Wednesday, January 4, 2012

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ cuối: Trả cho con người cuộc sống của họ

Thứ Tư, 04/01/2012, 10:04 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ cuối: Trả cho con người cuộc sống của họ

TT - Là bác sĩ nhi khoa, tôi thường dõi theo các bệnh nhi của mình, dõi theo những kết quả và cả hậu quả việc chữa trị của mình trong cuộc sống của họ. Đó là một hành trình của suy ngẫm, nghiên cứu và sáng tạo.

Bác sĩ Roberto De Castro

Dù chỉ là 1/20 triệu...

Khiếm khuyết bộ phận sinh dục bẩm sinh là một bệnh hiếm gặp. Trên thế giới, tỉ lệ những bé trai mắc bệnh này là rất nhỏ, chỉ 1/20 triệu trẻ sinh ra. Hơn nữa, còn có những bất thường bẩm sinh khác cũng hiếm gặp như vậy. Ngoài ra, còn những tai nạn khác như chấn thương, bị tấn công bởi động vật hay tai nạn khi phẫu thuật...

Tất cả bệnh nhân thiếu may mắn này đều rơi vào những hoàn cảnh vô cùng trớ trêu. Chúng gây ra hậu quả rất rõ rệt về mặt tâm lý lên bệnh nhân và gia đình cũng như những hậu quả xã hội rất nặng nề. Họ đều có nhiễm sắc thể giới tính nam số 46 là bình thường với kiểu gen là XY.

Nền y học phương Tây đã tìm ra được phương pháp chữa trị thực sự hiệu quả cho những trường hợp trên hay chưa? Câu trả lời là chưa, hay là vẫn chưa. Lịch sử y học thế giới cho rằng giới tính nữ phù hợp hơn với những bệnh nhân này. Y học đã can thiệp bằng các phẫu thuật cho bệnh nhân chuyển giới nữ. Bi kịch nối tiếp bi kịch.

Bản thân tôi cũng từng giúp một bệnh nhân chuyển đổi giới tính. Kết quả phẫu thuật rất mỹ mãn nhưng từ trong sâu thẳm tôi không vui. Tôi tự hỏi làm sao con người có thể vui vẻ, hạnh phúc khi phải sống cuộc sống không phải là của họ? Tôi theo dõi trong nhiều năm một số trường hợp chuyển đổi giới tính do khiếm khuyết bộ phận sinh dục và nhận thấy hầu hết họ đều không có được cuộc sống của chính mình.

Theo một số báo cáo đã được chấp nhận, sau thời gian dài được theo dõi, đại đa số bệnh nhân được cho là nữ lại thể hiện một sự chuyển đổi sang các đặc tính nam một cách rất rõ nét trong quá trình phát triển tâm sinh lý. Và họ tự tuyên bố bản thân mình là nam. Không thể thay đổi giới tính bằng liệu pháp điều trị tâm lý và nội tiết.

Thế mà chỉ mới đây thôi, mọi người lại đều tin vào lý thuyết về tâm sinh lý trung lập khi sinh: con người cảm nhận mình là nam hay nữ phụ thuộc vào việc họ mặc quần áo màu xanh hay hồng, được đặt một cái tên nam hay nữ tính, mặc váy hay “đóng thùng”, được chơi súng hay búp bê. Thật là một sai lầm tai hại. Đã có biết bao những bi kịch, những con người khốn khổ và những vụ tự sát trên thế giới xảy ra vì tin theo thuyết này? Ai mà biết sẽ còn bao nhiêu vụ nữa vẫn đang và có thể sẽ xảy ra?

Có hay không một liệu pháp tái tạo dương vật từ sớm để xóa bỏ sự chuyển giới nữ không mong muốn cho những cậu bé không may này? Trong các tài liệu khoa học không hề thấy nhắc đến việc thay thế hay tái tạo hoàn toàn bộ phận sinh dục ở trẻ sơ sinh và trẻ em.

Có phải vì tỉ lệ mắc bệnh rất nhỏ khiến các bác sĩ không cần lưu tâm đến và chọn một biện pháp dễ dàng hơn? Những điều đáng buồn nêu trên đã thôi thúc tôi phải vượt qua những mặt còn hạn chế đó để thực hiện tái tạo cơ quan sinh dục ngoài, để 1/20 triệu cậu bé không may mắn cũng có thể được trở thành đàn ông.

Năm 2001, tôi đã gặp một cậu bé người Yemen 9 tháng tuổi, bị thiếu mất bộ phận sinh dục nhưng vẫn phát triển như một nam giới. Cha mẹ cậu bé chưa bao giờ nghi ngờ về giới tính của con mình, đã yêu cầu tôi thay thế dương vật và tách niệu đạo của cậu bé khỏi trực tràng. Và với cậu bé đó, tại Jeddah, Saudi Arabia, tôi thực hiện ca tạo hình dương vật đầu tiên sử dụng kỹ thuật hạ nắp từ da bụng.

Ba tuần trước ca phẫu thuật của Thiện Nhân, tại Bogotá, Colombia, tôi đã thực hiện ca tạo hình dương vật thứ 25. Khi đến lượt Thiện Nhân, em là ca thứ 26.

Kết luận của tôi sau 10 năm điều trị và theo dõi 25 bệnh nhân của mình: đây là phương pháp có kết quả khả quan và đúng hướng. Nó giúp tránh được sai lầm nghiêm trọng của việc chuyển đổi giới tính và làm giảm đi rất nhiều hậu quả về mặt tâm lý cũng như xã hội tác động lên những bệnh nhân và gia đình. Kỹ thuật này cũng có thể được áp dụng ở những bệnh nhân lớn hơn.

Ban đầu tôi đã bị xét nét và phải nhận khá nhiều lời chỉ trích từ cộng đồng y khoa quốc tế. Tuy nhiên gần đây họ đã nhận ra và đã hiểu được đúng giá trị của những việc tôi làm. Tôi nghĩ điều này sẽ có thể phần nào giúp xóa bỏ những lối suy nghĩ cũ như trước đây.

