh tìm thông tin về bé Thiện Nhân, và cũng từ đây, người phụ nữ đôn hậu này đã kết nối được với rất nhiều cá nhân để có thể đến tận Núi Thành đón Thiện Nhân về Hà Nội. Đây cũng là trang web dành tới 65 trang liên tục trong suốt 2 năm thông tin, trao đổi của những ông bố bà mẹ trong cả nước về những diễn biến, sự kiện xung quanh bé Thiện Nhân.
Rất nhiều tờ báo trong và ngoài nước đã dành những bài viết xung quanh Thiện Nhân với những tình cảm thương mến xót xa. Còn nhiều hơn thế là những diễn đàn, những trang web và cả các blogger đã xây dựng những mảnh đất trên mạng để thông tin, kêu gọi ủng hộ cho Thiện Nhân.
Theo thống kê, có 1 website chính thức mang tên “ love Thien Nhan”, 4 blog chính thức, 1 bản sao blog và 39 blog về Thiện Nhân. Đánh tên “Phung Thien Nhan” vào Google sẽ thấy có khoảng hơn 6 triệu tài liệu liên quan. Nếu tìm “bi suc vat can” thì có gần 755.000 tài liệu.
Dù rằng câu chuyện đã có một hướng đi có hậu như bất kỳ cổ tích nào, nhưng thú thật, đọc những dòng tin tức đầu tiên về một hài nhi bị chó cắn bầm dập, mất một chân và bộ phận sinh dục mà vẫn sống sau 72 giờ bị bỏ rơi, bỏ đói, không có chút hơi ấm nào vẫn là một nỗi xót xa, lớn đến nỗi trở thành ám ảnh.
Chính bản năng sống mãnh liệt của một hài nhi đã tạo cảm hứng cho một tên gọi mới cho cậu, đó là “chú lính chì dũng cảm” (đây cũng là tên blog luôn cập nhật những thông tin về Thiện Nhân). Câu chuyện về Thiện Nhân, về những người cha mẹ nuôi mới của Nhân đã được coi như một câu chuyện cổ tích có tên “Thiện Nhân”. Điều Thiện và lòng Nhân đã, đang và sẽ đi suốt cuộc đời của “chú lính chì dũng cảm”.
Và Thiện Nhân đã đi học
Trở về sau chuyến đi Mỹ trị liệu, gia đình Thiện Nhân đã rất xúc động trước lời đề nghị của trường Sunrise Kid sẵn sàng đón nhận cháu và mong muốn chia sẻ việc dạy dỗ và nuôi dưỡng cháu Thiện Nhân. Cháu được nhận học bổng của nhà trường đến năm 6 tuổi, nhà trường đã đưa ra lời đề nghị có tính chất gắn bó và cam kết lâu dài trong việc chia sẻ dạy dỗ và nuôi dưỡng cháu. “Nhân cần sự yêu thương vui vẻ và cần nhất đó là sự nhìn nhận bình thường của mọi người” - Chị Mai Anh mẹ cháu Thiện Nhân nói với các cô giáo của Nhân trong ngày đầu tiên “chú lính chì” đến lớp học.
Có vẻ như Thiện Nhân đang có những ngày đầu tiên đến lớp hệt như những cậu bé cùng trang lứa. Thiện Nhân cần có bạn, cần có môi trường để phát triển thể chất và tâm lý như những người bình thường khác. Còn về lâu dài, chính chúng ta, những người biết câu chuyện này, sẽ là những người cùng viết tiếp câu chuyện cổ tích thời nay có tên gọi là “Thiện Nhân” này.
An Tôn