Monday, January 2, 2012

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 8: Những người đồng hành

Thứ Hai, 02/01/2012, 10:00 (GMT+7)

Hành trình Thiện Nhân - Kỳ 8: Những người đồng hành

TT - Con đường hạnh phúc của Thiện Nhân đang có rất nhiều người đồng hành. Và trên con đường ấy, từ những bước đầu tiên đã có hai người. Hai người mà Thiện Nhân gọi là daddy (cha) và mẹ.

Hai người mà Mai Anh bảo họ đã trở thành một phần của cuộc đời chị, phần không thể thiếu trong hành trình Thiện Nhân: Greig Craft và Na Hương.

Thiện Nhân trong vòng tay Greig Craft - một người Mỹ rất yêu trẻ em và rất yêu VN - Ảnh tư liệu gia đình M.A.

>> Kỳ 1: Xin một vé đến trưởng thành
>> Kỳ 2: Hi vọng từ Thiện Nhân
>> Kỳ 3: Vì tôi là mẹ
>> Kỳ 4: Chú lính chì dũng cảm
>> Kỳ 5: Vòng quanh thế giới
>> Kỳ 6: Nhọc nhằn trang cổ tích
>> Kỳ 7: Hành trình của sẻ chia

Câu chuyện giữa những người đàn ông

Hỏi “phần không thể thiếu” nghĩa là thế nào, Mai Anh trả lời bằng một câu chuyện: Một đêm, giật mình tỉnh giấc vì tiếng Thiện Nhân khóc thút thít, răng cắn chặt vào gối, mẹ hỏi mãi Nhân vẫn một mực lắc đầu, nước mắt vẫn chảy tràn trên má.

Cực lòng lắm nhưng mẹ Mai đành đánh thức anh Thiên Minh dậy để tâm sự với Nhân. Hai anh em ôm nhau lâu lắm, nhưng rồi Nhân cũng chỉ hé ra một lời: “Nhân buồn”.

“Nhân là một đứa bé nhạy cảm, rất nhạy cảm nên tôi biết đã có chuyện gì không ổn. Những lúc thế này, người đầu tiên tôi nghĩ tới là Greig, “daddy” của Nhân” - Mai Anh kể tiếp. Greig đặt Nhân ngồi khoanh chân trên bàn làm việc của ông, mặt đối mặt và cả hai cùng bập bẹ, khoa tay, tròn mắt, chúm môi.

Greig biết vài từ tiếng Việt, Nhân biết vài từ tiếng Anh và bên cạnh là “phiên dịch viên” Na Hương, vợ của Greig, mẹ đỡ đầu của Nhân. Cuối cùng mẹ Mai Anh đã hiểu được phút yếu lòng của con trai: Nhân đã dũng cảm trải qua nhiều lần phẫu thuật và đã đủ lớn để biết rằng sẽ còn phải “đi mổ” nhiều lần nữa. Mạnh mẽ bao nhiêu khi nằm lên bàn phẫu thuật để mẹ yên tâm, thì những lúc giật mình nhớ đến sự đau đớn Nhân lại yếu ớt bấy nhiêu.

Mai Anh không khỏi tràn nước mắt khi được nghe lại tâm sự của con, một cậu bé chưa tròn 5 tuổi. Nhưng Mai Anh cũng yên tâm vì bố Greig bảo “đã thống nhất xong với Nhân, câu chuyện giữa những người đàn ông” là daddy sẽ luôn ở bên con, sẽ viết thư cho bác sĩ Roberto giúp cho “con chim” mọc thật nhanh, là daddy sẽ làm cho con cái chân giả, tất nhiên không thể là chân thật nhưng con sẽ đi lại, chạy nhảy và còn đá bóng rất giỏi nữa...

Là người sáng lập Quỹ phòng chống thương vong châu Á, Greig Craft đặc biệt chú trọng đến sức khỏe và những nguy cơ thương vong với trẻ em. Từ năm năm trước, ông đã biết đến trường hợp của Thiện Nhân, đã lặn lội đến tận Núi Thành, Quảng Nam để thăm em và quyết tâm sẽ tìm cách giúp đứa bé bất hạnh này. Ngay sau đó ông bị cuốn vào các hoạt động cứu trợ bão Chanchu, động đất Haiti, khi trở về trên chuyến bay ông đọc được tin Thiện Nhân đã được đón về Hà Nội, đã được gọi Mai Anh là mẹ.

Greig vẫn tiếp tục dự định của mình: nhận Thiện Nhân làm con và đồng hành cùng Mai Anh trên con đường giúp Nhân tìm lại cuộc đời. Cùng với Greig, Na Hương, khi ấy đang làm việc tại Quỹ phòng chống thương vong châu Á, cũng hào hứng đi chung đường.

Thế là đã năm năm ba người có chung một nỗi lo: lo tìm bác sĩ khắp các bệnh viện liên quan ở các nước, lo sắp xếp các chuyến đi phẫu thuật dài ngày ở nước ngoài, lo thu xếp kinh phí... Cả ba người cùng nhau đưa Nhân bôn ba qua các bệnh viện Thái Lan, Singapore, Đức, Mỹ, Ý, cùng lau nước mắt thất vọng, cùng nhảy lên khóc vì vui sướng trong mỗi chặng đường tìm lại người đàn ông của Nhân.