Cuộc tranh luận giữa những bác sĩ phẫu thuật tái tạo và các nhà tiết niệu học đã dấy lên một câu hỏi: Khi nào thì thích hợp để thực hiện việc tái tạo bộ phận sinh dục? Chúng ta có nên đợi đến khi bệnh nhân đã 16-18 tuổi để có thể sử dụng kỹ thuật tiên tiến đạt chuẩn tốt nhất dưới những điều kiện phù hợp nhất, hay thực hiện phẫu thuật sớm ngay trong giai đoạn sơ sinh hoặc khi trẻ còn nhỏ, ngay cả khi đó chỉ là tạm thời?

Tất nhiên, cá nhân tôi tin tưởng vào phương án thứ hai hơn: phương án tạo hình từ sớm. Những thoải mái về mặt tâm lý và xã hội đối với bệnh nhân và gia đình của họ sẽ át đi khó khăn cho những ca phẫu thuật sau này.

Ca thứ 26 độc nhất vô nhị

Ca phẫu thuật của Thiện Nhân kéo dài tới chín giờ và rất phức tạp. Thế nhưng kết quả lại rất khả quan, tất cả được thực hiện đúng như dự kiến. Thiện Nhân đã hồi phục chỉ sau hai tuần nội trú tại bệnh viện. Đây là trường hợp ngoạn mục, độc nhất vô nhị trong lịch sử y khoa.

Được gặp Thiện Nhân và gia đình thứ hai tuyệt vời của bé là một may mắn lớn với tôi. Cùng với những thương tổn trầm trọng, tôi đã được chứng kiến trí thông minh, sức sống dạt dào, khả năng thích nghi (di chuyển bằng một chân một cách thật phi thường) của bé Thiện Nhân.

Nhân chứng minh mình là một đứa trẻ hiền hòa, hạnh phúc và đồng thời là “một người rất đặc biệt”. Chữ “đặc biệt” này tôi cũng muốn dành tặng chị Mai Anh, mẹ của bé và vợ chồng ngài Craft, cha mẹ đỡ đầu của Thiện Nhân, và cả anh trai Thiên Minh của bé nữa. Tôi thật sự muốn tỏ lòng khâm phục lớn lao với tất cả mọi người, với những việc mà họ đã làm.

Và cũng vì thế, tôi sẵn sàng đến Việt Nam hay Thái Lan hoặc Singapore, hoặc bất cứ nơi nào Mai Anh và Greig Craft có thể tổ chức để giúp các bệnh nhi khác. Tôi đã thực hiện phẫu thuật trên khắp thế giới, chỉ có 5/25 cuộc phẫu thuật đã được thực hiện ở Ý.

Để thực hiện, chỉ cần phải tìm bệnh viện phù hợp có êkip bác sĩ chăm sóc chuyên sâu, bác sĩ nhi gây mê chuyên khoa giỏi và một đội ngũ bác sĩ tiết niệu/bác sĩ phẫu thuật - nhi khoa phù hợp để tiến hành theo dõi. Các bác sĩ đồng nghiệp ấy của tôi cũng có thể tiếp thu kỹ thuật phẫu thuật này mà tôi sẵn lòng chuyển giao.

Nếu có một số lượng lớn trẻ em phải được điều trị, tôi có thể sắp xếp để ở lại trong ba tuần hoặc nhiều hơn, mỗi năm một lần. Về chi phí, vấn đề thật sự phải giải quyết là số lượng trẻ cần điều trị cùng với chi phí cho bệnh viện và các bác sĩ khu vực. Còn với tôi, một tháng làm việc của tôi sẽ chỉ cần xem xét việc di chuyển, ăn ở và thực phẩm.

Vì mục đích tối thượng của tôi là trả một bệnh nhân hạnh phúc về với cuộc sống của mình.

ROBErTO DE CASTRO (từ Bologna, Ý)
TRẦN MAI ANH chuyển ngữ

Tuesday, January 3, 2012

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 9: Bác sĩ Roberto

Thứ Ba, 03/01/2012, 09:35 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 9: Bác sĩ Roberto

TT - Với tôi, ông là giấc mơ thật đẹp hiện ra vào đúng lúc tôi tưởng đã tuyệt vọng trên hành trình dài không biết đâu là điểm kết thúc. Trước khi ông hiện ra, Bệnh viện Texas - một trong những bệnh viện nhi hiện đại nhất nước Mỹ, sau hàng loạt xét nghiệm, hội chẩn đã thông báo: chỉ có thể hi vọng tạo hình bộ phận sinh dục khi Thiện Nhân bước vào giai đoạn trưởng thành.

Bác sĩ Roberto De Castro (phải) cùng Thiện Nhân, Mai Anh và Greig Craft sau ca phẫu thuật định mệnh - Ảnh: Na Hương

Những phút sững người

Đọc bài báo về công trình y học kỳ diệu vừa công bố của bác sĩ Ý Roberto Decastro do các bác sĩ ở Mỹ chuyển cho, tôi cảm động rơi nước mắt. Nhiều trường hợp mất hoàn toàn bộ phận sinh dục như Thiện Nhân đã được ông phẫu thuật và tái tạo thành công, dương vật mới được tái tạo như thật bằng chính da thịt người bệnh, có cảm giác và sẽ phát triển cùng sự phát triển của cơ thể. Tôi đã cùng Greig Craft tra cứu và tìm địa chỉ của bác sĩ Roberto Decastro, gửi thư email làm quen, trình bày với ông về số phận đau đớn và bệnh tình của Thiện Nhân. Rồi chờ đợi.

Nhiều lần lắm rồi chúng tôi đã chờ đợi email gửi đi các bệnh viện trên thế giới. Chờ mãi. Lần này chỉ mấy ngày sau chúng tôi đã nhận được thư của bác sĩ Roberto Decastro, nhanh đến không tin nổi. Tôi và Greig cùng Thiện Nhân lập tức có mặt tại Bệnh viện Bologna ở miền bắc nước Ý xa xôi. Bấy giờ là mùa đông giá lạnh, nhưng kỳ lạ làm sao, phút đầu gặp gỡ với Roberto Decastro thật đầm ấm, thân tình, cứ như thể chúng tôi và ông từng quen biết nhau lâu lắm rồi.

Bác sĩ sẵn lòng nhận điều trị cho Thiện Nhân với chi phí thấp nhất, vào đúng dịp Tết cổ truyền Tân Mão 2011 thể theo nguyện vọng của tôi. Chọn thời điểm phẫu thuật vào dịp tết cổ truyền, vì tết được nghỉ nhiều ngày thuận với một cán bộ viên chức như tôi. Và tôi cũng muốn sau “cuộc phẫu thuật định mệnh” này, một mùa xuân thật sự sẽ đến với con trai Thiện Nhân của tôi. Sau này sang Việt Nam tiến hành các ca phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho các em bé khác có số phận không may như Thiện Nhân, trả lời phỏng vấn báo chí, bác sĩ Roberto cho biết trước khi gặp tôi và Thiện Nhân, qua các đồng nghiệp và qua các phương tiện truyền thông, ông đã biết đến số phận đau đớn kỳ lạ của Thiện Nhân, nhưng khi gặp hai mẹ con tôi ông vẫn sững sờ. Ông nói: “Lúc gặp mẹ con bé Thiện Nhân tại Ý tôi không khỏi sửng sốt và xúc động trước hình ảnh một người phụ nữ bé nhỏ và gầy gò hết sức đã vượt bao nhiêu khoảng cách bằng một niềm tin quyết liệt để đưa đứa con không phải do mình sinh ra đến được nơi giấc mơ sẽ trở thành hiện thực. Đó là một cảm giác rất đặc biệt”.

Và ông đã làm hết sức mình để biến giấc mơ của mẹ con tôi trở thành hiện thực.

Suốt đời tôi không quên cuộc phẫu thuật định mệnh ấy. Cuộc phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục cho Thiện Nhân diễn ra ngày 29-1-2011, ở Việt Nam là 27 tết. Tuyết bay đầy trời. Tôi chờ ở cửa phòng mổ suốt chín giờ và nước mắt cứ tràn ra khi bác sĩ Roberto Decastro bước ra thông báo cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Ông bảo Thiện Nhân là một đứa bé gan dạ hiếm thấy, trước khi chìm vào cơn mê vẫn cắn răng không khóc, chỉ nói đi nói lại một câu gì đó và giọt nước mắt ứa ra.

Rồi ông lại sững người lần nữa khi tôi và Greig Craft đưa ra những tấm ảnh chụp một vài em bé khác ở Việt Nam cũng bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục vì lý do bẩm sinh hoặc vì tai nạn. Mới trải qua chín giờ căng thẳng trong phòng mổ nhưng ông vẫn nhiệt tình nghe tôi và Greig Craft trình bày. Rồi ông nói sẽ sẵn lòng đến Việt Nam.

Ông Bụt cổ tích

Bác sĩ Roberto rất chiều cu Nhân. Nhân nằm lịm đi suốt mấy ngày sau phẫu thuật với các ghim khâu bằng kim loại dập chi chít quanh bụng. Nhân đau nhưng cố chịu, không muốn các y tá thay băng mà nhờ anh Thiên Minh đề nghị chính bác sĩ Roberto. Bác sĩ cứ cười mãi vì mới tí tuổi đầu Nhân đã biết ai là người quan trọng. Ngày nào ông cũng tới thay băng cho Nhân và với sự trợ giúp phiên dịch của Thiên Minh.

Là bác sĩ nhi khoa, Roberto tâm lý đến không ngờ. Ông tặng Nhân một chú chó bông rất đẹp để làm bạn trên giường bệnh sau khi biết Nhân sinh năm Tuất theo cách gọi phương Đông. Ông tặng Thiên Minh bộ cờ sau khi nhận xét Minh học giỏi toán và nói rằng quà này là vì Thiên Minh đã thương yêu, động viên Nhân mỗi ngày. Sau cuộc phẫu thuật, cu Nhân về Việt Nam rồi, mỗi tuần, mỗi tháng tôi lại gửi sang một bức ảnh chụp bộ phận phẫu thuật của cu Nhân để bác sĩ theo dõi và hướng dẫn việc chăm sóc.

Là người mẹ, tôi thường lo cuống cuồng mỗi khi thấy vết mổ của Thiện Nhân có biểu hiện khang khác. Đêm cũng như ngày, tôi gửi email SOS cầu cứu bác sĩ. Chưa bao giờ bác sĩ Roberto mất kiên nhẫn với những lo lắng thái quá của người mẹ như tôi. Ông gửi thư lại ngay, chia sẻ, phân tích, hướng dẫn. Đã được chứng kiến bác sĩ Roberto vào phòng mổ liền một mạch từ sáng đến chiều tối, rồi mai lại tiếp tục, rồi các chuyến bay từ nước này sang nước khác... tôi càng hiểu những phút giây dung dị ông dành cho Thiện Nhân và các anh của Thiện Nhân là vô giá.

Sau này có nhiều dịp tâm sự, tôi mới biết ông cũng cho rằng cuộc gặp mẹ con tôi và phẫu thuật cho Thiện Nhân là định mệnh. Ông giải thích: sau cuộc phẫu thuật đó, ông đã lần đầu đặt chân đến, rồi yêu, rồi gắn bó với Hà Nội, với Việt Nam - đất nước xa xôi từng trải qua những năm tháng dài chiến tranh ác liệt. Đợt đầu tiên cùng với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành của Việt Nam khám và tư vấn cho các bệnh nhi, ông đã sửng sốt vì ở Việt Nam số em có số phận đau đớn vì bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục như bé Thiện Nhân lại nhiều đến thế. Những hơn 100 em đến khám đợt đầu tiên, đó là tỉ lệ bệnh nhân bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục cao nhất trên thế giới. Ông cho rằng không chỉ là dị tật bẩm sinh, tai nạn mà còn có thể do hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh nữa.

Lần thứ hai trở lại, trong vòng 11 ngày ông đã tiến hành 31 ca mổ, có ca kéo dài suốt 12 giờ, mang lại 31 niềm hi vọng. Ông còn thuyết trình về công trình của mình trong mục đích chuyển giao công nghệ tái tạo bộ phận sinh dục tại hội trường Bệnh viện Nhi trung ương Hà Nội với sự tham dự của hơn 100 đồng nghiệp Việt Nam. Sau ca mổ cuối cùng, trước chuyến bay về Ý, ông đã đến tận nhà thăm bé Thiện Nhân. Ông ngạc nhiên vô cùng khi thấy Thiện Nhân vừa trải qua cuộc phẫu thuật lại đang chăm chú tập viết để chuẩn bị vào lớp 1. Bé đã cặm cụi vẽ tặng bác sĩ Roberto Decastro bức tranh trong tưởng tượng về hình ảnh ông đang đứng bên bàn mổ. Bác sĩ Roberto Decastro hết sức xúc động. Ông nói sẽ để bức tranh cu Nhân vẽ tại phòng làm việc ở Bệnh viện Bologna.

Rồi tháng 4-2012 ông sẽ trở lại Việt Nam lần thứ ba để tiếp tục công việc mà ông bảo là “để mọi người đều được sống đúng với cuộc sống của mình”.

TRẦN MAI ANH

Monday, January 2, 2012

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 8: Những người đồng hành

Thứ Hai, 02/01/2012, 10:00 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 8: Những người đồng hành

TT - Con đường hạnh phúc của Thiện Nhân đang có rất nhiều người đồng hành. Và trên con đường ấy, từ những bước đầu tiên đã có hai người. Hai người mà Thiện Nhân gọi là daddy (cha) và mẹ.

Hai người mà Mai Anh bảo họ đã trở thành một phần của cuộc đời chị, phần không thể thiếu trong hành trình Thiện Nhân: Greig Craft và Na Hương.

Thiện Nhân trong vòng tay Greig Craft - một người Mỹ rất yêu trẻ em và rất yêu VN - Ảnh tư liệu gia đình M.A.

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới
>> Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích
>> Kỳ 7: Hành trình của sẻ chia

Câu chuyện giữa những người đàn ông

Hỏi “phần không thể thiếu” nghĩa là thế nào, Mai Anh trả lời bằng một câu chuyện: Một đêm, giật mình tỉnh giấc vì tiếng Thiện Nhân khóc thút thít, răng cắn chặt vào gối, mẹ hỏi mãi Nhân vẫn một mực lắc đầu, nước mắt vẫn chảy tràn trên má.

Cực lòng lắm nhưng mẹ Mai đành đánh thức anh Thiên Minh dậy để tâm sự với Nhân. Hai anh em ôm nhau lâu lắm, nhưng rồi Nhân cũng chỉ hé ra một lời: “Nhân buồn”.

“Nhân là một đứa bé nhạy cảm, rất nhạy cảm nên tôi biết đã có chuyện gì không ổn. Những lúc thế này, người đầu tiên tôi nghĩ tới là Greig, “daddy” của Nhân” - Mai Anh kể tiếp. Greig đặt Nhân ngồi khoanh chân trên bàn làm việc của ông, mặt đối mặt và cả hai cùng bập bẹ, khoa tay, tròn mắt, chúm môi.

Greig biết vài từ tiếng Việt, Nhân biết vài từ tiếng Anh và bên cạnh là “phiên dịch viên” Na Hương, vợ của Greig, mẹ đỡ đầu của Nhân. Cuối cùng mẹ Mai Anh đã hiểu được phút yếu lòng của con trai: Nhân đã dũng cảm trải qua nhiều lần phẫu thuật và đã đủ lớn để biết rằng sẽ còn phải “đi mổ” nhiều lần nữa. Mạnh mẽ bao nhiêu khi nằm lên bàn phẫu thuật để mẹ yên tâm, thì những lúc giật mình nhớ đến sự đau đớn Nhân lại yếu ớt bấy nhiêu.

Mai Anh không khỏi tràn nước mắt khi được nghe lại tâm sự của con, một cậu bé chưa tròn 5 tuổi. Nhưng Mai Anh cũng yên tâm vì bố Greig bảo “đã thống nhất xong với Nhân, câu chuyện giữa những người đàn ông” là daddy sẽ luôn ở bên con, sẽ viết thư cho bác sĩ Roberto giúp cho “con chim” mọc thật nhanh, là daddy sẽ làm cho con cái chân giả, tất nhiên không thể là chân thật nhưng con sẽ đi lại, chạy nhảy và còn đá bóng rất giỏi nữa...

Là người sáng lập Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Greig Craft đặc biệt chú trọng đến sức khỏe và những nguy cơ thương vong với trẻ em. Từ năm năm trước, ông đã biết đến trường hợp của Thiện Nhân, đã lặn lội đến tận Núi Thành, Quảng Nam để thăm em và quyết tâm sẽ tìm cách giúp đứa bé bất hạnh này. Ngay sau đó ông bị cuốn vào các hoạt động cứu trợ bão Chanchu, động đất Haiti, khi trở về trên chuyến bay ông đọc được tin Thiện Nhân đã được đón về Hà Nội, đã được gọi Mai Anh là mẹ.

Greig vẫn tiếp tục dự định của mình: nhận Thiện Nhân làm con và đồng hành cùng Mai Anh trên con đường giúp Nhân tìm lại cuộc đời. Cùng với Greig, Na Hương, khi ấy đang làm việc tại Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cũng hào hứng đi chung đường.

Thế là đã năm năm ba người có chung một nỗi lo: lo tìm bác sĩ khắp các bệnh viện liên quan ở các nước, lo sắp xếp các chuyến đi phẫu thuật dài ngày ở nước ngoài, lo thu xếp kinh phí... Cả ba người cùng nhau đưa Nhân bôn ba qua các bệnh viện Thái Lan, Singapore, Đức, Mỹ, Ý, cùng lau nước mắt thất vọng, cùng nhảy lên khóc vì vui sướng trong mỗi chặng đường tìm lại người đàn ông của Nhân.

Nhân còn bé nhưng đã hiểu mình có những bí mật và chỉ chia sẻ với những ai thật thân thiết. Ngoài mẹ, ông bà ngoại, hai anh trai, chỉ có daddy và Na Hương được Nhân đồng ý cho chăm sóc thân thể mình mà thôi.

Nhân chỉ an tâm đồng ý phẫu thuật, đồng ý khám, xét nghiệm khi có daddy gật gật đầu, nắm ngón tay Nhân và nói đi nói lại: “Daddy yêu con”. Mới đây, khi bước đi được bằng cây nạng mà daddy mua từ ba năm trước, câu đầu tiên Nhân hớn hở: “Mẹ gọi cho daddy, Na Hương đi!”.

Na Hương cũng là người đầu tiên mà Mai Anh đã gọi trong cái đêm Nhân phải đi cấp cứu khi trong nhà chỉ có bốn mẹ con. Nửa đêm, Na Hương đã phóng xe máy xuyên qua nửa thành phố để đến trông Thiên Minh, Hải Minh cho mẹ Mai an tâm đưa Nhân vào viện. Na Hương cũng là người đầu tiên thông báo cho Hội Thiện Nhân khi chính “mẹ Còi” Mai Anh phải đi cấp cứu, là người đôn đáo lo lắng không kém Mai Anh trong những đợt “tìm tiền” phẫu thuật...

Bao nhiêu ngày tháng cùng nhau đi trên hành trình Thiện Nhân ấy, hạnh phúc đã mỉm cười với họ: Na Hương đã thành vợ của Greig.

Không được bỏ qua cơ hội

“Ba người chúng tôi chỉ có yêu nhau và yêu Nhân” - Mai Anh bảo vậy. Thế nhưng đã không ít lần họ tranh cãi với nhau nảy lửa, bằng tiếng Anh rồi sang tiếng Việt, rồi giận nhau bằng nước mắt, rồi làm hòa cũng bằng nước mắt. Ấy là những khi quá trình điều trị cho Nhân gặp những khó khăn về tài chính tưởng không vượt qua nổi, những khi cả Mai Anh cũng thấy mỏi mệt vì hành trình cứ hun hút không biết đâu là điểm cuối, và yếu lòng trước những cơn đau mà bé Thiện Nhân phải nghiến chặt răng...

Và họ vẫn cùng nhau đi.

Mai Anh kể về lần chuẩn bị đưa Nhân sang Ý phẫu thuật. Cầm danh sách hàng trăm người đóng góp cho Thiện Nhân, chị chợt thấy lòng mình trĩu nặng những món nợ ân tình, và vai lại trĩu nặng hơn nữa khi nhận được thư tâm sự của các bà mẹ khác cũng có con bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Mai Anh đã tìm đến Greig. Greig đã bảo Mai Anh trước hết hãy sử dụng vị trí của người đồng cảnh để chia sẻ những nỗi đau đang được giấu kín, sau nữa là thu thập các hồ sơ, bệnh án để tìm cơ hội.

Cơ hội ấy là cái gật đầu của bác sĩ Roberto De Castro. Và để nhân cơ hội ấy lên, Greig Craft đã chấp nhận để chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” trở thành một dự án của Quỹ phòng chống thương vong châu Á.

Khi bác sĩ Roberto chọn ra 31 ca có thể thực hiện phẫu thuật trong đợt 1 tháng 11-2011, là lúc mà sự căng thẳng giữa ba người yêu nhau ấy lên đến đỉnh điểm. Bao nhiêu phương án đặt ra cũng không giải quyết nổi vấn đề tài chính. Các email qua lại rắc đầy những dấu hỏi và những dấu cảm. Mai Anh, Na Hương đã đề nghị biện pháp dung hòa: có tiền đến đâu làm đến đấy, và lúc đó họ chỉ có thể trang trải chi phí cho năm bệnh nhân mà thôi. Nhưng Greig kiên quyết không đồng ý.

Ông lập luận: khi chỉ cần một hay vài cuộc phẫu thuật là có thể thay đổi số phận một con người, đó là một cơ hội lớn. Và bác sĩ Roberto đã cho cơ hội đó. Không lý do nào cho phép chúng ta bỏ qua hay làm chậm cơ hội đó lại. Mai Anh hiểu rằng Greig đã trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn chị. Với công việc của mình, ông đã chứng kiến những tích tắc khi tai nạn, thiên tai ập đến và những cuộc đời bị cướp đi. Ông thấu hiểu thế nào là cơ hội.

Và hành trình nhọc nhằn để nắm lấy cơ hội lại được ba người tiếp tục, cùng ước “mỗi ngày có thêm 48 giờ nữa để chăm sóc được hết các bệnh nhi”, và kéo thêm những người bạn đồng hành.

Mạnh mẽ như Mai Anh vẫn có những phút yếu lòng, và một trong những phút ấy là: “Mỗi khi cả Greig và Na Hương đi vắng, đến giờ máy bay cất cánh rời khỏi đường băng, tôi thật sự thấy hụt hẫng, cô đơn như bị bỏ lại ở cuộc đời này. Dù chuyến đi của họ ít hay dài ngày, cảm giác của tôi vẫn vậy. Họ không chỉ là gia đình mà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi”.

Mai Anh không đồng ý gọi Greig và Na Hương là “bạn đồng hành” trên hành trình Thiện Nhân. Với chị, họ là người đồng hành cùng tình yêu.

PHẠM VŨ

Sunday, January 1, 2012

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 7: Hành trình của sẻ chia

Chủ Nhật, 01/01/2012, 09:30 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 7: Hành trình của sẻ chia

TT - Với Thiện Nhân, đợt mổ tới này sẽ là lần quan trọng nhất, quyết định nhất với các chức năng của “con chim xinh xinh” mà em đã cắn răng chịu đau bao nhiêu ngày đêm để có được.

Thiện Nhân (thứ ba từ trái sang) và các bạn ở lớp mẫu giáo - Ảnh: gia đình cung cấp

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới
>> Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích

Lịch uống thuốc, truyền nước của Nhân được mẹ Mai Anh dán lên tờ lịch ngay đầu giường ngủ. Mỗi lần thực hiện điều trị, Nhân lại hỏi: “Các bạn khác cũng làm như vậy à?”. Mai Anh tỏ ra rất hài lòng vì Nhân đã biết nghĩ đến người khác...

Bao giờ đến tháng 4?

Trong xóm công nhân ở Tân Tạo, Bình Tân, TP.HCM, phía sau một cánh cửa phòng trọ người ta hay thấy khuôn mặt sáng sủa, linh lợi mà u buồn của một cậu bé lấp ló nhìn ra. Bé Sơn năm nay 4 tuổi, hiếu động và nhanh nhẹn như bao bạn trai khác, nhưng Sơn lại chưa bao giờ được đến trường mẫu giáo, chưa bao giờ được đi chơi công viên.

Một ngày của Sơn gắn liền với cái bô và tuýp thuốc trị lở loét. Sinh ra với khiếm khuyết, cha mẹ đã đưa Sơn ra vào bệnh viện như đi chợ, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã phẫu thuật đi phẫu thuật lại tới ba lần vẫn chưa sửa chữa được những bất thường: em không có cảm giác, không điều khiển được đường bài tiết, cơ thể lại không có các “van” giữ khiến những gì em ăn vào cứ bị thải ra liên tục ngày đêm. Không có nhà trẻ nào chịu trông giữ Sơn cả, mẹ vốn là công nhân, buộc phải nghỉ làm để chăm sóc con. Tiền lương thợ hồ của anh Du, cha Sơn, phải dùng một nửa vào việc mua tã và thuốc cho con. “Nhưng xoay thế nào cũng không đủ, đóng tã suốt ngày đêm vừa tốn kém, con lại bị hăm lở nặng thêm. Xót ruột lắm nhưng chúng tôi đành cho con ngồi trên cái bô suốt ngày...” - anh Du thở dài. Không cần hỏi cũng biết về nỗi bứt rứt, khó chịu của cậu bé bị giam chân, Sơn đã ý thức được tật bệnh của mình nên chỉ im lặng ngóng ra cửa. Sáng sáng, nhìn theo các bạn cùng lứa tuổi tung tăng balô cặp xách, Sơn nói thầm với mẹ: “Con muốn đi học”.

Tên của Sơn đã được đưa vào danh sách phẫu thuật tháng 4-2012. Nghe bố bảo vậy, Sơn vui lắm. Mùa cuối năm ai cũng chộn rộn, nhưng Sơn ngoan ngoãn trên cái bô của mình để chờ đến tháng 4.

Trong khu xóm lao động ở Dĩ An, Bình Dương, bé Thảo Nhi cũng đang đếm từng ngày kể từ khi lá thư của mẹ được gửi đến địa chỉ của cô Mai Anh ở Hà Nội. Là con gái, Thảo Nhi đã biết tự chăm sóc bản thân, tự lau rửa, thay tã mỗi bốn giờ một lần, biết tự sắp xếp đi học. Những ngày cuối năm, bạn bè cùng học lớp 2 mơ về búp bê, áo mới, Thảo Nhi viết thư gửi ông già Noel: “Ông cho con khỏi bệnh, để bạn bè không gọi con là đồ đái dầm”.

Thư gửi đã tới nơi, Thảo Nhi cũng đã được mời khám vào đợt này.

Lên danh sách thăm khám, phẫu thuật lần 1, lần 2 theo chỉ định của bác sĩ, hồ sơ bệnh án, cập nhật tình trạng mỗi ngày, mỗi tuần... quá nhiều công việc nên Mai Anh, Na Hương, Thy Hằng, Như Huyền và các tình nguyện viên khác phải luân phiên, chia nhau thực hiện. Tiệc buffet cuối năm để tổ chức quyên góp cũng đã được lên kế hoạch. Đọc các email trao qua đổi lại giữa những người làm chương trình, người ta nhận ra nỗi lo lắng về gánh nặng tài chính lại đi song hành với sự ung dung, tự tin “mình làm được”. Như khi Na Hương viết cho Mai Anh: “Tính cho tháng 4 thì đã có những khoản sau: Van Phu land 7.500; 1.300 event đợt 1 ở Maison Sen; 2.500 event đợt 2 ở Press Club... Vậy là còn thiếu 50.000 USD nữa nhé”. Mai Anh bật cười: “Cái này là đếm cua trong lỗ ấy mà, thật ra chưa có đồng nào trong tổng số chi phí 75.000 USD ước tính cho đợt tháng 4 này”.

Nhưng ung dung cũng có lý của nó, nhất là khi đọc những dòng mà mẹ Mai Anh đã viết cho Thiện Nhân.

Hành trình của Thiện Nhân

“Mẹ đã thay mặt con đón tiếp một bà cụ bị bệnh chắt chiu lên bệnh viện thành phố nhưng đến thăm con trước ngày đi mổ để nhìn thấy con, để sờ sờ, nắn nắn cổ chân con và để không phải ân hận nếu không còn cơ hội nhìn con sau ca mổ.

Mẹ đã thay mặt con nhận tờ 50.000 đồng của một người đàn ông quần áo bẩn và rách một ngày ngấp ngó trước cửa nhà mình. Một người không dám bước đôi chân lam lũ vào căn nhà đẹp hơn biết bao lần cái xó nhà trọ. 50.000 đồng với mình là một ngày đi chợ nhưng với họ là cả một gia tài.

Mẹ đã thay mặt con nghe cuộc điện thoại của một cô gái tuyệt vọng trong đêm với một đứa con bé nhỏ trên tay chỉ để nghe cô gái khóc lóc rồi không biết số phận họ đã thế nào.

Mẹ cũng đã thay mặt con nhận sự hi sinh của hai anh con nữa. Các anh chia cho con đồ chơi, cùng mút chung nhau cái kẹo, các anh vỗ về và ôm nựng mỗi khi con bị ngã đau và các anh chia cho con bố mẹ.

Con trai bé bỏng ơi, con đã nhận được biết bao sẻ chia thì mẹ nhận về ngần đấy những nặng trĩu. Mẹ đã mang nợ ân nghĩa của ngần đấy những tấm lòng trên cõi đời này.

Mẹ đã thấy mẹ là một quản đốc suýt nữa phạt lương của một công nhân nhưng nhận ra người đàn ông với tờ 50.000 đồng hôm đó. Mẹ đã thấy mẹ là một bác sĩ bước vào ca phẫu thuật cho một bà già nhà quê không có ai thân quen gửi gắm, nhưng là bà cụ đã nắm nắm cái chân con. Mẹ thấy mình là một người đàn ông mạnh mẽ và bao dung làm chỗ dựa cho cuộc đời của hai số phận không biết đã đi về đâu đêm hôm đó.

Và hôm nay tình cờ mẹ biết một bé gái ở Gia Rai vừa nhận được 500.000 đồng giúp đỡ gửi tới dưới tên của con, Thiện Nhân ạ. Mẹ không gửi, Thiện Nhân cũng không gửi, mà số tiền này đã được ai đó gửi đi với mong muốn thay mặt con trai Thiện Nhân làm điều tốt lành và tích phước cho con đấy. Các bố mẹ, anh chị của con đã vì con mà tự nguyện giúp mẹ làm vơi bớt gánh nặng đời này.

Hành trình của con là một hành trình dài nhưng không có nghĩa là một hành trình ích kỷ. Sức mạnh của tình yêu thương từ bao tấm lòng con đang được nhận đó sẽ là điểm tựa cho con sức mạnh và cơ hội để chàng trai của mẹ biết trắc ẩn và sẻ chia”.

Cơ hội để tiếp nối, nhân lên những sẻ chia ấy, Mai Anh cùng các bố mẹ khác của Thiện Nhân cũng lại đang thay mặt em thực hiện. Hành trình của sẻ chia thì làm sao có thể không được ủng hộ, không được tiếp nối, không được chung tay? Cái lẽ đời ấy đã khiến Mai Anh, Na Hương,

Greig cứ ung dung hoạch định những kế hoạch của mình với cái túi rỗng. Một bản đăng ký thành lập “Quỹ tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” cũng đã được chuẩn bị, nhưng “Mình không có 1 tỉ đồng để ký quỹ như quy định nên quỹ chưa thành hình được, mà nếu có 1 tỉ đồng thì...” - mắt Mai Anh trở nên mơ màng. Một ca mổ cho Nhân ở Ý chị đã phải lo đến 1 tỉ rưỡi, nhưng sau khi mời được bác sĩ về đây, chi phí cho một ca mổ tại Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn xấp xỉ 50 triệu đồng. Có 1 tỉ, Mai Anh sẽ chi trả chi phí ngay cho 20 em.

Tuyệt vọng rồi hi vọng, bất hạnh rồi lại hạnh phúc, nhận rồi lại cho đi, rồi lại nhận... những được mất cuộc đời cứ hiển hiện thật rõ ràng khi theo dõi hành trình Thiện Nhân, hành trình của sẻ chia, hành trình biến những câu chuyện thật thành cổ tích.

PHẠM VŨ

Saturday, December 31, 2011

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích

Thứ Bảy, 31/12/2011, 09:36 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích

TT - Không có tiền, không có tài trợ, không có chuyên môn, không có kinh nghiệm nhưng Mai Anh, Greig và những thành viên khác của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn lao vào cuộc. Một lần mời bác sĩ đến là một lần khó, Mai Anh quyết tận dụng cơ hội này cho những số phận không may khác.

Bé Thiện Nhân và bà ngoại cùng miệt mài với công việc phân loại, gắn mã số cho từng hồ sơ của “các bạn bị bệnh giống con” - Ảnh: P.VŨ

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới

Lại thêm một bạn như con

Tập hợp những tin tức từ báo chí, Mai Anh chủ động tìm địa chỉ, liên lạc đến từng nhà của các cậu bé đã bị tai nạn như Thiện Nhân. Hồ sơ của Trường (Hưng Yên), Danh (Khánh Hòa) lập tức được gửi đến. Thông báo trên mạng, thêm một số bà mẹ nữa tìm đến hỏi trường hợp con mình. Vẫn chưa yên tâm, khi các báo đài đến làm phóng sự về Thiện Nhân, Mai Anh lại tranh thủ giới thiệu mong muốn của mình. Bà mẹ Mai Anh vốn quen lối sống kín đáo, quây quần cùng con cái bỗng xuất hiện mạnh dạn trên các chương trình Sắc màu cuộc sống, Người xây tổ ấm và cả Chiếc nón kỳ diệu. Nhiều người ngạc nhiên, Mai Anh gật đầu bảo chính chị cũng ngạc nhiên, nhưng tất cả là vì sự nghiệp “tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may”.

Hồ sơ ào ạt gửi đến. Chuông cửa nhà Mai Anh reo liên tục với vị khách thường xuyên là bác đưa thư. Ban đầu Mai Anh dành thời gian buổi tối để đọc, đánh số, phân loại, dịch thuật để tập hợp gửi sang bác sĩ. Nhưng rồi tập hồ sơ đợi chị mỗi tối cứ dày lên trông thấy. Xót con gái rạc người thức đêm, mẹ chị lao vào cuộc. Bà học Mai Anh cách phân loại, đánh số, kiểm tra từng hồ sơ, liên lạc với từng gia đình để hướng dẫn bổ sung những thiếu sót. Là một giáo viên đã cả đời làm việc với trẻ con, là một nhà thơ mẫn cảm, nhiều lần bà Bùi Kim Anh, bà ngoại của Thiện Nhân, đã khóc.

Có tập hồ sơ dày những hình ảnh, bệnh án, chi chít con dấu bệnh viện, gọi lại, bà chỉ nghe những tiếng nức nở của người cha, người mẹ. Có cái lại chỉ một lá thư viết tay nguệch ngoạc, không cả xác nhận của địa phương, gọi điện chỉ nghe vài câu ngập ngừng: “Cháu sợ đi xác nhận thì nhiều người biết, tội cho con sau này”... Rồi cả Thiện Nhân, Hải Minh, Thiên Minh cũng sà vào giúp bà dán mã hồ sơ. Được bà giảng giải ý nghĩa những tập giấy này, Thiện Nhân tỏ ra hiểu biết lắm. Mỗi lần thấy bác đưa thư ngừng lại trước cửa, bé thở dài nghiêm nghị như người lớn: “Lại có thêm một bạn giống cháu đấy, bà ạ”.

Số hồ sơ lên đến hàng trăm, không chỉ của trẻ em mà cả người lớn, Mai Anh bảo chị không ngờ lại có nhiều trường hợp dị tật, tai nạn khiếm khuyết bộ phận sinh dục đến như thế. Điện thoại cá nhân, điện thoại nhà riêng của chị reo không ngừng với đủ loại câu hỏi, hộp thư điện tử đầy ắp những thông tin, hình ảnh, thắc mắc mỗi sáng. Cửa nhà Mai Anh cũng phải mở thường xuyên hơn vì nhiều phụ huynh nhầm tưởng chị là chuyên gia, bác sĩ, mang con đến nhờ khám giúp; lại có cả những chàng trai, những cô gái đã mấy chục năm âm thầm giấu kín khiếm khuyết của mình tìm đến khẩn khoản.

Mai Anh phải tuyển chọn thêm tình nguyện viên giúp sức, chuyển hộp thư của chương trình sang địa chỉ Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, phải sắm một số điện thoại riêng để trả lời tư vấn... Mai Anh bắt đầu có biệt danh mới “tiến sĩ... chim cò”, do bạn bè chị ở tạp chí Heritage trêu đùa đặt cho, ngoài cái tên mẹ Còi mà Hội Thiện Nhân thường yêu thương gọi. Gần đến cái hẹn mời bác sĩ sang khám bệnh, sang phẫu thuật, gánh của chương trình càng nặng. “Nhưng phải cố thôi, là mẹ của Thiện Nhân nên tôi hiểu rõ nỗi đau của các cha mẹ khác, các em bé khác. Khó mấy cũng không thể dừng lại...”, Mai Anh nói về những ngày “choáng váng” ấy.

Bệnh viện đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhi trung ương mở rộng cửa đón các bệnh nhân. Phòng bệnh, phòng phẫu thuật được dành ưu tiên. Hội thảo khoa học “Phẫu thuật tiết niệu - sinh dục” quy tụ các bác sĩ chuyên khoa đầu ngành tại Việt Nam cũng được tổ chức. Cùng với cơ hội tìm lại sự trọn vẹn hình hài, sống đúng cuộc đời mình của các bệnh nhân thì đây cũng là cơ hội cho y học Việt Nam trở thành nơi đầu tiên trong khu vực được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật đặc biệt này. Bác sĩ Roberto rất sẵn lòng chia sẻ.

Mọi cánh cửa dường như đều mở rộng. Vấn đề còn lại chỉ là kinh phí, và chính là vấn đề đau đầu nhất.

Phép lạ là có thật

Ngoài tiền vé máy bay, tiền ăn ở khách sạn của các bác sĩ, Mai Anh còn khéo léo sắp xếp vài chuyến du lịch ngắn để giới thiệu với bác sĩ Roberto những hòn đảo thơ mộng ở Hạ Long, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Sa Pa. “Nghề của dân Heritage mà” - chị cười. Nếu chỉ có ngần ấy thì Mai Anh và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á vẫn xoay xở được với những dự án của mình. Nhưng còn tiền phải chi trả bệnh viện, tiền thuốc uống, thuốc tiêm, thuốc truyền, tiền xét nghiệm, tiền lưu trú, tiền bồi bổ cho bệnh nhân, tiền di chuyển của bệnh nhân và thân nhân ở khắp mọi nơi...

Hầu hết các bộ hồ sơ đều được gửi đến từ những bậc cha mẹ rất nghèo ở những vùng sâu vùng xa, những phụ huynh đã sử dụng hết các khoản tiền mình có được để chạy chữa cho con và rồi lại rơi vào vô vọng. Lá thư nào cũng khẩn thiết chờ đợi một phép lạ tái sinh và hầu như tất cả đều “trăm sự nhờ chương trình giúp đỡ”. Trong gần 200 bộ hồ sơ đã được chọn để thăm khám, chuẩn bị phẫu thuật theo từng đợt, đếm ra con số có ghi chú: “tự chi trả chi phí phẫu thuật” chưa đầy một bàn tay.

Khó khăn chừng như vượt quá dự liệu của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, oằn thêm đôi vai gầy của Mai Anh. Nhưng một việc đã bắt đầu thì không thể dừng lại, đã đọc những lá thư đẫm nỗi đau con người ấy thì không thể từ chối chỉ vì thiếu tiền. Phép lạ sinh ra trong phẫu thuật từ bàn tay bác sĩ và cổ tích sinh ra từ lòng người. Greig Craft đến các đối tác của ông trong Quỹ Phòng chống thương vong châu Á để giới thiệu chương trình.

Mai Anh, Na Hương và bạn bè chị đứng ra tổ chức đêm Gala Dinner gây quỹ, nhiều ca sĩ như Thanh Lam, Văn Mai Hương, Thanh Bùi nhiệt tình hưởng ứng. Hội Thiện Nhân kêu gọi đóng góp trên mạng, danh sách dài ra đến hàng trăm. Những ý tưởng khác như in lịch, truyện tranh về “Thiện Nhân và các bạn” được bàn bạc sôi nổi và triển khai... Xoay xở suốt mấy tháng cho đến khi gần đủ thì ứng tiếp vào tiền lương tháng, đi ký nợ bệnh viện, cuối cùng cái mốc thăm khám tháng 8-2011 và đợt phẫu thuật lần thứ nhất tháng 11-2011 cũng diễn ra tốt đẹp.

Không có bệnh nhân và thân nhân nào biết được những khó khăn ấy. Những nụ cười và những giọt nước mắt của các bệnh nhân, trai và gái, còn nhi đồng và đã trưởng thành, những xuýt xoa về một phép lạ có thật đến sau ca phẫu thuật của những ông bố bà mẹ đã bao đêm tuyệt vọng với tương lai của con... đã bù đắp lại nhọc nhằn, hi sinh của những người thực hiện chương trình. Giai đoạn hậu phẫu công việc lại càng dồn dập hơn. Các tình nguyện viên phải đặt lịch luân phiên gọi điện đến các bệnh nhân để thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc vết thương cho đến khi lành, hướng dẫn chuẩn bị cho ca mổ đợt sau, làm cầu nối liên lạc với bác sĩ để xử lý các sự cố...

Và công việc chuẩn bị cho đợt mổ thứ hai vào tháng 4-2012 lại tất bật bắt đầu.

PHẠM VŨ