Nhân còn bé nhưng đã hiểu mình có những bí mật và chỉ chia sẻ với những ai thật thân thiết. Ngoài mẹ, ông bà ngoại, hai anh trai, chỉ có daddy và Na Hương được Nhân đồng ý cho chăm sóc thân thể mình mà thôi.

Nhân chỉ an tâm đồng ý phẫu thuật, đồng ý khám, xét nghiệm khi có daddy gật gật đầu, nắm ngón tay Nhân và nói đi nói lại: “Daddy yêu con”. Mới đây, khi bước đi được bằng cây nạng mà daddy mua từ ba năm trước, câu đầu tiên Nhân hớn hở: “Mẹ gọi cho daddy, Na Hương đi!”.

Na Hương cũng là người đầu tiên mà Mai Anh đã gọi trong cái đêm Nhân phải đi cấp cứu khi trong nhà chỉ có bốn mẹ con. Nửa đêm, Na Hương đã phóng xe máy xuyên qua nửa thành phố để đến trông Thiên Minh, Hải Minh cho mẹ Mai an tâm đưa Nhân vào viện. Na Hương cũng là người đầu tiên thông báo cho Hội Thiện Nhân khi chính “mẹ Còi” Mai Anh phải đi cấp cứu, là người đôn đáo lo lắng không kém Mai Anh trong những đợt “tìm tiền” phẫu thuật...

Bao nhiêu ngày tháng cùng nhau đi trên hành trình Thiện Nhân ấy, hạnh phúc đã mỉm cười với họ: Na Hương đã thành vợ của Greig.

Không được bỏ qua cơ hội

“Ba người chúng tôi chỉ có yêu nhau và yêu Nhân” - Mai Anh bảo vậy. Thế nhưng đã không ít lần họ tranh cãi với nhau nảy lửa, bằng tiếng Anh rồi sang tiếng Việt, rồi giận nhau bằng nước mắt, rồi làm hòa cũng bằng nước mắt. Ấy là những khi quá trình điều trị cho Nhân gặp những khó khăn về tài chính tưởng không vượt qua nổi, những khi cả Mai Anh cũng thấy mỏi mệt vì hành trình cứ hun hút không biết đâu là điểm cuối, và yếu lòng trước những cơn đau mà bé Thiện Nhân phải nghiến chặt răng...

Và họ vẫn cùng nhau đi.

Mai Anh kể về lần chuẩn bị đưa Nhân sang Ý phẫu thuật. Cầm danh sách hàng trăm người đóng góp cho Thiện Nhân, chị chợt thấy lòng mình trĩu nặng những món nợ ân tình, và vai lại trĩu nặng hơn nữa khi nhận được thư tâm sự của các bà mẹ khác cũng có con bị khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Mai Anh đã tìm đến Greig. Greig đã bảo Mai Anh trước hết hãy sử dụng vị trí của người đồng cảnh để chia sẻ những nỗi đau đang được giấu kín, sau nữa là thu thập các hồ sơ, bệnh án để tìm cơ hội.

Cơ hội ấy là cái gật đầu của bác sĩ Roberto De Castro. Và để nhân cơ hội ấy lên, Greig Craft đã chấp nhận để chương trình “Tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may” trở thành một dự án của Quỹ phòng chống thương vong châu Á.

Khi bác sĩ Roberto chọn ra 31 ca có thể thực hiện phẫu thuật trong đợt 1 tháng 11-2011, là lúc mà sự căng thẳng giữa ba người yêu nhau ấy lên đến đỉnh điểm. Bao nhiêu phương án đặt ra cũng không giải quyết nổi vấn đề tài chính. Các email qua lại rắc đầy những dấu hỏi và những dấu cảm. Mai Anh, Na Hương đã đề nghị biện pháp dung hòa: có tiền đến đâu làm đến đấy, và lúc đó họ chỉ có thể trang trải chi phí cho năm bệnh nhân mà thôi. Nhưng Greig kiên quyết không đồng ý.

Ông lập luận: khi chỉ cần một hay vài cuộc phẫu thuật là có thể thay đổi số phận một con người, đó là một cơ hội lớn. Và bác sĩ Roberto đã cho cơ hội đó. Không lý do nào cho phép chúng ta bỏ qua hay làm chậm cơ hội đó lại. Mai Anh hiểu rằng Greig đã trải nghiệm cuộc đời nhiều hơn chị. Với công việc của mình, ông đã chứng kiến những tích tắc khi tai nạn, thiên tai ập đến và những cuộc đời bị cướp đi. Ông thấu hiểu thế nào là cơ hội.

Và hành trình nhọc nhằn để nắm lấy cơ hội lại được ba người tiếp tục, cùng ước “mỗi ngày có thêm 48 giờ nữa để chăm sóc được hết các bệnh nhi”, và kéo thêm những người bạn đồng hành.

Mạnh mẽ như Mai Anh vẫn có những phút yếu lòng, và một trong những phút ấy là: “Mỗi khi cả Greig và Na Hương đi vắng, đến giờ máy bay cất cánh rời khỏi đường băng, tôi thật sự thấy hụt hẫng, cô đơn như bị bỏ lại ở cuộc đời này. Dù chuyến đi của họ ít hay dài ngày, cảm giác của tôi vẫn vậy. Họ không chỉ là gia đình mà đã là một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi”.

Mai Anh không đồng ý gọi Greig và Na Hương là “bạn đồng hành” trên hành trình Thiện Nhân. Với chị, họ là người đồng hành cùng tình yêu.

PHẠM VŨ

No comments: